Nuôi con ở Úc: Những em bé sinh ra thời COVID

Những em bé COVID không có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Những em bé COVID không có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Source: Getty Images

Những em bé sinh sau tháng 3 năm 2020 sẽ chỉ biết đến một thế giới mà đại dịch đang hoành hành. Các em có rất ít cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí chỉ có thể chỉ nhìn thấy ông bà nội ngoại qua màn ảnh, nhiều em ra đời chỉ với một mình mẹ trên bàn mổ mà không được ai thăm nom. Sau hơn một năm, những em bé COVID giờ đây ra sao?


COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu tiên mà chúng ta từng chứng kiến trong cuộc đời mình. Đại dịch đã ảnh hưởng đến mỗi người - đặc biệt là trẻ em, bất kể chúng ta sinh sống ở nơi nào trên thế giới.

COVID-19 cũng làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng, gây ra tác động dai dẳng đối với tình hình kinh tế, xã hội và sức khỏe của người dân trong nhiều năm tới, đe dọa quyền lợi của trẻ em. 

Những em bé sinh sau tháng 3 năm 2020 sẽ chỉ biết đến một thế giới mà đại dịch đang hoành hành. Các em có rất ít cơ hội tiếp xúc với người lạ, thậm chí chỉ có thể chỉ nhìn thấy ông bà nội ngoại qua màn ảnh, nhiều em ra đời chỉ với một mình mẹ trên bàn mổ mà không được ai thăm nom.

Chúng ta đều biết những tháng năm đầu đời cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ lâu dài của trẻ. Sự phát triển trí não diễn ra với tốc độ phi thường trong năm đầu tiên của trẻ, khi não bộ tăng gấp đôi kích thước. Sự phát triển ban đầu này chủ yếu phụ thuộc vào các trải nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm xã hội, giúp kích thích, điều chỉnh và hoàn thiện cấu trúc đang hình thành của não bộ. Chắc chắn những em bé COVID sẽ không có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài như những đứa trẻ sinh ra trong những năm trước.

Chị Jenny Phan, sống tại Melbourne, Victoria, là một người mẹ sinh con giữa đại dịch. Con trai của chị, bé Reynold vừa thổi bánh kem sinh nhật tròn một tuổi vào ngày 26/6/2021.

Khi biên giới Úc chính thức đóng cửa vào tháng 3 năm ngoái cũng là lúc mọi kế hoạch sinh nở của chị Jenny tại Úc bị đảo lộn. Mẹ của chị không thể qua Úc để chăm sóc cháu sau khi sinh. Chị Jenny chia sẻ đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn.
Chị Jenny Phan cùng con trai.
Chị Jenny Phan cùng con trai. Source: Jenny Phan
"Mình sinh con vào giữa đại dịch, lúc đó bà ngoại của Reynold không thể sang. Mọi kế hoạch chuẩn bị chu đáo ban đầu đều phải thay đổi. Chỉ có hai vợ chồng mình vượt qua khoảng thời gian nuôi con đầu lòng cùng nhau. Lúc đó bệnh viện cũng kiểm tra rất nghiêm ngặt nên không ai được vào thăm.

Sau khi sinh, y tá mẫu nhi hỗ trợ rất chu đáo qua các cuộc gọi điện thăm khám. Họ hỏi thăm tình trạng sức khỏe của bé và mẹ qua điện thoại, chứ không thể đến nhà trực tiếp như trước đây.

Mình nhận thấy những em bé COVID chịu thiệt thòi nhiều khi bỏ lỡ các cột mốc quan trọng mà không có sự tham dự của bạn bè, người thân. Mình rất muốn làm đầy tháng cho con nhưng lúc đó dịch bệnh không thể làm được. Thư viện, các nhóm sinh hoạt playgroup, các trung tâm sinh hoạt đóng cửa trong một khoảng thời gian dài", chị Jenny chia sẻ với SBS. 

Một môi trường kích thích, đa dạng và tương tác sẽ hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, nhận thức, năng lực thể hiện tình cảm và khả năng giao tiếp xã hội. Sự phụ thuộc vào môi trường này làm cho não bộ của trẻ trở nên linh hoạt và có khả năng thích ứng cao. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là trẻ sơ sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của nghịch cảnh.

Căng thẳng, lo âu, các trạng thái tâm lý của cha mẹ và các vấn đề sức khỏe tâm thần đều có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, đồng thời gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sự phát triển sau này của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, nhận thức, và tình cảm. Điều này khiến chúng có nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng.
Một môi trường kích thích, đa dạng và tương tác sẽ hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, nhận thức, năng lực thể hiện tình cảm và khả năng giao tiếp xã hội. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là trẻ sơ sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của nghịch cảnh.
Thật không may, hệ thống hỗ trợ cho trẻ sơ sinh và gia đình tại Úc đã bị phá vỡ nghiêm trọng do đại dịch. Điều đáng buồn là những trẻ em dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất lại phụ thuộc vào các dịch vụ và mạng lưới hỗ trợ này nhiều nhất.

Nhiều chuyên gia chẩn đoán sức khỏe, những người cung cấp các lời khuyên y tế và các nguồn lực cung cấp dịch vụ y tế cho các gia đình có trẻ nhỏ, được triển khai thành tuyến đầu ứng phó đại dịch COVID.

Hơn hết, bạn bè và gia đình ít có cơ hội đến thăm các thai phụ, người mẹ mới sinh và trẻ sơ sinh. Hỗ trợ xã hội từ bạn bè, gia đình, các nhóm cộng đồng và các chuyên gia vô cùng quan trọng không chỉ vì nó cung cấp cho trẻ sơ sinh sự đa dạng, kích thích và cơ hội học tập, mà còn mang lại sức khỏe cho cha mẹ, những người mà trẻ phụ thuộc.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa có một thống kê hay nghiên cứu chính thức về hậu quả của đại dịch COVID với sự phát triển của trẻ sơ sinh. Ảnh hưởng của đại dịch đối với những em bé COVID là gì? Trong những hoàn cảnh này, cha mẹ có thể làm gì để giúp bé? 

"Con chỉ có thể nhìn thấy ông bà qua điện thoại. Mình cố gắng đưa con ra khỏi nhà những lúc Victoria gỡ bỏ giới hạn, cho con gần gũi thiên nhiên, vốn là điều mà trẻ sơ sinh COVID rất thiếu.

Mình bù đắp cho con sự thiếu hụt về giao tiếp xã hội bằng cách liên tục trò chuyện và dành thời gian cho con, tận dụng các apps gọi điện cho người thân để con quen với giọng của ông bà nội ngoại.

Có thể con không có được sự gắn kết với ông bà như gặp trực tiếp, nhưng con vẫn hiểu ông bà thương con nhiều lắm.

Đại dịch là điều không thể tránh khỏi và ai cũng phải chung sống với nó. Nên mình chỉ còn biết cách khắc phục và vượt qua sự khó khăn, cả việc trầm cảm sau sinh vì con. Con đã rất tội khi sinh trong thời gian này, do vậy mình lại càng thương con hơn", chị Jenny nói với SBS.

Mời nghe thêm chi tiết trong audio.

Quý thính giả có những kinh nghiệm cá nhân về việc sinh nở, nuôi dạy con cái trong thời gian đại dịch COVID-19, xin chia sẻ câu chuyện với chúng tôi qua email [email protected]

Share