LISTEN TO

Rào cản ngôn ngữ và văn hóa làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt
SBS Vietnamese
04:52
Ông Mario Raspor, sinh ra ở Croatia, năm nay 93 tuổi.
Gần 30 năm trước, bác sĩ đã khuyên ông làm xét nghiệm máu PSA (Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) – một phương pháp tầm soát dấu hiệu sớm của ung thư tuyến tiền liệt.
Ông Raspor được chẩn đoán khi ung thư chưa lan sang các bộ phận khác và nhờ vậy tránh được phẫu thuật.
“Tôi cảm thấy sợ hãi, dĩ nhiên là sợ. Tôi không mạnh mẽ đến mức có thể bỏ qua bệnh tật. Ban đầu thì rất đáng sợ, vì tôi từng nghe nhiều người khác nói. Nhưng rồi tôi tự nhủ: đây là cuộc sống của mình, cứ tiếp tục sống, chuyện gì đến sẽ đến. Đến nay đã nhiều năm, và tôi vẫn ở đây!”
Liệu pháp hormone hiện giúp ông kiểm soát bệnh, và ông giảm tác dụng phụ bằng cách tập thể dục và duy trì lối sống lành mạnh.
Dù ông Raspor đã phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm, nghiên cứu của Monash Rural Health phát hiện rằng nam giới nhập cư thường khó được chẩn đoán sớm như vậy.
Tiến sĩ Eli Ristevski là trưởng nhóm nghiên cứu.
“Nam giới đến từ các nền văn hóa và ngôn ngữ đa dạng, đặc biệt là những người không nói tiếng Anh như ngôn ngữ đầu tiên, thường được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển hơn.”
Nghiên cứu xem xét dữ liệu từ gần 26.000 người dân bang Victoria được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trong giai đoạn 2009 đến 2022.
Kết quả cho thấy, những người sinh ra ở các quốc gia không nói tiếng Anh có nguy cơ cao hơn 17% bị chẩn đoán ở giai đoạn muộn hoặc có nguy cơ cao.
Còn những người nhập cư sử dụng ngôn ngữ khác tiếng Anh có nguy cơ bị chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn cao hơn đến 54%.
Tiến sĩ Ristevski cho biết có nhiều yếu tố góp phần, bao gồm rào cản ngôn ngữ và kỳ thị.
“Nhiều người lo lắng về ung thư, lo sợ về ý nghĩa của việc bị chẩn đoán ung thư. Cũng có sự xấu hổ và nhiều yếu tố văn hóa khác.
Trong 20 năm qua, các xét nghiệm và phương pháp điều trị ung thư đã thay đổi rất nhiều, và vẫn đang tiếp tục thay đổi. Nhưng có người vẫn giữ những quan niệm cũ về việc tầm soát và điều trị.Tiến sĩ Ristevski
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ảnh hưởng đến nam giới Úc, cứ 6 người thì có 1 người được chẩn đoán trước tuổi 85.
Dù có thể điều trị dễ dàng nếu phát hiện sớm, bác sĩ tiết niệu Richard Savdie nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm để tăng cơ hội điều trị thành công và sống sót.
“Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu bằng xét nghiệm PSA đơn giản, với bác sĩ gia đình. Đó là một xét nghiệm máu. Dựa vào kết quả, bệnh nhân có thể được giới thiệu đến bác sĩ tiết niệu để xét nghiệm thêm.
Nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm gần như 100%. Nhưng nếu bị chẩn đoán ở giai đoạn di căn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn 32%.”
Bác sĩ Savdie cho biết nghiên cứu từ Monash Rural Health cũng phản ánh xu hướng tương tự ở các tiểu bang khác của Úc.
“Các cộng đồng ở New South Wales và các tiểu bang, vùng lãnh thổ khác trên toàn nước Úc đều bị ảnh hưởng tương tự như kết quả nghiên cứu ở Victoria. Nguyên nhân là do rào cản ngôn ngữ, sự hiểu biết hạn chế về y tế và nỗi sợ mang tính văn hóa xoay quanh ung thư.”
Tiến sĩ Ristevski kêu gọi có các chương trình giáo dục và truyền thông y tế phù hợp với từng nền văn hóa để đảm bảo ngôn ngữ và xuất thân văn hóa không còn ảnh hưởng đến khả năng sống sót.
“Nếu chúng ta mời gọi cộng đồng đó tham gia vào quá trình phát triển, thiết kế, thực hiện và đánh giá các chương trình, thì kết quả sẽ tốt hơn.”
Ông Raspor cho biết, dù lúc đầu sốc với chẩn đoán, nhưng thực tế cuộc sống hàng ngày khi chung sống và kiểm soát bệnh ung thư tuyến tiền liệt không còn quá đáng sợ.
READ MORE

SBS Việt ngữ