Chọn nghề gì: Một ngày đi dạy giữa sa mạc nước Úc với Minh Phương

Minh Phuong for website.jpg

Minh Phương dạy học tại Trường Công giáo John Pujajangka-Piyirn ở vùng Mulan, Tây Úc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ở một ngôi trường nhỏ giữa vùng sa mạc hẻo lánh ở Tây Úc, cô giáo trẻ Minh Phương bắt đầu ngày làm việc từ 6 giờ sáng với khoảng 10 bé, mà có hôm cả 10 bé đều... không ổn! Dù có những ngày khó khăn như vậy, cô vẫn luôn kiên trì, tìm cách vượt qua mọi thử thách để mang lại niềm vui học tập cho các em.


Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ câu chuyện của Minh Phương.
LISTEN TO
Your Career Minh Phuong 2 image

Chọn nghề gì: Một ngày đi dạy giữa sa mạc nước Úc với Minh Phương

SBS Vietnamese

20:02
Giữa vùng sa mạc hẻo lánh ở Tây Úc, cô giáo Minh Phương đang từng ngày mang tri thức và tình thương đến với các em nhỏ Bản địa. Công việc tưởng như chỉ xoay quanh phấn trắng bảng đen, nhưng với Phương, không ngày nào là giống ngày nào, và cũng chẳng có phút giây nào gọi là “bình yên” theo nghĩa thông thường.

"Không phải là các bé đánh nhau hay chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, nhưng lúc nào cũng có chuyện để lo, từ việc có rắn bò vào trường, máy in không hoạt động, đến chuyện các em khóc, không đến lớp, hay không chịu học," Phương chia sẻ.

Làm đủ mọi việc vì… không ai khác làm!

Tại ngôi trường nhỏ nơi Phương dạy học, không có lịch dọn dẹp cố định, lao công có khi đến, có khi không. Thầy hiệu trưởng đôi khi là người nấu ăn, còn giáo viên thì kiêm luôn cả việc giặt giũ, trấn an tinh thần học sinh, hoặc… đuổi rắn.

"Làm giáo viên ở đây là phải luôn tỉnh thức. Mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng phải luôn sẵn sàng để thích ứng."

Mỗi ngày làm việc 8 tiếng là 8 tiếng Phương luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, không phải vì sợ hãi, mà vì cô biết, ở đây mọi thứ đều có thể thay đổi trong chớp mắt.

Căng thẳng – nhưng không có thời gian để stress

Khi được hỏi có cảm thấy áp lực không, Phương cười:

"Không có thời gian để stress. Nói thật là đến cả nghĩ cũng không có thời gian để nghĩ.”

Dù vậy, điều khiến cô yêu mến công việc ở đây là tinh thần đồng đội và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thầy cô giáo.

"Có hôm trong lớp em có 10 bé thì cả 10 bé đều không ổn. Em chỉ cần nhắn vào nhóm 'Em không ổn' là thầy hiệu trưởng sẽ đến, cho em thời gian nghỉ ngơi đến khi hồi phục lại."

Được hỗ trợ từ hệ thống giáo dục và cộng đồng

Phương hiện là giáo viên thuộc hệ thống Catholic Education System. Ngoài công việc giảng dạy, cô còn có cơ hội tham gia các hội thảo dành cho giáo viên mới tại thành phố Broome – cách xa nơi cô sống hàng trăm cây số.
Những buổi hội thảo không chỉ giúp giáo viên được ra khỏi sa mạc một thời gian mà còn giúp chúng em hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát triển nghề nghiệp tốt hơn.
Phương nhận ra điểm mạnh của mình là tình yêu thương, nhưng điểm yếu là khó kiểm soát cảm xúc khi buồn. Từ đó, cô được đồng nghiệp và hệ thống giáo dục hỗ trợ bằng các chiến lược cụ thể.
John Pujajangka-Piyirn School.jpg
Trường John Pujajangka-Piyirn nằm ở vùng sa mạc hẻo lánh Mulan, Đông Kimberley, Tây Úc (Nguồn: John Pujajangka-Piyirn School)

Một ngày ở lớp học

Một ngày điển hình của cô Phương bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng. Cô đến trường lúc 6 giờ 30 để chuẩn bị lớp học và đón các bé vào lúc 7 giờ 20. Các em thay đồng phục ngay tại trường, và nếu quần áo bẩn, Phương sẽ giặt giúp.

Dạy học ở đây không đơn thuần là truyền đạt kiến thức. Cô phải dành 30–45 phút đầu buổi để giúp học sinh “định hình” lại rằng các em đang ở trường – nơi có quy tắc và hành vi khác với môi trường gia đình. Sau đó mới có thể bắt đầu bài học nếu các em sẵn sàng. Nếu không, cô sẽ cho các em nghỉ ngơi, ngủ hoặc chơi để giải tỏa tâm lý.

"Cả buổi sáng chỉ để chuẩn bị tâm lý cho các bé sẵn sàng học. Có hôm các em không ổn thì thầy hiệu trưởng sẽ hỗ trợ nói chuyện riêng với các bé."

Buổi trưa, Phương có khoảng một tiếng để ăn, thở và phục hồi năng lượng – thời gian quý báu hiếm hoi trong ngày.

Khi nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ với học sinh, Phương kể lại:

"Có hôm một bé đến lớp trong tình trạng mệt mỏi, người có mùi nước tiểu, không nói chuyện, chỉ lặng im. Em hỏi bé có muốn tắm không, bé gật đầu. Bé tắm 30 phút, rồi ra mặc bộ đồng phục mới mà em giặt sẵn. Nhìn bé thoải mái, dễ chịu hơn, em cũng thấy nhẹ lòng."
Mỗi ngày đi làm với em đều là một ngày vui mặc dù công việc rất vất vả. Em nghĩ đây là công việc dành cho em và em sinh ra để làm trong ngành giáo dục.

Thay đổi lớn nhất: Góc nhìn mới về thành công

Trước khi đến vùng đất xa xôi này, Minh Phương từng nghĩ thành công là có thật nhiều tiền, nhiều thời gian rảnh để đi chơi, sống trong nhà sang trọng, có xe đẹp – một cuộc sống “chanh sả” như nhiều người trẻ vẫn mơ ước. Đó là hình ảnh phổ biến về sự thành đạt trong xã hội hiện đại.

Nhưng khi đặt chân đến cộng đồng người bản địa tại Tây Úc, mọi định nghĩa về thành công trong cô hoàn toàn thay đổi.

“Em nhận ra thành công có rất nhiều góc nhìn. Với người Bản địa ở đây, thành công đơn giản là được ở gần con cái, là một đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, gắn bó với gia đình, biết quay về phụ giúp cha mẹ, hay trở thành giáo viên để tiếp tục phục vụ chính ngôi trường của cộng đồng mình.”

Minh Phương nói rằng, lịch sử đau thương của người Thổ dân với nhiều mất mát, chia cắt, khiến họ chỉ mong một điều giản dị: được sống gần gia đình, được giữ gìn văn hóa và kết nối cộng đồng.
Khi dạy học ở đây, em không đặt mục tiêu biến các em thành bác sĩ hay kỹ sư nếu đó không phải là điều các em mong muốn. Em chỉ cố gắng giúp các em trở thành người mà chính gia đình và cộng đồng của các em mong muốn – một người biết yêu thương, có kỹ năng, và có thể quay về để giúp đỡ chính nơi mình lớn lên.
Phương học được rằng tôn trọng ước mơ và định nghĩa thành công của người khác quan trọng hơn việc áp đặt điều mình nghĩ là tốt. Và đôi khi, thành công không phải là vươn xa, mà là biết quay về đúng nơi mình thuộc về.

(*Quan điểm và trải nghiệm được chia sẻ trong câu chuyện này chỉ mang tính chất cá nhân. Chúng tôi không ủng hộ hay quảng bá bất kỳ tổ chức giáo dục, dịch vụ tài chính hoặc tư vấn cụ thể nào. Người đọc nên tự nghiên cứu và tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp khi cần thiết.)

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  

Share