Các nạn nhân bị đột quỵ đã trở thành tâm điểm của tuần này, đánh dấu Tuần Lễ về bệnh Đột Quỵ Quốc Gia.
Một Quỹ thành lập vì bệnh đột quỵ tại Úc đang cố gắng nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này, đặc biệt trong những nạn nhân trẻ tuổi nhất, vốn ít được chú ý đến.
Năm 2015, cô bé Georgia Peacock 11 tháng tuổi dường như phát triển rất bình thường, cô bé sinh ra tại Sydney.
Nhưng theo lời cha của cô bé, ông Tony Peacock nói, mọi thứ xảy ra chỉ trong tích tắc.
‘Chúng tôi đang ngồi trong vườn, Georgia đang nghịch mấy hòn đá. Thì bỗng nhiên cô bé hét lên, và bắt đầu đập đầu mình về phía bên trái. Chúng tôi nhanh chóng bế bé lên, khi chúng tôi đi vào nhà thì bé đã bất tỉnh, mọi thứ xảy ra rất nhanh chỉ trong vòng hai phút đồng hồ.’
Chẳng nghi ngờ gì nữa, cô bé đã phải trải qua một nỗi đau ghê gớm.
Đó là một chứng phình động mạch, khi thành mạch máu bị phồng lên bất thường và đã bị vỡ ra trong não của bé.
Bé được nhanh chóng đưa tới bệnh viện, và các chuyên gia đã cứu được mạng sống cho Georgia.
Nhưng theo lời cha cô thì tình trạng của cô sẽ không bao giờ hồi phục được nữa.
‘Một trong những biến chứng của chứng phình động mạch não, đó là bạn có thể bị đột quỵ. Và Georgia đã bị rồi. Chỉ ba tuần sau khi được cứu sống, cô bé đã bị đột quỵ, cơn đột quỵ đó đã ảnh hưởng tới toàn bộ nửa người bên phải của bé.’
Đột quỵ là tên gọi phổ biến của tình trạng máu không thể đi đến bất kỳ một phần nào của não, do bị vỡ hoặc tắc động mạch.
Vì vậy, các tế bào não bị chết vì thiếu dưỡng chất hoặc oxy do máu mang lại, dẫn tới tử vong hoặc tàn tật.
Người ta thường cho rằng đột quỵ xảy ra chủ yếu ở người cao niên.
Nhưng cô bé Georgia Peacock là một trong 600 em bé bị đột quỵ hằng năm tại Úc.
Đây là căn bệnh nằm trong danh sách 10 nguyên nhân gây ra tử vong phổ biến ở trẻ nhỏ, và tỷ lệ tử vong cao nhất của đột quỵ xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Chỉ hai tuần trước khi tai nạn trong vườn xảy ra, bé Georgia mới vừa chập chững những bước đầu tiên.
Cha của em bé nói sau khi bị đột quỵ, Georgia phải trải qua quá trình trị liệu và em phải học lại mọi thứ căn bản hơn trước nữa.
‘Georgia không thể nhận ra là cô bé có một bàn tay và một cái chân ở bên phải. Vì vậy công việc trị liệu chủ yếu là giúp bé nhận biết rằng bé cũng có một phần cơ thể bên phải, và nếu muốn di chuyển được toàn thân thì bé phải biết di chuyển phần cơ thể bên phải này.’
Tuần này đánh dấu Tuần lễ về Bệnh Đột quỵ Quốc gia.
Quỹ về bệnh đột quỵ Úc vừa tung ra một tập thông tin đặc biệt dành cho những trẻ em sống sót sau khi bị đột quỵ, có tên gọi Hành trình Chống đột quỵ của Gia đình em.
Tập thông tin này có mục đích phổ biến những kiến thức còn thiếu sót về bệnh đột quỵ, vì đa số những tài liệu hiện có đều dành cho những người lớn tuổi hơn từng bị căn bệnh này.
Tài liệu này được phát triển nhằm phục vụ cho các bậc phụ huynh, những chuyên gia về bệnh đột quỵ trẻ em và những nhà nghiên cứu khắp nước Úc.
Người quản lý chương trình Đột quỵ Quốc gia Jude Czerenkowski nói ngày càng có nhiều người hiểu biết về bệnh đột quỵ trong trẻ em.
‘Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng đột quỵ chỉ xảy ra cho người lớn. Cộng đồng cũng không cho rằng đột quỵ là một căn bệnh. Nhưng thực tế đột quỵ có thể xảy ra cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và tuổi teenage nữa. Căn bệnh này có thể xảy ra cho bất kỳ lứa tuổi nào. Tôi nghĩ hiện nay đang có một nhận thức mới về căn bệnh này trong lứa tuổi sơ sinh, chủ yếu là do cha mẹ của những em bé đã sống sót lên tiếng. Họ đã dẫn đầu để mang lại sự hiểu biết về căn bệnh này rất tốt. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm.’
Việc nâng cao nhận thức về đột quỵ đã đến được những văn phòng của những người chịu trách nhiệm cao nhất.
Thủ tướng Scott Morrison phát biểu trong một tuyên bố gởi đến cộng đồng trong tuần lễ quốc gia về bệnh đột quỵ.
‘Tại Úc, cứ 9 phút lại xảy ra một tai nạn về đột quỵ. Và có khoảng 56 ngàn người Úc bị tình trạng này hằng năm. Đây là một trong bốn kẻ giết người và khiến người Úc bị tàn tật nhiều nhất. Đột quỵ có thể xảy ra cho bất cứ ai, bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hãy nhớ rằng các bạn phải hành động thật nhanh, để cứu mạng một người bị đột quỵ.’
Ở trẻ sơ sinh, các dấu hiệu về đột quỵ có thể bao gồm sự động kinh hoặc bị mất ngủ trầm trọng.
Còn ở trẻ nhỏ và thiếu niên, các triệu chứng có thể bao gồm sự yếu đi hoặc tê dại khuôn mặt, cánh tay, chân, đặc biệt là yếu nửa người, và những dấu hiệu về sức khỏe khác như chóng mặt, giảm thị lực, nói lắp hoặc gặp khó khăn khi nuốt.
Nếu phát hiện ai đó đang nghi ngờ bị đột quỵ, cần gọi 000 ngay lập tức.
Hầu hết trẻ em bị đột quỵ có thể bị tàn tật cả đời.
May mắn cho cô bé Georgia Peacock và sau nhiều lần điều trị tích cực, em đã lớn lên khá bình thường và nay đã được 6 tuổi rưỡi.
Em đang sống với gia đình mình tại Melbourne, em được đi học và có thể đi xe đạp.
Ông Tony Peacock nói quan trọng nhất là các em sống sót phải được trị liệu phục hồi thật nhiều ngay từ sớm.
Ông nói Chương trình Bảo hiểm Tàn tật Quốc gia NDIS đóng vai trò then chốt.
‘99% những người gặp Georgia đều không thể biết được cô bé đã từng bị đột quỵ. Đó là bởi vì chúng tôi đã thúc đẩy mạnh mẽ để cho cô bé được trị liệu sớm và thường xuyên. Chương trình NDIS là cơ hội tuyệt vời đã ủng hộ các gia đình như chúng tôi, trong những năm đầu tiên, để chúng tôi nhận được sự phục hồi cần thiết nhất. nếu không thì sau này trong cuộc đời các em, sẽ phải trải qua nhiều thứ khác và nhu cầu y tế sẽ càng tốn kém hơn.’
Còn bà Jude Czerenkowski nói hành trình tìm hiểu và nhận thức về bệnh đột quỵ ở trẻ em chỉ vừa mới bắt đầu.
‘Chúng ta đang ở điểm xuất phát của cuộc hành trình, các bệnh viện, chuyên gia, phụ huynh và cộng đồng cần phải đạt được nhiều kết quả hơn nữa cho gia đình và bản thân các em nhỏ đã sống sót sau đột quỵ.’