Đã có hơn một ngàn phụ nữ bị giết chết hồi năm rồi, trong các vụ hạ sát vì danh dự, thường do cha, anh em trai hoặc chồng ra tay thực hiện.
Những vụ giết người được nhắc đến, là hành động của một phụ nữ tự ý kết hôn, hay bị bắt gặp ngồi với một người đàn ông, trong khi có nhiều vụ không được báo cáo.
Sau 4 tiếng đồng hồ tranh luận, đạo luật đã được thông qua tại phiên họp hỗn hợp của Quốc hội.
Đạo luật mới mà các nhà vận động đã theo đuổi trong nhiều năm qua, có nghĩa là những kẻ giết người trong những trường hợp như vậy sẽ bị án tối thiểu 25 năm tù, một hình phạt nặng nề hơn tội sát nhân thông thường.
Trước đây, những kẻ giết người như vậy ít khi bị trừng phạt, do một điều khoản tha thứ, khi họ có thể được gia đình nạn nhân ân xá để tránh một hình phạt tù.
Điều khoản đó nay chỉ áp dụng cho án tử hình.
Shaista Pervaiz Malik, một dân biểu Quốc hội giải thích chi tiết.
"Cho đến gần đây, việc nầy vẫn không bị trừng phạt".
"Trước khi nội vụ bắt đầu bất cứ ai cũng có thể thi hành, và khi vụ nầy kết thúc, do họ đã được tha thứ miễn tội".
"Nay nội vụ sẽ ra trước tòa, với các chứng cớ được trình ra".
"Mọi chuyện, mọi hoàn cảnh thế nào sẽ được nghiên cứu, và rõ ràng là trong mọi trường hợp có dính líu đến chuyện nầy, đều được chứng minh là nhân danh danh dự gia đình, vì vậy hiện vẫn còn nhiều khó khăn".
Ủy hội Nhân quyền Pakistan cho biết, có gần 300 phụ nữ là nạn nhân của các vụ được gọi là "sát hại vì danh dự" , chỉ trong nửa đầu năm nay.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng xếp Pakistan vào thứ hạng áp chót là 144 trong số 145 quốc gia phân biệt phái tính.
Các nhà tranh đấu cho nhân quyền vẫn tranh đấu trong nhiều năm qua để thắt chặt luật lệ.
Quốc hội cũng thông qua một đạo luật khác nhằm bó buộc thử nghiệm D.N.A, hầu tạo dễ dàng trong việc truy tố kẻ hãm hiếp .
"Họ tìm cách áp đặt văn hóa Tây phương tại đây, chúng tôi không cho phép họ làm như vậy. Chúng tôi sẽ đề ra các luật lệ theo đúng thánh kinh Koran, đây là nguyên tắc căn bản của chúng tôi và trong Hiến Pháp cũng qui định tương tự". Thượng nghị sĩ thuộc phe bảo thủ, ông Hafiz Hamdullah.
Thế nhưng bà Nafeesa Shah thuộc đảng đối lập Nhân dân của Pakistan, cho biết bà muốn luật pháp đi xa hơn nữa.
"Tôi nghĩ việc nầy giải quyết được khó khăn, thế nhưng chỉ có một nửa".
"Tôi nghĩ vẫn còn có những lỗ hỗng, bởi vì một vụ giết người thì vẫn là một trường hợp sát nhân và nếu có ai dùng cách biện hộ là do văn hóa, chẳng hạn như do bảo vệ danh dự gia đình, thì những gì luật pháp không đề cập là họ không được phép nghĩ đến chuyện giết người, nhân danh cho danh dự gia đình".
Đạo luật đã thông qua, 3 tháng sau khi một vụ gây nhiều tranh luận, sau khi ngôi sao trên trang mạng xã hội Pakistan là cô Qandeel Baloch, bị người anh trai giết chết do ông nầy xem chuyện của cô ta, làm mất danh dự cho gia đình.
Thế nhưng Thượng nghị sĩ thuộc phe bảo thủ, là ông Hafiz Hamdullah cho biết ông không đồng ý với đạo luật mới.
"Họ tìm cách áp đặt văn hóa Tây phương tại đây, chúng tôi không cho phép họ làm như vậy".
"Chúng tôi sẽ đề ra các luật lệ theo đúng thánh kinh Koran, đây là nguyên tắc căn bản của chúng tôi và trong Hiến Pháp cũng qui định tương tự".
Được biết lý do của những người trong gia đình ra tay hạ sát một người thân, thường là phụ nữ vì họ xem đó là cách để hồi phục thanh danh và danh dự của gia đình.
Nguyên thủy hai từ được gọi là Karo và kari là hai từ ngữ trong tiếng Urdu, mang tính chất nhục mạ đối với người nam và nữ phạm tội ngoại tình, thế nhưng đã được dùng để chỉ các trường hợp khác nhau về chuyện vô luân.
Một khi người phụ nữ bị gán cho là kari, thì các thành viên trong gia đình đều có quyền giết người nầy và kẻ đồng phạm, nhằm vãn hồi danh dự cho gia đình.
Trong đa số trường hợp, nạn nhân trong vụ là nữ giới với những kẻ ra tay hạ sát là các thành viên nam trong gia đình của người nầy hoặc trong cộng đồng.
Nạn nhân nam hay nữ bị giết vì hành động bị xem là có hạnh kiểm vô đạo đức, chẳng hạn như không chung thủy trong hôn nhân, từ chối kết hôn do gia đình sắp xếp trước, đòi hỏi ly dị, có hạnh kiểm trăng hoa, hoặc do bị hãm hiếp.
Trong nhiều trường hợp chỉ vì nghi ngờ hay cáo buộc cũng đủ làm mất danh dự của gia đình và vì vậy đủ để hạ sát người phụ nữ.
Trong các nền văn hóa gia trưởng trong đó người đàn ông đứng đầu gia đình, thân phận người phụ nữ phải tuân thủ theo một qui luật khắc nghiệt về danh dự.
Nhằm giữ gìn trinh tiết của phụ nữ, họ phải chịu các thủ tục bó buộc về xã hội, chẳng hạn như phải chịu các vụ cắt âm hạch phụ nữ.
Những vụ sát hại vì danh dự cũng thấy trong chuyện thừa hưởng di sản, các thù hận giữa hai gia đình hoặc tìm cách loại bỏ người vợ để được tái hôn.
Các tổ chức nhân quyền tại Pakistan luôn lập lại rằng nạn nhân thường là phụ nữ, muốn được tự ý kết hôn với người mình yêu thương.
Phúc trình của Ân xá quốc tế năm 1999, lưu ý về sự thất bại của nhà cầm quyền trong việc ngăn cản các vụ giết người, bằng cách điều tra và trừng phạt kẻ sát nhân.