Nuôi con ở Úc (17) Làm mẹ đơn thân khiêm nhường và tận hiến

Lily Nguyen (Quỳnh Anh) and her 5 years old daughter Vivian

Lily Nguyen (Quỳnh Anh) and her 5 years old daughter Vivian Source: Supplied

Sinh nhật cô bé Vivian tròn 5 tuổi cùng là thời điểm đánh dấu hành trình 4 năm làm mẹ đơn thân của Lily Nguyen (Quỳnh Anh). Dù có đơn thân hay không đơn thân, Lily luôn quan niệm người phụ nữ cần độc lập về tài chính, có khả năng tự nuôi sống bản thân, để trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ làm chủ được cuộc đời mình. Làm mẹ đơn thân, quyết định tưởng chừng thênh thang nhưng đằng sau đó là biết bao nhiêu nước mắt, khi liên quan đến một số phận bé nhỏ.


Sinh nhật cô bé Vivian tròn 5 tuổi cùng là thời điểm đánh dấu hành trình 4 năm làm mẹ đơn thân của Lily Nguyễn (Quỳnh Anh).

Có hai kiểu người mẹ đơn thân thường gặp trong xã hội hôm nay: người mẹ đơn thân vì bị phụ tình và người mẹ đơn thân sau ly hôn. Lily là người mẹ thuộc nhóm thứ hai. Cô bước ra khỏi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, ở độ tuổi đẹp đẽ và chín chắn nhất của người phụ nữ, 25 tuổi, và chấp nhận nuôi con một mình.

Sở hữu trong tay tấm bằng cử nhân loại giỏi về kinh tế và tài chính ở Úc lúc sinh bé Vivian, trong khi bạn bè lao về phía trước, số phận đưa Lily Nguyễn đến một trang khác của cuộc đời. Lily rơi vào hoàn cảnh một mẹ một con, tạm gác lại việc vẫy vùng leo lên từng nấc thang sự nghiệp, cô hạnh phúc với việc chăm sóc con thơ.

Ngắm nhìn nụ cười viên mãn, bình an của hai mẹ con Lily Quỳnh Anh trong những chuyến ngao du, rong ruổi cùng nhau, chẳng mấy người đọc ra những sóng gió đã đi qua cuộc đời của họ. Như Lily từng tâm sự “có bình yên nào mà không xót xa”.
Lily Nguyễn chia sẻ bé Vi là một cô bé vô cùng mạnh mẽ và nhạy cảm
Lily Nguyễn chia sẻ bé Vi là một cô bé vô cùng mạnh mẽ và nhạy cảm Source: Supplied
Trong khi nhiều người mẹ khác vẫn loay hoay tìm cách làm bạn với con, bé Vivian 5 tuổi đã sớm trở thành một chỗ dựa đầy bao dung, thấu hiểu của mẹ, như Lily chia sẻ “hai mẹ con đi đâu cũng có nhau, trải qua những khó khăn cùng nhau, cùng rong ruổi trên những chuyến đi và cùng chia sẻ những kỉ niệm đẹp”.

Tôi gọi điện cho Lily vào 4h chiều, sau khi cô tan sở để phỏng vấn. Cuộc trò chuyện tưởng chừng như không bao giờ kết thúc, khi Lily lần đầu trải lòng về chuyện làm mẹ đơn thân trong xã hội Úc, đoạn đường chông gai mà cô đã đi qua, và niềm hạnh phúc khi được làm mẹ. Một chủ đề nhạy cảm, được Lily chia sẻ với tình yêu và tuệ giác thông thái của một người đi xa, đọc nhiều, sống sâu, nghĩ chậm và cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống. Sau hơn một tiếng trò chuyện không dứt, Lily vội vã chia tay tôi để kịp đến trường đón con.

Lily đang làm công việc quản trị văn phòng 5 ngày một tuần, tự nhận mình là người-phụ-nữ không-cho-phép-bản- thân- được- bệnh, cô đi ngược lại với những định kiến thông thường của xã hội- “làm mẹ đơn thân đã có chính phủ Úc nuôi”. Với Lily, đi làm không chỉ để kiếm tiền nuôi con, mà còn để dạy con. Đối với cô, một công việc có ích cho xã hội là cách Lily sống trọn vẹn và cống hiến. Đó là lý do cô vẫn cặm cụi đến công sở, dù thời gian đầu khi mới quay trở lại công việc, tiền lương mỗi ngày chỉ vừa đủ trả tiền nhà trẻ cho con.

SBS Việt ngữ: Với Lily, việc chia tay người chồng cũ của mình khi con gái vừa thổi nến chiếc bánh sinh nhật đầu tiên trong đời có phải là một quyết định đột ngột?

Lily Nguyễn: Quyết định này không được đưa ra chóng vánh trong cơn giận, mà đã được cân nhắc, nâng lên đặt xuống rất nhiều lần. Thời điểm đó mình khổ tâm và dằn vặt rất nhiều. Tuy nhiên cuối cùng việc chia tay diễn ra cũng nhẹ nhàng, vì cả hai người đều đồng thuận.

Đến giờ mình vẫn thấy anh là một người tốt, hiền lành, là một người bạn tốt với bạn bè và là một công dân tốt cho xã hội. Giữa mình và anh cũng không có cãi vã hay tranh chấp gì. Sự rời xa này rất tự nhiên, chẳng ai có lỗi, cũng chẳng ai xấu”.

Một người đã sẵn sàng cho một chương mới, là chương “gia đình”, còn một người thì chưa. Không có mình, anh cũng đỡ phải gồng gánh trách nhiệm, và không có anh, mình cũng đỡ vất vả hơn.
Lily luôn mong muốn con đừng nghĩ rằng “hoàn cảnh như tôi là đau thương, là bất thường”. (Lily và bé Vivian lúc nhỏ)
Lily luôn mong muốn con đừng nghĩ rằng “hoàn cảnh như tôi là đau thương, là bất thường”. (Lily và bé Vivian lúc nhỏ) Source: Supplied

SBS Việt ngữ: Đó có phải là quyết định khó khăn với Lily không? Gia đình, bạn bè phản ứng như thế nào với quyết định này? Lily có dễ dàng vượt qua được áp lực từ dư luận không?

Lily Nguyễn: Ban đầu gia đình mình cũng phản đối. Chuyện bình thường mà. Chẳng có cha mẹ nào lại nói “ừ thôi bỏ nhau đi” cả, kể cả hai vợ chồng có đánh nhau vỡ nhà đi nữa. Đằng này, giữa anh và mình lại quá lặng lẽ.  Anh chẳng hề níu kéo, còn mình cũng đã quá quen với việc sống và chăm sóc con một mình bấy lâu”.

May mắn là bố mẹ mình thuộc dạng không “nhảy xổ” vào đời con cái, bắt nó phải theo ý mình. Có lo buồn, ông bà cũng giữ trong lòng rồi tìm cách theo dõi và động viên mình thôi. Ngoài ra mình rất biết ơn vì trong chuyện này, hai bên gia đình đều đối xử rất văn minh và có tình người.

Má chồng mình không một lời quở trách, không vì “bênh con bất chấp” mà coi mình là “vai phản diện”. Thậm chí bà còn thông cảm và nói với mình là “Phụ nữ thường thiệt thòi hơn đàn ông, nhất là khi đã có con cái. Con vậy là dũng cảm hơn má rồi. Thôi thì ráng làm lụng nuôi con. Hai mẹ con ổn là má mừng.” Bà còn giúp đỡ mình rất nhiều ở giai đoạn mình mới đi làm và ngay cả bây giờ nữa.

Về dư luận thì một thời mình cũng quan tâm lắm, ai nói gì mình cũng nghĩ ngợi rồi suy diễn, dằn vặt bản thân nữa. Nhưng về sau mình dần hiểu là mỗi người có một cái nhìn khác nhau dù cùng nhìn một sự vật/sự việc. Chẳng tội gì cố bắt người ta phải nghĩ như mình.
Con người mình không phải là con người trong mắt thiên hạ, không được định nghĩa bởi thiên hạ, đâu ai sống giùm cuộc sống của mình, đâu ai chịu khổ giùm mình đâu? Thế nên thời gian lo buồn vì lời nói của thiên hạ, mình có cả một con người rạn nứt, thương tổn và già cỗi bên trong, cùng với một đứa con thơ bên cạnh - cả hai đối tượng đều cần được quan tâm chăm sóc mỗi ngày.
Quan trọng là, con người mình không phải là con người trong mắt thiên hạ, không được định nghĩa bởi thiên hạ, không phải là kết quả từ sự nhào nặn của thiên hạ. Hơn nữa, nhận xét thì rất dễ, lời nói phát ra chưa cần tới 1 giây suy nghĩ (mình cũng có những lúc nhận xét nhanh nhảu không thấu đáo như vậy thôi), nhưng đâu ai sống giùm cuộc sống của mình, đâu ai chịu khổ giùm mình đâu?

Thế nên thời gian lo buồn vì lời nói của thiên hạ là thời gian mất đi, trong khi mình có cả một con người rạn nứt, thương tổn và già cỗi bên trong, cùng với một đứa con thơ bên cạnh - cả hai đối tượng đều cần được quan tâm chăm sóc mỗi ngày.

SBS Việt ngữ: Làm mẹ đơn thân không phải là một chuyện đơn giản khi mình hoàn toàn đơn độc trên con đường gian nan trong việc chăm sóc con thơ. Đâu là khó khăn lớn nhất với Lily?

Lily Nguyễn: Đối với mình, chăm sóc một đứa con không chỉ có chuyện nuôi mà còn chuyện dạy nữa. Nếu may mắn có một đứa con khỏe mạnh, thì khi một người mẹ một mình nhận lãnh trách nhiệm ấy đã là vất vả rồi.

Con mình thì không được may mắn về sức khỏe. Con có một vấn đề về da mãn tính, bắt đầu bị từ lúc ba tháng tuổi. Chăm con rất vất vả, đòi hỏi phải rất chi tiết, công phu. Ăn uống thì kiêng khem, thuốc thang tắm rửa phải thực hiện mỗi ngày, ngay cả đến đêm là thời gian nghỉ ngơi nhưng hai mẹ con cũng không được nghỉ ngơi hoàn toàn.

Mình luôn phải ngủ chập chờn vào ban đêm để kịp thời chăm sóc con khi con cần. Nhưng mình không cho phép mình được mệt, vì con cần mình là chỗ dựa, và là chỗ dựa duy nhất.
"Điều quan trọng con cần biết là: con được yêu thương, những người gần gũi quanh con rất yêu con và thương con, bất kể hình thái gia đình như thế nào."
"Điều quan trọng con cần biết là: con được yêu thương, những người gần gũi quanh con rất yêu con và thương con, bất kể hình thái gia đình như thế nào." Source: Supplied

SBS Việt ngữ: Lily từng nói Vivian là một cô bé rất dũng cảm. Có phải vì hoàn cảnh mà con nhận thức được “mình cũng chính là chỗ dựa của mẹ”?

Lily Nguyễn: Mình thấy con mình rất dũng cảm, nhiều khi còn dũng cảm hơn cả mình, vì có bệnh như vậy mà con luôn cố gắng vượt qua, dù con còn rất nhỏ chưa hiểu hết chuyện. Từ ăn kiêng nghiêm ngặt đến quấn ướt (wet dressing), uống thuốc hằng ngày... đủ mọi chiêu điều trị, mẹ cắn răng làm, còn con cũng gắng sức hợp tác với mẹ.

Cũng có nhiều lúc con tủi thân, lặng lẽ khóc, mình nhìn thấy ánh mắt của con mà xót xa lắm, nhưng vẫn ráng động viên con, vẫn giữ cho con hy vọng một ngày nào đó con sẽ khỏi bệnh. Cơ thể con thường xuyên bị ngứa ngáy khó chịu như vậy nhưng phần lớn thời gian con là một cô bé vui vẻ, lanh lợi và rất tình cảm. Có những lúc mình buồn, thất vọng hoặc bi quan, mình ôm con khóc, con lại vuốt ve vỗ về mẹ và động viên mẹ bằng những lời nói ngô nghê. Đôi lúc mình thấy con như một người bạn thân, thấu hiểu và bao dung với mình. Hai mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau vượt qua những khó khăn, và sẻ chia những kỷ niệm đẹp.

SBS Việt ngữ: Bé Vi có bao giờ hỏi Lily về việc tại sao ba lại vắng mặt trong những sự kiện ở trường học, hay “gia đình mình chỉ có mẹ và con”, “ba con đâu”, “ba và mẹ không thương nhau à”… không? Những lúc đó Lily giải thích với bé Vi như thế nào?

Lily Nguyễn: Có lẽ vì mình đã may mắn được hai bên gia đình thông cảm và mình cũng đã cố gắng để có cuộc chia tay nhẹ nhàng, nên giữa mình và ba của Vi không đến mức không nhìn mặt nhau. Mình cũng lưu ý không nói xấu người kia với con, vì cho dù hai người không là vợ chồng nữa, nhưng vẫn là ba là mẹ của con.

“Vận động hành lang” với con để làm gì để rồi đứa nhỏ phải khó nghĩ và hoang mang, khi con chưa có khả năng tư duy những chuyện tình cảm tâm lý xã hội phức tạp? Mình vẫn nói với con về ba như là... ba của con thôi, không có gì thay đổi cả. Vẫn cứ coi ba như một người trong gia đình, thuộc vòng tròn các mối quan hệ gần gũi quanh con, bao gồm có mẹ, ông bà nội ngoại, cậu, dì...
Điều quan trọng con cần biết là: con được yêu thương, những người gần gũi quanh con rất yêu con và thương con, bất kể hình thái gia đình như thế nào. Mình nghĩ đấy mới là điều quan trọng nhất.
Mình không nói xấu ba của Vi nên con cũng không hỏi những câu như ba mẹ hết thương nhau rồi hả, hay có suy nghĩ tiêu cực gì. Mình nghĩ thế này, khi hai người còn tình cảm yêu đương thì đứa con là cầu nối cho hai người là vợ chồng. Khi hai người hết tình cảm yêu đương thì đứa con vẫn là cầu nối cho hai người là bạn bè. Chỉ là cha và mẹ có sử dụng cầu nối đó hay không thôi.
"Cũng có lúc con hỏi mình vì sao những người khác có ba và có mẹ, còn con thì không có ba".
"Cũng có lúc con hỏi mình vì sao những người khác có ba và có mẹ, còn con thì không có ba". Source: Supplied
Cũng có lúc con hỏi mình vì sao những người khác có ba và có mẹ, còn con thì không có ba. Mình trả lời con thế này: con có ba chứ, ba ở với bà nội đó, vì ba thích ở với mẹ của ba hơn nên ba ở với bà nội. Giống như con thích ở với mẹ đó.

Với lại một gia đình không cứ là một mẹ, một ba và một con đâu nhé. Có người có hai mẹ một ba này, có người có hai ba một mẹ này, cũng có người có hai mẹ mà không có ba, hoặc hai ba mà không có mẹ nào cả. Cũng có những người chỉ có ông bà mà không có ba mẹ, và cũng có những người có hai bà với một ông, hoặc có hai ông nhưng chỉ có một bà. Vi cũng có những người bạn/anh chị em họ có hoàn cảnh tương tự như vậy nên con hình dung được ngay.

Mình trả lời vậy để con hiểu được phần nào sự đa dạng của xã hội, và không có suy nghĩ “hoàn cảnh như tôi là đau thương, là bất thường”, vì thực tế cuộc sống đa dạng lắm, chứ không phân ra bình thường với bất thường.

Điều quan trọng con cần biết là: con được yêu thương, những người gần gũi quanh con rất yêu con và thương con, bất kể hình thái gia đình như thế nào. Mình nghĩ đấy mới là điều quan trọng nhất.

Vì vậy không nên đóng khung suy nghĩ của mình trong một hình mẫu, để rồi khi nó trật ra khỏi hình mẫu đó, mình lại nảy ra ý nghĩ bi luỵ đau khổ, cho rằng cứ khác đi là tiêu cực. Suy nghĩ như vậy cũng sẽ khiến mình nhìn mọi thứ toàn vẹn và cân bằng hơn, là tiền đề của cảm giác hài lòng, khiêm tốn và biết ơn.

SBS Việt ngữ: Lily thấy vừa làm mẹ vừa làm cha như vậy, đòi hỏi người phụ nữ phải bản lĩnh như thế nào?

Lily Nguyễn: Mình hay nói đùa rằng thực ra trở thành mẹ đơn thân có gì khó đâu, cứ có con và ly dị chồng là trở thành mẹ đơn thân rồi. Thật ra lâu nay cũng nhiều người bạn gái tìm đến mình nhờ tư vấn chuyện gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chủ yếu họ hỏi mình là vì thấy cuộc sống của hai mẹ con “có vẻ” vui, con mình “có vẻ” là một cô bé hạnh phúc và mình cũng “có vẻ” ung dung tự tại.

Tuy nhiên mình cũng chia sẻ thật lòng rằng có những quyết định tưởng chừng thênh thang nhưng đằng sau nó là biết bao nhiêu nước mắt. Một quyết định sống độc thân là của riêng một người, nhưng khi quyết định ấy lại liên quan đến một số phận nữa thì không đơn giản chút nào.

Mình đã chia sẻ với các bạn gái một cách thật lòng về những khó khăn và thách thức, cả những giai đoạn sóng gió về tinh thần của mình, vượt qua được nó thì mình có những khoảnh khắc hạnh phúc mà mình chia sẻ ra ngoài, còn thời gian trước đó thì đâu ai biết đâu. Nghe xong thì...ai cũng bỏ ý định làm mẹ đơn thân!
"Ở xã hội Úc mình chưa từng thấy chuyện kỳ thị hay bắt nạt mẹ đơn thân. Chính phủ Úc cũng có rất nhiều chính sách để giúp đỡ người mẹ"
"Ở xã hội Úc mình chưa từng thấy chuyện kỳ thị hay bắt nạt mẹ đơn thân. Chính phủ Úc cũng có rất nhiều chính sách để giúp đỡ người mẹ" Source: Supplied
Nói đến đây thì chắc Ngọc và mọi người hiểu, cuộc sống độc thân chăm sóc một đứa con nó đòi hỏi nhiều thứ lắm. Tuy nhiên, mình nghĩ người phụ nữ một mình nuôi con hay người phụ nữ lấy phải người chồng vô tâm không cùng chia sẻ gánh vác, thì đều đòi hỏi bản lĩnh tương tự nhau.

Phải tháo vát, phải tự chủ. Ngoài ra mình luôn tự nhủ phải lạc quan trong mọi tình huống. Tuy cũng không tránh khỏi những lúc chạnh lòng, nhất là những khi ốm mệt, không có bàn tay nào chia ra giúp đỡ, nhưng cuộc sống mà, có bao giờ bằng phẳng mãi đâu?

SBS Việt ngữ: Nhiều phụ nữ vì không thể sống độc lập, phụ thuộc vào kinh tế của người chồng, nên phải “ngậm đắng nuốt cay” chung sống dưới một mái nhà không hạnh phúc để nuôi con. Theo Lily, người mẹ khi quyết định nuôi con một mình, phải chuẩn bị tài chính như thế nào?

Lily Nguyễn: Mình quan niệm cho dù có đơn thân hay không đơn thân, thì người phụ nữ cũng cần độc lập về tài chính, có khả năng tự nuôi sống bản thân, để trong bất kỳ tình huống nào mình cũng sẽ làm chủ được cuộc đời mình.

Ở xã hội Úc mình chưa từng thấy chuyện kỳ thị hay bắt nạt mẹ đơn thân. Chính phủ Úc cũng có rất nhiều chính sách để giúp đỡ người mẹ nói riêng và người lao động nói chung. Vì vậy, ở Úc chỉ cần có lao động thì sẽ có ăn.

Người mẹ ở nhà nuôi con sẽ được trợ cấp một khoản tiền hàng tháng, còn nếu gửi con đi nhà trẻ cũng sẽ được hỗ trợ từ 50 đến 75 % chi phí. Việc làm cũng đa dạng với mức lương khá. Bảo hiểm y tế và hệ thống y tế công của Úc cũng tốt nên người dân không phải tiêu quá nhiều tiền túi cho việc này, cũng đỡ phải nơm nớp lo để dành ra một khoản cho y tế thuốc men để “nhỡ có bề gì còn có cái xài”.

Tính ra, về tài chính, mình cần chi trả cho: chỗ ở, xe cộ, các hóa đơn điện, nước, điện thoại, tiền học cho con và nhu yếu phẩm. Như vậy thì một người đi làm part time có thêm trợ cấp chính phủ, hoặc đi làm full time hoàn toàn có khả năng sống được, tất nhiên còn tùy vào nhu cầu của người đó đến đâu. Ông cha ta xưa có câu “khéo co thì ấm”, mà điều này thì mình nghĩ người phụ nữ có khả năng trời phú cao hơn đàn ông.

SBS Việt ngữ: Một nhà văn trong nước, Lê Hoàng từng nói “Nếu bạn không giàu có, không thành đạt, bạn làm mẹ đơn thân sẽ kinh khủng vô cùng.” Điều đó có đúng không?

Lily Nguyễn: Về câu mà chú Lê Hoàng nói, theo mình, nếu trong một xã hội mà người dân phải chi trả nhiều tiền túi vào dịch vụ y tế, luôn phải để dành ra một khoản phòng những lúc sơ sảy hoặc xui rủi bất ngờ, giáo dục thì đắt đỏ, lại không có các chính sách hỗ trợ hoặc phúc lợi xã hội,... thì đúng là người đó sẽ chịu áp lực nặng về tài chính.

Ngoài ra nếu trong một xã hội còn có những đánh giá phiến diện về những người mẹ “không chồng”, những đứa con “không cha”, thì việc người mẹ chịu áp lực phải vươn lên, phải thành công, để người ngoài nể sợ, để người ngoài không bắt nạt hai mẹ con... cũng là điều dễ hiểu. Vậy nên chú Lê Hoàng mới nhận định nếu không giàu có, không thành đạt, thì việc làm mẹ đơn thân sẽ rất khủng khiếp.

Tuy nhiên, theo mình thì suy nghĩ này cũng khá “nguy hiểm”. Vì nếu nghĩ phải giàu có, phải thành đạt thì cuộc sống mới “đỡ khủng khiếp”, thì ta sẽ vội vã lao theo những điều này, và mặc dù mục đích thì tốt (muốn cuộc sống của hai mẹ con dễ thở hơn), nhưng lao theo rồi lại dễ lạc, dễ đi xa khỏi mục đích ban đầu. Giàu có bao nhiêu là đủ? Thành đạt bao nhiêu là đủ? Liệu có thể vừa giàu có, vừa thành đạt, lại vừa đảm bảo được sự hiện diện thường xuyên và trọn vẹn của mình trong cuộc đời của con không?
Đối với mình, làm một công việc có ích cho xã hội là cách mình sống và cống hiến. Mình muốn con nhìn thấy mẹ nó cũng chăm chỉ lao động, thấy mẹ giao tiếp với cộng đồng, tạo ra giá trị cho cuộc sống.
Thời gian qua mình đã học, đọc và chiêm nghiệm nhiều về sức khỏe tinh thần. Mình nhận ra và thấm thía một điều thế này: muốn đứng vững phải dựa vào chính mình, không phải dựa vào tài sản, vị thế, hay một người nào khác. Nói về thành đạt và giàu có, nếu nó là hoa trái của nỗ lực cá nhân thì đương nhiên thật tuyệt vời.

Tuy nhiên nếu phải dựa vào những điều đó để cho cuộc sống đơn thân đỡ khủng khiếp thì chẳng phải hạnh phúc và bình an của mình đang trồi sụt theo ...biến động giá vàng, ngoại tệ và cổ phiếu hay sao? Hơn nữa, “thành đạt” là một con đường chỉ có tiến chứ không có đứng yên. Chẳng lẽ nếu một ngày ta hết làm tới vị trí đó, quyền lực đó, ta chẳng còn là gì nữa? Thế nên mình nghĩ sướng khổ là do mình.

Điều mình có thể làm là chăm sóc cho chính đời mình, sống cuộc sống của mình. Hãy quay vào bên trong, chăm sóc cho tâm hồn mình, học cách an trú trong nội tâm mình, và nắm lấy phút giây hiện tại.
"Mình quan niệm khoản tiền chính phủ cho chỉ là để hỗ trợ, là tạm thời và chỉ mang tính chất “bệ đỡ” cho tới khi mình sẵn sàng lao động"
"Mình quan niệm khoản tiền chính phủ cho chỉ là để hỗ trợ, là tạm thời và chỉ mang tính chất “bệ đỡ” cho tới khi mình sẵn sàng lao động" Source: Supplied

SBS Việt ngữ: Nhiều người cho rằng “làm mẹ đơn thân ở Úc được chính phủ cho nhiều tiền lắm”, không phải lo lắng gì việc nuôi con cả. Những quan điểm như vậy có đúng không?

Lily Nguyễn: Đúng là so với các nước đang phát triển thì chính sách về phúc lợi xã hội của các nước phát triển ví dụ như Úc tốt hơn hẳn. Thẳng thắn mà nói thì với mẹ đơn thân, tiền trợ cấp mà chính phủ hỗ trợ hằng tuần vừa đủ chi trả cho tiền thuê nhà và nhu yếu phẩm. Điều đó đảm bảo mình có thể sống sót, nhất là khi con còn quá nhỏ.

Tuy nhiên về lâu dài thì không thể nói là không lo lắng gì được. Mình là một người mẹ đã dành hai năm ở nhà nuôi con, vừa vì sức khoẻ con không tốt, vừa vì muốn con mình được đạt tối ưu trong sự phát triển thể chất và tinh thần ở những năm đầu đời quan trọng. Tuy nhiên mình không có ý định cứ tiếp tục sống dựa vào trợ cấp chính phủ mãi, dù khi quyết định đi làm thì khoản trợ cấp này sẽ bị cắt. Có 2 lí do:

Thứ nhất, muốn cuộc sống ổn định thì không thể ở thuê suốt đời. Bạn phải đi làm, phải có thu nhập thì mới vay được tiền ngân hàng và thực hiện ước mơ sở hữu nhà, để an cư lạc nghiệp.

Thứ hai, mình đi làm không chỉ để kiếm tiền nuôi con, mà còn để dạy con. Với mình, cả “nuôi” và “dạy” đều quan trọng. Việc đi làm cho mình kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng quý giá. Con cái cũng sẽ nhìn vào và vô thức học theo.

Đối với mình, làm một công việc có ích cho xã hội là cách mình sống và cống hiến. Mình muốn con nhìn thấy mẹ nó cũng chăm chỉ lao động, thấy mẹ giao tiếp với cộng đồng, tạo ra giá trị cho cuộc sống.

Mình quan niệm khoản tiền chính phủ cho chỉ là để hỗ trợ, là tạm thời và chỉ mang tính chất “bệ đỡ” cho tới khi mình sẵn sàng lao động. Nó không phải “thu nhập”. Mình không sống dựa vào nó.

Thời gian đầu khi mới quay trở lại công việc, tiền lương của mình mỗi ngày chỉ vừa đủ trả tiền nhà trẻ cho con, nhưng mình vẫn làm, không phải vì ngày hôm nay, mà vì tương lai. Nếu không có bước khởi động đó sẽ không có các bước tiếp theo.

SBS Việt ngữ: Nhìn lại hành trình làm mẹ của mình, Lily có muốn thay đổi điều gì không? Lily có hạnh phúc vì được làm mẹ?

Lily Nguyễn: Rất nhiều khi mình muốn quay lại thay đổi nhiều thứ chứ! Nhất là những lựa chọn của mình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy mọi thứ xảy ra đều có lí do của nó, đều kết nối với nhau, chưa chắc thay đổi một thứ mà khiến mọi thứ khác đều tốt hơn. Điều quan trọng là mình học được gì sau những sai lầm, để lần sau làm cho đúng. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ hối hận vì được làm mẹ. Làm mẹ là điều thay đổi con người mình nhiều nhất. Mình luôn cảm thấy biết ơn về điều đó.

SBS Việt ngữ: Lily nghĩ rằng hoàn cảnh làm mẹ đơn thân đã thay đổi cuộc sống, tính cách và hun đúc nên Lily của ngày hôm nay như thế nào?

Lily Nguyễn: Về trải nghiệm, mình không dám nhận là có nhiều. Tuy nhiên hoàn cảnh của mình đã khiến cái nhìn của mình về mọi thứ trở nên ít định kiến hơn, ít đem suy nghĩ chủ quan ra để đánh giá hơn, cân bằng và toàn vẹn hơn.

Mình cũng học hỏi theo những người phụ nữ trưởng thành hơn, có nội tâm vững vàng và an lạc hơn mình, trong đó có nhà văn Hồ Thị Hải Âu - một người mình rất nể phục về tư tưởng sống và giáo dục con cái. Mình xin trích dẫn một vài dòng mà cô đã chia sẻ, rất tình cờ gần đây mình đọc được:

“Là con gái, nhất là con gái Việt, không ai không mơ một tổ ấm gia đình hạnh phúc đầy đủ lứa đôi như nó cần phải như thế, nên như thế.

Hôn nhân, một khế ước xã hội có giá trị ràng buộc trách nhiệm nào đó, về con cái, về tài sản vân vân, được pháp luật quy định, bảo vệ; nhưng nó lại không thể đong đếm tình cảm, sự thắm thiết, khăng khít của hai tâm hồn, hai người được viết tên trong tờ giấy đó.

Xét ở giá trị nhân văn, tờ hôn thú có sức nặng trong việc bảo vệ quyền của người phụ nữ và đứa trẻ khi có sự chia tay, nhưng nó lại hoàn toàn vô nghĩa để đánh giá về mức độ thành công hay hạnh phúc của người cầm giữ trong tay tờ hôn thú đó.
"Nếu trong một xã hội còn có những đánh giá phiến diện về những người mẹ “không chồng”, những đứa con “không cha”, thì người mẹ chịu áp lực"
"Nếu trong một xã hội còn có những đánh giá phiến diện về những người mẹ “không chồng”, những đứa con “không cha”, thì người mẹ chịu áp lực" Source: Supplied
Nếu bạn hạnh phúc đích thực với người đàn ông/ đàn bà mà bạn tin yêu, thì tờ hôn thú không cần đến! Nếu bạn bất hạnh, đau khổ trong chính cuộc hôn nhân của mình, thì tờ hôn thú không làm thay đổi được chất lượng cuộc sống của bạn! Nên khi tờ hôn thú chỉ là một tờ giấy hoàn toàn hình thức, giáo điều, giả dối thì cớ gì phải nắm giữ khư khư?

Ly hôn cần đến, khi không còn giải pháp nào tốt hơn, khi nó trở thành giải pháp duy nhất hợp lý với khát vọng xây đắp một tổ ấm mới để nuôi dạy con cái nên người, để tràn đầy tình yêu trên từng chặng hành trình của con. Khi đó, thì việc lựa chọn một thái độ chủ động, bình tĩnh và tỉnh táo bước vào con đường làm mẹ đơn thân, giống như chọn một ngả rẽ để hành trình êm thuận hơn, do đó nó không có gì đặc biệt và khác biệt.

Dần dần, khi đã rời xa thời điểm ly hôn, khi sự nỗ lực đã đưa đến một cuộc sống yên lành, bên ô cửa sổ mới, tôi nhận ra bao điều có giá trị, và rồi, tôi bước tới mùa gặt hái những thành tựu, những hạt mầm an vui mà mình gieo trồng từ nỗ lực sống tràn đầy. Dần dần, và không mất quá nhiều thời gian, yếu tố “đơn thân” trở nên mờ nhạt không mấy ý nghĩa trong việc đong đếm chất lượng sống của người đàn bà luôn suy nghĩ tích cực.

Làm mẹ đơn thân , đó không phải là điều xấu hơn, cũng không phải là điều tốt hơn; cũng không nên là một lựa chọn mặc định! Điều quan trọng là bạn chỉ cần nhìn nó tự nhiên như một dòng chảy, đánh giá nó một cách thực tế, không ảo tưởng nhưng cũng đừng khiếp sợ. Và nếu đường đời của mình, bạn là mẹ đơn thân thì bạn nên học cách chung sống hòa hợp để có được an vui và quan trọng hơn, đó là dạy dỗ con cái nên người trong một hành trình có nhiều tiếng cười hạnh phúc.”

Hy vọng những dòng trích dẫn trên sẽ giúp động viên những người mẹ đơn thân, như nó đã làm với mình.

Cảm ơn Ngọc đã cho mình cơ hội được chia sẻ về một chủ đề nhạy cảm, khó nói này. Mình hy vọng những chia sẻ của mình sẽ tìm được sự đồng cảm, và lan toả được cảm hứng sống tích cực, khiêm nhường và tận hiến, dù trong hoàn cảnh như thế nào, ở những người phụ nữ nói chung và những người mẹ đơn thân nói riêng.

--

Mời quý thính giả nghe toàn bộ phần phỏng vấn với Lily Nguyễn (Quỳnh Anh) trong phần audio.

Share