Chính phủ Anh quốc đã thông báo, đến năm 2040, tức là còn 23 năm nữa, tất cả những loại xe chạy bằng dầu diesel, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại Luân Đôn, sẽ bị cấm.
Bộ trưởng Môi trường Michael Gove cho hay, các loại xe chạy bằng xăng cũng sẽ chịu số phận tương tự.
“Chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng dầu diesel và xăng ra khỏi đường phố nếu chúng ta muốn giải quyết những vấn đề về sức khỏe do môi trường ô nhiễm gây ra, đồng thời vẫn đáp ứng các mục tiêu về thay đổi khí hậu.”
Ô nhiễm không khí có liên quan đến khoảng 40,000 trường hợp tử vong sớm ở Anh và khí thải từ xe ôtô cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính.
Trước đó, Chính phủ Anh đã bị Tòa án Tối cao yêu cầu phải đưa ra được một kế hoạch giải quyết ô nhiễm môi trường mới do những kế hoạch trước đó không đủ mạnh và hiệu quả để có thể đưa mức độ ô nhiễm tại Anh xuống mức cho phép.
Mặc dù chính phủ Anh liên tục trì hoãn nhưng cuối cùng các bộ trưởng đã bị nghiêm khắc yêu cầu phải đưa ra bản dự thảo vào tháng Năm vừa qua và đưa ra các biện pháp cụ thể vào tháng Bảy này.
Theo thống kê, ô nhiễm không khí có liên quan đến khoảng 40,000 trường hợp tử vong sớm ở Anh và khí thải từ xe ôtô cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính.
Kế hoạch này tương tự với kế hoạch vì môi trường của Pháp trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân chọn đi xe chạy bằng điện thân thiện với môi trường hơn. Và cũng trong tháng này, Bộ trưởng Môi trường Pháp cũng thông báo sẽ cấm tất cả các phương tiện sử dụng xăng và dầu diesel từ năm 2040 nhằm hoàn thành cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thực tế, Pháp không phải là quốc gia duy nhất thực hiện mục tiêu này. Na Uy đặt mục tiêu cho tới năm 2025, nghĩa là chỉ còn 8 năm nữa. Trong khi Đức và Ấn Độ cũng công bố kế hoạch tương tự từ năm 2030.
Nhưng ở Úc, theo chuyên gia phân tích Josh Dowling, vẫn còn cả một đoạn đường dài để đạt được mục tiêu đó.
“Tôi thấy có rất ít khả năng để Úc có thể theo gót Paris và Luân Đôn trong việc chuyển sang xe điện. Chúng ta thiếu hạ tầng cơ sở, điều kiện địa lý hoàn toàn khác và hoàn cảnh cũng khác, và quãng đường chúng ta phải lái xe rất xa.”
Nhưng ông Michael Lord đến từ tổ chức Beyond Zero Emissions, một tổ chức tư vấn chính sách phi lợi nhuận, thì không đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, nước Úc có thể tạo ra sự thay đổi chỉ trong vòng 10 năm.
“Úc là nơi lý tưởng để chuyển đổi sang xe điện và vận hành dựa vào năng lượng tái tạo, vì chúng ta có nhiều nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất trên thế giới. Chúng ta đều biết rằng, hiện tại cứ 5 người Úc lại có 1 người đang sử dụng tấm năng lượng mặt trời tại nhà, và năng lượng đó có thể được dùng để nạp năng lượng cho xe mà không tốn đồng nào.”
"Có rất ít khả năng để Úc có thể theo gót Paris và Luân Đôn trong việc chuyển sang xe điện. Chúng ta thiếu hạ tầng cơ sở, điều kiện địa lý hoàn toàn khác và hoàn cảnh cũng khác, và quãng đường chúng ta phải lái xe rất xa," Josh Dowling.
Nhưng Úc phải đối mặt với nhiều thách thức với lý do diện tích, và thực tế là không có nhiều người sử dụng xe điện.
Hồi năm ngoái có gần 1.2 triệu xe mới được bán ra ở Úc.
Hơn 1.1 triệu trong số đó là xe chạy bằng diesel và xăng.
Chỉ có 12,800 là xe điện hoặc xe 2 động cơ, chiếm 1% trên thị trường.
Ông Josh Dowling nói điều đó cho thấy người dân chưa sẵn sàng để thay đổi.
“Việc buộc người dân Úc chuyển sang xe điện cũng giống như giải quyết nạn béo phì bằng cách bán áo cỡ nhỏ. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tạo ra nhu cầu cho khách hàng, chứ không thể chỉ thay đổi luật.”
Hiện tại chỉ duy nhất chính phủ Queensland là nơi đang cố gắng tạo ra nhu cầu đó, thông báo vào Thứ Năm 28/7, chính phủ cho biết sẽ có 18 trạm nạp năng lượng sẽ được lắp đặt trên đoạn đường từ Gold Coast tới Cairns.
Đây sẽ là con đường dành cho xe điện dài nhất trên thế giới và sẽ được lắp đặt trong 6 tháng tới.
Số lượng xe sử dụng dự kiến sẽ khá ít, hiện chỉ có 700 xe điện được đăng ký ở Queensland.