Phụ nữ Samoa phá vỡ truyền thống để nâng cao nhận thức về ung thư vú

Photo of Zahriya Leaoaosoma of Victoria

Miss Samoa Victoria at a young age with her mother. (photo supplied) Source: Supplied

Phụ nữ Samoa hiện phá vỡ truyền thống từ xưa khi cạo đầu để gây quỹ giúp các cơ sở từ thiện hầu giúp đỡ về ung thư vú. Họ tìm cách khuyến khích cộng đồng các nước hải đảo Thái Bình Dương, tìm biết các hướng dẫn y tế và khám phá chứng bệnh quái ác nầy trước khi quá muộn.


Mới lên 4, Zahriya Leaoaosoma còn được biết đến là Hoa Hậu sắc dân Samoa tại Victoria, đã mất mẹ vì chứng ung thư vú.

Nay 25 tuổi, chỉ thiếu một năm nữa là bằng với tuổi của mẹ cô khi qua đời, cô quyết định tưởng niệm người mẹ thân yêu trong một cách thức hết sức cảm động, đó là cạo đầu để gây quỹ nghiên cứu cho Hệ thống Ung thư Vú tại Úc.

Cô cho biết, việc làm nầy xuất phát từ chính con tim của mình.

“Mẹ tôi sắp sửa được 27, thế nhưng đã qua đời lúc mới 26 tuổi, vì vậy tôi chỉ sống với mẹ có 4 năm mà thôi".

"Nay tôi 25 tuổi và hầu như cả cuộc đời tôi, là sống không có người mẹ hiền".

"Đó là lý do vì sao việc nầy mang lại nhiều ý nghĩa cho tôi, trong việc nâng cao nhận thức về ung thư vú và gây quỹ giúp cho chính nghĩa cao cả nầy”, Zahriya Leaoaosoma.

Cô được giải Hoa Hậu Samoa tại Victoria và cho SBS News biết rằng, cô muốn dùng diễn đàn nầy để nâng cao nhận thức càng nhiều càng tốt, đặc biệt trong cộng đồng người dân hải đảo Thái Bình Dương.

Được biết, mái tóc được xem là phần thiêng liêng trong văn hóa của người Polynesia, một biểu tượng mà cô muốn dùng để thực sự thu hút mọi người, chú tâm đến chính nghĩa cao cả cuả cô.

“Tôi cảm thấy tràn ngập vui sướng, thế nhưng rõ ràng là việc cạo trọc đầu tạo cho thôi thêm sức mạnh, cũng như cảm thấy tự do hơn trước".

"Chuyện nầy rõ ràng mang lại những ý nghĩa mới của sắc đẹp".

"Tôi cảm thấy khi còn tóc, nó khiến tôi có nhiều kỳ vọng nầy nọ, thế nhưng nay tôi cảm thấy rất là tốt đẹp hiện giờ”, Zahriya Leaoaosoma.

Với vai trò người mẫu, cô cho đám đông đến ủng hộ cô biết rằng, cô không muốn bất cứ cô gái nào mất mẹ vì chứng ung thư ở tuổi còn rất nhỏ như cô.

Cô nhìn nhận là mình có thể tạo nên ảnh hưởng trong cộng đồng của cô.

“Tôi có niềm danh dự và hãnh diện, khi có một diễn đàn đặc biệt cho các cô gái trẻ, cũng là cộng đồng trẻ trung của chúng ta”, Zahriya Leaoaosoma.

Nay với việc Melbourne được thêm tự do giữa thời buổi đại dịch coronavirus, cô có thể cộng tác với các doanh nghiệp trên khắp Melbourne, để tổ chức một buổi đấu giá khi cô xuống tóc.

Trong khi gây quỹ là một trong các mục tiêu chính yếu, cô cũng hy vọng phá vỡ các ý niệm sai lầm đối với chứng ung thư vú, như những điều cô ghi nhận trong phạm vi gia đình của mình.

“Với kinh nghiệm cá nhân của tôi trong gia đình, nào là các cô dì, thím hay bác và bà tôi nữa, khi có chuyện sai lầm hay họ cảm thấy có gì khác lạ, thường thì họ không phải là người đi gặp bác sĩ để khám".

"Vì vậy hy vọng sau sự kiện nầy và sau khi nâng cao nhận thức về ung thư vú, chuyện nầy sẽ giúp cho cộng đồng người dân hải đảo Thái Bình Dương biết rằng, không cần biết quí vị ở tuổi bao nhiêu, điều quan trọng là phải đi khám”, Zahriya Leaoaosoma.
“Chứng ung thư không phân biệt một ai cả, nó xảy ra cho mọi người, già, trẻ hay bất cứ lý lịch hay nguồn gốc nào”, Zahriya Leaoaosoma.
Trong khi đó, bà Monika Latanik giám đốc Dịch vụ Y tế Đa văn hóa New South Wales tại miền tây Sydney nói rằng, những nhận thức sai lầm về việc xét nghiệm ung thư vú, hiện chiếm ưu thế trong các cộng đồng đa văn hóa.

“Có nhiều quan niệm khác nhau và có nhiều rào cản mà các cộng đồng đa văn hóa đối diện, khi họ muốn tiếp cận các chương trình xét nghiệm ung thư vú, thì trở ngại lớn nhất trong các cộng đồng nầy, là họ không có ý niệm về phòng ngừa".

"Vấn đề đáng kể đối với nhiều phụ nữ là họ không cảm thấy dễ chịu khi lấy cuộc hẹn, do họ không biết những gì sẽ xảy đến như thế nào”, Monika Latanik.

Hài lòng và cảm động với việc làm của cô Zahriya, bà Latanik nói rằng những hành động căn bản nhất có khả năng tạo nên các thay đổi nhiều nhất.

“Chuyện đó quả là tuyệt vời, vì lời nói là cách thức tốt nhất chúng ta có thể gia tăng dịch vụ nầy".

"Đó là vai trò lãnh đạo từ các cộng đồng vốn tỏ ra rất quan trọng, hơn những gì mà một dịch vụ y tế có thể mang lại".

"Đó là vai trò kiểu mẫu từ cộng đồng, trong việc giúp đỡ các phụ nữ thực hiện bước kế tiếp và biết được thói quen tích cực về y tế cần có”, Monika Latanik.

Còn tiến sĩ Nicholas Wilcken, giám đốc về Ung thư tại bệnh viện Westmead nói rằng, việc phát hiện sớm ung thư vú đã tạo ra sự khác biệt thực sự.

“Việc xét nghiệm ung thư vú là chuyện quan trọng, bởi vì một số cuộc nghiên cứu cho thấy trung bình, nếu người phụ nữ có đi xét nghiệm, thì thường khi tìm thấy khối u trước hơn những phương cách khác, cũng như giúp việc chữa trị dễ dàng hơn”, Nicholas Wilcken.

Tuy nhiên khi việc nầy đến với cộng đồng người dân thuộc các hải đảo Thái Bình Dương, ông cho biết có các cuộc nghiên cứu giới hạn liên quan đến ung thư vú.

“Hầu hết các nghiên cứu cho đến nay, hoặc tại Mỹ khi chú trọng đến dân số tại Hawaii, hay tại Tân Tây Lan quan tâm đến người Thổ Dân Maori".

"Rõ ràng có một lãnh vực cho chúng ta phải làm nhiều hơn, trong việc nghiên cứu".

"Đầu tiên là các kiểu mẫu ung thư vú trong cộng đồng và thứ hai là việc nghiên cứu về các vấn đề liên quan”, Nicholas Wilcken

Với con số đóng góp vẫn còn gia tăng, cho đến nay cô Zahriya đã tăng gấp đôi mục tiêu gây quỹ được đặt ra là 5 ngàn đô la, để hỗ trợ cho Hiệp hội Ung thư Vú Toàn quốc trong các cuộc nghiên cứu.

Vừa gây quỹ vừa nâng cao nhận thức, cô hy vọng mọi người mang về nhà một thông điệp đơn giản về chứng ung thư.

“Chứng ung thư không phân biệt một ai cả, nó xảy ra cho mọi người, già, trẻ hay bất cứ lý lịch hay nguồn gốc nào”, Zahriya Leaoaosoma.

Cô hy vọng không chỉ cộng đồng người dân thuộc các hải đảo Thái Bình Dương cảm thấy những điều bất thường và đi xét nghiệm ung thư vú, mà còn cho cảc cộng đồng rộng lớn nữa.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share