Sống sót ở trại tập trung Buchenwald của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Sống sót ở trại tập trung Dora-Mittelbau trong cùng một cuộc chiến. Và sống sót ở trại tập trung Bergen-Belsen.
Nhưng Boris Romanchenko, 96 tuổi, đã thiệt mạng khi căn hộ của ông tại thành phố Kharkiv bị trúng phi đạn của Nga.
Một tuyên bố từ Đài tưởng niệm những người sống sót ở Buchenwald cho biết ông đã qua đời.
"Thật là kinh hoàng khi chúng tôi đưa tin về cái chết bi thảm của Boris Romanchenko trong cuộc chiến ở Ukraine. Tòa nhà chung cư nhiều tầng nơi Romanchenko sống đã bị pháo kích và bốc cháy. Sinh ngày 20 tháng 1 năm 1926, tại Bondari, gần thành phố Sumy., ông Romanchenko bị gởi đến Dortmund năm 1942, nơi ông phải lao động cưỡng bức khai thác mỏ. Ông cũng đã từng ở trại Peenemünde trên đảo Usedom của biển Baltic, trại tập trung Dora-Mittelbau và trại tập trung Bergen-Belsen."
Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã bị pháo kích của Nga trong suốt cuộc xâm lược, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là một "hoạt động quân sự đặc biệt" cần thiết để giải giáp và "phi hạt nhân hóa" nước láng giềng.
Ukraine cho biết Nga cũng đang biến thành phố cảng Mariupol của Ukraine thành "tro tàn của một vùng đất chết", đồng thời mô tả thêm hai quả bom lớn nữa đã rơi xuống thành phố này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng thành phố phía nam không còn gì và cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra do xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine bị gián đoạn.
["Ukraine luôn là một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất. Nhưng chúng ta biết gieo trồng như thế nào khi bị pháo kích của Nga? Nên gieo như thế nào khi kẻ thù đang cố tình đặt mìn trên cánh đồng và phá hủy các cơ sở nhiên liệu? Chúng ta không biết thu hoạch gì sẽ có và nếu chúng tôi có thể xuất khẩu nông sản, ngô, dầu thực vật, lúa mì và nhiều sản phẩm khác được không khi các cảng của chúng tôi bị chiếm và bị phong tỏa."
Ông Zelensky kêu gọi chính phủ Ý trừng phạt Nga bằng cách áp đặt các lệnh cấm vận thương mại, cấm tàu thuyền Nga vào các cảng của Ý, đồng thời phong tỏa tài sản và tài khoản ngân hàng của các nhà tài phiệt Nga có liên hệ với Điện Kremlin.
Trong khi đó, Nga, Mỹ và Anh đã đưa ra những cáo buộc tại Liên Hợp Quốc về khả năng xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Ukraine, nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh mối quan ngại này. Bình luận trên được đưa ra sau khi Nga thông báo về vụ rò rỉ amoniac ở thành phố Sumy, đông bắc Ukraine, đổ lỗi cho điều mà điện Kremlin gọi là "các nhóm dân tộc cực đoan Ukraine".
Phó Đại sứ tại Liên Hiệp quốc Dmitry Polyanskiy của Nga khẳng định, quân đội Nga không tấn công các mục tiêu chứa chất độc hại.
"Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga chưa bao giờ lên kế hoạch hoặc tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ cơ sở nào của Ukraine nơi lưu trữ hoặc sản xuất các chất độc hại. Quân đội Nga bảo đảm an ninh cho dân chúng trong các vùng lãnh thổ được giải phóng khỏi các nhóm cực đoan. Những diễn biến gần đây ở Sumy, cũng như ở các khu vực khác liên quan đến các vụ khiêu khích hóa học do các nhóm quốc gia Ukraine dàn dựng. Rõ ràng là nhà chức trách dân tộc chủ nghĩa Ukraine, được các nước phương Tây khuyến khích, sẽ không dừng lại ở việc đe dọa người dân của chính họ và dàn dựng các cuộc tấn công để vu khống Nga."
Đây là lần thứ ba Nga nêu vấn đề vũ khí sinh học hoặc hóa học kể từ khi nước này bắt đầu "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm "phi quân sự hóa" Ukraine vào ngày 24 tháng Hai.
Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Anh, Barbara Woodward, mô tả đó là một cái cớ phi lý để xâm lược một quốc gia dân chủ.
"Họ nói rằng, vũ khí hóa học, không liên quan gì đến họ mà là vấn đề của người khác. Vì vậy, thật khó để không kết luận khi nhìn lại hồ sơ của họ ở Anh, ở Nga chống lại ông Alexei Navalny, với những gì chúng ta đã thấy ở Syria, rằng đây có thể là màn dạo đầu cho việc chính người Nga tạo ra một cuộc tấn công vũ khí hóa học giả nào đó. Nhưng chúng tôi đã rất rõ ràng rằng có các thủ tục để giải quyết vấn đề này và Nga sẽ phải đối mặt với toàn bộ hậu quả nếu vũ khí hóa học được sử dụng."
Nga cáo buộc các cơ quan tình báo phương Tây dàn dựng các vụ tấn công hóa học trong quá khứ như một tiền đề để tiếp tục leo thang các hành động thù địch. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, đã bác bỏ cáo buộc của Nga.
"Tôi chỉ muốn ra mặt và đáp lại những cáo buộc lố bịch mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga nói với quý vị trước đó. Nga cũng đã ba lần cáo buộc Ukraine có kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học. Mối quan tâm của chúng tôi là phải chăng đây là tiền đề cho kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học của Nga, và chúng ta phải bảo đảm rằng thế giới nghe thấy điều này và hiểu điều gì đang diễn ra."
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết họ vẫn chưa thấy dấu hiệu cụ thể nào về một vụ tấn công vũ khí sinh học hoặc hóa học sắp xảy ra của Nga ở Ukraine, nhưng đang theo dõi chặt chẽ các thông tin tình báo.