Tổng trưởng An sinh Xã hội Christian Porter kêu gọi một cuộc cải tổ toàn diện hệ thống phúc lợi tại Úc, và cho rằng những người trẻ đang ngày càng lệ thuộc vào trợ cấp xã hội.
Mới đây, ông đã giới thiệu một chương trình mang tên Australian Priority Investment, trong đó hỗ trợ đến 96 triệu Úc kim cho những tổ chức và cá nhân có ý tưởng giúp người dân thoát khỏi vòng xoáy phụ thuộc vào phúc lợi xã hội.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cộng đồng Thánh Vincent de Paul tại Úc, ông John Falzon, lại có một lối tiếp cận khác.
"Điều đáng buồn là Chính phủ đã lựa chọn một điểm xuất phát sai lầm. Họ xuất phát từ tiền đề cho rằng, chúng ta đang gặp khó khăn đối với các chi phí an sinh xã hội, và các chi phí an sinh xã hội là vấn đề của chúng ta.
"Chúng ta hoàn toàn không gặp vấn đề gì trong hệ thống phúc lợi xã hội cả. Vấn đề của chúng ta nằm ở tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trong nước Úc. Và điểm xuất phát đúng đắn nằm ở chỗ, làm cách nào để giảm tỉ lệ đói nghèo và bất bình đẳng, thay vì cắt giảm chi phí an sinh.
"Nếu mục tiêu của Chính phủ đơn giản là cắt giảm ngân sách - mà có vẻ là như vậy - thì họ sẽ đạt được điều đó thông qua cuộc cải tổ này. Chính phủ New Zealand hiển nhiên đã thành công trong việc cắt giảm chi tiêu cho trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc giải quyết gốc rễ của vấn đề."
"Chúng ta hoàn toàn không gặp vấn đề gì trong hệ thống phúc lợi xã hội cả. Vấn đề của chúng ta nằm ở tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trong nước Úc." - Tiến sĩ John Falzon
Tiến sĩ Falzon cáo buộc Chính phủ đã đổ lỗi cho những người nhận trợ cấp xã hội, nhằm rũ bỏ trách nhiệm trong việc cắt giảm ngân sách. Ông cho rằng việc những người này lệ thuộc vào trợ cấp không phải là lựa chọn của họ.
"Và tiếc thay, truyền thông chính ngạch luôn che giấu những thất bại của thị trường và đổ lỗi cho cá nhân, như thể chính những người bị loại khỏi thị trường lao động - hay trong trường hợp của những người vô gia cư, bị loại khỏi thị trường địa ốc - như thể đó là lỗi của họ vậy.
"Đó là một phương cách táo bạo và bất nhân - tôi dám nói như vậy - nhằm dọn đường dư luận cho việc cắt giảm trợ cấp hoặc đưa ra những hỗ trợ ít ỏi trong nhiều trường hợp, như thể những người lãnh trợ cấp là đáng lên án vì đã không thể tự kéo mình ra khỏi đói nghèo và tìm cho mình một công việc tươm tất."
Ông Joe Caputo, Chủ tịch Liên đoàn các cộng đồng sắc tộc tại Úc (), cho biết mặc dù ông hoan nghênh những động thái cải tổ, ở một chừng mực nào đó, ông vẫn lo ngại rằng chúng sẽ biến tướng thành những biện pháp trừng phạt.
"Chúng tôi tin rằng, nếu Chính phủ thực sự quan tâm đến dân chúng, thì họ nên bảo đảm một chương trình huấn nghệ hiệu quả và đặt người học làm trung tâm - ý tôi là, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ giữ trẻ miễn phí cho những người đi thử việc hoặc tương tự.
"Vì thế, Chính phủ nên đặt nhu cầu của người dân lên trên việc tiết kiệm ngân sách và việc hạn chế số người lãnh trợ cấp xã hội."
"Nếu Chính phủ thực sự quan tâm đến dân chúng, thì họ nên bảo đảm một chương trình huấn nghệ hiệu quả và đặt người học làm trung tâm." - Joe Caputo, Chủ tịch FECCA
Chính phủ dự kiến áp dụng chương trình mới vào năm sau. Bên cạnh đó, một số thanh niên thất nghiệp cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo đảm họ hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình.
Tiến sĩ Falzon cho rằng, thay vì can thiệp vào cuộc sống người dân, chính phủ nên can thiệp vào thị trường lao động.
"Nếu cho rằng chúng ta cần phải cứng rắn hơn với những người lãnh trợ cấp để họ chịu gia nhập thị trường lao động, thì đó là một lời nói dối trắng trợn. Phương pháp ấy không hiệu quả. Nó có thể làm hài lòng phe chống đối hệ thống trợ cấp, nhưng nó sẽ không giúp một ai tìm được việc làm cả.
"Quý vị đã nghe ông Tổng trưởng Porter xác nhận việc giữ trợ cấp thất nghiệp ở mức thấp, để khiến cho cuộc sống của những người thất nghiệp khó khăn hơn. Vâng, đó là một cách tiếp cận kinh khủng.
"Và việc ông ta nghĩ rằng đó là một ý tưởng hay, khi ép những người trẻ thất nghiệp chịu cảnh không nhà trong một tháng, để họ có động lực tìm việc, một lần nữa, là một phát ngôn hoàn toàn xa rời thực tế."
Ông Joe Caputo cũng đồng ý rằng rất khó để người tị nạn và di dân có thể gia nhập thị trường lao động tại Úc.
"Chúng tôi cho rằng, công ăn việc làm giữ một vai trò quan trọng trong việc giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và cùng khổ. Thế nhưng, trong những khu vực mà di dân và người tị nạn sinh sống, công việc đang ngày càng trở nên khan hiếm.
"Các công ty chọn cách thuê mướn nhân công ở hải ngoại, vì thế ở khu vực phía bắc và đông nam Melbourne, cũng như một số nơi ở Adelaide và Sydney, chúng ta sẽ thấy một sự mất mát đáng kể trong thị trường lao động. Và vấn đề thực sự nằm ở việc thiếu công ăn việc làm."