Nhưng hôm nay chúng tôi xin mời quý thính giả đến hai Trung tâm thiền đường ở Darra và Inala (tức Trung tâm Goodna cũ) để tìm hiểu thêm về một nét sinh hoạt của đồng hương Queensland qua pháp môn có tên là Vi Diệu Pháp hành thiền tức Divine Dharma Meditation.
Theo anh Châu Kim Ngọc - trung tâm trưởng thiền đường Darra, và anh Dương Văn Lộc - trung tâm trưởng thiền đường Inala cho biết, sư tổ Dasira Narada, người Tích Lan, sau 18 năm tiềm tu trong dãy Hy Mã Lạp Sơn đã tư duy ra VI DIỆU PHÁP. Đệ nhị sư tổ là một tu sĩ Phật giáo cũng người Tích Lan, ngài có duyên đến Việt Nam nhiều lần và đã làm lễ khánh thành tượng Phật Nằm ở Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu. Đến đời thứ tư thầy Nguyễn Đức Thuận và cô Nguyễn Ngọc Hải tiếp dẫn, và phát triển Vi Diệu Pháp thành một hệ thống thiền đường trên toàn thế giới.
Trước tiên chúng ta hãy làm quen với chị Vân Đinh, người đã đặt viên gạch đầu tiên cho thiền đường ở Brisbane này chia sẻ, “Vào cuối năm 2010, tôi được sự giới thiệu của người anh ở Darwin để mở lớp học cho đồng bào ở Brisbane. Đầu tiên tại tư gia của tôi ở Inala. Tôi được cô Nguyệt giảng huấn từ Canada sang đây để truyền đạt về cách thiền định. Sau khóa học tôi thấy có nhiều điều rất là vi diệu đến với chính bản thân mình. Tâm sự với cô Nguyệt giảng huấn, cô đã gợi ý tôi mở một thiền đường ở đây để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Sau đó cô đã xin phép thầy cô Chưởng môn bên Mỹ để cho phép thiền đường Brisbane bắt đầu được mở từ đó.”
Anh Châu Kim Ngọc, trưởng thiền đường Darra cho biết thêm,
“Thiền đường Vi Diệu Pháp hành thiền được thành lập tại số 67C đường Cardiff Darra Brisbane, lấy tên là Thiền Đường Vi Diệu Pháp Hành Thiền Brisbane, trực thuộc vào thiền đường Trung Ương tại Hoa Kỳ.Mỗi năm thiền đường mở hai khoá học căn bản để đào tạo môn sinh, đến nay đã mở được khoảng 12 khóa.
Thiền đường mở cửa để môn sinh hành pháp mỗi tuần từ thứ Hai đến thứ Năm để truyền năng lượng giúp đồng hương có nhu cầu. Riêng ngày thứ Sáu dành cho môn sinh thiền hội. Thiền đường được điều hành bởi một Ban điều hành do môn sinh bầu chọn với sự chấp thuận của thiền đường Trung Ương.”
Năm 2015 thiền đường Goodna được thành lập, sau đó dời về Inala năm 2018, như anh Dương Văn Lộc, trưởng chi nhánh thiền đường này giải thích, “Do số lượng môn sinh ngày càng đông và cần thiết tách ra một nhóm nhỏ để sinh hoạt dễ dàng hơn và gần gũi hơn với những người ở xa Darra hơn. Chúng tôi được sự giúp đỡ của một cựu giảng viên Đại học Khoa học Saigon để di chuyển từ Darra lên Goodna và thành lập trụ sở tại đây.”
Thời gian tu tập ở mỗi thiền đường đều được Trung Ương quy định là vào tối thứ Sáu hàng tuần từ 6.30 đến 8 giờ, như anh Ngọc chia sẻ, “Trong các buổi thiền hội như vậy tất cả môn sinh cần tề tựu đông đủ để thiền chung, sinh hoạt, rút tỉa kinh nghiệm hành thiền và trao đổi những thành quả đã cảm nhận được trong quá trình thiền.
Trước thời gian Covid thì ở thiền đường Brisbane một buổi thiền hội khoảng 60-70 người, nhưng vì lý do covid và sự giới hạn của diện tích thiền đường, nên sau này chỉ còn khoảng 30-40 người cho mỗi lần thiền.”
Anh Lộc còn cho biết về quy mô của nhóm Vi Diệu Pháp hành thiền, “Nằm trong một tổ chức gồm có 113 thiền đường trên toàn thế giới. Tại Mỹ có 20 thiền đường, nhóm đông nhất là ở Việt Nam có 55 thiền đường, tại Úc có 9 thiền đường (Sydney 3, Melbourne 3, Brisbane 2 và Rockhampton 1).
Thiền đường Goodna liên lạc với thiền đường Trung Ương để yêu cầu gởi giảng huấn cho các lớp thiền tại địa phương. Với các lớp cấp cao – cấp 4 trở lên - thì phải gửi người qua Anaheim – thiền đường Trung Ương để học.
Thiền đường Trung Ương tổ chức các cuộc thăm viếng và giảng pháp do thầy cô Chưởng môn đến các thiền đường địa phương. Bài pháp của thầy được giảng dạy và ghi chép cẩn thận, sau đó dịch qua các thứ tiếng khác nhau và lưu hành nội bộ. Chỉ có môn sinh mới được nhận những tài liệu này.”
Chị Nguyễn thị Bạch Yến – thành viên ban quản trị thiền đường Inala giải thích, “Vì tôn chỉ của Vi Diệu Pháp hành thiền là vô vị lợi, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, quan điểm chính trị, trình độ học vấn, ở đây tiếp nhận tất cả mọi thành phần. Họ là người Anh, người Úc, người Phi, người Thái, người Ấn Độ, người Tích Lan, người Hoa, người Nhật. Môn sinh thì có 5 người Úc, 3 người Hoa, 2 người Ấn Độ, 2 người Tích Lan và 1 người Kenyan.”
Vì có sự tham gia của các sắc tộc khác ở thiền đường Inala, nên ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và dịch trực tiếp qua tiếng Anh, theo như chị Yến cho biết, “Tùy hôm đó đông người Việt, thì mình nói tiếng Việt, em dịch qua tiếng Anh. Luôn luôn nói hai ngôn ngữ để họ thấy họ included và thấy mình quan tâm đến họ. Các lớp học cũng dạy hai ngôn ngữ. Khi mình có giảng huấn, một người nói tiếng Việt, một người nói tiếng Anh thì tốt. Mà giảng huấn không nói được tiếng Anh, thì em là người dịch. Mà mình dịch song song chứ không làm mất thời giờ của họ, nhờ có máy dịch thẳng cho họ nghe.”
Theo như Anh Ngọc thì có bốn điểm đặc biệt của pháp môn Vi Diệu Pháp hành thiền là:
1. Môn sinh được khai mở luân xa để hấp thu năng lượng vũ trụ giúp cho bản thân.
2. Môn sinh có khả năng truyền năng lượng giúp người khác từ đó phát sinh ra tình thương, trong năng lượng tình thương đó làm cho người bệnh nhân, nói theo Phật giáo là làm nhẹ cái nghiệp đi thì bệnh sẽ hết .
3. Môn sinh cần phải có thiền đường để hành pháp giúp đời, giúp người.
4. Môn sinh ngồi thiền trên ghế bình thường không phải tréo chân rất dễ chịu.
Ngoài ra, theo anh Ngọc thì một học viên khi đến với pháp môn cần phải, “thứ nhất chắc chắn phải có niềm tin, thứ hai phải sáng suốt không mê tín.”
Theo anh Hưng Việt thì thông thường muốn tin điều gì, người ta phải thấy, phải cảm nhận, hoặc trải qua thì mới tin được, nhưng nếu mình chỉ kêu gọi người ta tin mình, thì như vậy có quá khó khăn chăng?
Anh Ngọc trả lời rằng tất cả mọi người khi tới đây ai cũng ngờ ngợ, nhưng qua khóa học sáu ngày được dạy đầy đủ kỹ lưỡng, thì môn sinh sẽ biết được mình hấp thu năng lượng qua ngã luân xa. Nhưng năng lượng là gì, mình đâu có thấy, nhưng lúc nào đó mình sẽ cảm nhận được. Giống như mình đâu thấy được dòng điện, nhưng khi bật điện đèn sáng hay bật điện motor chạy. Trong sáu ngày học, mình bán tín bán nghi, nhưng khi hành pháp, đặt năng lượng cho người bệnh, thì sẽ có hai chuyện xảy ra làm cho mình có niềm tin ở pháp môn, thứ nhất là bệnh nhân cảm thấy có cái gì chạy trong người làm họ cảm thấy một là dễ chịu, một là đau nhức, tức là đang đánh phá những cái bệnh của họ.
Riêng chị Yến cho biết thêm những trải nghiệm của chính mình khi đến với Vi Diệu Pháp hành thiền như sau. Chị vốn là một kỹ sư, người theo khoa học kỹ thuật, nên thoạt đầu không hề tin vào phương pháp thiền này, dù được một bác sĩ giới thiệu. Tuy nhiên vào năm 2009 chị vướng phải căn bệnh punctate keratoderma (tức là một loại bệnh do hệ thống miễn nhiễm của cơ thể khiến da bàn tay bị dày sừng lên) rất đau đớn. Theo như bác sĩ chuyên khoa cho biết thì bệnh này rất hiếm chỉ chiếm khoảng 5% và bệnh có thể đột biến chuyển qua ung thư. Chị đã rất đau lòng và tuyệt vọng vì nghĩ đến con thơ của mình. Khi tưởng chừng như đã hết cách thì chị đã được giới thiệu đến pháp môn Vi Diệu Pháp hành thiền này, và chị đã thật sự xúc động trong buổi điều trị đầu tiên như chị chia sẻ, “Em đi vô em rất là cảm động, vì pháp môn này đánh động vào cái lòng của mình dữ lắm. Khi em ngồi xuống em tháo vớ ra, bửa đó cũng còn lạnh. Một người đặt vào đầu và cổ em. Một người thì cầm tay và chân em. Tự nhiên em khóc, em chảy nước mắt. Em nghĩ, người ta tự bỏ tiền túi đi máy bay lên đây, những người đây toàn là thiện nguyện. Người ta bỏ thời gian, bỏ công việc, không lãnh lương, bỏ con cái còn nhỏ để lên đây, mà mình chỉ có ngồi 30 phút cho người ta đặt không, mà lòng mình còn nghi ngại gì nữa chứ. Em cảm động. Từ khi em cảm động như vậy em thấy năng lượng vô người em, em thấy ấm hai bàn tay hai bàn chân và trên đầu. Em thấy ấm rần cả người. Thế là em chảy nước mắt, em chảy nước mắt không cầm được luôn. Đêm đó em về em ngủ được…”
Trong khi đó bà Paula Preston, một thiền sinh trung thành của thiền đường suốt năm năm qua chia sẻ thêm những kinh nghiệm của riêng bà như sau, “Trước khi tôi tham gia thực hành thiền này, Tôi từng bị ung thư và đang trong quá trình điều trị. Tôi đã trải qua một cuộc giải phẩu dài hơn sáu giờ đồng hồ. Sau cuộc phẫu thuật, tôi không hề cảm thấy đau đớn vì nhờ các nhân viên ở thiền đường đến truyền năng lượng cho tôi để đẩy lùi cơn đau và năng lượng xấu trong cơ thể.
Bản thân tôi cũng tiến hành thiền tập. Điều đó thật tuyệt diệu.
Nhưng đó cũng chưa phải là điều chính yếu mà tôi muốn đề cập khi nói về lợi ích mà tôi có được khi thực tập thiền. Điều tôi muốn kể ra đây đó là, trước đây tôi vẫn thường rất dễ bực dọc, tức giận, ngay cả khi còn là một đứa trẻ. Tôi cũng chẳng hiểu lý do vì sao. Nhưng giờ đây, những cơn tức giận dường như biến mất, tôi không còn bực bội giận dữ nữa. Tôi đã tìm thấy được bình an nội tại và điều đó thật nhiệm mầu.”
Để có thêm cơ hội cho mọi người tham gia thiền tập và điều trị, anh Lộc cho biết về những dự định phát triển thêm các chi nhánh khác của thiền đường Vi Diệu, “Với chủ trương giúp đỡ tất cả mọi người về thân và tâm, mở mang phương diện tâm linh, tùy theo yêu cầu của địa phương, nếu số người tham dự đông đủ, nhất là số người phát tâm thiện nguyện để giúp đỡ nhóm thiền thì đương nhiên sẽ có nhóm thiền khác phát triển.
Không riêng gì thiền đường Goodna, tất cả các thiền đường khác nhau đều có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ và đào tạo nhân sự để thành lập những nhóm thiền mới.“
Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều thứ để chọn lựa, như anh Ngọc bày tỏ, “Xin cảm ơn đài SBS, thiền đường Vi Diệu Pháp Hành Thiền Brisbane có cơ hội trình bày với đồng hương một chút về hoạt động của pháp môn Vi Diệu Pháp hành thiền, ngỏ hầu đồng hương có thể hiểu thêm về pháp môn, để có thể dễ dàng khi chọn lựa cho mình một phương pháp thiền trong tương lai nếu họ cần” .
Tuy nhiên quyền chọn lựa nằm trong tâm ý của mỗi người, và khi chọn lựa rồi có theo đuổi đến cùng để đạt kết quả hay không thì còn tùy thuộc vào ý chí và trải nghiệm thực tế của chúng ta.
Xin chân thành cảm ơn các anh chị đã chia sẻ thông tin. Muốn biết thêm chi tiết, về hoạt động của Vi Diệu Pháp hành thiền ở Brisbane xin liên lạc:
Anh Châu Kim Ngọc: 0409 166 255, hoặc anh Dương Văn Lộc: 0402 028 846
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung.