Tại thành phố Townsville ở đông bắc nước Úc, khoảng 7000 hộ gia đình gần đây đã trở thành những nhà chăm sóc muỗi. Mỗi gia đình được giao một bồn trứng muỗi vằn trong sân vườn của họ, cùng với thức ăn dành cho cá để nuôi sống những con muỗi này cho đến khi chúng lớn lên và bay đi.
Đây là một phần của dự án phi lợi nhuận (Chương trình Chống muỗi Thế giới), với các chi nhánh tại Đại học Monash (Melbourne, Úc) và Sài Gòn, Việt Nam, nhằm chống lại căn bệnh sốt xuất huyết vốn phổ biến tại khu vực nhiệt đới.
Khoảng 4 triệu con muỗi trong dự án này đã được tiêm vi khuẩn Wolbachia, nhằm làm giảm khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết, Zika và chikungunya. Chúng sẽ giao phối với quần thể muỗi tự nhiên để lây truyền loại vi khuẩn này.
Dự án trải rộng trên khu vực 60 cây số vuông, nhằm nghiên cứu cách triển khai muỗi chống bệnh trên phạm vi toàn thành phố, với sự hỗ trợ của cư dân địa phương. Từ Sài Gòn, Giám đốc Chương trình Chống muỗi Thế giới, ông Scott O'Neill đã trả lời phỏng vấn của tạp chí như sau.
PV: Dự án thả muỗi kỳ này có gì đặc biệt thưa ông Scott O’Neill?
O’Neill: Đầu tiên là về quy mô: Hầu hết các đợt thả muỗi khác được thực hiện trong phạm vi 1 hoặc 2 cây số vuông. Tại đây, đối với hầu hết diện tích đất được bao phủ, việc thả muỗi được thực hiện bởi chính cộng đồng, chứ không phải nhóm nghiên cứu. Chúng tôi thường nhận được những câu hỏi như, “Liệu cộng đồng có chấp nhận hay không?” Trong dự án này, chúng tôi đã chứng minh được rằng không những cộng đồng chấp nhận dự án, mà còn trực tiếp tham gia thả muỗi.
PV: Bên cạnh việc cung cấp bộ dụng cụ nuôi muỗi cho từng nhà, nhóm của ông còn phân phát chúng tại trường học, với sự tham gia của 1000 trẻ em. Chương trình này hoạt động như thế nào?
O’Neill: Chúng tôi giao cho mỗi em một hộp nhỏ, như kiểu hộp đồ ăn Châu Á take-away, với một ít thức ăn cho cá và một ít trứng muỗi trong một túi nhỏ. Các em sẽ trộn chúng với nước và đặt ở sân vườn. Giống như là một bể nuôi cá vậy. Các học sinh có thể quan sát quá trình phát triển và vòng đời của muỗi, và xem chúng lớn lên như thế nào.
PV: Có ai gặp vấn đề gì với việc nuôi muỗi ở sân vườn của họ hay không?
O’Neill: Nếu cộng đồng cảm thấy có quá nhiều muỗi trong khu vực, thì thường chúng tôi sẽ tạm hoãn hoặc ngừng dự án. Nhưng không có bất kỳ sự phản đối có tổ chức nào tại Townsville. Nếu bạn sống trong một khu vực thường xuyên có bệnh truyền nhiễm hàng năm như bệnh sốt xuất huyết, và không còn cách nào khác để ngăn chặn nó, thì điều đó sẽ rất đáng sợ.
PV: Có gì khác biệt giữa việc thuyết phục người dân Úc và người dân đến từ các nước khác không?
O’Neill: Chúng tôi hiện đang hoạt động tại 12 quốc gia và hiện đang tiến hành thả muỗi tại 6 nước. Khi chúng tôi nói chuyện với các cộng đồng – dù là ở Townsville hay một làng chài ven biển miền trung Việt Nam – chúng tôi thấy rất ít sự khác biệt trong các mối quan ngại của mọi người. Hai mối quan tâm hàng đầu gần như luôn là, “Liệu tôi và các con tôi có an toàn khi bị muỗi cắn hay không?”, và “Liệu có bất kỳ tác động nào đến môi trường thông qua việc thả muỗi này hay không?”
PV: Chi phí cho dự án này là $13 mỗi người để lan truyền vi khuẩn Wolbachia ở Townsville, và quần thể vi khuẩn này vẫn còn trong khu vực ngay cả khi việc thả muỗi đã được ngừng lại. Liệu chi phí ở những nơi khác cũng sẽ ở mức này?
O’Neill: Đó là một mức giá khá tốt, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chi phí có thể thấp hơn nữa. Chẳng hạn, nếu chúng ta có dân số đông hơn tại Townsville, trong khu vực mà chúng tôi hoạt động, thì chi phí cho mỗi người sẽ giảm xuống. Ở những thành phố khác, tại Brazil hoặc Indonesia, bởi vì mật độ dân số cao hơn rất nhiều… chi phí cho mỗi người là $3. Và chúng tôi đang hy vọng rằng trong 18 tháng tới, mức giá này sẽ giảm xuống dưới $1 mỗi người.
PV: Vì sao ông nghĩ dự án này lại ít bị chống đối hơn dự án thả muỗi đã được biến đổi gen?
O’Neill: Tôi nghĩ rằng có lẽ chúng tôi đã chú trọng hơn vào sự tham gia của cộng đồng, so với những nhóm nghiên cứu sử dụng các công nghệ khác. Tôi nghĩ việc không sử dụng muỗi biến đổi gen cũng là điều tốt, bởi vì người ta sẽ xem nó như là một sự can thiệp tự nhiên. Ngoài ra, tôi nghĩ đa số mọi người đều không tin vào những tổ chức hoạt động vì lợi nhuận.
PV: Những con muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia này có giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết ở Townsville hay không?
O’Neill: Townsville đã trải qua nhiều đợt bùng phát lây nhiễm cục bộ hàng năm trong 10 năm qua trước khi chúng tôi can thiệp, và hiện nay tại Townsville, vi khuẩn Wolbachia vẫn đang tự duy trì khá tốt. Chúng tôi không thấy có bất kỳ ca lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết nào xảy ra, kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2014. Nghiên cứu này không được thiết lập như một thử nghiệm dịch tễ học. Chúng tôi đang làm điều đó ở Indonesia vào lúc này — một thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát, sẽ được tiến hành trong 18 tháng. Nhưng cho đến nay thì kết quả rất đáng khích lệ.
Theo trang web của , Việt Nam là nước thứ 2 sau Úc thử nghiệm thành công việc thay thế và duy trì quần thể muỗi tự nhiên bằng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trong một khu vực thực địa hẹp.
Từ năm 2013 - 2014, dự án đã thử nghiệm việc thả muỗi vằn mang Wolbachia tại đảo Trí Nguyên thuộc phường Vĩnh Nguyên, Tp. Nha Trang. Kể từ khi Dự án ngừng thả muỗi vào tháng 11/2014 cho đến nay, quần thể muỗi mang Wolbachia vẫn tự duy trì trên đảo.
Về kết quả giám sát bệnh Sốt xuất huyết, từ đầu năm 2014 đến nay Đội Y tế Dự phòng TP. Nha Trang chỉ ghi nhận duy nhất một người dân trên đảo Trí Nguyên mắc sốt xuất huyết vào tháng 11/2015 và không có dấu hiệu bệnh lan truyền trên đảo. Trong khi đó, ở trên đất liền, dịch sốt xuất huyết vẫn xảy ra hàng năm, đặc biệt năm 2015 ở Nha Trang và tỉnh Khánh Hoà nói chung đã xảy ra dịch sốt xuất huyết lớn.
Vi khuẩn Wolbachia là gì?
Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng. Trong tự nhiên có đến 60% các loài côn trùng có mang vi khuẩn Wolbachia như bướm, chuồn chuồn, ruồi dấm và một số loài muỗi sống gần người. Tuy nhiên vi khuẩn này không tồn tại trong muỗi vằn (Aedes aegypti) truyền bệnh Sốt xuất huyết.
Trong rất nhiều năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm cách sử dụng Wolbachia trong việc kiểm soát bệnh sốt xuất huyết.
Wolbachia pipientis được tìm thấy lần đầu tiên trên buồng trứng và tinh hoàn của muỗi Culex pipiens vào năm 1920. Các nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn Wolbachia đều chứng minh nó không phải là tác nhân gây bệnh cho động vật có vú, nó tồn tại một cách tự nhiên ở côn trùng và vô hại. Các nghiên cứu sau đó chứng minh đây là một loại vi khuẩn rất phổ biến trong côn trùng tự nhiên, ước tính có đến 60% các loài côn trùng trong tự nhiên mang vi khuẩn Wolbachia. Đây là loài vi khuẩn rất dễ truyền và lan rộng trong quần thể côn trùng.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu dự án bắt đầu nghiên cứu về Wolbachia từ năm 2006 với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế.
Bệnh sốt xuất huyết phổ biến như thế nào?
Sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại bệnh đáng quan tâm nhất do muỗi truyền. Đây là bệnh lan truyền với tốc độ rất nhanh, ước tính số ca bệnh tăng lên hơn 30 lần trên toàn cầu trong 50 năm qua.
Hiện có hơn 3,9 tỷ người và 100 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Các trận dịch sốt xuất huyết lớn gần đây thường xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, Châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương. Mỗi năm ước tính trên toàn thế giới có khoảng 390 triệu ca nhiễm vi-rút Dengue, trong số này có khoảng 500.000 ca phát triển thành thể nặng và ước tính có trên 25.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là một bệnh phổ biến, đặc biệt là ở khu vực duyên hải miền Trung và miền Nam. Phương pháp kiểm soát sốt xuất huyết chủ yếu sử dụng các biện pháp xua muỗi, diệt muỗi, diệt bọ gậy và sử dụng các biện pháp hoá học khi xuất hiện các ổ dịch.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm và vật trung gian truyền bệnh chính là muỗi vằn (Aedes aegypti). Đây là loại muỗi sống gần con người, thường ở xung quanh nhà và nơi làm việc của con người. Chu trình truyền bệnh thường đi từ người mang vi-rút Dengue, truyền sang muỗi, rồi truyền đến các thành viên khác trong cộng đồng.
Muỗi vằn có nguồn gốc từ Châu Phi nhưng hiện phân bổ rất phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Quá trình di cư, nhập cư trên toàn thế giới, sự gia tăng đi lại, buôn bán, giao lưu giữa các khu vực đã đóng góp đáng kể vào sự lan truyền và phổ biến của muỗi vằn sang các châu lục khác trên toàn thế giới.
Sự tăng lên nhanh chóng của dân số toàn cầu, quá trình đô thị hoá gia tăng cũng là nguyên nhân dẫn đến các tình trạng như: nhà ở không đạt tiêu chuẩn, thiếu hệ thống cung cấp nước sạch, quản lý rác thải và vệ sinh kém. Người dân sử dụng nhiều các dụng cụ chứa nước uống, nước sinh hoạt, bao gồm bể, bi, lu, xô chậu, dụng cụ phế thải có nước đọng. Tất cả đã tạo thêm nhiều môi trường sinh sản phù hợp cho muỗi.
Muỗi vằn không mang vi-rút Dengue một cách tự nhiên, nó phải đốt người bị bệnh và nhiễm vi-rút Dengue từ người bị bệnh rồi mới có thể truyền sang cho cộng đồng.
Sau khi muỗi đốt người bị bệnh, vi-rút từ máu người bệnh sẽ truyền sang tế bào muỗi. Thời gian từ khi muỗi hút máu người bệnh đến khi muỗi có thể truyền bệnh sang người khác là khoảng 12 ngày. Trong thời gian này, các vi-rút được nhân lên bên trong cơ thể muỗi, lây lan đến các tế bào thuộc các bộ phận khác nhau cho đến khi nó lan đến tuyến nước bọt của muỗi. Đến khi đó nếu nó đốt người khác, muỗi sẽ truyền vi-rút Dengue sang cơ thể họ.
Vi-rút Dengue được chia làm 4 loại được gọi là 4 tuýp Dengue khác nhau và chúng đều có khả năng gây bệnh cho người. Một người nếu trước đó đã từng bị mắc bệnh do 1 tuýp vi-rút Dengue, rồi sau đó bị nhiễm 1 tuýp vi-rút Dengue khác thì rất dễ phát triển thành bệnh sốt xuất huyết thể nặng.
Nghiên cứu cho thấy khi Wolbachia được đưa vào muỗi vằn, nó có khả năng ức chế sự nhân lên của vi-rút Dengue trong cơ thể muỗi sau khi nó đốt người bị bệnh. Như vậy, muỗi vằn khi mang Wolbachia sẽ không còn là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại