Năm 1978, chị Tuyết Nguyễn đặt chân đến Úc khi vừa tròn 16 tuổi. Là dược sĩ nhưng chị lại yêu thích văn chương và thích viết sách. Năm 2008, chị đã từng ra mắt tuyển tập truyện ngắn và hồi ký 1 với bút danh Nguyễn Thị Yêu Thương.
Vào đầu tháng 5 sắp tới đây, chị Tuyết Nguyễn sẽ ra mắt truyện dài bằng tiếng Anh đầu tiên của mình. Cuốn sách mang tên ‘Shock Peace: The Search For Freedom’, tạm dịch tiếng Việt là ‘Hòa bình Kinh hoàng: Hành trình tìm Tự do’.
Hành trình Bốn Mươi Năm nhìn lại
Trích đoạn 30 tháng 4 năm 1975
Tuyết Lê biên dịch
“Cả nhà ngồi cả ở phòng khách hướng về chiếc máy truyền hình đang mở. Khoảng 10 giờ sáng, Đại Tướng Tổng Thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện. Cứ như lời ông yêu cầu, tất cả các binh sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải hạ súng và án binh bất động. Buổi sáng nặng nề trôi qua với khuôn mặt ngơ ngác buồn rầu đau đớn của người lớn.
Nhà Trinh nằm trên một con lộ chính, chỉ cách Dinh Độc Lập có một cây số. Người ta chạy hảng lọan trên đường phố, chạy bộ cũng có mà bằng xe gắn máy cũng có. Mắt ai cũng dại đi, mặt mũi tăm tối và thẫn thờ. Trông ai cũng như đang vội vã tìm đến một nơi mà giờ này đối với họ chẳng còn một chút ý nghĩa gì.Vì mọi sự bằng cách này hay cách khác đã mất hết mục đích cả rồi.
Một vài quân nhân băng ngang qua nhà Trinh, ai trông cũng bơ phờ và hoang mang ngơ ngác. Đầu tiên, một anh tháo khẩu M16 đặt xuống vệ đường ngay trước mặt tiền nhà Trinh. Sau đó, tất cả những người lính khác khi ngang qua nơi này đều hạ súng đặt bên trên những khẩu súng đã dược xếp trước đó. Đến giữa trưa, đống súng cao dần.Từng người một, các quân nhân ngang qua nhà Trinh mỗi lúc một đông hơn, vội vã hơn, thậm chí cởi ngay quân phục xếp lại thành đống ngay bên đống vũ khí.
Quay sang bên phải, Trinh tròn mắt kinh sợ khi thấy một chiếc thiết giáp từ từ lăn bánh trên con dường từ phía Dinh Độc Lập, nhưng nàng cũng giảm sợ hãi vì xe chạy với tốc độ chậm và xem chừng khá lưỡng lự. Trinh nghe tim đập thình thình trong lồng ngực, nàng không biết người lái xe tăng sẽ làm gì mặc dù Trinh cũng đã nhận ra đó là hình dáng quen thuộc chiếc thiết giáp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chiếc xe nặng nề uể oải lăn bánh ngang qua nhà nàng, leo hẳn qua lề đường và ngừng lại kế bên xác một chiếc trực thăng bị rớt nằm trên bãi cỏ. Người tài xế vội vàng leo ra khỏi xe tăng, theo sau là một đồng đội. Cả hai liếc nhanh đường phố vắng ngắt có vài kẻ hiếu kỳ trước cửa nhà như ngầm xin lỗi cho hành động của mình và nhanh chóng cởi quân phục, ném xuống hè đường xa xa khỏi những bộ quần áo đã chất thành đống. Sau đó, họ bỏ chạy theo hai hướng khác nhau mà không hề trao đổi với nhau lấy nửa lời, trên người cả hai mặc mỗi cái áo thun và độc một chiếc quần đùi, để mặc chiếc thiết vận xa chổng chơ bên lề công viên. Đôi chân khẳng khiu của họ vẫn mang giày trận oai phong như một chút dấu tích chiến trận đồng hành cùng họ vào một cuộc sống mới vô định.
Trinh nhìn theo bóng cả hai cho đến khuất mắt mới đi vào nhà. Giờ thì chiếc máy phát thanh lặng câm, chỉ còn nghe những âm thanh khọt khẹt đến khó chịu.Trên truyền hình cũng chẳng loan tin gì, chỉ có nhạc và nhạc, lấy cờ Việt Nam Cộng Hòa tung bay phía sau làm nền. Lá cờ vàng, nền vàng và ba sọc màu đỏ vẫn lộng lẫy, mạnh mẽ, uy nghiêm tựa như không biết đến số mệnh bất hạnh sắp xảy đến.
Cả nhà không ai thiết đến ăn uống, đến thật tối, mới cố nuốt chút bánh mì và đồ nguội. Hoảng sợ và đau buồn thường khiến trí óc người ta không tập trung được vào những thói quen thường ngày…”