Hạt Giống Yêu Thương (128) Tình yêu bên cầu biên giới

Noora Arkavazi and Bobi Dodevski in town Kumanovo on 21/12/2016.

Noora Arkavazi and Bobi Dodevski in town Kumanovo on 21/12/2016. Source: Lavoixdunord.fr

Tại biên giới tuyến đường Balkan, cô gái là người tầm trú Iraq giữa làn sóng người tị nạn tìm cách đi vào Serbia để tiến sâu hơn vào Âu Châu, còn chàng trai là cảnh sát Macedonia trấn giữ biên giới để ngăn chặn làn sóng di dân này. Cả hai đã dệt nên câu chuyện tình đẹp nhất năm 2016 theo lời nhận xét của AFP.


Đó là một lễ cưới bình thường như bao lễ cưới truyền thống khác tại nhà thờ Công giáo Chính thống tại Macedonia. Tuy nhiên cô dâu và chú rể trong hôn lễ này thật đặc biệt. Tình yêu của hai con người tưởng như thuộc về hai phía đối lập, đã dệt nên câu chuyện tình đẹp nhất năm 2016, theo lời nhận xét của hãng thông tấn AFP.

Cô dâu tên là Noora Arkavazi, một người Kurd tị nạn theo đạo Hồi, đang trên đường đi vào Âu Châu, còn chú rể Bobi Dodevski, là cảnh sát ở biên giới các quốc gia Balkan, có nhiệm vụ chặn đứng con đường tầm trú của những người tị nạn, anh là người Macedonian và theo Công giáo Chính thống.

Những rào cản về thân phận, về tôn giáo giữa hai con người này tưởng như không thể xóa bỏ, thế nhưng họ đã tìm thấy nhau và đến với nhau. 

Để tìm hiểu họ đã gặp nhau như thế nào, phải quay lại bốn tháng trước lễ cưới, tại một đia điểm mà sự lãng mạn có vẻ chẳng thể nào xây đắp nổi.

Đó là một ngày mưa nặng hạt cuối tháng 3/2016, tại biên giới giữa Macedonia và Serbia. Cô gái Noora Arkavazi 20 tuổi là một nạn dân Iraq ốm yếu, trong làn sóng người tị nạn tràn vào Âu châu, đang bị chặn lại ở biên giới Macedonia trước khi vào Serbia. Gia đình cô gồm cha mẹ, em trai và em gái, tất cả phải rời bỏ quê hương Diyala, ở Iraq, nhiều tháng trước, để đào thoát khỏi những cuộc đụng độ đẫm máu giữa một bên là binh lính của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS và một bên là liên quân Iraq.

Diyala là một tỉnh thuộc phía đông Iraq, nơi xung đột và bạo lực xảy ra từng ngày. Noora kể IS từng bắt cóc cha cô, là một kỹ sư, và đòi hàng ngàn đô la tiền chuộc.

Đầu năm 2016, sau khi thoát khỏi Diyala, họ bắt đầu chuyến hành trình dài chạy về phía Tây, vượt qua biên giới Iraq đi vào Thổ Nhĩ Kỳ, rồi ở đó tìm thấy một con thuyền đi đến hòn đảo Lebos của Hy Lạp, để hướng đến Âu Châu. Cuối cùng họ đã vào được Macedonia.

Noora giải thích: "Chúng tôi lần theo tuyến đường của những người tị nạn khác”. Quả vậy, đây là tuyến đường tị nạn quen thuộc với hàng trăm ngàn người tầm trú đào thoát khỏi chiến tranh và nghèo đói tại Trung Đông, Phi Châu và Á Châu. Và cũng giống như bao người tị nạn khác, gia đình của cô gái 20 tuổi Noora Arkavazi quyết tâm đến được nước Đức.

Tình yêu bên cầu biên giới

Khi đi vào Macedonia và đến biên giới Serbia, Noora đã kiệt sức. Lúc đó cô đang bị sốt cao, và mang tâm trạng tuyệt vọng vì không biết có thể đi tiếp được nữa không. Các quốc gia Balkan vừa ban bố lệnh đóng cửa biên giới với di dân, vì vậy số phận của những người di dân ở Macedonia muốn đi tiếp vào Âu Châu, xuyên qua Serbia, thật mong manh.

Đó cũng là lúc mà chàng trai Bobi Dodevski, thuộc lực lượng cảnh sát Macedonia, đang làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới hỗn loạn này. Chàng cảnh sát biên phòng 35 tuổi tình cờ có mặt vào cái ngày tháng Ba mưa gió đó, vì đổi lịch canh gác với đồng nghiệp. Hôm đó Bobi cũng là nhân viên cảnh sát duy nhất biết nói tiếng Anh. Anh đã làm cảnh sát hơn 15 năm, được cử tới đồn biên phòng hồi năm 2015 trong cuộc khủng hoảng di dân. Kiến thức Anh ngữ của anh thật hữu ích trong hoàn cảnh này, vì có thể giao tiếp với nhiều di dân muốn đi vào Âu Châu.

Ngoài công việc của một cảnh sát, Bobi còn là vũ sư chuyên nghiệp. Vũ đoàn của anh lưu diễn khắp thế giới, từ Nga, Tây Ban Nha đến Monte Carlo.

Trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, Noora nói: "Lúc đó tôi chỉ có một mơ ước là sẽ sống với gia đình tại Đức. Tôi không thể tưởng tượng một điều ngạc nhiên lớn lao sẽ xảy đến với tôi."
Cả hai cho CNN hay đây là một tình yêu sét đánh, ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Noora nói được sáu ngôn ngữ, khi cô đến biên giới trong tình trạng kiệt sức, một viên cảnh sát đã chỉ cho cô đến gặp cảnh sát Bobi Dodevski vì anh biết nói tiếng Anh.

Noora kể lại cho đài BBC:"Từ lần đầu vượt biên tôi đã bị sốt cao, bị gục ngã giữa đường đi không biết bao nhiêu lần. Tới khi gặp Bobi, anh gọi Hội Hồng Thập Tự đến cứu tôi ngay lập tức".

Chàng cảnh sát Dodevski cố gắng giữ thái độ chuyên nghiệp khi làm nhiệm vụ, nhưng một đồng nghiệp nữ đã nhanh chóng phát hiện dấu hiệu mà mũi tên của thần tình yêu đã bắn trúng anh.

Cô Noora Arkavazi nhớ lại: "Người đồng nghiệp trêu anh vì thấy anh mất tập trung. Cô ấy nói "ồ, tôi nghĩ chắc anh bị tình yêu sét đánh rồi. Ngay tại đồn biên giới lúc này, chắc hẳn là ai đó đã cướp đi bộ não của anh rồi phải không".

"Sau đó tôi trò chuyện với anh. Tôi cảm thấy như một điều gì đã thắp sáng trong tôi. Tôi muốn nói chuyện với anh lâu hơn."

Còn anh chàng cảnh sát Dodevski thì nói thẳng: "Tôi từng tiếp xúc rất nhiều, rất nhiều cô gái đi qua đây, có lẽ còn xinh đẹp hơn Noora một chút. Nhưng tôi đã bắt gặp một điều gì đó thật đặc biệt trong đôi mắt của Noora, và tôi nói: "Cô ấy đây rồi, tôi phải lấy được Noora làm vợ. Đó là duyên trời định."

Thế là chàng cảnh sát bị trúng mũi tên của thần tình yêu bảo đảm cô gái và người mẹ được chăm sóc y khoa cẩn thận và được cấp mền để ủ ấm. Noora nhớ lai:

"Anh ấy nói với tôi: em đừng lo lắng nữa, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn cho cuộc đời em."

Cô bỗng bật cười vì nhớ lại cách anh chàng cảnh sát không thể dời ánh mắt khỏi mình.

Còn Bobi 35 tuổi và hai lần ly hôn cho hay giờ đây anh đã tìm thấy một người thật đặc biệt: "Sau tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình, những điều tốt và những điều xấu. Khi tôi nhìn thấy Noora lần đầu tiên, tôi thấy một điều gì thật đẹp đẽ ánh lên trong mắt em ấy. Tại Macedonia chúng tôi sống trong một cộng đồng giao thoa giữa người Hồi giáo, Chính thống giáo, Công giáo và nhiều tôn giáo khác nữa. Tất cả đều có mặt ở đây. Tôi là tín đồ Chính thống giáo, còn Noora theo Hồi giáo. Giữa hai tôn giáo này là một bức tường thật lớn, thật lớn, một biên giới thật rộng. Nhưng nếu bạn yêu một ai đó thật nhiều, bạn sẽ tìm ra cách phá vỡ sự chia cách biên giới này".  

Những ngày sau đó, trong khi đoàn di dân tạm trú tại trại tị nạn Tabanovce để chờ cứu xét có được đi tiếp vào Serbia không, Bobi và Noora có dịp gặp nhau nhiều hơn, chàng cảnh sát chia sẻ thời gian đưa cô gái và mẹ cô đi thăm chợ trong vùng, mua thực phẩm và quần áo.

Sau khi hồi phục hoàn toàn, Noora, vì biết nói sáu ngôn ngữ khác nhau, đã vào làm việc cho Hội Hồng Thập Tự địa phương.

Cô ngày càng yêu mến cách chàng cảnh sát Bobi cao lớn chơi đùa với lũ trẻ tầm trú nhân, không giống như những đồng nghiệp nghiêm khắc của anh.

SBS cho hay lực lượng cảnh sát Macedonia từng phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích vì đối xử tồi tệ với người tầm trú, đặc biệt lực lượng này đã từng phun hơi cay vào đoàn người di dân tìm cách vượt biên từ Hy Lạp để vào Macedonia.

Vào một ngày tháng Tư, khi hai người đang ăn tối trong một nhà hàng, Bobi bỗng nhiên run lên và nét lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. Anh cứ uống nước liên tục.

Noora kể: "Tôi nói với anh ấy là anh đang đùa em phải không? Nhưng có lẽ anh đã lặp đi lặp lại câu nói ấy đến 10 lần: "Em sẽ lấy anh chứ Noora?"

Cuối cùng, cô đồng ý trở thành Bà Dodevski. Bobi nói: "Nếu có điều gì khiến mọi người thấy ngạc nhiên thì đó là việc tôi đã từng kết hôn hai lần. Mọi người thường nói đùa là sau hai lần thất bại, tôi sẽ chẳng dám cưới ai nữa trong 100 năm tới. Nhưng chỉ vài tháng sau khi gặp Noora, chúng tôi đã đính hôn".

Cũng vào ngày Bobi cầu hôn thành công, anh đi tới một tiệm xăm hình và xăm tên Noora trên cánh tay. Vài ngày sau, Noora cũng có một hình xăm tên anh trên tay mình.

Khi gia đình cô được tiếp tục lên đường, Noora đã quyết định ở lại Macedonia sau khi trúng mũi tên của thần tình yêu. Lúc đó cô vẫn lo lắng và sợ gia đình phản đối hôn lễ, mà chú rể là một người ngoại đạo.

Noora nhớ lại: "Tôi gởi cho ba mẹ một tin nhắn nói rằng, tôi đã chọn được người đàn ông tốt cho cuộc đời và sẽ cưới anh ấy. Tôi không muốn cưới người nào khác. Cha mẹ rất giận và lo lắng. Họ hỏi tôi tại sao, tại sao tôi không nói với họ từ trước đó. Tôi trả lời họ rằng vì tôi sợ hãi. Giữa hai chúng tôi là biên giới cách biệt quá lớn, giữa Hồi giáo và Công giáo Chính thống."

Noora cho hay cô thấy nhẹ nhõm vì gia đình mình giờ đây đã đặt chân đến Đức an toàn.

Lễ cưới trong mơ

Vào sinh nhật của Noora, ngày 13/7/2016, cả hai tổ chức đám cưới sau bốn tháng kể từ lần đầu gặp gỡ. Chú rể theo truyền thống Công giáo Chính thống còn cô dâu thuộc một gia đình người Kurd theo Hồi giáo. Đám cưới đón tiếp 120 khách mời từ mọi tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, bao gồm những đồng nghiệp mới của cô dâu thuộc Hội Hồng Thập Tự.

Thị trấn Kumanovo quê hương của chú rể là một trong những vùng có tỷ lệ đa dạng sắc tộc cao nhất Macedonia, với cộng đồng Hồi giáo Albanians, người Serbia, người Ý, người Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nhóm sắc tộc khác. Bobi tự hào cho hay:"Tại Macedonia, chúng tôi có thật nhiều truyền thống khác nhau và tôn giáo đa dạng. Tôi có nhiều bạn bè là người Hồi giáo. Chúng tôi cùng nhau chúc mừng ngày lễ Ramadan."

Sau lễ cưới hai vợ chồng sống trong một nhà chung cư nhỏ tại thị trấn Kumanovo, phía bắc Macedonia. Noora chăm sóc cho ba người con riêng của chồng. Gia đình năm người sẽ chào đón thành viên thứ sáu không bao lâu nữa.

Noora cười hạnh phúc: "Tôi đang có thai bốn tháng".

Noora nói cô nhớ Iraq rất nhiều, nhưng những người hàng xóm ở Macedonia thật thân thiện, đã giúp cô nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Sự gắn bó của cộng đồng cũng nhắc cô nhớ lại cảm giác được chào đón và chắm sóc khi ở Iraq.

"Tôi cảm thấy ở đây như quê hương mình. Cuộc sống thật dễ chịu. Chẳng có ai nhòm ngó tôi và xem tôi như một người tị nạn cả."

Cô giải thích thêm sự lưỡng lự ban đầu của cha mẹ về mối quan hệ với chàng cảnh sát Bobi đã biến mất, sau khi họ biết được hai người đã đến với nhau ra sao, cũng như hiểu rõ về tình cảm sâu sắc mà cả hai dành cho nhau.

Số lượng di dân tại trại ti nạn Tabanovce thuộc Macedonia đã giảm đáng kể, từ khi tuyến đường Balkan bị đóng lại, mặc dù vậy nhiều người tầm trú vẫn tìm cách đi sâu vào lục địa Âu Châu nhờ sự giúp đỡ của những nhóm buôn người.

Dejan Kladarin là điều phối viên bảo vệ người di dân thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Skopje, ông nói hiện những trại thanh lọc người tị nạn của Macedonia chỉ còn khoảng 200 di dân.

Ông cho hay kinh nghiệm của Noora là một câu chuyện đẹp đẽ, và ai cũng mong sao có thêm nhiều câu chuyện về di dân tích cực như vậy.

Tuy nhiên ông nói hiện vẫn còn rất nhiều người muốn tiếp tục đi đến những quốc gia mà họ nghĩ rằng có nền kinh tế thịnh vượng hơn, với niềm hy vọng được đổi đời.

Còn Bobi mong sao câu chuyện lãng mạn giữa anh và Noora sẽ khuyến khích những người trẻ tuổi vượt qua nhiều rào cản và định kiến để đến được với nhau.

 

 

 


Share