Hạt giống yêu thương (203) Đứng trên đôi chân của mình

Gia đình anh Nguyễn Mạnh Quyết, hai con trai Quyến -16,  Quyền - 14, chị Thanh vợ anh và ông ngoại. Anh Quyết lúc ra tòa. Và cô Shira Sebban.

Gia đình anh Nguyễn Mạnh Quyết, hai con trai Quyến -16, Quyền - 14, chị Thanh vợ anh và ông ngoại. Anh Quyết lúc ra tòa. Và cô Shira Sebban. Source: Supplied

"Thương người như thể thương thân" câu thành ngữ Việt này xem ra đúng với trường hợp của cô Shira Sebban. Không cùng màu da sắc tộc nhưng chính nỗi đau người tị nạn đã níu cô lại với những gia đình thuyền nhân Việt Nam. Và cô Shira Sebban, nhà văn và biên tập viên tại Sydney đã không chỉ một lần đứng ra giúp các gia đình thuyền nhân Việt bị trả về....


Một buổi sáng thứ Hai đầu tuần như bao buổi sáng thứ Hai khác thậm chí bận rộn hơn với kết quả của cuộc bầu cử bổ sung vào tối Super Saturday đang chờ tường thuật, và vô số email chờ trong hộp thư, Mai Hoa nhận được email của cô Shira Sebban.

Bằng lời lẽ nhã nhặn lịch sự của một nhà văn và biên tập viên của một tờ báo lớn, cô hỏi Mai Hoa có thể giúp cô đưa tin về một cuộc gây quỹ giúp đỡ một gia đình thuyền nhân Việt Nam bị Úc trả về cách nay 2 năm để họ có thể sống được bằng chính sức lực của mình không?

Trong email cô viết “Gia đình này là một trong những gia đình mà mà chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ trong suốt hai năm qua. Người cha anh Nguyễn Mạnh Quyết - lao động chính của gia đình, một tài công khỏe mạnh, sau chuyến đi vượt biên bị chính phủ Úc trả về và chỉ sau một thời gian ngắn ngồi tù tại Việt Nam anh Quyết bị bại liệt hết hai chân.”

Con trai lớn của anh tên Quyến năm nay 16 tuổi từ hơn năm nay đã trở thành lao động chính nuôi gia đình. Cậu bé đi phụ bán cà phê kiếm một ngày $4 tương đương với $70 ngàn đồng Việt Nam, và con trai nhỏ 14 tuổi thì đang đi bán vé số.  Vợ anh chị Thanh vừa nuôi chồng bệnh vừa nuôi cha già yếu, vừa đi phụ rửa chén trong các quán ăn.

Cô Shira viết cô đang có một chiến dịch gây quỹ để giúp hai cậu bé có thể được đi học nghề kiếm sống có một tương lai để có thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Và cuộc trò chuyện giữa Mai Hoa với cô Shira đưa Mai Hoa trở về câu chuyện hai chiếc tàu những thuyền nhân người Việt ra đi từ Bình Thuận bị chính phủ Úc trả về vào năm 2015.

Cô Shira cho biết lần đầu tiên cô biết tin cha mẹ của các em nhỏ  trong nhóm người bị trả về đã bị đưa vào tù tại Việt Nam vì cho là đã tổ chức vượt biên tới Úc bằng thuyền.

Đó là thông tin cô đọc trên một tờ báo Úc vào tháng 7 năm 2016 trong đó nói về hoàn cảnh của gia đình chị Trần Thị Thanh Loan và 4 đứa con.

Lúc đó cả cô và dân chúng cũng như báo chí Úc không biết rằng có đến 3 chiếc thuyền, chở  tổng cộng 113 người Việt tị nạn, đã tìm cách đến Úc trong khoảng năm 2015-16 và tất cả đã bị buộc phải quay trở lại Việt Nam.

Chính phủ Úc cho biết họ đã nhận được sự bảo đảm bằng văn bản từ Chính phủ Việt Nam rằng những người xin tị nạn này sẽ không bị trừng phạt, nhưng thực tế đã không phải như vậy - những người được coi là người tổ chức đã bị án tù.

Cô nói cô các gia đình đã bị cho là buôn người và bị trả về mà không có được một buổi điều trần công bằng và cô cảm thấy có một trách nhiệm đạo đức với những gì đã xảy ra với họ

"Là một người Úc, tôi cảm thấy có trách nhiệm về mặt đạo đức ở một mức độ nào đó đối với những gì đã xảy ra với những gia đình này bởi vì chúng tôi đã gửi họ trở lại ngay từ đầu mà không có được một buổi điều trần công bằng. Những gia đình này không phải là những kẻ buôn lậu người như thuật ngữ này được hiểu theo luật quốc tế. Họ bị bỏ tù vì tội vượt biên bất hợp pháp đến một quốc gia khác. Tuy nhiên chuyến đi của họ không vì lợi ích tài chính hoặc vật chất mà họ rời khỏi đất nước của họ vì giúp gia đình, người thân và bạn bè của họ và họ bị trừng phạt và bỏ tù.

Luật sư Võ An Đôn - Luật sư biện hộ thiện nguyện cho các gia đình bị trả về cũng cho biết cả luật sư bị cáo và hội đồng xét xử Việt nam đều đồng ý họ không phải là những người tổ chức vượt biên vì lợi nhuận mà họ đi để tìm đường sống cho mình và gia đình.

"Tất cả những người trong chuyến đi đều là người nghèo, ít học hoặc mù chữ. Không ai trong trong số họ học hết lớp ba. Họ vì nghèo khổ quá mà đi. trong chuyến đi đó là gia đình người thân và bạn bè của họ. mỗi người hùn vô đóng một ít đề mua dầu mua thức ăn nguyên liệu để đi."

Có tất thảy bốn phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho hai chiệc tàu bị trả về trong đó có tám người bị kết án.

Nhà chức trách Việt nam sau đó đã truy tố và phạt tù 8 người, mỗi tàu 4 người, qui tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép" theo Điều 275 Bộ luật hình sự với bà Trần Thị Lụa bị kết án 30 tháng tù giam, ông Nguyễn Minh Quyết bị kết án 24 tháng tù và ông Nguyễn Đình Quý bị kết án 24 tháng tù giam, bà Huỳnh Thị Kiều 27 tháng tù giam. Hai vợ chồng Trần Thị Thanh Loan và Hồ Hữu Lợi đều bị kết án tù và bốn con nhỏ của họ có nguy cơ phải vào trại mồ côi.

Và cô Shira Sebban đã đến với họ như một giọt nước mát lành trong cơn cùng quẫn giữa sa mạc của khốn cùng.

Cô đã quyên góp giúp gia đình chị Loan có thể giữ lại bốn đứa con của mình không phải gởi đi trại mồ côi và vận động các tổ chức nhân quyền giúp chị Loan được tại ngoại để nuôi con.

Và nay một lần nữa cô vận động để giúp gia đình anh Quyết mà đúng hơn hết là giúp hai đứa trẻ con của anh Quyết như cô nói “có thể đứng trên đội chân của minh.”

“Lần đầu tiên tôi nhận thức được tình hình của ông Quyết và gia đình ông vào tháng 9 năm 2016 khi luật sư nhân quyền Việt Nam ông Võ An Đôn nhờ tôi giúp đỡ họ. Vào thời điểm đó, tôi vừa hoàn thành một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng cho Trần Thị Thanh Loan và 4 đứa con, quyên góp được 11.000 đô la trong một tháng - đủ để giúp giữ lại 4 đứa con của chị Loan không phải bị gởi đi trại trẻ mồ côi, có thể ở lại nhà và quay lại trường. Thời điểm đó cả chị Loan và chồng là anh Hồ Hữu Lợi đều bị kết án tù vì tổ chức vượt biên. Sau chiến dịch đó, Luật sư Võ đã nhờ cô giúp thêm cho hai gia đình khó khăn khác trong đó có gia đình Nguyễn Minh Quyết.

Anh ngư dân Nguyễn Minh Quyết không chỉ bị bỏ tù một lần vì vượt biên. Trước đó anh bị chính phủ Indonesia bắt nhốt vì đánh cá vi phạm lãnh hải của họ.

Ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa đã bị Trung Quốc khống chế đi ra bị tàu Trung Quốc bắn lấy hết ngư cụ, còn đi xuôi xuống thì vi phạm vào lãnh hải của các nước lân cận.

Anh Quyết bị chính phủ Indonedia bắt nhốt hai năm vì đã đánh bắt lấn vào vùng biển của họ.

Vợ anh chị Thanh cho biết trong hai năm đó gia đình phải bán đất đai nhà cửa và vay mượn để gởi tiển cho anh và chuộc anh về vì chính phủ Việt nam không làm gì cả.

Từ lúc bị chính phủ Úc trả về, gia đình chị lao đao.

Chồng chị Anh Quyết thân tù đày bại liệt, gia đình không nhà cửa, không tài sản, không phương kế mưu sinh lại còn bị chính quyền o ép, hai con thất học đứa nhỏ bán vé số đứa lớn phụ cà phê, bản thân chị đi rửa chén quán ăn để kiếm được một ngày $50 /$70 ngàn/ngày. Và chị còn phụng dưỡng người cha già yếu của mình.

Trăm thứ đổ lên đôi vài gày của người phụ nữ mãnh dẻ này thế nhưng kỳ lạ thay trong cách nói của chị luôn đầy lòng biết ơn với những người chủ quán đã chịu thuê mướn chị làm, đầy lòng cảm kích với hai con trai nhỏ đã hiểu thương và chung tay với mẹ kiếm từng đồng phụ nuôi gia đình, đầy tình yêu thương dành cho cha và người chồng tàn tật của mình.

Và đặc biệt chị dành một tình cảm gần như là thành kính khi nhắc đến cô Shira mà chị một mực gọi là Bà, và một người bạn của cô Shira là Ngọc Nhi Nguyễn. 

Chị Thanh nói nếu không có "Bà" chắc giờ này gia đình không biết đi về đâu.

Không chỉ gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày cho cả nhà 5 miệng ăn mà món nợ vay nặng lãi chuộc chồng mới là điều khiến chị khốn khổ.

Chị nói hai con trai chị lúc trước còn nhỏ quá đi xin việc không ai nhận. Cũng may từ hơn năm nay cháu Quyến lớn hơn chút có người nhận làm nên cũng đỡ đần mẹ phần nào.

Chứng kiến mẹ bị chủ nợ đòi tiền và đe dọa miệt thị, cậu bé Nguyễn Lãnh Mạnh Quyến -16 - con chị chỉ mong mình học được nghề gì đó có thể có việc ổn định để giúp mẹ.

Quyến cho biết cậu đi phụ bán cà phê một ngày hai ca được trả $100 ngàn một ngày tính ra từ 1.5 triệu đến $3 triệu một tháng.

Chị Thanh đi rửa chén cho quán ăn được khoản $2 triệu một tháng vừa đủ tiền chi tiêu tiện tặn với điều kiện ông ngoại không đau bệnh và ở nhà không ai được bệnh.

Cô Shira cho biết chính Quỳnh, cậu em 14 tuổi bán vé số, đã dùng Facebook messenger và Googel translate để nói với cô về ước mơ của mình và anh trai về học hành. 

Ông Quyết, cha của Quyến, là một trong số những người bị bỏ tù. Anh ta là tài công  của chiếc thuyền thứ hai bị Úc trả về năm 2015 và anh ta đã nhận án tù 2 năm tại Việt Nam. Trong khi ở trong tù, anh ta mất khả năng đi lại nhưng vẫn quá sợ hãi để có thể nói về những gì đã xảy ra với anh ta. Và dù được thả vào tháng 1 năm 2018, nhưng anh vẫn không thể làm việc và vì vậy không còn có thể hỗ trợ gia đình mình nữa. Quyến 16 tuổi, đã trở thành là người trụ cột chính trong gia đình. Cậu  kiếm được 4 đô la một ngày trong một quán cà phê - và cũng là người duy nhất có thể làm việc nặng nhọc quanh nhà. Câu em Quỳnh 14 tuổi thì đi bán vé số. Quyến nghỉ học từ năm lớp 5 còn Quỳnh thì nghỉ học từ năm lớp 3. Chị Thanh vợ anh Quyết, mẹ của hai cậu con trai nói số tiền ít ỏi hai con kiếm được đã giúp cho gi đình có thể tồn tại mỗi ngày.”

Để có thể giúp gia đình anh Quyết và một gia đình khác – gia đình chị Trần Thị Lụa, Tôi đã phát động một chiến dịch quỹ đám đông khác, quyên góp 15.000 đô la trong một năm để hỗ trợ 3 gia đình, kể cả gia đình ông Quyết: Mỗi tháng tôi gửi vài trăm đô la cho mỗi tài khoản ngân hàng của họ. Số tiền này đã được sử dụng để mua thuốc cho ông Quyết, người bị tê liệt hai chân khiến cho anh chịu rất nhiều đau đớn, cũng như thức ăn cho anh ta trong khi còn ở trong tù. Thật không may, cả hai đứa con trai của anh đều không đi học. Em trai của Quyến, Quỳnh, bây giờ 14 tuổi, bỏ học ở Lớp 3 và đi bán vé số trên các đường phố. Hai cậu nhỏ này đã dùng Facebook messenger và Google translate để nói chuyện với tôi cho tôi biết tình hình gia đình. Ước mơ của Quyền là được đi học làm thợ mộc."

Gia đình chị Loan và 4 đứa con của bà cùng hai gia đình khác đã ra đi một lần nữa vào đầu năm 2017.

Chuyến đi này có 12 trẻ em và 6 người lớn, trong đó có gia đình chị Trần Thị Lụa mà cô Shira đang giúp đỡ, chồng chị Lụa là anh Nguyễn Long và các con – những người này đã trốn khỏi Việt Nam lần thứ hai.

Cả chị Loan và chị  Lụa ra đi để tránh bản án tù mà chính quyền cho họ tại ngoại vài tháng để giúp gởi các con đi khi cả cha mẹ ngồi tù, bản án dành cho những người tổ chức các chuyến khởi hành “bất hợp pháp” bằng thuyền. 

Cả hai đều bị công an đe dọa rằng họ sẽ bị đánh đập trong tù vì dám liên lác và kêu gọi người nước ngoài.

Cô Shira chỉ biết đến chuyến đi của họ khi báo chí đưa tin tàu họ bị dắm trên vùng biển Java và được hải quân Indonesia cứu.

"Tôi không biết họ đang định chạy trốn lần nữa. Thuyền của họ chìm xuống bờ biển Java, Indonesia, khiến họ mất tất cả mọi thứ, nhưng may mắn là họ đã được người Indonesia cứu thoát. Chúng tôi đã sử dụng tiền từ các quỹ đám đông để giúp họ ở lại Indonesia trong vài ngày đầu; Sau gần 10 tháng tại 2 trung tâm giam giữ khác nhau - vào đầu tháng 6 năm 2017, tôi đã đến thăm họ trong trại giam và mang theo máy điện thoại và các vật dụng khác, cùng với một Người ủng hộ người tị nạn người Mỹ gốc Việt, Grace Bui, người có trụ sở tại Bangkok - họ được thả vào đầu năm 2018 và hiện đang sống trong nhà ở cộng đồng ở ngoại ô Jakarta. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào Di dân Indonesia và IOM (Tổ chức Di cư Quốc tế). Chúng tôi đang cố gắng để giúp họ được chấp nhận tái định cư ở nước thứ ba - tôi sẽ chia sẻ tin vui khi chúng tôi biết thêm. Hiện tại thì tất cả bọn họ đều an toàn và hạnh phúc. Họ không thể làm việc nhưng các cháu nhỏ được học tiếng Anh và Toán cùng những kiến thức xã hội do một giáo viên của IOM cung cấp dạy cho các cháu. Tôi giữ liên lạc với họ qua Facebook Messenger.”

Rõ ràng là cô có thể từ chối giúp hoặc chỉ cần cho một món tiền nhưng cô quyết định gây quỹ, một công việc khó khăn hơn rất nhiều, vì sao cô phải làm như vậy?

"Crowdfund lần này là ý tưởng của tôi. Tôi không thể tiếp tục gửi vài trăm đô la mỗi tháng mãi được - số tiền từ lần huy động thứ hai đã hết và tôi thực sự muốn gia đình này có thể tự đứng trên đôi chân của mình và không phải sống cuộc sống đong đo từng ngày, tay làm hàm nhai cho suốt phần còn lại của họ. Người phiên dịch của tôi nói với tôi về KOTO, một tổ chức xã hội tuyệt vời ở Việt Nam, do một người Úc gốc Việt anh Jimmy Phạm sáng lập. KOTO cung cấp chương trình đào tạo nghề khách sạn cho trẻ em đường phố và các thanh thiếu niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi từ 16-22. Khóa học cũng dạy Anh văn và các kỹ năng sống. Quyến nay vừa đúng 16 tuổi, tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu cậu bé có thể được học khóa đào tạo này và sau đó có được một công việc tốt và có thể giúp đỡ gia đình mình. KOTO đảm bảo 100% tất cả học viên tốt nghiệp đều có được việc làm. Chương trình đào tạo kéo dài 2 năm và hoàn toàn miễn phí; tất cả những gì chúng tôi phải trả là tháng học thử nghiệm đầu tiên tại Hà Nội. Nhưng để cho Quyến có thể đến Hà Nội, chúng ta cần có tiền để có thể trả cho 2 năm ăn ở của em, và chúng tôi cũng muốn giúp cho gia đình một người chăm sóc bán thời gian để giúp mẹ chăm sóc cha và ông những khi cần thiết. Quyến chưa bao giờ rời xa xa đình và cậu bé cũng cần được về thăm nhà ở LaGi, Bình Thuận một thị trấn nhỏ ở Nam Trung bộ một vài lần mỗi năm, và chúng tôi cũng hy vọng có thể đưa em trai Quyến là Quỳnh trở lại trường học để học nghề mộc.

Dấn thân vào những việc làm từ thiện, đối mặt với những câu chuyện đau thương của những người tầm trú những hoàn cảnh khó khăn là một điều không dễ, nó khiến bản thân có thể phiền muộn và ảnh hưởng gia đình. Điều gì đã khiến cô giang tay ra với những người không cùng màu da không cùng sắc tộc đang sống tại một nơi xa xôi như Việt Nam?

"Tôi rất hay giúp đỡ những người tầm trú và tị nạn. Tôi đến thăm Trại giam Di trú Villawood hàng tuần với tư cách là thành viên của SASS – tổ chức Hỗ trợ người tị nạn tị nạn Sydney để giúp cho những người tị nạn đang bị giam giữ ở đó. Tôi cũng điều hành các chương trình và dạy sinh viên về hoàn cảnh của người tị nạn và cố gắng tạo ra nhận thức bằng cách viết và xuất bản các bài báo không thường xuyên, cũng như tình nguyện làm hướng dẫn tại Bảo tàng Do Thái Sydney, nơi tôi kết hợp các bài học rút ra từ lịch sử Do Thái và đặc biệt là Holocaust với niềm mong muốn về công bằng xã hội. Nguồn gốc Do Thái của tôi đóng vai trò quan trọng trong ước muốn giúp đỡ người khác: Là người Do thái và những người nhân đạo, chúng ta được dạy để chào đón người lạ; để giúp những người kém may mắn hơn, và đối xử với tất cả mọi người với sự tôn trọng và nhân phẩm - cách chúng ta muốn được đối xử với chính mình."

Đó là câu chuyện gây quỹ của cô Shira Sebban 9d63 giúp gia đình anh Nguyễn Minh Quyêt- thuyền nhân Việt bị chính phủ Úc trả về.
 
Mà đúng hơn là giúp hai đứa trẻ con trai anh - hai đứa bé phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình phải ra đường ra đời bương chãi sớm để có thể học hành lấy một cái nghề, giúp chị Thanh vợ anh người phụ nữ tần tảo - nghèo khó thế nào cũng chưa bao giờ bỏ rơi chồng mình dù anh bị bắt ở Indo hay bị bại liệt trong nhà tù Cộng Sản.
 
Mỗi người với cô Shira giúp cho gia đình nhỏ bé này - một gia đình lễ phép khiêm cung đáng ngạc nhiên mà thường chỉ thấy ở những gia đình khuôn giáo xưa, có một tương lai để như cô Shira nói, "họ đứng có thể đứng trên đôi chân của mình'.
Mỗi người chung tay có thể giúp thay đổi số phận của một gia đình.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share