Vào cuối tháng 1 vừa qua, miền Bắc Việt Nam đã trải qua đợt rét kỷ lục trong vòng 30 năm qua.
Rét độc, rét hại, rét kỷ lục…điều đó cũng đồng nghĩa là các trẻ nhỏ vùng cao phải đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt hơn.
Trong lúc những đứa trẻ thành phố được bao bọc bởi những bộ quần áo dày, đẹp và ấm áp thì những em bé vùng cao hàng ngày phải chống chọi với đêm sương giá lạnh, những cơn gió tê cóng trong những chiếc áo mỏng manh.
Giá rét đến âm độ nhưng nhiều trẻ vùng cao không cóđủ quần áo ấm để mặc. Nhiều cháu còn rất bé nhưng chỉ mặc áo, không có quần, đi chân đất trong giá lạnh.
Nhưng trong cái lạnh rét buốt ấy, tình người lại trở nên ấm áp hơn.
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng"
Nhiều tổ chức và cá nhân ở cả Việt Nam và hải ngoại bằng nhiều cách khác nhau đã chung tay đóng góp hiện vật lẫn hiện kim để giúp đỡ khẩn cấp các em nhỏ vượt qua giai đoạn khắc nghiệt này.
Ngày 25/1, tổ chức Cơm Có Thịt ở Úc cũng đã lên tiếng kêu gọi mọi người ủng hộ gây quỹ khẩn cấp chuyển về Việt Nam để góp phần mua áo ấm, ủng giúp các em nhỏ vùng cao.
"Sau 48 tiếng, Cơm Có Thịt ở Úc đã nhận được 1000 đô Úc từ những người ủng hộ và chuyển về Việt Nam, góp phần cũng Cơm Có Thịt ở đây mua áo ấm và ủng giúp các em chống lạnh", anh Vũ Anh Minh cho hay.
Tại Việt Nam, chương trình Áo Ủng khẩn cấp cho vùng cao do Cơm Có Thịt kêu gọi cũng nhanh chóng nhận được sựủng hộ nhiệt tình của người dân mọi vùng miền.
"Trong vòng 5 ngày, chúng tôi đã tổ chức 4 đợt đưa quần áo rét lên 8 huyện các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung, tổng cộng đưa lên được khoảng 2 vạn áo ấm các loại, và 16 ngàn đôi ủng. Trong 3 ngày đầu tiên, số tiền ủng hộ mua quần áo ấm và ủng đã lên đến 3,6 tỷ đồng. Hiện giờ mọi người vẫn đang làm việc để tiếp tục đưa áo ủng lên cho các em ngay sau Tết", anh Trần Đăng Tuấn nói.
Ngày 27/1 (*)
"Ba mẹ con đến ủng hộ. Con gái nhỏ mang lợn tiết kiệm nhựa đến lấy tiền ra ngay tại bàn kế toán của Cơm Có Thịt. Con gái lớn đòi mẹ mang hết quần áo ấm của mình đến để mang lên cho các bạn. Mẹ phải thuyết phục là con cũng cần mặc ấm. Bù lại mẹ ủng hộ tiền để mua áo ủng khác cho các bạn."
"Danh sách điểm nhận đồ ấm đã hoàn thành. Sau vài giờ nữa nhóm của Chiên Nguyễn và Cường Cơm Thịt đi Bát Xát vềđêm qua sẽ lại xuất phát đi Nậm Nhùn và Mường Tè (Lai Châu). Điểm xa nhất sẽ là Ka Lăng, Pa Ủ. Hai xe tải, hy vọng chở được 8500 áo và 6200 đôi ủng. Rất tiếc không thể mua đủ ủng cho hôm nay. Lại khoảng 2000 km rét mướt nữa. Nhưng các em, các cháu sẽ ấm hơn. Ngày mai tiếp tục thiết kế điểm đến, mua đồ và chuyên chở lên tuyến Văn Chấn và Mù Cang Chải (Yên Bái). May mà các bạn mình sức khoẻ và độ dẻo dai rất tốt."
Ngày 28/1 (*)
"Các TNV Cơm Có Thịt dừng xe hỗ trợ chống rét các em bé (và đôi khi cả người già) dọc đường đi trao áo ủng cho học sinh các trường ở Mường Lát (Thanh Hoá). Những đứa trẻ chân đất là có thật. Không mặc quần cũng là có thật. Thật như cái rét đang tiếp tục. Tại sao và như thế nào... là câu chuyện quá dài. Nhưng trước mắt thì trao chiếc áo, chiếc quần ấm là việc cần và có thể làm."
Ngày 28/1 (*)
"Học sinh Kỳ Sơn nhận áo ủng. Băng đang tan nhưng vẫn còn rất rét. Có em mặc áo ngay, nhưng không hiểu sao nhiều em phong phanh mà nhận áo ủng xong vẫn không mặc ngay. Như là các em muốn để dành cho mới mặc Tết?"
Ngày 29/1 (*)
"Lên nhiều rồi, nhưng lần đầu ngủ trên Suối Giàng. Trong trường tiểu học. Có chăn nhưng chạm vào lạnh như khăn lạnh nhà hàng. Bọn trẻ nội trú háo hức cảnh trang trí đón Tất niên ngày mai, giờ ôm nhau cuộn tròn ngủ, cửa ký túc xá cứ mở toang mà chúng nó chả cần đóng. So với mấy hôm trước thì ấm lên lắm rồi. Nhưng mà thật sự là... vẫn rét lắm. Vẫn rét lắm."
Ngày 30/1 (*)
"Lạ thật, hôm qua trên đỉnh Suối Giàng chan hòa nắng. Nhưng xuống núi thì trời đông xám mây không hề có một tia nắng nào. Như thểông Giời vén mây soi ấm riêng cho 700 đứa trẻ vui Tất niên. Mà không khí trên đó đúng là không khí Tết. Dân quý người lên với con của họ."
Trong cái lạnh khắc nghiệt, tấm lòng của mọi người dường như đã sưởi ấm mảnh đất vùng cao trong những ngày giáp Tết, hơi ấm tình người càng trở nên quý giá vàý nghĩa biết nhường nào… Vẫn còn đó rất nhiều câu chuyện cảm động về tình người, để người ta tin rằng cuộc đời này vẫn còn đáng yêu vàđáng sống lắm.
(*) Trích nhật ký hành trình chuyển quần áo ấm cho các em vùng cao của anh Trần Đăng Tuấn.