Mọi phụ nữ đều bị ảnh hưởng bởi thời kỳ mãn kinh theo một cách nào đó, trải qua các triệu chứng hoặc những thay đổi về thể chất.
Mãn kinh cũng là lúc phụ nữ bước vào giai đoạn lão hóa, chuyển đổi từ tuổi trung niên sang tuổi già. Vì thế, việc giữ gìn sức khỏe trong giai đoạn này rất quan trọng.
Y tá trưởng liên bang Alison McMillan giải thích:
"Mãn kinh thường được xem xét trong ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn tiền mãn kinh, khi buồng trứng bắt đầu giảm rụng trứng. Tiếp theo là thời kỳ mãn kinh, khi không còn kinh nguyệt nữa và buồng trứng ngừng rụng trứng. Và sau đó là thời kỳ hậu mãn kinh, khi đã 12 tháng kể từ lúc có kinh nguyệt lần cuối. Nhưng việc không có kinh đó không phải do mang thai, dùng biện pháp tránh thai, hoặc nguyên nhân nào khác."
Theo giáo sư Alison McMillan, thời kỳ mãn kinh xảy ra do những thay đổi trong chu kỳ sinh sản của phụ nữ. Điều này xảy ra một cách tự nhiên và một số hormone progesterone, estrogen và testosterone bắt đầu giảm đi.
Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài từ 2 đến 4 năm, nhưng có thể lâu hơn từ 1 đến 10 năm đối với một số người. Dấu hiệu sớm của tiền mãn kinh là chu kỳ kinh nguyệt không còn đều đặn. Và sau đó, mãn kinh xảy ra với tất cả phụ nữ, nhưng mỗi người có thể mãn kinh vào một thời điểm khác nhau. Vậy cụ thể thời điểm mãn kinh là khi nào?
"Thời kỳ mãn kinh thường xảy ra một cách tự nhiên và bình thường ở độ tuổi từ 45 đến 55. Nó có thể xảy ra sớm hơn đối với một số người hoặc có thể xảy ra muộn hơn đối với những người khác. Việc chẩn đoán mãn kinh sẽ dựa trên tuổi của một người, tiền sử bệnh của họ và thường bao gồm việc họ không có kinh nguyệt trong hơn 12 tháng."
Là giai đoạn mà tâm sinh lý và sức khỏe có nhiều thay đổi nhất, nhưng mãn kinh đôi khi diễn ra thầm lặng với một số người, trong khi nó gây nhiều triệu chứng không chỉ tác động trực tiếp với người phụ nữ, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân bên cạnh.
Giáo sư Susan Davis - từ Hiệp hội mãn kinh quốc tế - giám đốc chương trình nghiên cứu sức khỏe phụ nữ của Đại học Monash - nói rằng thời kỳ mãn kinh ở mỗi phụ nữ có thể rất khác nhau. Một số người hầu như không có triệu chứng gì rõ rệt, trong khi một số khác lại cảm thấy rất khó chịu. Nhưng có một số dấu hiệu chung và các triệu chứng mà tất cả chúng ta đều biết.
"Nóng bừng và đổ mồ hôi ban đêm là những điều mà bạn thường nghe thấy nhất về thời kỳ mãn kinh. Các triệu chứng đó có thể nhẹ hoặc thực sự nghiêm trọng và khó chịu. Một số phụ nữa sẽ thường xuyên bị nóng bừng vào ban ngày và không bị vấn đề gì vào ban đêm. Nhưng một số phụ nữ khác bị nóng bừng vào ban đêm, khiến họ mất ngủ. Việc này có thể tệ đến mức là mồ hôi ướt đẫm quần áo và ga giường. Nhưng một số phụ nữ khác không bị như vậy. Rất ít phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh mà không bị vấn đề gì."
Các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh cũng bao gồm thay đổi ở âm đạo, khô và đau khi giao hợp, thay đổi tâm trạng, tâm trạng không tốt, khó chịu hoặc lo lắng.
Một số thay đổi khác mà bản thân phụ nữ và người xung quanh có thể dễ dàng nhận thấy, chẳng hạn như trạng thái lo âu hoặc tức giận với những điều vốn rất bình thường, hay quên hoặc khó tập trung, khó ngủ hoặc ngủ không sâu. Có thể có những lý do khác cho điều này, nhưng nguyên nhân thường là do sự thay đổi kích thích tố.
Thêm vào đó là đau nhức khớp, triệu chứng khá phổ biến khi chúng ta già đi. Khớp và cơ bắp cũng có thể bị cứng và đau nhức. Cơ bắp bị teo trong khi mỡ tích tụ ở vùng bụng lại tăng lên, vòng eo tăng lên, tăng cân và mất cân đối về vóc dáng.
Giải thích về vòng eo tăng lên trong giai đoạn mãn kinh, giáo sư Susan Davis từ Hiệp hội Mãn kinh Quốc tế cho biết:
“Bạn nhận thấy rằng vùng bụng của bạn thực sự có to lên một chút, vòng eo có to lên, đó là do sự suy giảm kích thích tố vào thời kỳ mãn kinh khiến mỡ chuyển từ mông, đùi và các phần khác sang vùng bụng của bạn. Vì vậy phần mỡ quanh eo mà bạn thấy thực ra là do sự thay đổi kích thích tố.”
Giáo sư Susan Davis cho biết, các nghiên cứu trong các cộng đồng khác nhau cho thấy mỡ bụng của phụ nữ tăng lên khoảng từ 20-40% vào giai đoạn này.
Ở giai đoạn mãn kinh, lượng hormone giảm mạnh khiến da mỏng và khô hơn, collagen và elastin cũng bị giảm khiến da trở nên sần sùi và kém săn chắc, các đốm đồi mồi xuất hiện, những nếp nhăn trên mặt có thể hiện rõ hơn.
Các vấn đề tim mạch cũng có thể phát sinh trong giai đoạn mãn kinh. Triệu chứng điển hình nhất là thường xuyên chóng mặt và tim đập nhanh. Một số người bị đau ngực, nhức đầu, mệt mỏi thường xuyên. Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim,huyết áp cao và đột quỵ.
Một sự thay đổi khác mà hầu như mọi phụ nữ đều trải qua trong thời kỳ mãn kinh là tình trạng mất xương. Giáo sư Susan Davis giải thích:
Vào thời kỳ mãn kinh, khi mức nội tiết tố của bạn giảm mạnh, xương bị phân hủy nhiều hơn xương được hình thành. Kết quả cuối cùng là xương của bạn ít hơn so với trước giai đoạn mãn kinh.
Vì thế, phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh thường được khuyên ăn thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa hoặc rau màu xanh đậm, tập thể dục và vận động thường xuyên, hạn chế tối đa việc uống rượu và bổ sung canxi-vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
"Rõ ràng chế độ ăn uống lành mạnh là thực sự quan trọng, nhưng hoạt động thể chất cũng rất quan trọng. Đó là điều bạn nên đưa vào cuộc sống hàng ngày của mình trong suốt cuộc đời. Và việc vận động thân thể không có nghĩa là bạn phải đến phòng tập thể dục hoặc là phải đi bộ mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ. Bạn có thể làm vườn hoặc đi bộ lên xuống cầu thang thay vì đi thang máy. Vì vậy, một trong những cách tốt nhất để vận động thể chất là kết hợp các hoạt động vào trong cuộc sống hàng ngày của bạn." - Giáo sư Susan Davis cho biết
Một vấn đề sức khỏe khác mà nhiều phụ nữ tuổi mãn kinh phải đối mặt đó là nguy cơ trầm cảm cao. Những nghiên cứu gần đây về nguy cơ trầm cảm sau mãn kinh chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác của tình trạng này.
Mãn kinh có thể là thời gian mà nhiều phụ nữ cảm thấy cô đơn hoặc thất vọng, bởi vì người thân và bạn bè của họ không phải lúc nào cũng hiểu những khó khăn mà họ đang trải qua, nên không sẵn sàng giúp đỡ họ. Nhưng giáo sư McMillan nói rằng mãn kinh không phải là nguyên nhân gây trầm cảm.
"Mãn kinh không gây trầm cảm. Có lẽ là những người có tiền sử trầm cảm trước khi mãn kinh sẽ dễ bị bệnh hơn, do những thay đổi trong trạng thái cảm xúc của họ, và họ có thể nhạy cảm hơn với những thay đổi về hormone mà chúng ta biết trong thời kỳ mãn kinh và hậu mãn kinh."
Như vậy mãn kinh không phải là nguyên nhân gây trầm cảm, nhưng các triệu chứng mãn kinh làm tăng rủi ro của những người đã có nguy cơ trầm cảm.
Vậy có cách nào để giảm nhẹ các triệu chứng của mãn kinh?
Có rất nhiều điều phụ nữ có thể làm để tự giúp mình vượt qua các triệu chứng mãn kinh, từ những việc nhỏ như mặc quần áo rộng rãi hơn, cho đến việc lớn là thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
Tôi nghĩ rằng những thứ có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh đều là những thứ mà chúng ta biết rằng mình nên làm. Vì vậy, chúng ta nên cố gắng có một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, cố gắng nghỉ ngơi nhiều và hạn chế căng thẳng hoặc lo lắng. Lối sống lành mạnh nói chung có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng.Giáo sư Alison McMilan
Nếu các triệu chứng mãn kinh bắt đầu gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống, và các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng hầu như không có tác dụng, phụ nữ nên nói chuyện với một chuyên gia y tế. Giáo sư McMilan nói rằng có ánh sáng ở cuối đường hầm, có giải pháp để kiểm soát các triệu chứng. Điều quan trọng là cuộc nói chuyện với bác sĩ gia đình về các lựa chọn của liệu pháp hormone mãn kinh, hay liệu pháp thay thế hormone.
Các loại thuốc nội tiết tố chính được sử dụng trong liệu pháp điều trị các triệu chứng mãn kinh là estrogen và progestogen. Thuốc được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm dạng viên uống, miếng dán trên da, dạng gel bôi hoặc thuốc xịt, tất cả đều có cùng một công dụng là cung cấp đều đặn estrogen cho cơ thể theo một liều lượng nhất định. Giáo sư McMilan cho biết, bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia y tế sẽ nói chuyện với bệnh nhân về lựa chọn phù hợp nhất.
Nhưng liệu có rủi ro khi sử dụng liệu pháp thay thế hormone?
"Như chúng tôi biết, tất cả các loại thuốc và phương pháp điều trị có sẵn ở Úc đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt. Vì vậy, bạn có thể yên tâm rằng những thứ này đã trải qua thử nghiệm thích hợp và được hiểu là an toàn. Nhưng với bất kỳ phương pháp điều trị nào, tất nhiên, đều có những hậu quả và rủi ro." - Giáo sư McMilan nói.
Tổ chức Hành động vì sức khỏe phụ nữ thuộc Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ hồi năm 2002 đã nêu ra những nguyên nhân gây tử vong liên quan đến liệu pháp thay thế hormone. Theo đó, những bệnh nhân lớn tuổi dùng liệu pháp thay thế hormone có tỷ lệ mắc ung thư vú, đau tim và đột quỵ gia tăng, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng và gãy xương giảm.
Giáo sư McMilan nói rằng, do đó, những người bắt đầu các liệu pháp này cần phải nói chuyện với chuyên gia y tế của mình về những rủi ro liên quan, và họ sẽ xem xét yếu tố về tiền sử gia đình khi đưa ra quyết định liệu pháp nào là phù hợp nhất.
Bên cạnh liệu pháp thay thế hormone, một số phụ nữ nghĩ đến liệu pháp bổ sung, với các thực phẩm chức năng có thể mua trực tiếp từ hiệu thuốc hoặc siêu thị.
Tiến sĩ Anna Fenton từ Hiệp hội Mãn kinh Úc đưa ra lời khuyên:
"Có nhiều sản phẩm được ưa chuộng, bao gồm những thứ như đậu nành và nội tiết tố nữ từ các loại thực vật khác, kem làm từ cây khoai lang dại, kem kích thích tố progesterone... Tôi nghĩ khi bạn dùng những thứ này thì phải thực sự cẩn thận để chắc chắn là bạn đã xem xét các bằng chứng. Bởi vì các sản phẩm này thường không có bằng chứng cho thấy tác dụng của chúng, và chúng ta không biết liệu chúng có an toàn hay không."
Tiến sĩ Anna Fenton nói rằng, có hàng loạt quảng cáo trên mạng về các lựa chọn kiểm soát triệu chứng mãn kinh. Nếu bạn quyết định sử dụng các loại thuốc thay thế, bổ sung hay thuốc cổ truyền thì hãy tìm người có chứng nhận trình độ chuyên môn trong lãnh vực đó. Bà khuyên mọi người nên tìm lời khuyên từ các trang mạng y tế có uy tín, hoặc từ các hiệp hội về mãn kinh, và nói chuyện với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa của bạn, những người biết rõ sức khỏe của bạn và có thể hướng dẫn để bạn có quyết định đúng đắn.
Đối với phụ nữ đã cắt bỏ tử cung hoặc cắt bỏ buồng trứng, họ không còn kinh nguyệt kể từ sau khi phẫu thuật, làm thế nào để họ biết rằng bản thân đang trải qua thời kỳ mãn kinh?
"Như chúng ta biết, phụ nữ đã cắt bỏ tử cung sẽ không còn kinh nguyệt. Vì vậy, không thể dựa vào chu kỳ kinh nguyệt để biết liệu họ có đang trải qua thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng chúng tôi đã mô tả có liên quan đến thời kỳ mãn kinh, ví dụ như đổ mồ hôi đêm, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng... tất cả những điều đó vẫn thường xuất hiện trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh của phụ nữ đã cắt bỏ tử cung."
Theo giáo sư Alison, nếu phụ nữ đã cắt bỏ tử cung mà gặp phải một số triệu chứng như vừa nêu, thì hãy nói chuyện với bác sĩ của mình, và nếu cần thiết, bệnh nhân có thể được cho xét nghiệm máu để xác nhận tình trạng mãn kinh.
Giáo sư Alison nhấn mạnh rằng, quá trình chuyển đổi qua thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh đôi khi khá gập ghềnh, nhưng trò chuyện với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các chuyên gia y tế luôn là điều quan trọng nhất.
Và sau mãn kinh là giai đoạn hậu mãn kinh, khi hầu hết những triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh trước đó đã giảm dần. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn này, phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm sàng lọc đúng theo khuyến cáo y tế.
Nói về các liệu pháp thay thế để kiểm soát triệu chứng mãn kinh, Tiến sĩ Anna Fenton gợi ý:
"Nếu bạn quyết định sử dụng các loại thuốc thay thế, bổ sung hay thuốc cổ truyền thì hãy tìm người có chứng nhận trình độ chuyên môn trong lãnh vực đó. Bạn cũng nên tìm lời khuyên từ các trang mạng y tế có uy tín, và nói chuyện với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa của bạn, những người biết rõ sức khỏe của bạn và có thể hướng dẫn để bạn có quyết định đúng đắn."