Sức khỏe là Vàng: Tê tay chân là bệnh gì?

massage

Source: Pixabay

Tê tay chân khi trời lạnh hoặc khi ngồi lâu khiến máu lưu thông kém là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Nếu triệu chứng tê không tự hết mà kéo dài hoặc diễn ra thường xuyên thì có phải do thiếu chất gì hay bị bệnh gì?


Triệu chứng của tê tay chân là cảm giác tê rần như kim châm, kiến bò hay điện chạy, cảm giác rát buốt.

Cần phân biệt tê tay chân hoàn toàn khác với tình trạng cứng khớp, khi tay hoặc chân bị cứng, cử động khó khăn vào buổi sáng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng tê tay chân.

- Tuổi tác: Đối với người lớn tuổi, những tế bào cảm giác ở đầu ngón tay, ngón chân không còn hoạt động tốt. Đó là sự thoái hóa thần kinh bình thường ở người lớn tuổi. Trường hợp này không có thuốc trị đặc hiệu, bệnh nhân chỉ được khuyên uống vitamin có lợi cho tế bào thần kinh như B1, B12.

- Tiểu đường: cũng là một lý do dẫn đến tê tay chân. Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương dây thần kinh dẫn đến triệu chứng tê tay chân. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường cần được kiểm soát tốt bệnh để ngăn ngừa các biến chứng thần kinh trở nên nặng hơn.

- Cholesterol cao: cần kiểm soát lượng cholesterol trong máu tránh trường hợp cholesterol quá cao có thể dẫn đến nghẽn mạch máu và gây ra tình trạng tê tay chân.

- Hội chứng ống cổ tay: Những người làm việc sử dụng cổ tay nhiều gây kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh trong ống cổ tay thường mắc hội chứng này, với triệu chứng tê ở ngón tay, bàn tay và cánh tay. Hội chứng này có thể dễ dàng điều trị khỏi hẳn nếu phát hiện và chữa trị sớm.

- Viêm gan, suy thận: nếu gan, thận bị tổn thương và làm việc không hiệu quả thì các chất độc không được thải khỏi cơ thể sẽ ứ đọng gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến tê tay chân. Trường hợp này cần điều trị triệu chứng chức năng gan, thận.

- Mạch máu bị nghẽn dẫn đến tê tay chân. Trường hợp này bệnh nhân có thể được nong mạch máu.

- Bệnh tuyến giáp như bướu cổ cũng có thể gây tê tay chân.

- Thiếu vitamin như B1, B6, B12 cũng dễ gây tê tay chân. Những người uống nhiều rượu, người bị rối loạn đường tiêu hóa không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, hoặc người trải qua phẫu thuật thắt bao tử để giảm cân, thường bị thiếu vitamin và cần bổ sung bằng đường uống.

- Nhiễm độc chì hoặc thủy ngân có thể bị tê tay chân. Đặc biệt những loại cá lớn ở biển sâu như cá kiếm, cá mập thường có chứa thủy ngân, vì vậy không nên ăn nhiều các loại cá này.

- Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là tê tay chân. Đa số các trường hợp sau khi ngưng thuốc thì triệu chứng tê tay chân cũng hết.

- Bệnh nhiễm trùng như giời leo khi tấn công vào các mạch máu ở tay hoặc chân có thể gây ra triệu chứng tê tay tê chân.

- Viêm đa dây thần kinh gây tê, ngứa và đau nhức ở tay chân. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, cơ thể bị suy nhược.

- Hội chứng Guillain - barré, căn bệnh tổn thương thần kinh ngoại biên cấp tính, với triệu chứng ban đầu là tê tay chân. Trường hợp cần cấp cứu kịp thời để tránh trường hợp bệnh nhân có nguy cơ tử vong do khó thở.

Tùy theo triệu chứng cụ thể, người bệnh có thể được xét nghiệm máu, xét nghiệm đánh giá chức năng truyền dẫn thần kinh (nerve conduction study), CT scan hoặc MRI scan của não và tủy sống, từ đó phát hiện bệnh để điều trị.

Một số cách có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm triệu chứng tê tay chân

- Điều chỉnh lối sống theo hướng lành mạnh, tránh thuốc lá, rượu bia.

- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng theo khoa học, bổ sung các vitamin trong trường hợp cần thiết.

- Tăng cường vận động thể dục thể thao giúp máu lưu thông tốt.

- Khi trời lạnh nên giữ ấm cơ thể, ngâm chân trong nước ấm, dùng túi chườm nóng ở tay chân.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe phần trình bày của bác sĩ Michael Dũng Cao về chứng tê tay chân trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share