Chính thức giảm lương phụ trội làm việc Chủ Nhật kể từ 1/7

Members of Queensland Unions are seen during a Labour Day Parade in Brisbane, Monday, May 1, 2017. (AAP Image/Dave Hunt) NO ARCHIVING

Members of Queensland Unions are seen during a Labour Day Parade in Brisbane, Monday, May 1, 2017. (AAP Image/Dave Hunt) NO ARCHIVING Source: AAP

Hàng trăm ngàn người lao động Úc sẽ chứng kiến lương phụ trội làm việc ngày Chủ Nhật của họ bị cắt giảm kể từ ngày 1 tháng 7 tới đây, mức cắt giảm sẽ còn nhiều hơn trong vòng 3 năm tới.


Kể từ tháng 7 này, nhân viên trong các ngành bán đồ ăn nhanh, nhà hàng khách sạn, bán lẻ và quầy dược sẽ mất 5% trong khoản tiền lương phụ trội khi làm việc vào ngày Chủ Nhật.

Thế nhưng, đó mới là bước đầu tiên trong kế hoạch do Ủy ban Công bằng nơi làm việc Úc tiến hành.

Toàn bộ mức cắt giảm từ 25 đến 50% sẽ được áp dụng kể từ 2019 với một số người lao động và với một số đặc biệt khác thì thời hạn chót áp dụng sẽ là 2020.

Ủy ban Công bằng nơi làm việc vừa công bố quyết định về kế hoạch chuyển tiếp áp dụng việc cắt giảm lương phụ trội làm vào ngày Chủ Nhật, theo sau tuyên bố về chính sách này hồi tháng 2 năm nay.
“1 tỉ Đô la tuột khỏi túi người lao động và khoản tiền này sẽ không đến được các cộng đồng đâu,” Sally McManus, Thư ký Hội đồng các Nghiệp đoàn Úc (ACTU)
Chính phủ hoan nghênh quyết định cắt lương phụ trội

Tổng trưởng Nhân dụng Michaelia Cash cho ABC biết bà hoanh nghênh những chi tiết trong quyết định kể trên.

“Điều mà đang làm hiện nay là mang lại sự ổn định cho giới chủ nhân sử dụng lao động, giờ đây họ có thể hoạch định về nhân sự cho ba đến 4 năm tới.”

“Tuy nhiên, quyết định này cũng mang đến sự ổn định chắc chắn cho người lao động,” bà Cash nói.

Về chi tiết quyết định của Ủy ban Công bằng nơi làm việc, việc cắt giảm lương phụ trội với nhân viên ngành bán thức ăn nhanh và phục vụ nhà hàng khách sạn sẽ hoàn thành vào năm 2019, còn với lĩnh vực bán lẻ và quầy dược sẽ áp dụng việc cắt giảm đầy đủ theo hạn chót là năm 2020.

Đồng thời với cắt giảm lương phụ trội làm việc ngày Chủ Nhật thì các mức lương phụ trội nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ cũng sẽ bị giảm 25% kể từ ngày 1/7 này.

Quy định này áp dụng với cả 4 ngành: bán thức ăn nhanh, phục vụ nhà hàng khách sạn, bán lẻ và quầy dược.

Lý do mà Ủy ban Công bằng nơi làm việc đưa ra là vì họ phát hiện thấy mức lương phụ trội cho ngày Chủ Nhật như hiện nay cả trong 4 lĩnh vực kể trên, đều ở mức “bù đắp quá đáng”.

Và với kết luận đó, Ủy ban này cho rằng thời điểm áp dụng quyết định là phù hợp.

Người lao động bị thiệt hại

Tuy nhiên, Phát ngôn nhân đối lập đặc trách vấn đề Việc làm và Quan hệ nơi làm việc, ông Brendan O'Connor cho hay quyết định lần này sẽ khiến cho những người lao động vốn chỉ nhận được mức lương thấp nhất nay còn bị cắt giảm.

“Điều khiến cho tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn là những người bị ảnh hưởng là những lao động vốn chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi.”

“Nếu chúng ta nhìn vào mức lương trả cho lao động trong ngành phục vụ nhà hàng khách sạn, ngành thực phẩm thì phải nói là đã quá thấp rồi. Khoản lương phụ cấp vốn bảo đảm cho những người này một mức lương bổng đủ để sinh sống, để họ trả tiền thuê nhà, trả nợ vay mua nhà, rồi chăm sóc cho con cái nếu họ đã là cha là mẹ, và cả tiền đổ xăng xe hơi nữa, đại loại là như vậy.”

“Nếu tước bỏ đi một phần đáng kể như thế trong thu nhập của họ thì những người này sẽ phải vật lộn với gánh nặng cơm áo và nó sẽ khiến tình trạng của họ khó khăn hơn rất nhiều,” ông O’Conner nói.

Còn Thư ký Hội đồng các Nghiệp đoàn Úc (ACTU) bà Sally McManus khẳng định, đây là một kết quả tệ hại dành cho người lao động.

“1 tỉ Đô la tuột khỏi túi người lao động và khoản tiền này sẽ không đến được các cộng đồng đâu.”

“Khảo sát mới của Viện McKell cho thấy gần 40% số tiền này kiểu gì cũng sẽ bị đưa ra ngoài nước Úc, hoặc là được chuyển đến các văn phòng đại diện công ty ở các thủ đô nước ngoài vì trong số này có các công ty thuộc sở hữu đa quốc gia.”

“Điều đó không hề tốt cho cộng đồng khi số tiền chi tiêu tại Úc sẽ giảm đi. Điều đó cũng lại không tốt cho nền kinh tế của chúng ta bởi vì cả kế hoạch ngân sách của ông Scott Morrison đều đang phụ thuộc vào mức tăng trưởng lương bổng thêm 3%, đúng lúc đa số những người lao động lương thấp nhất bị cắt bớt lương bổng,” McManus nói.   

Liệu có đảo ngược được quyết định cắt giảm?

Trong khi Thư ký của Tổ chức United Voice đại diện cho lao động ngành nhà hàng khách sạn Jo-anne Schofield nói bà sẽ kháng án chống lại quyết định kể trên thì ông Brendan O'Connor cho rằng phải chấm dứt ngay những việc cắt giảm lương hưởng này.

Ông nói Thủ tướng nên đảo ngược ngay những quyết định mà theo ông là không công bằng và kinh khủng như thế.

“Quốc hội có thẩm quyền trong việc thông qua hay hủy bỏ một chính sách của Ủy ban Công bằng nơi làm việc.”

“Ông Bill Shorten đã giới thiệu một dự luật cá nhân để làm một việc như thế cách đây vài tháng, và kêu gọi ông Malcolm Turnbull ủng hộ nó.”

“Nếu chính phủ ủng hộ dự luật đó, thì Lao động cũng sẽ bảo đảm là chấm dứt ngay những quyết định cắt giảm phụ cấp.”

“Thật sự thì trái banh đang nằm bên phần sân của ông Malcolm Turnbull bởi vì ông ấy có đủ khả năng để can thiệp và cùng Lao động thực hiện điều đó,” ông O'Connor nói.

Bà Sally McManus khẳng định ACTU đang thúc giục các chính trị gia ủng hộ cho dự luật đảo ngược quyết định cắt giảm lương phụ trội làm việc ngày Chủ Nhật. 

“Chúng tôi khẩn cầu tất cả thành viên Đảng Lao động, đảng Xanh và dân biểu độc lập hãy bỏ phiếu thông qua dự luật này, để chấm dứt ngay việc cắt giảm lương phụ trội bất ngờ và khắc nghiệt này đối với người lao động,” bà McManus nói.

Cắt lương phụ trội bảo đảm lợi ích kinh tế và ổn định việc làm?

Thế nhưng, quan điểm của bà Michaelia Cash không hề lung lay khi cho rằng Chính phủ tôn trọng quyết định từ các cơ quan độc lập.

“Một lần nữa, đây là một quyết định của một cơ quan độc lập là Ủy ban Công bằng nơi làm việc căn cứ vào những chứng cứ rõ ràng được cả các nhóm nghiệp đoàn và nhóm đại diện giới chủ nhân đưa ra.”

“Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, thế nhưng đây cũng là quyết định xem xét đến quan điểm của người sử dụng lao động cũng như của các nhóm nghiệp đoàn đại diện cho người lao động.”

“Quyết định này được đưa ra để bảo đảm lợi ích tốt nhất trong vấn đề công ăn việc làm và nền kinh tế,” bà Cash nói.

Phát ngôn nhân đại diện cho Ngành Kỹ nghệ Úc, Stephen Smith cũng nhấn mạnh, quyết định vô cùng quan trọng này cần phải được tôn trọng.

“Có rất nhiều bằng chứng cho vấn đề này và hoàn toàn không hề có chuyện quốc hội đảo ngược được quyết định của một Ủy ban độc lập,” ông Smith nói.

Ông Smith nói sự chuyển đổi này được xem xét thận trọng và công bằng.

Ông cũng cho hay Ủy ban độc lập đã nhận thấy việc giảm lương phụ trội sẽ tạo được hiệu quả tích cực.

Trong khi đó, Hội đồng Doanh nghiệp Úc cũng gọi quyết định chuyển đổi lần này là hợp lý trong khi Hiệp hội Bán lẻ Úc thì nói rằng cần hoàn tất việc cắt giảm lương phụ trội sớm hơn.

 


Share