Các cuộc đàm phán ở Áo có sự tham gia của Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, tất cả đều là các bên của thỏa thuận hạt nhân ban đầu, được gọi là JCPOA - đã cho phép áp đặt cấm vận Iran để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Thỏa thuận đã đổ vỡ sau khi Tổng thống Donald Trump khi đó rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Iran.
Xuất khẩu dầu thô của Iran giảm mạnh và các công ty dầu mỏ quốc tế hủy bỏ các thỏa thuận với Tehran, khiến nền kinh tế nước này suy yếu.
Iran đã bất tuân mọi hạn chế của hiệp định kể từ khi Mỹ rút lui và từ chối nói chuyện trực tiếp với đặc phái viên Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Hossein Amirabdollahian nói rằng các lệnh trừng phạt cần phải được hủy bỏ.
"Một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra là bảo đảm và xác minh việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là các vấn đề được thảo luận trong các cuộc đàm phán sẽ đưa chúng tôi đến điểm mà dầu của Iran được bán dễ dàng mà không gặp bất kỳ rào cản nào và tiền của khách hàng gởi vào tài khoản ngân hàng của Iran dưới dạng ngoại tệ. Chúng tôi có thể được hưởng các nhượng bộ kinh tế đầy đủ đã được xác định trong thỏa thuận hạt nhân."
Chính phủ bảo thủ của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nhiều lần yêu cầu dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế trước khi Iran bắt tay vào các bước tiến hạt nhân.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran, Saeed Khatibzadeh, nói rằng họ đang đàm phán "gián tiếp" với Hoa Kỳ bằng cách trao đổi tài liệu thông qua các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu.
"Điều quan trọng đối với chúng tôi là lợi ích của người Iran được công nhận trong khuôn khổ chiến lược và nguyên tắc của chúng tôi. Tại Vienna, chúng tôi đang trao đổi không chính thức và gián tiếp các văn bản với Hoa Kỳ dựa trên cùng một khuôn khổ. Các văn bản đang được nhận một cách không chính thức, thông qua điều phối viên của ủy ban chung (Enrique) Mora, và chúng tôi cũng làm như vậy, chúng tôi trình bày quan điểm của mình bằng văn bản và cuộc đối thoại đang diễn ra ở Vienna theo cách gián tiếp."
Iran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ cho mục đích ôn hòa. Nhưng các bước đi hạt nhân quan trọng của nước này đã khiến các đối thủ trong khu vực và các cường quốc trên thế giới phải lo lắng.
Các nhà ngoại giao cảnh báo rằng thời gian sắp hết để khôi phục thỏa thuận do Iran kiên quyết duy trì quan điểm cứng rắn trong việc thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Enrique Mora là nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu chủ trì các cuộc đàm phán hạt nhân nói để thỏa thuận hạt nhân Iran hoạt động trở lại đồng nghĩa với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ Mỹ và cam kết hạt nhân từ Iran.
"Đây là những gì chúng tôi đang làm, bất kỳ suy đoán nào khác hoặc các khả năng khác đều không có ở đây. Trên bàn đàm phán này, điều duy nhất chúng tôi có là làm thế nào để đàm phán một văn bản, sẽ bao gồm các bước thực tế từ Iran và từ Hoa Kỳ để quay trở lại việc tuân thủ đầy đủ."
Ông Mora nói rằng thời gian là điều cốt yếu.
"Tất cả các phái đoàn đều có cảm giác cấp bách rằng cuộc đàm phán này phải được kết thúc trong một khoảng thời gian tương đối hợp lý. Một lần nữa tôi sẽ không đặt giới hạn, nhưng chúng ta đang nói về vài tuần, chứ không phải vài tháng."
Iran hiện đang làm giàu uranium lên độ tinh khiết 60% - chỉ còn một bước ngắn đến cấp độ có thể dùng để sản xuất vũ khí - bằng cách sử dụng các máy ly tâm ngày càng tiên tiến hơn, vốn cũng bị cấm theo thỏa thuận ban đầu.