Thanh thiếu niên khuyết tật bị bắt nạt gấp đôi và gặp nhiều vấn đề tâm thần hơn bạn đồng trang lứa

The report reveals the disturbing challenges faced by young people living with a disability.

The report reveals the disturbing challenges faced by young people living with a disability. Source: Tetra images RF

Nghiên cứu trên 25000 người khuyết tật Úc từ 15 đến 19 tuổi cho biết thanh thiếu niên Úc khuyết tật có nguy cơ bị bắt nạt và buồn bã cao gấp đôi bạn bè đồng trang lứa. Phúc trình của tổ chức Mission Australia về thanh thiếu niên khuyết tật Úc cũng phát hiện đây là nhóm rất dễ bị mắc các căn bệnh tâm thần.


Cô Amy Marks bị mắc một dạng của căn bệnh bại não từ khi mới ra đời và nay mới 23 tuổi, cô đã trở thành một nhà vận động cho người khuyết tật.

Amy nói cô từng trải qua nhiều thách thức khi còn nhỏ cũng như ở tuổi mới lớn.

‘Đã trải qua khó khăn suốt những năm cấp một. Tôi là đứa bé duy nhất có ánh mắt nhìn khác với người khác. Nhiêu đó cũng đủ để tôi bị họ bắt nạt. Tôi luôn cảm thấy mình không giống bạn bè. Tuy nhiên khi lớn hơn một chút tôi thật sự đã trở thành phó chủ tịch học sinh trường tiểu học, điều đó thật tuyệt vời. Đến khi vào high school mọi thứ lại quay lại từ đầu, tôi lại bị bắt nạt tiếp, đặc biệt là hai năm lớp Bảy và lớp Tám’.  

Khoảng thời gian từ 13 tuổi đến 15 tuổi thật tồi tệ với Amy.

‘Bạn cố gắng rất nhiều để hòa nhập, nhưng khi trên người bạn có cái gì đó khác người, như với tôi, đó là đôi mắt, thì thật khó mà kết nối với bạn bè, và đó là thời điểm tệ đến nỗi tôi phải nghỉ học để đi ra ngoài điều trị và phẫu thuật’.

Phúc trình của tổ chức Mission Australia cho biết tình trạng bắt nạt xảy ra thường xuyên hơn đối với trẻ bị khuyết tật – trong năm ngoái nhóm này bị bắt nạt cao gấp đôi so với bạn bè đồng trang lứa.

Và điều đó đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.

CEO của tổ chức Mission Australia, ông James Toomey cho SBS hay kết quả của nghiên cứu chỉ ra một thực tế tồi tệ và đáng lo ngại.

‘Kết quả quan trọng nhất ở đây là thanh thiếu niên khuyết tật gặp trở ngại chồng chất nhiều lần hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Và bạn nhìn vào con số này đây: có tới 24%, tức gần 1/4 thanh thiếu niên khuyết tật mô tả họ cảm thấy buồn bã hay vô cùng buồn bã, so với nhóm bạn khác là 10%. Và một phần tư thanh thiếu niên khuyết tật hay bị lo âu và nghĩ đến sự tự tử, trong khi đó chỉ có 13% những nhóm khác trong nghiên cứu nhắc đến chuyện tự tử này’.

Nghiên cứu thực hiện với 25,000 thanh thiếu niên bị khuyết tật lứa tuổi từ 15 đến 19.

Cứ 10 người thì có 6 người cho biết mình gặp nhiều rào cản khi muốn thực hiện các dự định sau khi học xong, đa số các rào cản liên quan tới sức khỏe tâm thần và khả năng học hành.

Người bị khuyết tật nghĩ rằng điều kiện cơ thể là nguyên nhân đã khiến họ không thể đạt được các mục tiêu sau khi học xong, nhiều gấp ba lần so với những nhóm thanh thiếu niên đồng lứa.

Tổ chức Mission Australia kêu gọi cần có thêm sự hợp tác và tư vấn để giúp đỡ thanh thiếu niên bị khuyết tật.

Ông James Toomey nói cần có thêm nhiều hành động thiết thực để giúp đỡ họ, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể xác cho họ, cũng như loại bỏ bớt những rào cản về xã hội, môi trường sống và y khoa.

Mặt tích cực ở đây là phúc trình cho biết thanh thiếu niên khuyết tật rất chăm học, cứ 10 người thì có hơn 8 người đi học toàn thời gian.

Cô Amy Marks đã học đại học về điện ảnh và truyền hình, cô tin rằng mọi thứ sẽ tốt hơn lên.

‘Tôi cũng nghĩ rằng với thế hệ đang trưởng thành này, là những thanh thiếu niên, họ sẽ có ý thức cao hơn về xã hội và chấp nhận sự khác biệt như nó vốn là như thế’.


Share