Hiện tượng san hô bị bạch hóa đáng kể, đã khiến cho vùng sinh thái đặc biệt nầy bị xuống cấp trong hai thập niên qua và các cơ quan hữu trách cho biết, rất nhiều nơi ở phía bắc Cairns san hô đã chuyển sang màu trắng vào mùa hè nầy.
Sự kiện san hô bị thoái hóa có thể gây ra mối nguy hại cho vùng nhiệt đới phía bắc Queensland, vốn lệ thuộc nhiều vào ngành du lịch, các công ăn việc làm và vấn đề đánh cá.
Các khoa học gia trong Cơ quan phụ trách về Công viên Hải dương Great Barrier Reef, cảnh cáo về hiện tượng san hô bị bạch hóa thường xuyên và việc hủy hoại san hô, nếu hiện tượng nóng ấm toàn cầu không được đề cập đến.
Họ cho biết các điều kiện nắng nóng vào mùa hè và nhiệt độ nước biển tăng cao, sẽ gây ra các thiệt hại.
Thế nhưng tình trạng xuống cấp của các rặng san hô, cũng có thể dự báo một thảm họa cho khu vực nhiệt đới phía bắc Queensland.
Một phúc trình do Bộ Môi trường đề nghị nghiên cứu cho thấy, rặng san hô Great Barrier Reef đóng góp đến 5.7 tỷ đô la trong ngành du lịch và tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế Úc.
Phúc trình cũng cho biết, có gần 2 triệu người viếng thăm rặng san hô mỗi năm.
Giám đốc về việc phục hồi rặng san hô, thuộc Cơ quan Công viên Hải dương là ông David Wachenfeld nói rằng, hậu quả của việc san hô bị bạch hóa còn đi xa hơn các thiệt hại về mặt môi trường.
"Rặng san hô Great Barrier Reef là một biểu tượng về môi trường có tính cách quốc tế, mà tôi nghĩ nó được nhìn nhận là một di sản của thế giới, dĩ nhiên nó cũng có sức mạnh lớn lao về kinh tế".
"Rặng san hô tạo ra hơn 5 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế nước Úc, và hỗ trợ cho gần 70 ngàn công việc phần lớn trong ngành du lịch".
"Vì vậy khi chúng ta nói về hiện tượng thay đổi khí hậu và việc san hô bị bạch hóa đe dọa rặng san hô, chúng ta không chỉ nói đến các tỗn hại về mặt môi trường, mà còn đề cập đến các thiệt hại về xã hội và kinh tế".
Tổ chức Deloitte Access Economics vốn thực hiện bản phúc trình nói rằng, thành phố Cairns và Whitsundays lệ thuộc nhiều vào ngành du lịch và 87 phần trăm du khách đến khu vực nói trên, để viếng thăm rặng san hô Great Barrier Reef.
"Great Barrier Reef và các rặng san hô khác bảo vệ bờ biển nước Úc, khỏi tác hại của bão tố và sóng biển. Chúng cũng cung cấp các lợi lộc về giải trí và đánh cá về mặt thương mại, cũng như ích lợi cho Úc và toàn cầu. Vì vậy, mối đe dọa về thay đổi khí hậu và tổn hại cho hệ thống rặng san hô, sẽ có hậu quả đáng kể đối với mong muốn và ích lợi của xã hội chúng ta trong tương lai". Nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Hải dương Úc, tiến sĩ Neal Cantin.
Giám đốc Du lịch Khu vực Nhiệt đới bắc Queensland là Alex de Waal nói rằng, không có rặng san hô, vùng nầy sẽ không còn là điểm đến du lịch nữa.
"Chắc chắn sự kiện nầy ảnh hưởng đến ngành du lịch. Và khu vực nầy tại vùng phía bắc nhiệt đới của Queensland, nền du lịch dựa trên căn bản là một địa điểm tốt nhất của thế giới, để đến gần với thiên nhiên".
"Và vì vậy nếu không có thiên nhiên, chúng ta thực sự không có một nơi chốn du lịch".
"Vì vậy, rõ ràng chúng ta chịu ảnh hưởng rất quan trọng của Great Barrier Reef và kỷ nghệ du lịch nhắm vào việc tối thiểu hóa các tác hại như vậy".
"Thực sự đây hiện là một phương cách lớn lao, trong việc hỗ trợ cho việc bảo tồn Great Barrier Reef".
Kỷ nghệ du lịch tuân thủ các quyết định nghiêm ngặt và chính sách do cơ quan quản lý Công viên Hải dương đề ra, bao gồm việc cấm bỏ neo tàu thuyền đậu ở khu vực san hô, để giảm thiểu các thiệt hại do du khách gây ra cho rặng san hô.
Thế nhưng trong nhiều trường hợp, các hoạt động của du khách có thể giúp theo dõi việc san hô bị bạch hóa, cùng tính chất nghiêm trọng của nó.
"Kỷ nghệ du lịch và các du khách thực sự đã đến để thưởng thức rặng san hô, là sự kiện hỗ trợ cho việc quan sát về điều kiện của rặng san hô và bảo đảm rằng, mọi tác động đối với rặng san hô được đề cập đến càng sớm càng tốt".
"Chẳng hạn như những con sao biển, nếu chúng ta chẳng có du khách đến đó để thấy được các tác hại như vậy, chúng ta có thể không nói đến hậu quả nầy sớm được".
"Do đó việc có các hoạt động du lịch tại rặng san hô, cung cấp cho chúng ta với cơ chế theo dõi tình hình, và đó là phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo tồn cho rặng san hô".
Tổ chức Deloitte Access Economic nói rằng, rặng san hô Great Barrier Reef cũng cung cấp khoảng 193 triệu đô la về lợi tức, trong việc đánh cá có tính cách thương mại.
Tổ chức nầy cũng nói rằng các kết quả về việc đánh cá, mang lại hậu quả trực tiếp trong các công việc cho gần 2 ngàn người.
Nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Hải dương Úc, tiến sĩ Neal Cantin cho biết, rặng san hô có chiều dài 2300 kí lô mét, là một trường thành bảo vệ bão tố và sóng biển cũng như cho con người, từ Bundaberg cho đến Cape York.
Ông cho biết mọi người dân Úc, có thể được hưởng lợi về chuyện nầy.
"Great Barrier Reef và các rặng san hô khác bảo vệ bờ biển nước Úc, khỏi tác hại của bão tố và sóng biển".
"Chúng cũng cung cấp các lợi lộc về giải trí và đánh cá về mặt thương mại, cũng như ích lợi cho Úc và toàn cầu".
"Vì vậy, mối đe dọa về thay đổi khí hậu và tổn hại cho hệ thống rặng san hô, sẽ có hậu quả đáng kể đối với mong muốn và ích lợi của xã hội chúng ta trong tương lai".