Hệ thống cảnh báo sóng thần ở Indonesia không hoạt động?

People carry items from a damaged shopping mall in Palu, Sulawesi (AAP)

People carry items from a damaged shopping mall in Palu, Sulawesi (AAP) Source: AAP

Phao cảnh báo sóng thần lẽ ra có thể cứu mạng sống của hàng nghìn người trong thảm họa động đất và sóng thần tại đảo Sulawesi hôm 28/9 đã không hoạt động. Thông tin gây sốc trên được Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia của Indonesia đưa ra. Hiện số người thiệt mạng do thảm họa này chưa dừng ở con số 1.300 người tính đến tối 1/10. Nhiều ý kiến đề nghị nâng cấp công nghệ cảnh báo sóng thần.


Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết, các phao nhằm phát hiện sớm sóng thần ở ngoài khơi đã không hoạt động giữa khi nước này đang đối phó với thảm họa sóng thần trên đảo Sulawesi.

Cơ quan này cho biết, các phao kết nối với bộ cảm biến đáy biển đã bị hư hỏng hoặc bị đánh cắp.

Hệ thống này vốn có thể cảnh báo sớm cho người dân về những con sóng cao đến đến 6m, nhưng cơ quan này nói, thay vào đó, họ phải dựa vào các thông tin hạn chế từ các trạm đo thủy triều.

Tuy nhiên, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu địa chất Đức, tức là cơ quan phát triển hệ thống cảnh báo sóng thần đang được Indonesia sử dụng, lại nói rằng, lỗi lại nằm ở chỗ khác.

Giám đốc cơ quan này Joern Lauterjung khẳng định, trên thực tế, hệ thống cảnh báo này vẫn hoạt động. Ông nói: “Hệ thống cảnh báo đã hoạt động như dự kiến ​​và đã đưa ra cảnh báo. 5 phút sau trận động đất mạnh, cảnh báo sóng thần đã được đưa ra, với dự đoán sóng dâng lên ở khu vực tây bắc Sulawesi”.

Hệ thống gồm 22 bộ cảm biến đặt dưới đáy biển, dữ liệu sóng âm và cáp quang này được lắp đặt để thay thế một hệ thống khác trước đó sau một trận động đất và sóng thần đã làm chết gần 250 ngàn người tại đây hồi năm 2004.

Mạng lưới này sau đó sẽ truyền các cảnh báo sóng thần trước cho Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia.

Trên thực tế, đã có cảnh báo sóng thần được gửi đi sau trận động đất 7,5 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng đã dỡ bỏ nó sau khoảng nửa giờ.

Cơ quan này đang đối mặt với những chỉ trích nghiêm trọng, về việc liệu họ có dỡ bỏ cảnh báo quá sớm hay không; rồi liệu cảnh báo có được lan truyền đi ở một số khu vực nơi mà hệ thống còi báo động lại không được cấp nguồn.

Ông Lauterjung nói, vấn đề không phải ở hệ thống cảnh báo, mà là cách chính quyền liên lạc để phát đi thông tin cảnh báo. “Nếu chúng ta nhìn lại toàn bộ chuỗi hoạt động của cảnh báo, từ khi tín hiệu cảnh báo được phát ra, cho đến chặng cuối cùng - như chúng tôi vẫn gọi nó - đến khi người dân địa phương gặp nguy hiểm, đã xảy ra một sự cố. Vấn đề nằm ở khâu liên lạc giữa chính quyền địa phương và người dân, chẳng hạn như những người có mặt trên bãi biển ở Sulawesi” – ông nhấn mạnh.

Và hậu quả của việc đó là người dân đã không được cảnh báo đầy đủ trước khi sóng thần ập vào bờ.

Giáo sư vật lý học Đại học Adelaide, Sandy Steacy, nói với SBS rằng, nhiều mạng người có thể đã được cứu sống nếu chúng ta có phương cách giáo dục và huấn luyện thích hợp.

Bà nói: “Có vẻ như hệ thống cảnh báo đã hoạt động không được tốt lắm. Nhưng giờ thì câu hỏi không dừng ở việc liệu có nên nâng cấp lên một giải pháp công nghệ tốt hơn hay không, mà còn ở có câu hỏi về giáo dục. Bởi quý vị bạn sống trong một khu vực dễ bị động đất và lại cảm thấy sẽ có một trận động đất lớn, quý vị nên tự sơ tán’

Còn ông Lauterjung cho rằng, điều rất rõ ràng là cần cải thiện hệ thống cảnh báo: “Những gì chúng ta cần cải thiện, và đó cũng là kinh nghiệm được đúc rút từ những năm qua, là cần cải thiện các liên kết yếu trong chuỗi cảnh báo, cả cảnh báo người dân lẫn chính quyền các địa phương”.

Tại Adelaide, GS. Steacy cho rằng, Indonesia thậm chí có thể học theo các quốc gia khác, chẳng hạn Hoa Kỳ, tạo ra cái gọi là "cộng đồng sẵn sàng ứng phó với sóng thần".

Bà Steacy cho biết: “Họ đã dán thông tin chỉ dẫn trên các con đường: Trong trường hợp có sóng thần, hãy đi theo hướng này. Tất nhiên phải mất công hơn một chút. Phải có những nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho những thông tin, kiểu như, những khu vực có khả năng bị ngập lụt do sóng thần? Nhưng làm những chuyện đó đâu có khó”.


Share