Danijel Malbasa lớn lên ở Úc trong hoàn cảnh bất lợi về tài chánh, kinh tế và ngôn ngữ.
Anh đã sống sót sau hai cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ, sau đó anh đào thoát khỏi một cuộc xung đột khi mới mười ba tuổi.
Anh di dân đến Úc, nơi đây gia đình anh không nói được một từ tiếng Anh nào, và họ chỉ có được một món tiền ít ỏi.
Sau đó anh đã trở thành một người thông dịch cho các cộng đồng Serbia-Croatia-Bosnia.
Anh cảm thấy tương lai của mình bị hạn chế bởi vùng đất nghèo nàn nơi anh sống, tại vùng ngoại ô phía bắc Adelaide, Danijel cảm thấy không được ai giúp đỡ và bị coi thường.
Tôi biết cuộc đời mình chồng chất khó khăn và tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ gấp bốn, năm lần so với đứa trẻ sống bên kia đường. Vì vậy, tôi nghĩ, bạn biết đấy, bạn phải có thật nhiều niềm tin vào bản thân thì mới vượt qua được những hoàn cảnh bất lợi trong xã hội khá cố chấp này.
Ngày nay, có 17,7% trẻ em Úc dưới 15 tuổi đang sống trong cảnh nghèo đói.
Phúc trình về Hoàn cảnh Bất lợi do Sự gián đoạn, do Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc CEDA thực hiện, cho thấy nước Úc cần thay đổi cách xác định và hỗ trợ những người gặp bất lợi để ngăn chặn một tương lai 10 năm tới, có thể chứng kiến nửa triệu trẻ em phải trải qua cảnh nghèo đói.
Trưởng ban Kinh tế Jarrod Ball của tổ chức CEDA nói những người từng trải qua cảnh nghèo khó thời thơ ấu có nguy cơ bị nghèo đói khi trưởng thành cao hơn gấp ba lần.
Tôi nghĩ một trong những điều thật sự khó khăn là chúng ta đã không thực hiện các biện pháp can thiệp sớm đúng đắn hơn và sớm hơn. Chúng ta biết rằng các biện pháp can thiệp sớm thường mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng tất nhiên, lúc nào cũng có những người bị lọt sổ, và không được ghi nhận. Cuối cùng là người ta phải đạp xe từng vòng một để vượt qua cả một hệ thống công lý, và bạn biết đấy, một hệ thống không có lối thoát, hẹp, và chen chúc, đơn giản đã không thể giúp họ phục hồi hoặc mang lại một kết quả tốt hơn.
Cứ 3 trẻ em lớn lên trong các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ có một em gặp bất lợi về sự phát triển khi đến tuổi đi học và không theo kịp bạn bè.
Wendy Fields là người đứng đầu về Chính sách và Các chương trình tại tổ chức Smith Family, một tổ chức từ thiện dành cho trẻ em, nhằm giúp những trẻ em Úc có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các cơ hội giáo dục.
Bà nói cứ ba trẻ em lớn lên trong các hộ gia đình nghèo, thì có một em sẽ gặp bất lợi khi bắt đầu đi học.
Khoảng cách trong học tập thật sự sẽ tăng dần lên đến một mức, mà vào thời điểm những người có hoàn cảnh khó khăn được 15 tuổi, họ có thể bị chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi đến ba năm học hành. Và điều này gây ảnh hưởng rõ ràng hơn nữa đến năng lực đi học lớp 12 của họ. Nếu bạn không đạt được mức tối thiểu 12 năm học, thì cơ hội việc làm của bạn còn bị hạn chế nhiều hơn, từ đó ảnh hưởng đến kết quả của cuộc sống lâu dài trong tương lai. Vậy là một chu kỳ bất lợi khác lại được tạo ra.
Bà nói rằng có những yếu tố rủi ro cố hữu đối với sự nghèo khó, mặc dù chúng không phải là yếu tố quyết định.
20% trẻ em và gia đình mà chúng tôi đang hỗ trợ là người Thổ dân và Cư dân eo biển Torres. Ngoài ra chúng tôi cũng ghi nhận mức dữ liệu cao các trẻ em và phụ huynh có sức khoẻ kém hoặc bị khuyết tật, những gia đình nơi mà không ai có thể đi làm kiếm tiền được, gia đình cha mẹ đơn thân hay cha mẹ không học hết lớp 12.
Ông Ball nói phúc trình xác định những nỗi khó khăn về kinh tế thì lớn hơn nhiều tại các cộng đồng gặp bất lợi.
Chúng tôi nhận thấy những người trong các cộng đồng này đôi khi bị bỏ sót vì họ không tiếp cận được hoặc tương tác được với hệ thống. Mặt khác, họ cũng không đi gặp bác sĩ gia đình hoặc được một dịch vụ nào giới thiệu. Họ có thể gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào cộng đồng. Vì vậy, một phần của những gì chúng tôi muốn nhìn thấy là các phương cách tiếp cận cần phải chủ động hơn, để có thể tương tác với những người hiện nay không nhận được dịch vụ hoặc hỗ trợ, và hệ thống phải cố gắng cung cấp dịch vụ và sự hỗ trợ đó càng sớm càng tốt để giúp đỡ những người này.
Danijel nói những đứa trẻ sống trong khu phố đầy khó khăn của anh không bao giờ cho rằng trường đại học là một sự lựa chọn đối với họ.
Nghèo đói ở Úc không chỉ mang ý nghĩa tiền bạc. Nó còn là tình trạng thiếu những mối quan hệ và mạng lưới có thể nâng đỡ bạn. Thiếu những người giúp đỡ bạn mở rộng cánh cửa hơn một chút. Bạn biết đấy, tôi đã không đi học trường tư ở đó, nơi các câu lạc bộ với những cậu bé bạn học cũ của nhau, sau này có thể giúp bạn tạo điều kiện kết nối và mở rộng mạng lưới trong suốt cuộc đời, còn với tôi, thật sự phải tự mình đi tìm những kết nối đó. Và nếu bạn không được kết nối với mạng lưới, bạn có thể bị bỏ quên, và đơn giản là bạn sẽ không bao giờ thành công. Vì vậy, đó là thực tế của sự nghèo đói ở đất nước này, mà chúng ta đang giả vờ như nó không tồn tại. Nhưng nó đang có thật và đang hiện hữu.
Phúc trình đề nghị một phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu nhằm tài trợ cho các cộng đồng gặp bất lợi, sẽ giúp thu thập thông tin về các nhóm dân số cụ thể và từ đó giải quyết những nhu cầu cụ thể của họ.
Ông Ball nói hệ thống hỗ trợ các gia đình nghèo khó của Úc hiện nay còn phân tán và không được thông tin đầy đủ đến nơi cần biết.
Thật sự cần phải đưa thông tin tốt hơn về những gì đang xảy ra tại địa phương. Một trong những phần phản hồi mà chúng tôi nhận được thường xuyên từ các nhóm khác nhau là họ không hiểu mức độ cần thiết hoặc các dịch vụ nào sẽ là tốt nhất cho người dân địa phương.
Vào năm 2015, như một phần trong cam kết của đất nước đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, Úc cam kết sẽ giảm một nửa số dân sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2030.
Nhưng trong năm nay 2021, tỷ lệ người Úc sống trong cảnh nghèo đói vẫn trên mức 13%, bao gồm hơn nửa triệu trẻ em.
Danijel nói sự thay đổi từ căn bản là chính phủ đầu tư trở lại vào các trường học, cung cấp sự cố vấn và xóa bỏ sự kỳ thị đối với các trẻ em nghèo không thể đạt được các mục tiêu kinh tế và giáo dục.
Anh hiện nay là một luật sư rất thành công sống ở Melbourne.
Rất khó để chúng tôi, những người thuộc tầng lớp lao động, có thể giải thích những sự đấu tranh và những gì chúng tôi đã trải qua, cũng như những gì chúng tôi cần. Và tôi nghĩ chúng tôi cần phải là ở nơi trung tâm của những cuộc thảo luận này, chứ không phải là những người mà bạn biết đấy, sẽ đẩy chúng tôi xuống sâu hơn, chúng tôi đã bị đánh gục đủ rồi. Chúng tôi cần phải được thúc đẩy để hướng lên trên.