LHQ kêu gọi thêm viện trợ trước nguy cơ nạn đói ở Yemen

A Yemeni woman walks through a market in the old city of Sana'a

Một phụ nữ Yemen tại một khu chợ Source: AAP

Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc đang hết sức nỗ lực trong việc cứu tính mạng của hàng triệu người dân Yemen đang phải đối mặt với nạn đói và bệnh tật.


Cuộc nội chiến ở Yemen diễn ra suốt hai năm qua đã kéo theo nạn đói hoành hành ở nhiều nơi.

Trong bối cảnh đó, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) đã một lần nữa phải lên tiếng khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ từ quốc tế.

Chương trình WFP yêu cầu các bên đang tham chiến, bao gồm quân nổi dậy Houthi đồng minh của Iran và liên quân ủng hộ phương Tây do Ả Rập Saudi dẫn đầu, cho phép tổ chức của Liên Hiệp Quốc được vào bên trong Yemen mà không bị ngăn trở, để họ có thể cứu trợ cho gần bảy triệu người dân đang trong tình trạng thiếu thốn lương thực nghiêm trọng.

Giám đốc chương trình, Stephen Anderson, nói rằng, có nhiều cách để Liên Hiệp Quốc có thể cứu trợ cho người dân Yemen nếu họ được phép vào trong quốc gia này.

“Có ba hình thức viện trợ mà  Chương trình Lương thực thế giới có thể làm, đó là phân phối thực phẩm thông thường từ nguồn thực phẩm viện trợ, phiếu mua hàng, và chương trình cứu trợ dinh dưỡng đặc biệt.

“Tất cả cách thức này nhằm viện trợ cho 9.1 triệu người. Tuy nhiên do kinh phí eo hẹp và nhiều hạn chế về vấn đề đi lại nên chúng tôi không thể cứu trợ cho toàn bộ những người cần giúp đỡ.”
“Có ba hình thức viện trợ mà Chương trình Lương thực thế giới có thể làm, đó là phân phối thực phẩm thông thường từ nguồn thực phẩm viện trợ, phiếu mua hàng, và chương trình cứu trợ dinh dưỡng đặc biệt,” Stephen Anderson.
Nạn đói tại đây vẫn chưa được chính thức công bố.

Nhưng WFP vẫn đang nỗ lực tăng cường hoạt động nhằm hỗ trợ dần cho tổng cộng 9.1 triệu người từ giờ cho đến hết năm sau.

Trong một hoạt động cứu trợ khẩn cấp kéo dài 12 tháng, tiêu tốn lên đến 1.2 tỷ Mỹ kim, Liên Hiệp Quốc sẽ cung cấp gói viện trợ toàn phần cho 2.5 triệu người đang trong tình trạng nguy cấp nhất.

Gói viện trợ này bao gồm phần lương thực đủ cho một tháng, cũng như cung cấp chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho những trẻ em và phụ nữ bị suy dinh dưỡng.

4.2 triệu người khác sẽ được nhận gói viện trợ lương thực ít hơn, cung cấp 60% số thực phẩm họ thực sự cần.

Phát ngôn nhân của WFP, bà Dana Sacchetti nói, hoạt động cứu trợ này rất tốn kém.

“Trong 12 tháng tới, chúng tôi cần hơn một tỷ đô la để hoàn thành công việc theo kế hoạch, nhằm đẩy lùi nạn đói nơi đây. Tính ra mỗi tháng chúng tôi cần 100 triệu Mỹ kim. Nhưng ở thời điểm hiện tại chúng tôi chỉ mới xoay xở được 10% kinh phí cần có, thế nên chúng tôi đang rất thiếu kinh phí để cứu tính mạng người dân và ngăn chặn không để quốc gia này rơi vào nạn đói.”

Trước buổi hội thảo Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã có thêm nhiều lời kêu gọi bổ sung thêm nguồn viện trợ.

Cho tới nay Liên Hiệp Quốc mới chỉ nhận được 15% của số tiền 2.1 tỷ Mỹ kim cần có cho công tác cứu trợ Yemen trong năm nay.
Liên Hiệp Quốc mới chỉ nhận được 15% của số tiền 2.1 tỷ Mỹ kim cần có cho công tác cứu trợ Yemen trong năm nay.
Về phía Úc, chính phủ Turnbull đã lên tiếng cam kết đóng góp 10 triệu đô la Úc vào khoản viện trợ.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishsop cho hay phần đóng góp sẽ giúp trao thêm lương thực, cung cấp thêm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nước và cải thiện điều kiện vệ sinh.

Bà Bishop cũng lên tiếng thúc giục các bên tham chiến ở Yemen chuyển sang đàm phán để tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột.

Một nhà hoạt động vì quyền trẻ em và cũng là người được giải Nobel Hòa bình năm 2014, ông Kailash Satyarthi lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải ưu tiên cho những trẻ em sống trong vùng có chiến tranh.

“Tôi kêu gọi Hội đồng bảo an và các thành viên của Liên Hiệp Quốc hãy ưu tiên trẻ em, trẻ em là đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất cho những tội ác mà chúng không gây ra. Trẻ em phải được bảo vệ.”

Ông Satyarthi nói, những hình ảnh về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học gần đây ở Syria buộc ông phải lên tiếng.

Theo ông, những giải pháp của Liên Hiệp Quốc về vấn đề trẻ em trong cuộc xung đột sẽ có thể làm tăng nhận thức, và khuyến khích các quốc gia quyền lực như Hoa Kỳ mở cửa biên giới cho trẻ em tị nạn.

“Mỗi tấm lòng, mỗi cánh cửa hay biên giới mỗi quốc gia nên dành một chỗ cho trẻ em, những đối tượng đang phải tìm kiếm sự tị nạn và thậm chí nếu không phải như vậy thì chúng ta cũng nên dang rộng vòng tay và tìm kiếm một điều tốt đẹp hơn cho chúng, cho sự an toàn của trẻ em, và quan trọng hơn cả là trách nhiệm tập thể của cộng đồng thế giới.”


Share