Chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, Ủy ban Bầu cử tiến hành một chiến dịch nhằm sửa chữa những thông tin sai lệch đang được lan truyền trên mạng về các quy trình bầu cử.
Một trong những người đứng đầu chiến dịch là Evan Ekin-Smith, Giám đốc Truyền thông của Ủy ban Bầu cử Electoral Commission.
Ông Ekin-Smith cho biết rất nhiều thông tin sai lệch về hệ thống bầu cử của Úc đến từ nước ngoài, nơi các cuộc bầu cử thường diễn ra theo các cách khác nhau.
"Thật khó để biết được số lượng những thông tin sai lệch là nhiều như thế nào. Theo những gì chúng tôi biết từ cuộc bầu cử liên bang năm 2019 thì thấy rằng có rất nhiều nội dung mà mọi người đang đặt câu hỏi không liên quan gì tới cuộc bầu cử ở Úc. Dường như những câu hỏi đó đang hỏi về cuộc bầu cử ở các nước dân chủ khác, nhất là Hoa Kỳ. Chẳng hạn như câu hỏi về máy đếm phiếu và cách nó có thể bị gian lận. Mà mọi người cũng biết rồi đó, hệ thống bầu cử liên bang của Úc nổi tiếng với việc sử dụng bút chì và giấy. Và điều này cho đến giờ thì không có gì thay đổi."
Không chỉ các cơ quan có trách nhiệm lo lắng về thông tin sai lệch trong quá trình bầu cử.
RESET Australia là một tổ chức hoạt động để nâng cao nhận thức và vận động cho những gì mà tổ chức này tin là chính sách tốt hơn để giải quyết các mối đe dọa kỹ thuật số đối với nền dân chủ Úc.
Dhakshayini Sooriyakumaran là Giám đốc Chính sách Công nghệ của tổ chức nói rằng họ đã chạy một thử nghiệm trực tuyến gần đây - và kết quả thật đáng kinh ngạc.
"Bạn biết không, gần đây, RESET Australia đã thực hiện một thử nghiệm trên Facebook - giờ nó được gọi là Meta – để xem Facebook lọc các tin sai tin giả như thế nào. Có những điều thực sự cực đoan, chẳng hạn như "Cuộc bầu cử bị hủy bỏ vì COVID" thì thấy rằng những thông tin sai lệnh đó nó vẫn được cho chạy. Chúng tôi đã thử với 5 cái quảng cáo như vậy và cả 5 quảng cáo đểu được chấp thuận trên hệ thống quảng cáo của Facebook. Vì vậy, đây thực sự là một điều đáng quan tâm."
Có một số nhóm dân trong các cộng đồng là đối tượng cụ thể mà Ủy ban Bầu cử Úc đặc biệt nhắm đến trong việc cung cấp thông tin trong đó có những người từ nguồn gốc di dân, lần đầu tiên đi bỏ phiếu ở cuộc bầu cử liên bang.
Cách đi bầu có thể là hơi rắc rối đối với một số người.
Ông Ekin-Smith cho biết tổ chức của ông luôn sẵn sàng trợ giúp.
"Chúng tôi là Ủy ban Bầu cử Úc, và chúng tôi coi trọng cái tên đó. Chúng tôi là Ủy ban Bầu cử phụng sự cho tất cả các cử tri Úc. Chúng tôi dịch tài liệu ra các ngôn ngữ và đó là một phần của chiến dịch rộng lớn của chúng tôi. Chúng tôi tiến hành một trong những chiến dịch lớn nhất phủ khắp các hệ thống dịch vụ công cộng. Chúng tôi dịch tài liệu ra 33 thứ tiếng cùng với 22 ngôn ngữ Thổ dân. Chúng tôi đưa các tài liệu này tới tất cả người Úc chỉ dẫn họ về hệ thống bầu cử."
Một số quốc gia nước ngoài vẫn thường bị buộc tội là các tác nhân đứng sau các thông tin sai lệch, gieo rắc những ngộ nhận tới công chúng, nhằm thủ đắc từ một kết quả bầu cử nào đó hoặc một sự bất ổn trong dân chúng.
Nhưng bà Sooriyakumaran nói rằng chính những gã khổng lồ mạng xã hội mới là những người được thủ đắc nhiều nhất từ những thông tin sai lệch.
"Người được hưởng lợi từ những tin giả, tin sai không ai khác chính là bản thân các trang mạng. Chính các thuật toán và hệ thống chạy quảng cáo của họ đang kích hoạt điều này. Và họ là những người kiếm được lợi nhuận từ nó."
Và ai là người chiến thắng trong việc truyền bá những điều không đúng sự thật trong lĩnh vực này? Theo ông Ekin-Smith thì điều đó rất rõ ràng.
"Chắc chắn không phải nền dân chủ rồi. Tôi nghĩ công việc mà chúng tôi đang làm rất hữu ích. Bởi chúng tôi là ủy ban bầu cử nơi đang điều hành quy trình này, chúng tôi biết nó hoạt động như thế nào. Chúng tôi là những chuyên gia. Vai trò của chúng tôi là chủ động tiếp cận để chống lại các tin sai tin tin giả này càng sớm càng nhanh càng tốt trước khi nó lan truyền. Hy vọng bằng cách đó, tất cả cử tri Úc đều thắng."
Cuộc bầu cử liên bang năm nay phải được tổ chức vào ngày 21 tháng Năm hoặc có thể trước đó một chút.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung