Trong suốt hai thập niên vừa qua, trên toàn nước Úc ước tính có khoảng 1,200 người đang và từng là quân nhân đã chết vì tự sát.
Như trường hợp con trai của bà Julie-Ann Finney, người đã tự sát sau khi phục vụ 20 năm trong lực lượng Hải quân.
Và giờ bà đang yêu cầu một câu trả lời.
“Tôi muốn thấy ai đó phải chịu trách nhiệm. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho con trai tôi. Mọi người phải nhớ rằng cuộc điều tra này không chỉ dành riêng cho con trai tôi, mà dành cho mọi cựu quân nhân, và cho cả những quân nhân đã qua đời.”
Những người ủng hộ bà Finner đã thúc đẩy chính phủ yêu cầu Uỷ ban Hoàng gia mở cuộc điều tra về những vụ tự sát xảy ra cho các cựu quân nhân và ngay trong lực lượng Quốc phòng.
Trung bình mỗi tuần lại có ít nhất một người tự sát và điều này đã xảy ra trong suốt 20 năm qua, trong đó tài liệu tham chiếu có bao gồm cả những quân nhân hiện tại và những người đã từng phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cả trước đó nữa.
Uỷ viên Hoàng gia Nick Kaldas nói rằng cuộc điều tra này là một cơ hội mà mỗi thế hệ chỉ gặp một lần, và đây là cơ hội để có một sự thay đổi lâu dài và tận gốc rễ.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe với sự thông cảm, chúng tôi sẽ hành động với lòng trắc ẩn và sẽ không hề có sự sợ hãi hay thiên vị. Và chúng tôi sẽ lắng nghe những câu chuyện để từ đó có thể tạo ra thay đổi đến cuộc đời những người đã từng và đang là quân nhân, và cả gia đình của họ.”
Ông cũng thừa nhận rằng cuộc điều tra Hoàng gia sẽ không phải là một nhiệm vụ có thể tiến hành ngay lập tức.
“Chúng tôi đang làm việc với một hệ thống hoạt động và hỗ trợ mà đã tồn tại qua nhiều năm. Chúng tôi đang xem xét một hệ thống hỗ trợ mà đang phải vất vả bắt kịp với bản chất của cuộc sống hiện đại. Chúng tôi biết rằng cộng đồng quân nhân và cựu quân nhân là cộng đồng năng động và đa dạng, chúng tôi cũng nhận thức rằng trải nghiệm mỗi cá nhân trong cộng đồng này là duy nhất và đều quan trọng như nhau.”
Các uỷ viên đang khuyến khích các cựu quân nhân và gia đình bước ra để chia sẻ câu chuyện hoặc có những đề xuất giúp cho cuộc điều tra.
Đã có 600 đơn được trình lên và đã có 60 cuộc điều trần riêng đã được lên lịch.
Đây là cuộc điều tra mới nhất sau khi đã có rất nhiều yêu cầu và cuộc điều tra khác đã được thực hiện trong hai thập niên qua. Các uỷ viên cũng đang chất vấn vì sao có nhiều đề xuất từ những cuộc điều tra trước vẫn chưa được thực hiện.
Tài liệu tham chiếu dài 9 trang của uỷ ban điều tra trong đó yêu cầu xem xét những nhân tố có khả năng góp phần vào nạn tự tử, bao gồm dịch vụ trước nhập ngũ, huấn luyện và triển khai, chuyển giao, và các vấn đề sau tại ngũ.
Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cũng thừa nhận rằng việc thường xuyên thay đổi vị trí công tác trong nhân sự quốc phòng đã ảnh hưởng không tốt đến người thân ở nhà.
“Đối với nhiều gia đình, sự hi sinh đó có tác động hơn nhiều lên bản thân họ và lên người thân của họ trong nhiều năm về sau. Tôi đã được biết về việc bắt đầu cuộc điều tra của Uỷ ban hoàng gia về quốc phòng và nạn tự tử ở các cựu quân nhân. Nghĩa vụ của chúng tôi là làm mọi cách trong quyền hạn để cải thiện tình trạng này cho họ và cho gia đình họ, những người đã phải sống với vết sẹo trong các cuộc chiến mãi sau khi kết thúc quân ngũ.”
Uỷ ban sẽ có biên bản tổng kết, trong đó xem lại quy trình tuyển dụng, sự sắp xếp nhà ở và tài chính, và văn hoá tổ chức trong quân đội.
Các cựu quân nhân và gia đình, trong đó có bà Finney vẫn còn hồ nghi về hệ thống, nhưng họ hi vọng kết quả sẽ giúp giảm tỷ lệ tự tử trong cộng đồng quân nhân.
“Chúng ta cần điều này và cần ngay bây giờ. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Uỷ ban hoàng gia phải công tâm và chúng ta cần các cựu quân nhân, nếu có thể hãy chia sẻ câu chuyện.”
Uỷ ban sẽ có hạn chót nộp báo cáo ban đầu vào ngày 11/8/2022, và báo cáo cuối cùng là vào 15/6/2023.
Cuộc điều trần kéo dài 2 tuần đã bắt đầu từ tuần này ở Brisbane.