Bài thơ Màu tím hoa sim được nhà thơ Hữu Loan viết ngay trên mộ của vợ mình là cô Lê Đỗ thị Ninh năm 1949 vào một buổi chiều mưa nhận được tin vợ mất, ông được cấp trên cho về chịu tang vợ và khi về đến quê nhà thì trên nấm mồ của vợ, cỏ khâu đã lấm tấm xanh chồi.
Màu tím hoa sim được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ 20 và là bài thơ đầu tiên được mua bản quyền bởi một doanh nghiệp kinh doanh về tác quyền. Nhiều người yêu thi ca vẫn thắc mắc giữa bản cũ và bản mới chỉnh sửa sau này của bài thơ. Bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ ở miền Nam phổ nhạc dựa theo ý thơ hoặc nguyên bản như Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh, Nguyễn Đặng Mừng, Thu Hồ, Hồng Vân... và đặt nhiều tựa đề nhạc khác nhau.
Trước năm 1975, ở miền Nam giới văn nghệ sĩ cũng như đông đảo bạn đọc yêu thích thơ nhạc chẳng xa lạ với bài Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Tuy lúc bấy giờ tác giả đang sống ở quê nhà Thanh Hóa nhưng bài thơ này đã có chỗ đứng trang trọng trong lòng người yêu thơ miền Nam. Rất nhiều sách báo thời đó đăng và giới thiệu rộng rãi cho công chúng, bài thơ cũng đã tạo cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ trong Nam lấy phổ nhạc, được ca sĩ hát rộng rãi trên đài phát thanh, trong các buổi trình diễn văn nghệ trên sân khấu đương thời và là nhạc phẩm thịnh hành vào những năm thập niên 60 của thế kỷ trước. Bản Màu tím hoa sim thời ấy ngắn (và dường như có vẻ liền mạch) hơn bản tác giả công bố sau này trên các phương tiện truyền thông báo chí.
Do chỉ được truyền tụng dựa trên nội dung của bài thơ cũ nên khi các nhạc sĩ khi sáng tác chỉ phần kết bản nhạc chỉ dừng lại ở hình ảnh: “Tôi hát trong màu hoa. Áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu” và thiếu mất những hình ảnh đẹp trong một số câu thơ viết bổ sung sau này của tác giả:
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...
Thật ra, bản “xưa” tuy ngắn hơn nhưng ý thơ liền mạch và không trúc trắc, không khiến người đọc phải ngập ngừng giữa các ngôn từ chuyển đoạn. Dĩ nhiên nhà thơ có quyền sửa thơ của mình, hoặc thêm vào những đoạn mới. Song, về phía những độc giả đã cảm nhận và yêu thích, hoặc có những kỷ niệm gắn bó với Màu tím hoa sim theo bản cũ thì khó “làm quen” với những đoạn mới, chữ mới, với hơi thơ của phần bổ sung có vẻ "xa lạ" với bài thơ đã từng biết. Do vậy, một số độc giả vẫn tỏ ra tâm đắc với bài Màu tím hoa sim trước kia nhưng dù Màu tím hoa sim bản “xưa” hay “nay” vẫn chỉ để viết về một người, một mối tình cũng như chỉ một lần xuất hiện thôi cũng đủ để ngồi vào ngôi vị trang trọng nhất trên thi đàn Việt nam trong số những bài thơ tình khóc vợ.
Các anh của “nàng”, đều là những người có thực ở chiến trường Đông Bắc thời đó và bố vợ của “nàng” trước kia làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên “nàng sinh ở trong ấy, quen gọi mẹ bằng má theo cách xưng hô ở miền Nam”, do vậy bài thơ mới có câu “má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối”, một cách xưng hô có lẽ hơi xa lạ với quê hương của nhà thơ.
Những tứ thơ đầu tiên đã nảy ra ngay khi nhà thơ ghé viếng mộ của người vợ trẻ, liền đó ông đã: “ghi vào chiếc quạt giấy để lại nhà một người bạn ở Thanh Hoá. Bạn anh đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm chiến tranh”. Thông tin này cũng đã được chính nhà thơ Hữu Loan thừa nhận trong những cuộc phỏng vấn sau đó.
Có thể nói bài thơ “Màu tím hoa sim” được lưu truyền khắp miền Nam từ thời đất nước còn bị chia cắt, được bao thế hệ thuộc lòng và nhẩm hát nhờ những nhạc sĩ chắp cánh cho lời thơ và có đến bảy nhạc phẩm đã được ra đời từ bài thơ này nhưng có lẽ hai bản nhạc "Những đồi hoa sim" (Dzũng Chinh), và "Áo anh sứt chỉ đường tà" (Phạm Duy) là được công chúng yêu thích nhất và mỗi ca khúc có vẻ đẹp khác nhau nhưng tựu trung đều tôn vinh thi phẩm Màu tím hoa sim và góp phần biến bài thơ trở thành bất tử trong lòng người hâm mộ. Trong số hai ca khúc trên thì “Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy) ra đời sớm nhất, giai điệu "hàn lâm", kịch tính hơn và có lẽ đã phản ánh được trọn vẹn nét bi hùng trong thi phẩm nói trên còn “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh thì đơn giản, chơn chất và gần gũi hơn với tầng lớp nghe nhạc có thị hiếu "bình dân”.
Theo nhạc sĩ Phạm Duy, khi phổ nhạc xong bài thơ thì chính quyền kháng chiến cho rằng bài thơ tiêu cực và ủy mị quá, nên không muốn nhạc sĩ phổ biến bài hát đó cho công chúng. Sau này, khi Phạm Duy vào Sài Gòn sinh sống, tới năm 1971 khi nhạc sĩ Phạm Duy trình làng tập Thương Ca Chiến Trường, ông mới chính thức tung ra bài hát trong tập nhạc này và đặt tên cho bài hát là “Áo anh sứt chỉ đường tà”.
Bài thơ “Màu tím hoa sim” xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính. Trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, nó bị xem là thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản và là một trong những bằng chứng để bộ văn hóa đương thời kết tội thi sĩ Hữu Loan phản động nhưng ông tự ý bỏ tổ chức để trở về quê khổ nhọc kiếm sống và nuôi dạy con cái đến ngày trưởng thành. Tuy nhiên ấn bản Trăm hoa (và bài thơ vẫn được truyền đi rộng rãi trong công chúng bằng những bản chép tay) đã lén lút được đưa vào miền Nam Việt Nam lưu hành, tại đây bài thơ đã tạo cả hứng cho nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát nổi tiếng nói trên.
Tác giả bài thơ lẫn những nhạc sĩ dù đã đi vào cõi hư không nhưng có lẽ đâu đó trên thinh không vẫn vang vọng những thanh âm như muốn nhắn nhủ với thế hệ sau:
Kiều rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh!