Truyền thông trong nước bình luận đây là cuộc cách mạng về bộ máy nhà nước.
Nhà báo tự do Hồng Nga cho rằng quyết định tinh gọn bộ máy được nhiều người trong nước ủng hộ và sự kết hợp các Bộ gần gũi nhau về chức năng và nhiệm vụ, sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho guồng máy công quyền tại Việt Nam.
Chẳng hạn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập với Bộ Tài chính; Bộ Giao thông vận tải sáp nhập với Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường sáp nhập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Quản lý vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính; sáp nhập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động; Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) chuyển về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.
Thế nhưng một trong những sự kết hợp, mà theo bà Hồng Nga, sẽ mang đến nhiều nghi vấn về hiệu quả thực hiện và sẽ để lại nhiều hệ lụy, là kế hoạch Bộ Thông tin và Truyền thông sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác của truyền thông về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo.
Bà Hồng Nga cho rằng kế hoạch sáp nhập cần hoàn thiện vào quý 1 năm 2025 là gấp rút và thể hiện tham vọng của TBT Việt Nam Tô Lâm, muốn ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình.
Tương tự, bà cho rằng kế hoạch đường sắt cao tốc Bắc Nam, được quốc hội vừa chính thức thông qua cũng là một dự án con đẻ tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đã được quốc hội phê chuẩn, thế nhưng vấn đề mấu chốt nhất là vốn đầu tư để xây dựng dự tính lên đến 67 tỷ USD vẫn chưa ngã ngũ là sẽ huy động từ nguồn nào, cũng như kế hoạch di dời cho hơn 120 ngàn gia đình có thể phải tái định cư.
Trong khi đó, tòa phúc thẩm tuyên y án với bà Trương Mỹ Lan với mức án cao nhất là tử hình. Diễn biến phiên tòa mới nhất này có gì đáng chú ý?
Xin mời bấm vào biểu tượng audio ở đầu bài để nghe toàn bộ phần bình luận.