Vương quốc Anh vẫn sẽ mở cửa biên giới cho một số du khách đã chích ngừa

New ‘COME FLY AGAIN’ signage at London’s Heathrow Airport, celebrating the safe reopening of international travel

New ‘COME FLY AGAIN’ signage at London’s Heathrow Airport, celebrating the safe reopening of international travel Source: AAP

Các nỗ lực tiêm vaccine vẫn đang tiếp tục trên toàn thế giới, vì biến thể Delta gây ra các ca nhiễm và trường hợp tử vong tăng đột ngột. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nói tiêm chủng có thể giúp tăng cường phục hồi kinh tế, khi các công ty đa quốc gia có kế hoạch bắt buộc tất cả nhân viên phải tiêm chủng.


Các ca tử vong do coronavirus đang tăng trở lại, khi biến thể Delta lan rộng trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới nói số ca tử vong đã tăng tới 21% trong tuần qua, và biến thể Delta được phát hiện tại 132 quốc gia.

Đến nay bốn triệu người trên thế giới đã qua đời vì Covid-19.

Các ca nhiễm tăng vọt với số lượng cao nhất Mỹ, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Vương quốc Anh.

Nhưng bất chấp thực tế đó, Vương quốc Anh vẫn thúc đẩy việc mở cửa biên giới trở lại.

Trong số những thay đổi mới nhất của kế hoạch mở cửa biên giới là cho phép các du khách đã được chích ngừa đầy đủ đến từ Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ có thể đi vào Anh và Scotland, miễn thời gian cách ly.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh là ông Grant Shapps nói.

Chúng tôi luôn nói rằng chúng ta cần phải đi theo cùng những gì đang xa ra trên thế giới, rõ ràng là mọi người đang được tiêm chủng đầy đủ ở châu Âu và ở Mỹ, có nghĩa là chúng ta có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo cho phép những người đó đến đây, và nếu họ đã có hai mũi tiêm, thì họ không cần phải cách ly 2 tuần nhưng họ phải xét nghiệm virus trước khi rời khỏi nước họ và sau khi đến Anh.

Trên toàn thế giới, tỷ lệ chích ngừa COVID-19 cũng đang tăng lên, với gần 3,7 tỷ liều vaccine đã được tiêm.

Tuy nhiên sự bất bình đẳng về vaccine giữa các nước giàu và nghèo đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo trong tuần này.

Vương quốc Anh hiện nay đang thúc đẩy tham vọng đưa ra thời hạn cuối cùng để toàn bộ dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ.

Khung thời gian hiện tại sẽ là năm 2024, nhưng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab muốn công việc này hoàn thành vào giữa năm sau.

Chúng ta biết rằng chúng ta sẽ không an toàn cho đến khi nào tất cả mọi người đều được an toàn. Chúng tôi đã cam kết cung cấp 100 triệu liều vaccine từ nguồn cung thặng dư trong nước cho các quốc gia nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vào giữa năm tới. Đợt đầu tiên gồm 9 triệu liều sẽ được chuyển đi vào thứ Sáu này. Chúng được gởi tới các quốc gia như Lào và Campuchia, các đối tác như Indonesia và Malaysia, cùng một loạt các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung từ Kenya đến Jamaica. Và điều này chứng tỏ chúng tôi không chỉ hành động vì lợi ích của chúng tôi. Mà thế giới sẽ nhìn thấy nước Anh là một lực lượng có thể cứu mạng người dân và những điều tốt đẹp trên thế giới.

Hoa Kỳ cũng có kế hoạch mua và viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp cũng như Liên minh Phi châu.

Lần xuất cảng mới nhất bao gồm 10 triệu liều vaccine đang được gởi đến Nigeria và Nam Phi, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tỷ lệ tiêm chủng thấp trên khắp lục địa châu Phi.

Các quốc gia châu Phi mới chỉ cung cấp 60 triệu liều vaccine cho tổng dân số hơn 1,3 tỷ người.

Tuy nhiên bản thân Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với cuộc chiến của riêng mình, đối với những người dân chưa tiêm chủng.

Tỷ lệ ca nhiễm đang tăng cao trong các cộng đồng không tiêm chủng - đặc biệt là tại miền Nam nước Mỹ.

Số ca nhiễm tăng vọt khiến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đảo ngược hướng dẫn về đeo khẩu trang, quy định ngay cả những người đã tiêm đầy đủ cũng phải đeo khẩu trang tại khu vực trong nhà ở những vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Trong khi đó tại Capitol Hill, một số đảng viên Cộng hòa đã chống đối khi mọi dân biểu tại Hạ viện được khuyến cáo phải đeo khẩu trang toàn thời gian.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện là dân biểu Kevin McCarthy.

Nếu chúng ta đang cố gắng tiêm chủng cho toàn nước Mỹ, thì loại thông điệp này có thể mang ý nghĩa nào chứ? Chúng tôi đã tiêm chủng, ở đây không phải là điểm nóng, nhưng họ bắt buộc bạn phải đeo khẩu trang, mà cũng không bao gồm Thượng viện, quy định chỉ ở trong Hạ Viện mà thôi. Đây chính là sự kiểm soát.

Sự giận dữ cũng lan truyền tại Louisiana, nơi chỉ có 37% dân số đã tiêm chủng, và là một trong những địa điểm bùng phát virus tồi tệ nhất.

Trên một con đường tại New Orleans, cô Lisa Beaudean là du khách đến từ St Louis.

Tôi không biết câu trả lời là gì. Tôi thật sự không biết. Nhưng buộc mọi người phải đeo khẩu trang một lần nữa, đối với cả những ai đã tiêm chủng đầy đủ, sẽ không thể khiến cho những người chưa tiêm chủng phải đi tiêm.

Tuy nhiên Capitol Hill không phải là nơi làm việc duy nhất siết chặt các quy định an toàn Covid.

Những tập đoàn khổng lồ thế giới như Google, Facebook và Netflix đã công bố các chính sách yêu cầu mọi nhân viên phải chích ngừa nếu họ muốn quay trở lại văn phòng làm việc.

Quy định được tung ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nói kinh tế Mỹ đang tăng lên bất chấp sự gia tăng của các ca nhiễm.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói chỉ có chích ngừa mới giúp nền kinh tế phục hồi.

Sự tiến triển trong chương trình vaccine và các chính sách tài chính chưa từng thấy đang hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phục hồi. Các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục được khôi phục và GDP thực tế trong năm nay có thể ở trên đà ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, các ca nhiễm Covid-19 đã đạt mức cao nhất chưa từng thấy tại Tokyo, chỉ vài ngày sau khi Thế vận hội bắt đầu.

Hơn 3,000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận, và Thống đốc Tokyo bà Yuriko Koike đưa ra lời khuyên.

Chúng ta đang ở giữa kỳ Thế vận hội. Tokyo có dân số 14 triệu người, cao nhất tại Nhật Bản. Chúng tôi yêu cầu người dân phải ở trong nhà trừ khi có việc khẩn cấp, và xin hãy tiếp tục ở yên trong nhà cổ vũ trước màn hình tivi. Đối với biến thể Delta, chúng tôi cần xem xét một biện pháp mới nhằm khuyến khích thanh niên và trung niên cũng như một số cao niên phải đi tiêm chủng.

New Zealand cũng đang tăng thêm nỗ lực tiêm chủng.

Đất nước đang đứng thứ 125 trên thế giới về tỉ lệ tiêm vaccine trên đầu người, và chỉ mới 21% người dân NZ tiêm một mũi đầu tiên.

Đảng Quốc gia Đối lập thậm chí đã thúc giục Chính phủ phải thực hiện giống như sự hướng dẫn của Thủ tướng Úc Scott Morrison và xin lỗi người dân vì việc triển khai chậm chương trình vaccine.

Tuy nhiên cũng giống như Úc, các liều vaccine đang bắt đầu được tăng cường và mở rộng, với 200.000 liều đã được tiêm vào tuần trước.

Thủ tướng Jacinda Ardern kêu gọi tất cả những ai đủ điều kiện hãy đi tiêm chủng.

Tại Hamilton, Thủ tướng đã tiêm liều vaccine Pfizer thứ hai.

Để biết thêm các biện pháp hỗ trợ và sức khỏe hiện đang được áp dụng nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 bằng tiếng Việt, xin mời quý vị truy cập sbs.com.au/coronavirus

Share