Tổ chức Y tế Thế giới hy vọng sẽ dự trữ được một số lượng lớn khoảng hai tỷ liều vaccine chống COVID-19 trước cuối năm sau 2021.
Nếu vaccine phát triển thành công, tổ chức này mong muốn nó sẽ đến được tay những ai bị nguy cơ cao đang cần đến nó nhất.
Nhóm này bao gồm người cao niên, nhân viên trong lĩnh vực thiết yếu và những người mang các căn bệnh trong người như tiểu đường và các bệnh đường hô hấp.
Trưởng nhóm các nhà nghiên cứu của WHO, Tiến sĩ Soumya Swaminathan nói các quốc gia cần có một sự đồng lòng, để đóng góp cho toàn cầu bất kỳ loại vaccine chống coronavirus nào đạt hiệu quả, do nước mình sản xuất.
‘Bởi vì mọi sự đầu tư đều dồn hết cho việc này, nên có thể nói là chúng tôi sẽ đạt được 2 tỷ liều vaccine trước cuối năm 2021. Trước hết chúng tôi có thể ưu tiên phân phối lượng vaccine này cho những cộng đồng nào đang cần nhất. Tuy nhiên WHO sẽ tuyên bố giải pháp cụ thể cho việc phân bổ. Các quốc gia thành viên cần đồng ý với chúng tôi trong chuyện này và cùng đạt được một thỏa thuận chung. Đó là cách duy nhất để mọi việc có thể tiếp tục trôi chảy’.
Cho tới nay, đã có hơn 8.4 triệu người khắp thế giới bị nhiễm coronavirus và khoảng 450,000 người đã bỏ mạng vì virus này.
Chính phủ Anh đã hủy bỏ app truy tìm dấu vết tiếp xúc với coronavirus đang hiện hành, và cho rằng hệ thống truy tìm này không thích hợp với kỹ thuật của điện thoại.
Vẫn chưa rõ khi nào thì app mới sẽ được ban hành, tuy nhiên điều được biết là mô hình app mới sẽ dựa trên nền tảng kỹ thuật do công ty Apple và Google cung cấp, nhằm phát hiện dấu vết những người từng tiếp xúc với người nhiễm dịch coronavirus.
Người đứng đầu hệ thống kiểm tra và truy tìm này của Anh quốc là bà Dido Harding. Bà bảo vệ dịch vụ này của Anh và nói app mới sẽ được cải thiện.
‘Nếu bạn nhìn vào phạm vi phục vụ của dịch vụ quốc gia này, bao gồm cả việc xét nghiệm hàng trăm ngàn người từng tiếp xúc với người nhiễm virus, và truy tìm dấu vết của hàng trăm ngàn người liên quan khác, thì bạn sẽ thấy nó không thua kém gì các nước khác trên thế giới’.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, Thống đống New York Andrew Cuomo đang xem xét áp dụng cách ly bắt buộc hai tuần lễ với những du khách trở về New York từ Florida.
Florida là một trong nhiều bang ở Mỹ, bao gồm Oklahoma và Arizona, mới đây đã có số ca nhiễm coronavirus tăng nhanh.
Thống đốc Cuomo nói virus đã ở trong tầm kiểm soát tại bang này với hơn 68,000 người được xét nghiệm trong 24 giờ vừa qua, cho biết ít hơn 1% số người vừa xét nghiệm nhận kết quả dương tính.
‘Chúng ta đã kiểm soát được virus. Tuy nhiên Florida và Texas thì không. Những bang khác cũng không. Và điều gì sẽ xảy ra nếu người từ các bang này lên máy bay tới New York? Vì vậy dù cho chúng ta đã giảm sự lây nhiễm xuống thấp nhất, nhưng các bang khác vẫn tăng cao, thì trước sau gì chúng ta cũng sẽ gặp nhiều vấn đề’.
Bang Nevada ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong một ngày là hôm thứ Ba tuần này, với 379 ca nhiễm mới, hầu hết đều đến từ thành phố Las Vegas.
Số ca nhiễm tăng nhanh chỉ hai tuần sau khi bang này tuyên bố mở cửa trở lại các sòng bài, nhà hàng và phòng tập gym với số lượng hạn chế.
Nhân viên tại sòng bài phải mang mặt nạ, khách hàng không cần mang nhưng nếu họ chơi bài trên bàn thì bắt buộc phải mang khẩu trang, vì các bàn chơi bài không có tấm chắn giữa nhân viên sòng bạc và du khách.
Bác sĩ Cary Logan điều hành một phòng khám chuyên khám chữa bệnh cho các du khách đến Las Vegas.
Ông nói các sòng bạc đã làm những gì có thể để bảo vệ du khách và nhân viên.
‘Họ kiểm tra nhiệt độ mọi người, tất cả nhân viên đều mang khẩu trang, họ cũng sử dụng kính chắn giữa khu vực chơi bài poker và các bàn chơi bài. Các máy chơi poker đặt xa nhau hơn để giữ khoảng cách. Tôi nghĩ họ đã kiểm tra nhiệt độ tất cả mọi người cũng như phát khẩu trang cho ai cần. Hôm nay họ sẽ áp dụng việc bắt buộc tất cả du khách đến chơi bài cũng phải mang khẩu trang’.
Việc phong tỏa do đại dịch tại Las Vegas khiến hàng ngàn người bị mất việc và du khách không thể đến tham quan. Bác sĩ Logan nói việc kinh doanh của ông đã giảm tới 80 phần trăm, kể từ tuần thứ hai của tháng Ba. Ông nói các sòng bạc ở đây đang cố gắng tính toán một biện pháp cân bằng.
‘Họ đang cố gắng hết sức. Nhưng nếu các sòng bạc bị phá sản, thì sẽ có tới 25% dân số ở đây bị thất nghiệp. Hiện nay Las Vegas đang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước Mỹ, vì vậy bạn cần phải cân bằng giữa việc giữ quy định về sức khỏe và phát triển kinh doanh. Biện pháp này có hoàn hảo không? Không ai có thể biết được. Chúng ta phải chờ xem. Không chỉ dựa vào việc ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm mới, mà phải xem xét liệu các ca bị nhập viện và tử vong có tăng thêm không?’
Trong khi đó Mỹ La Tinh đang có hơn 1.5 triệu người nhiễm coronavirus và hơn 70,000 người đã qua đời vì dịch bệnh này.
Phụ tá Giám đốc của Tổ chức Y tế Pan America, bác sĩ Jarbas Barbosa nói các quốc gia châu Mỹ La Tinh phải nỗ lực rất nhiều nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
‘Họ cần phải tăng thêm số lượng giường chăm sóc đặc biệt cũng như máy trợ thở. Quá nhiều quốc gia tại Mỹ La Tinh áp dụng các biện pháp điều trị này, và chúng tôi nghĩ chúng tôi đang ở trong một tình huống nguy hiểm, các ca nhiễm đang tăng nhanh. Họ cần phải kiểm tra lại quy trình ứng phó đại dịch cũng như tăng thêm các biện pháp, để đến lúc cần thiết thì việc chữa trị mới đạt được hiệu quả’.
Và quý vị có thể cập nhật tin tức về coronavirus bằng tiếng việt mới nhất tại sbs.com.au/coronavirus.