Giặt ủi thường (Laundry)
Người Việt từng nổi tiếng với nghề may vào những năm 90. Lúc đó mỗi gia đình đều có thể trở thành một xưởng may. Tuy nhiên nghề này đã dần tàn lụi do những người chủ đã chuyển sang các nước châu Á như Trung Quốc hay Bangladesh tìm nhân công rẻ để tiết kiệm chi phí.
Người Việt dần chuyển sang nghề giặt ủi. Ban đầu nghề giặt ủi có nguồn gốc của người Hi Lạp và Hàn Quốc, dần dần đã được người Việt mua lại và nhân rộng, có thời gian các cửa tiệm giặt ủi ở Úc toàn do người Việt đứng tên làm chủ.
Ông Quốc Tuấn, một chủ tiệm giặt ủi ở Sydney đã có 25 năm trong nghề. Ông cho rằng nghề giặt ủi cũng là một việc đầu tư kinh doanh. Ban đầu ông mua tiệm cũ, rồi dần dần thay đổi máy mới, sửa đổi cửa tiệm cho khang trang hơn, thu hút nhiều khách hơn, đó là lúc ông sẽ bán lại cửa tiệm với giá cao hơn lúc đầu, và lại tìm một tiệm giặt ủi cũ khác để tiếp tục đầu tư như vậy.
“Mua một tiệm giặt ủi mới đồng nghĩa là mình phải chấp nhận lỗ vốn ít nhất vài tháng đầu vì không có khách. Phải mất vài tháng quảng cáo, phát tờ rơi thì bắt đầu mới có lời. Cho nên hầu như mọi người sẽ mua lại tiệm cũ để kinh doanh để tận dụng nguồn khách hàng có sẵn.” ông Tuấn cho biết.
Khách hàng đến tiệm giặt có thể bỏ quần áo ở tiệm giặt hoặc cũng có thể thuê máy và tự giặt. Các cửa hàng giặt ủi còn cung cấp thêm dịch vụ sửa đồ, và làm trung gian nhận quần áo cho tiệm dry clean.
“Nếu khách tự giặt và sấy thì tốn $10, nhưng chỉ cần thêm $2 nữa là chúng tôi sẽ ủi thẳng quần áo, xếp lại và bỏ vào túi cho khách, cho nên lấy công làm lời là như vậy.” ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết nghề giặt ủi không phải là một nghề cần quá nhiều kỹ năng, chỉ cần vài tuần học nghề là có thể làm được. Nhưng cái quan trọng là cần sự cẩn thận, chu đáo để tạo sự tin cậy nhằm giữ chân khách.
“Mua một tiệm giặt ủi mới đồng nghĩa là mình phải chấp nhận lỗ vốn ít nhất vài tháng đầu vì không có khách. Cho nên hầu như mọi người sẽ mua lại tiệm cũ để kinh doanh để tận dụng nguồn khách hàng có sẵn”, ông QuốcTuấn, chủ tiệm giặt ủi ở Sydney.
Giặt khô (Dry clean)
Giặt khô (dry clean) thực chất là giặt bằng hoá chất. Tiệm dry clean cần trang bị nhiều máy móc, số vốn bỏ ra cũng lớn hơn tiệm laundry, đồng thời cũng cần nhiều nhân công hơn cho mỗi công đoạn giặt, ủi, phân loại, xếp đồ.
Đã có những gia đình tận dụng nguồn lực ngay trong nhà để mở tiệm dry clean và rất thành công. Khi thành công họ tiếp tục mở chuỗi cửa hàng. Với những cửa tiệm như vậy lợi tức mỗi tuần có thể lên tới cả chục ngàn đô la.
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng đủ vốn và nhân lực để mở tiệm lớn như vậy. Có nhiều tiệm dry clean nhỏ phải tìm khách từ những tiệm laundry rồi ăn chia phần trăm. Bên cạnh đó còn phải chi trả cho hoá chất giặt, tiền móc áo, bao nilon… nên lợi tức thu về cũng không còn được nhiều.
Nhìn chung công việc dry clean khá vất vả do môi trường làm việc nóng nực và phải luôn tiếp xúc trực tiếp với hoá chất độc hại.
Sửa đồ (Alteration)
Nghề sửa đồ là nghề tay trái của những người kinh doanh laundry hoặc kinh doanh quần áo. Khi khách đến giặt ủi hoặc mua quần áo sẽ thường có phát sinh nhu cầu sửa quần áo. Tuy nói là nghề tay trái nhưng công việc sửa đồ lại đem lại thu nhập khá tốt.
Cô Ngọc Duệ, một người làm kinh doanh thời trang và sửa đồ cho biết mỗi ngày cô nhận khoảng 20 đến 50 món đồ để sửa, “rẻ nhất là lên lai quần có giá $15, cắt ngắn tay áo là $35, hoặc sửa áo đầm thì vài chục đô la. Có những bộ áo phức tạp như váy dạ hội hay váy cưới thì công sửa có thể lên tới vài trăm đô.”
Dù tiền mua quần áo mới không phải là quá cao, hoặc những mùa sale cuối năm giá quần áo thời trang giảm mạnh, nhưng vẫn có một bộ phận người tiêu dùng sẵn sàng bỏ vài chục đô để sửa quần áo.
“Khách hàng của tôi rất đa dạng, đa số là phụ nữ vì họ có thói quen mua đồ mỗi tuần. Có học sinh từ tiểu học đến trung học mỗi năm đều sửa đồng phục, học sinh trung học tốt nghiệp HSC sẽ sửa đồ cho tiệc cuối năm.
“Ngoài ra còn có nhân viên Qantas, tiếp viên hàng không, lính cứu hoả đến sửa đồng phục, và những người trong viện dưỡng lão khi được con cái vào thăm tặng quần áo cũng đem ra sửa.” cô Ngọc Duệ cho biết.
Công việc sửa đồ đòi hỏi người làm nghề phải biết may vá và có khiếu thẩm mỹ. Nhìn bộ quần áo khách đem đến phải biết tư vấn cho khách chỉnh sửa thế nào cho vừa vặn và đẹp, chứ không đơn giản khách nói sao thì làm y như vậy.
Nghề sửa đồ, dù là nghề tay trái, nhưng đem lại thu nhập khá tốt. Source: Pixabay
Bí quyết nào để thành công?
Địa điểm kinh doanh là yếu tố rất quan trọng cho việc thành công. Theo những người trong nghề, người Úc gốc bản xứ sẽ có nhu cầu sử dụng các dịch vụ này nhiều hơn, do đó nên chọn ở những nơi có dân cư đông đúc, khu vực dân cư trung lưu hoặc giàu có, hoặc những nơi có đông khách du lịch.
Ông Quốc Tuấn, chủ tiệm laundry thì nói “người Úc thường để dành cuối tuần cho sinh hoạt gia đình, hoặc đi chơi, nên họ sẽ có một khoản cho việc giặt ủi. Nên khách hàng cuối tuần đến giặt ủi rất đông.
“Đối với tiệm dry clean thì khách hàng luôn thích những tiệm có chỗ đậu xe, tuy nhiên những tiệm như vậy tiền thuê khá đắt.”
Còn cô Ngọc Duệ cũng nói công việc sửa đồ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi cửa tiệm nằm ở vùng có nhiều người Úc. Tiền thuê tiệm ở những nơi như vậy có thể gấp hai lần những chỗ khác nhưng lượng khách hàng đến có thể gấp 10 lần.
“Người châu Á thường không có thói quen sửa đồ. Còn người Úc có thói quen mua sắm quần áo mỗi tuần chứ không đợi đến kỳ sale mới mua nên nhu cầu sửa đồ nhiều.
“Họ cũng rất chăm con cái, mặc đồng phục lúc nào cũng phải đẹp và vừa vặn, mặc đầm phải nhấn eo, nên đồng phục lúc nào cũng phải sửa.”
Ở bất cứ lĩnh vực nào thì việc kinh doanh thành công hay thất bại cũng còn phải dựa vào nhiều yếu tố như sự may rủi, chất lượng phục vụ, địa điểm. Và tuy không còn là một nghề hái ra tiền như nghề may cách đây 20 năm, nhưng giặt ủi và sửa quần áo cũng đang đem lại thu nhập tốt và cuộc ấm no cho nhiều gia đình người Việt tại Úc hiện nay.