Một bé gái ba tuổi đứng chân trần trên đường băng nóng như thiêu đốt của Sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn.
Trên người cô bé chỉ có một cái tã, và trên cổ tay nhỏ xíu là tấm thẻ Hồng Thập Tự.
Lúc đó là tháng 4 năm 1975. Miền Nam Việt Nam chìm trong hỗn loạn, chuẩn bị cho hồi kết của một cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ.
Quân đội phương Tây đã rút lui khỏi chiến sự từ hai năm trước, trong khi lực lượng của ông Hồ Chí Minh - đại diện miền Bắc Việt Nam - chỉ còn vài ngày nữa là chiếm được Sài Gòn.
Hàng chục ngàn người khi đó đang chen lấn tìm đường thoát thân.
Giữa tình hình hỗn loạn đó, một chiến dịch khẩn cấp được triển khai nhằm di tản hàng ngàn trẻ em ra khỏi Việt Nam – mang tên 'Chiến dịch Babylift'.
Suanne Prager là một trong những đứa trẻ ấy, chính là cô bé trong bức ảnh đứng trên đường băng đã trở thành biểu tượng của chiến dịch.

Em bé Suanne Prager đang đợi để lên chuyến bay Operation Babylift vào ngày 17 tháng 4 năm 1975. Source: Supplied / Ian Frame
"Tôi cảm thấy thương cho em bé nhỏ đó đã phải trải qua quá nhiều đau khổ,” Prager chia sẻ với SBS News.
Cô không chắc liệu ký ức mơ hồ của cô về động cơ máy bay lúc đó có phải là sự thật hay khôn, nhưng hình dung rõ ràng về cảm giác mà cô bé ba tuổi ngày xưa phải trải qua.
“Tôi nhớ quê hương Việt Nam của mình, lý do tôi bị cho đi. Bị đưa qua hết trại trẻ mồ côi đến đại sứ quán, đến nơi nào đó không biết... rồi đến bệnh viện ở Úc và cuối cùng là đến ngôi nhà nhận nuôi tôi,” cô kể.
Tôi thương đứa bé nhỏ đó ở cuối hành trình, vì tôi biết rằng lúc đó tôi đã bị tổn thương sâu sắc.Suanne Prager
Khi Prager đến Úc, cô bị suy dinh dưỡng và chỉ nặng 7,7 kg. Cô kể răng mình gần như bị sâu hết và phải phẫu thuật để nhổ.
Nhưng sau vài tuần nằm viện, cô đã được đón về nhà gia đình mới ở Adelaide, những người sau này đã giúp cô ghép lại những mảnh ký ức đầu đời ở Việt Nam và hành trình đến Úc.
"Mẹ nuôi tôi luôn nghĩ rằng chẳng ai muốn bị chiến tranh chia cắt với con mình."

Chuyến không vận trẻ em đến Úc đầu tiên đang chuẩn bị cất cánh tại phi trường Tân Sơn Nhứt vào ngày 4 tháng 4 1975. Credit: Geoff Rose/Australian War Memorial.
Hành trình tìm về cội nguồn
Trong khi hàng ngàn trẻ em trở thành mồ côi trong chiến tranh, thì cũng có rất nhiều trẻ bị buộc phải rời xa cha mẹ vì hoàn cảnh.
Prager muốn biết câu chuyện thật sự của mình là gì.
Sau nhiều năm tìm kiếm không mệt mỏi, Prager đã trở về Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2007, nơi cô tìm thấy và gặp mẹ ruột của mình.
Prager nhớ lại: "Bà nhìn vào vết sẹo dưới mắt trái của tôi, nựng má tôi rồi nói: 'Mẹ biết chắc con chính là con gái của mẹ’.”
Đó là khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc đối với hai người phụ nữ bị chia cắt bởi khoảng cách, thời gian, văn hóa và ngôn ngữ.
"Trong những bức ảnh và thước phim của tôi tại buổi đoàn tụ đó, tôi chỉ cười suốt. Tôi quá đỗi hạnh phúc vì bao nhiêu năm qua, tôi đã khóc mỗi đêm, tự hỏi liệu tôi có bao giờ biết được nguồn gốc của mình, người mẹ ruột của tôi là ai… chỉ mong được biết bà đã trải qua những gì."

(Hình trái) Suanne Prager gặp lại người mẹ ruột. (Hình phải) Người mẹ ruột của Prager tại một doanh trại Mỹ ở Việt Nam vào đầu những năm 1970. Source: Supplied
"Tôi sinh năm 1971, cha là lính Mỹ. Theo lời mẹ tôi kể, điều đó có thể khiến tôi gặp nguy hiểm, thậm chí là cho cả gia đình,” Prager giải thích.
"Đến tháng 4 năm 1975, tôi nghĩ bà ngoại và các cậu, dì đã gây áp lực buộc mẹ phải cho tôi đi."
“Những chiếc hộp đựng giày… chúng tôi đã đến đây bằng cách như vậy”
Chiến dịch Babylift do Hoa Kỳ khởi xướng, đã đưa khoảng 2.000 trẻ em sang Hoa Kỳ.
Nhưng chuyến bay đầu tiên lại là một bi kịch. Ngày 4 tháng 4 năm 1975, chuyến bay vận chuyển trẻ em đầu tiên đã bị rơi ngay bên ngoài căn cứ không quân Sài Gòn, cướp đi sinh mạng của 139 người, trong đó có 78 trẻ em và 35 nhân viên Mỹ - theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ.
Hope Lynch là một đứa trẻ lẽ ra đã có mặt trên chuyến bay đó.
Mặc dù cô không biết mình có phải là người có tên trong danh sách bay hôm đó hay không, nhưng cô được đánh giá là quá yếu để thực hiện một hành trình dài.
"Tôi bị viêm phổi, nhiễm khuẩn salmonella, viêm tủy xương; họ nghĩ rằng cánh tay phải của tôi có thể bị liệt và teo lại,” Lynch nói với SBS News.
Khi mới chỉ ba tháng tuổi, cô bé đã được đưa lên máy bay đến Sydney, cùng với những đứa trẻ nhỏ hơn, nằm trong những chiếc cũi tạm thời làm từ hộp các tông.
"Tôi đã xem ảnh và được nghe kể rằng tôi cũng nằm trong một hộp giày. Rất nhiều hộp giày nhỏ xếp thành hàng, chúng tôi đã đến đây theo cách như vậy đó.”

Hope Lynch, 3 tháng tuổi, vừa mới được đưa tới một bệnh viện ở Úc. Source: Supplied
Giống như cha mẹ nuôi của Prager, họ cũng giúp Lynch chắp nối lại quá khứ từ những mảnh ký ức mờ nhạt.
"Ngay trước khi Sài Gòn thất thủ, có nhóm y tá trên một chiếc xe tải đi quanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vì họ biết sẽ có những người để lại con cái đâu đó, hy vọng rằng chúng sẽ được tìm thấy và được đưa đến trại trẻ mồ côi,” Lynch cho biết.
"Tôi nghĩ đó chính là chuyện đã xảy ra với tôi."

Hope Lynch trò chuyện với SBS News, nói rằng cô cảm thấy 'rất may mắn' vì được nuôi dạy trong một gia đình đầy yêu thương. Source: SBS
“Mãi đến khi có con, tôi mới thật sự nghĩ nhiều đến chuyện đó. Nghĩ về người mẹ sinh ra mình, đã phải đau lòng đến mức nào khi rời bỏ con.”
Thật khủng khiếp, đau thắt ruột gan khi phải làm vậy. Tôi tự hỏi: bà còn sống không? Bà có nghĩ đến tôi không? Tôi hy vọng là có.Hope Lynch
Các cuộc đoàn tụ
Chuyến bay thứ hai trong Chiến dịch Không vận trẻ em đế Úc đã cất cánh vào ngày 17 tháng 4 năm 1975.
Bức ảnh chụp Prager vào ngày hôm đó do Trung úy Ian Frame của Không quân Hoàng gia Úc khi ông cùng đồng đội đang chăm sóc các em bé trên đường băng.
Hai mươi lăm năm sau, Frame và Prager đã có dịp hội ngộ.
Thật sự rất, rất xúc động khi được gặp người đã đưa tôi đến Úc,” Prager chia sẻ về buổi hội ngộ.

Suanne Prager gặp Trung úy RAAF Ian Frame, đằng sau họ là bức ảnh các phi công đang cho các em bé uống sữa. Source: Supplied
"Tôi đã phục vụ tại Việt Nam trong phi đội 37, phi cơ C-130,” ông Howell chia sẻ với SBS News.
"Chúng tôi được điều động đến đó ngay đầu tháng 4, chủ yếu bay các chuyến cứu trợ giữa Sài Gòn và đảo Phú Quốc. Chúng tôi chở gạo đến khu vực đó."
Trung úy RAAF Hugh Howell (thứ hai từ phải sang) tại Việt Nam. Source: Supplied
"Tôi còn nhớ hôm đó, chúng tôi đến rất sớm, vì muốn cất cánh khi trời còn mát," ông kể lại.
"Xe buýt chở y tá và các sơ đến khoảng 6 giờ sáng. Các sơ cho mấy đứa nhỏ mặc áo len vì tưởng trên máy bay sẽ lạnh, mà thực tế thì nóng hừng hực."

Trung úy phi công Hugh Howell và cuốn sổ nhật ký bay ghi lại chuyến không vận trẻ em vào ngày 17 tháng 4 năm 1975. Source: Supplied
"Chúng tôi được lệnh không được cất cánh cho tới khi chiếc máy bay khác chở bác sĩ và y tá từ Bangkok tới. Nên phải thuyết phục các sơ cởi bớt đồ cho mấy đứa nhỏ, làm mát người và cho uống nước," ông kể.
"Thế là chúng tôi chuyền tay nhau mấy chai nước, và chính lúc đó bức ảnh mà mọi người thấy đã được chụp."
All hands to the bottles. Flight Lieutenant Ian Frame, Flight Lieutenant Hugh Howell and Flying Officer Ian Scott at Tan Son Nhut airfield on 17 April 1975. Credit: Australian War Memorial
"Vì không có ghế ở giữa khoang, nên chúng tôi đặt mấy đứa bé trong thùng giấy, xếp thẳng một hàng từ mũi tới đuôi máy bay, rồi kéo dây chằng hàng qua để giữ lại," ông nhớ lại.
"Bên trong máy bay thì nóng khủng khiếp và ồn ào. Bọn trẻ thì chắc chưa bao giờ thấy điều gì giống vậy... rồi lại được đưa sang một thế giới hoàn toàn mới."

Các em bé được đặt trong những chiếc hộp giày trên một trong những chuyến bay thương mại tới Mỹ. Credit: Robert Stinnett, April 12, 1975.
"Chuyện đau lòng là khi máy bay cất cánh – chúng tôi là chuyến cuối cùng rời đi – thì một em bé tám tháng tuổi đã qua đời," Howell kể.
"Cả tổ lái đều cảm thấy buồn bực. Nếu chúng tôi được phép cất cánh sớm hơn, có thể em bé đó đã sống. Nhưng cũng không ai biết chắc được.”
Dẫu vậy, ông vẫn thấy tự hào.
"Tôi nghĩ hãng Qantas nên được nhắc tên nhiều hơn chúng tôi," ông đùa, nhắc đến những chuyến bay thương mại đã đưa các em nhỏ đến Úc đoạn cuối.
Nhưng chúng tôi đã làm phần việc của mình, và rất tự hào về điều đó.Trung úy Hugh Howell
"Chúng ta nên tự hào, với tư cách một quốc gia, vì đã dang tay đón nhận những đứa trẻ này. Và chính các y tá Úc là lực lượng chủ chốt trong việc biến điều đó thành hiện thực."

Trung úy Hugh Howell (đứng giữa bức ảnh) đang chăm sóc cho các em nhỏ trước chuyến bay vào ngày 17 tháng 4 năm 1975. Source: Supplied
Tìm lại gốc gác
Chỉ mới vài tháng trước, ông Howell lại có dịp hội ngộ với một người con nuôi trong chiến dịch – Dominic Golding.
"Buổi gặp đó xúc động vô cùng. Tôi thật sự rất vui," anh chia sẻ.
Golding – lớn lên tại Mount Gambier (Nam Úc), nay sống tại Canberra và là một nhà hoạt động vì người khuyết tật.

Hugh Howell và Dominic Golding đoàn tụ sau 50 năm kể từ chiến dịch Operation Babylift. Source: Supplied
"Tôi đến một tiệm xăm ở Sài Gòn, và mấy người con nuôi giống tôi đi cùng thấy hay quá, thế là ai cũng xăm luôn," anh kể.

Hình xăm trên tay của Dominic Golding để kỷ niệm cho chiến dịch 'Operation Babylift'. Source: SBS
"Họ nói tôi được tìm thấy trước một tòa nhà đang cháy ở Chợ Lớn – khu người Hoa ở Sài Gòn – có lẽ vì vậy mà tôi bị khiếm thính," anh kể.
"Sau đó tôi được đưa vào chùa, rồi các bác sĩ tìm thấy và chuyển sang World Vision để chuẩn bị di tản."
Một di sản phức tạp
Nhắc về Chiến dịch Không vận, Lynch cho biết rất biết ơn những người đã đưa mình đến Úc.
"Tôi rất muốn được gặp họ. Bởi đó là một việc làm vĩ đại," cô nói.
Hàng trăm đứa trẻ rời khỏi Việt Nam không chỉ đến Úc mà còn sang Mỹ, châu Âu. Nghĩ lại vẫn thấy khó tin.Hope Lynch
Prager thì nói cô cảm thấy biết ơn, nhưng cũng nhận ra mình may mắn hơn nhiều người con nuôi khác.
Nhiều em khi được đưa sang Úc đã bị tháo mất thẻ tên, khiến cơ quan chức năng không thể xác định rõ đứa bé thuộc về gia đình nào.
"Chiến tranh để lại quá nhiều di chứng. Chúng tôi – những đứa trẻ mồ côi chiến tranh ở khắp thế giới – có những trải nghiệm giống nhau, nhưng cũng rất khác biệt," Prager nói.
Với Golding – người đã nghiên cứu sâu về Chiến dịch Không vận – đây là một câu chuyện rất phức tạp.

Dominic Golding tin rằng anh được tìm thấy bên ngoài một tòa nhà bị đánh bom ở Sài Gòn khi còn là một đứa trẻ. Source: SBS
"Có người nói việc cho con nuôi xuyên quốc gia cũng là một hình thức chiến tranh – như một cách rút trẻ em ra khỏi các quốc gia cộng sản," anh chia sẻ.
"Dù tôi không hoàn toàn đồng tình, nhưng không thể phủ nhận đó là một yếu tố."
Nhiều người con nuôi cũng phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, khủng hoảng danh tính, cảm giác lạc lõng.
Tiến sĩ Indigo Willing – cũng là một người con nuôi gốc Việt, đến Úc trước Chiến dịch Không vận năm 1972 – đã sáng lập cộng đồng Adopted Vietnamese International để tạo không gian cho các con nuôi kết nối.

Dr Indigo Willing đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về việc tiếp nhận con nuôi giữa các quốc gia. Source: SBS
"Dù chưa từng quen biết, nhưng câu chuyện con nuôi đã gắn kết chúng tôi lại."
Chúng tôi đang vá lại quá khứ từ lòng tốt của người xa lạ, từ những ký ức mờ nhạt của người khác.Tiến sỹ Indigo Willing
Willing là người đầu tiên viết luận thạc sĩ về đề tài con nuôi Việt Nam, và những nghiên cứu của cô đã giúp ích cho nhiều người.
"Một trong những phát hiện đáng buồn là cảm giác cô đơn, lạc lõng mà rất nhiều con nuôi Việt Nam đã trải qua lúc lớn lên," cô chia sẻ.
"Không quen biết ai là người Việt, rồi khi gặp người Việt thì cũng không nói được tiếng, không hiểu văn hoá. Giống như cô đơn hai lần vậy."

Cuốn hộ chiếu của Dr Willing khi cô được nhận nuôi vào năm 1972. Source: SBS
"Năm 2019, tôi đưa gia đình về Việt Nam và không biết sẽ cảm thấy thế nào. Nhưng khi tới nơi, tôi lại không thấy được cái sự thân quen mà mình tưởng tượng," cô kể.
"Tôi nghĩ mình đã quá 'Aussie'. Tôi có một gia đình tuyệt vời, cha mẹ, tuổi thơ. Việt Nam không còn là quê hương nữa – điều đó khiến tôi buồn... nhưng Úc mới là nhà."
Với Golding, việc kết nối với văn hóa Việt Nam dễ dàng hơn, nhưng anh từng phải đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc và sự phân biệt do khuyết tật.
"Là người khuyết tật và người Việt, tôi từng rất khó hoà nhập," anh kể.
"Nhưng cá nhân tôi thì… tôi rất 'bogan'," anh cười lớn.
"Nhưng tôi cũng từng nhiều lần trở lại Việt Nam, và rất tự hào khi nói mình là người Việt."

Trung úy phi công RAAF Ian Frame với một em bé trước cuộc không vận vào ngày 17 tháng 4 1975. Source: Supplied
"Chúng ta không thể kể nó như một câu chuyện cổ tích – kiểu cứu vớt hay từ nghèo sang giàu. Không phải vậy," cô nói.
"Đây là một hành trình di cư – với đủ loại tổn thương chưa được công nhận… thời đó cũng không có hỗ trợ nào cả."
"Người ta kể chuyện con nít bị bỏ trước cửa, nhưng cũng có báo cáo nói rằng có trẻ em bị đưa khỏi trại mồ côi trong những ngày cuối mà cha mẹ không hề hay biết.
Đó là một thời điểm hỗn loạn và mù mờ."

Rất nhiều trẻ em bị bệnh và vào thời điểm mọi thứ rất hỗn loạn, nhiều em không có giấy tờ tùy thân. Source: Supplied
Không thể lãng quên
Nhân kỷ niệm 30 năm chiến dịch, SBS đã phát sóng bộ phim tài liệu Operation Babylift, được thực hiện bởi một người tị nạn Việt Nam – bà Đài Lê – hiện đang là dân biểu liên bang vùng Fowler.
Lúc bảy tuổi, bà cùng gia đình rời khỏi Việt Nam vào tháng 4/1975 và trải qua bốn năm tại các trại tị nạn ở Philippines và Hồng Kông trước khi đến Úc.
Là một nhà sản xuất đồng thời là một nhà báo, bà Đài Lê cảm thấy ấn tượng với những câu chuyện của những người con nuôi trong chiến dịch Babylift.

Dân biểu độc lập Dai Le sản xuất phim tư liệu vào năm 2005 về chiến dịch Operation Babylift. Source: SBS
"Nhiều người là con lai – 'Amerasian' – có cha là lính Mỹ da trắng hoặc da đen. Họ đến Úc giữa lúc chính sách 'Úc trắng' còn tồn tại, và được nhận nuôi bởi các gia đình Anglo gốc châu Âu."
Khi tới tuổi thiếu niên, họ rơi vào khủng hoảng danh tính trầm trọng.Dân biểu Đài Lê
Bà Đài Lê cho rằng, các trẻ mồ côi và con nuôi từ thời chiến là một phần quan trọng của câu chuyện chiến tranh Việt Nam và làn sóng người Việt di cư sang Úc – điều mà không thể bị lãng quên.
"Tôi mong rằng nhân dịp 50 năm ngày Sài Gòn sụp đổ, chúng ta đừng quên những chuyến không vận trẻ em."
"Mỗi năm tới ngày 30 tháng 4, người ta vẫn không nhắc đến các con nuôi này – và điều đó cần phải thay đổi.
Họ là một phần của lịch sử Việt Nam, và họ là một phần của cộng đồng Úc ngày nay. Không thể bị lãng quên."
READ MORE

SBS Việt ngữ