Những người được nhận nuôi trong Chiến dịch 'Babylift' trở về Việt Nam để tìm kiếm gia đình

Australian-Vietnamese adoptees visit Vietnam on their search for family (SBS).jpg

Những người con nuôi người Úc gốc Việt đến Việt Nam để tìm kiếm gia đình (SBS).

Khi người Việt khắp nơi đánh dấu 50 năm ngày Chiến tranh Việt Nam kết thúc, một nhóm những người con nuôi được đưa ra khỏi Việt Nam trước năm 1975 đang chạy đua với thời gian để tìm lại mẹ ruột của họ. Vào những tháng trước khi Sài Gòn thất thủ các nước phương Tây, trong đó có Úc, đã vận chuyển các trẻ em mồ côi ra khỏi Việt Nam để được nhận làm con nuôi. Một nhóm những đứa con nay đã trưởng thành đó tại Úc đã về Việt Nam đạp xe gây quỹ cho người cao tuổi Việt Nam và nâng cao nhận thức về hành trình tìm kiếm gia đình ruốt thịt của họ vẫn đang tiếp diễn.


Họ rời khỏi Việt Nam khi còn là những đứa trẻ sơ sinh.

Năm mươi năm sau, một nhóm người con nuôi đã cùng nhau quay trở lại để tìm kiếm gia đình ruột thịt của mình.
LISTEN TO
Vietnamese VIETNAM MOTHERS RTB 300425_SBS_ID_29789606.mp3 image

Những người được nhận nuôi trong Chiến dịch 'Babylift' trở về Việt Nam để tìm kiếm gia đình

SBS Vietnamese

06:58
Một trong nhóm đó là Kim Catford, ông được nhận nuôi bởi một gia đình ở Nam Úc vào năm 1974.

"Tôi vẫn đang tìm mẹ ruột của mình, giống nhiều trẻ mồ côi hoặc người con nuôi gốc Việt khác trong chuyến đi này. Chúng tôi hy vọng rằng họ cũng đang tìm chúng tôi, như mình đang tìm họ. Có lẽ họ đã rời khu vực Sài Gòn khi quân đội miền Bắc tiến vào và có thể đã chạy vào một số làng nhỏ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long."

Mười ba người con nuôi, phần lớn đến từ Úc, cùng người thân của họ đã đạp xe 284 km trong bốn ngày từ TP. Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng ở cực Nam, ghé thăm các làng quê nơi họ chào đời trong thời chiến.

Nhóm đã trao các phần quà gồm gạo và dầu ăn cho người cao tuổi, chia sẻ với họ về hành trình tìm kiếm người thân và cung cấp thông tin về xét nghiệm DNA, đồng thời tặng bộ xét nghiệm miễn phí cho những ai quan tâm.

Ông Barton Williams, người được sơ tán khỏi Việt Nam sang Úc chỉ vài tuần trước khi Sài Gòn thất thủ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em, cho biết chuyến đi là một trải nghiệm đầy cảm xúc.

"Một trong những người mẹ đứng dậy trước mặt mọi người, tôi không biết bà bao nhiêu tuổi, nhưng chắc khoảng 70 và bà nói bằng tiếng Việt 'Chào mừng con trở về quê hương', tôi nghĩ đó là điều đẹp nhất. Ai nấy đều rưng rưng nước mắt. Có được điều đó, dù chúng tôi có tìm được người thân qua DNA hay không, cũng là một sự an ủi rất lớn."

Sự kiện “Tôn vinh những người mẹ Việt Nam” là ý tưởng của Sue-Yen Luiten, bà được nhận nuôi từ Việt Nam khi mới 4 tuần tuổi và lớn lên ở Tây Úc.

Bà cho biết chuyến đạp xe là dự án được chuẩn bị trong suốt 10 năm.
Từ năm 2015, đánh dấu 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, chúng tôi nhận ra rằng với tư cách là những người con nuôi, bị chia cắt khỏi gia đình do chiến tranh, chúng tôi đang cạn dần thời gian để tìm lại người thân vì họ đang già đi. Vậy nên điều này giờ đây trở thành một cuộc chạy đua với thời gian. Tôi đã tìm kiếm suốt 25 năm qua.
Sue-Yen Luiten
Nhiều người con nuôi gốc Việt gặp khó khăn vì hồ sơ khai sinh không đầy đủ hoặc sai lệch.

Đối với họ, xét nghiệm DNA là bước ngoặt, và Sue-Yen cho biết nhiều người không chỉ tìm mẹ mà còn tìm họ hàng.

"Chúng tôi đang tìm mẹ, nhưng cũng tìm cha, cậu, dì, anh chị em ruột. Bất kỳ ai có thể có một phần lịch sử hoặc biết rằng có người thân đã rời khỏi đất nước. Vâng, chúng tôi đang cố gắng kết nối với tất cả họ."

Xét nghiệm DNA đã giúp Kim Catford đoàn tụ với gia đình bên ngoại ở châu Âu sau khi phát hiện cha ông là người Đan Mạch, từng di cư sang Mỹ, gia nhập không quân và từng phục vụ tại Việt Nam.

"Về mẹ tôi cũng vậy, không có lý do gì tôi không thể tìm bà qua cách DNA. Điều kỳ lạ là khi chúng tôi ở đó, đi qua các con phố hay chợ, ai cũng nhìn quanh và tự hỏi 'Có phải mẹ mình không?', hay nhìn một người phụ nữ lớn tuổi rồi nghĩ, có thể đó là mẹ mình? Rất thú vị khi nói chuyện với những người con nuôi khác về những khoảnh khắc đó. Và khi chúng tôi đến các hội trường cộng đồng để trao quà, có nhiều người phụ nữ đã ôm chúng tôi, cảm ơn, và tôi nghĩ họ cũng đang cố đoán xem chúng tôi có giống họ không."

Bà Sue-Yen cho biết chuyến đạp xe giúp những người con nuôi cảm thấy gần gũi hơn với quê hương và con người nơi đây theo cách mà trước giờ họ chưa từng trải qua.

"Việc đạp xe thực sự là một cách giải tỏa cảm xúc vừa thể chất vừa tinh thần. Cảm nhận mùi hương, nhìn thấy cảnh vật, đạp xe với những suy nghĩ của chính mình, rồi có thể quay sang chia sẻ với người đồng hành, những người con nuôi khác. Lần đầu tiên nhiều người được tương tác trực tiếp với cộng đồng bên ngoài xe taxi hay xe du lịch. Nó khiến bạn phải nghĩ: liệu người vừa đi ngang qua mình có phải là mẹ hoặc cha mình không?"

Đối với Barton Williams, một trong những điều ý nghĩa nhất của chuyến đi là được kết nối với những người con nuôi khác. Một số người giờ đã trở thành như anh chị em.
Trở lại Việt Nam lần này, lần thứ hai đối với tôi cùng với các con nuôi khác, là một trải nghiệm thanh lọc tâm hồn. Nó giúp tôi thực sự có thể nói về quá khứ của mình, điều mà trước đây tôi hiếm khi làm. Mọi người hiểu bạn đang trải qua điều gì, cảm xúc của bạn, và bạn có thể thoải mái chia sẻ hoặc thậm chí không cần nói gì, vì họ đã hiểu.
Barton Williams
Ông Barton từng viết về hành trình cá nhân của mình. Đầu tiên là một cuốn sách thiếu nhi mang tên ‘But What Are You?’ kể về một cậu bé được gửi từ Việt Nam sang Úc trong một chiếc hộp carton.

Sau đó, ông phát triển câu chuyện thành vở kịch ‘FRAGILE: Handle With Care’, từng được biểu diễn tại các liên hoan nghệ thuật Edinburgh và Adelaide Fringe

Barton nói rằng chuyến đi Việt Nam cũng giúp ông đối mặt với câu chuyện cuộc đời mình.

"Tôi nhận ra rằng, trong bối cảnh hiện nay trên toàn cầucó hàng triệu người đang phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh. Điều đó giúp nâng cao nhận thức và hy vọng tạo ra sự thấu hiểu. Khi con người phải di tản, chúng ta cần nói về nó và suy nghĩ cẩn trọng bởi vì đây không phải là một vấn đề trắng đen rõ ràng như 'nên cho người ta vào hay không'. Chiến dịch Babylift năm 1975 là chương trình nhận con nuôi nhân đạo lớn nhất thế giới. Chắc chắn nó không hoàn hảo, nhưng các quốc gia tham gia đã làm những gì họ cho là tốt nhất vào thời điểm đó. Và cuộc sống của tôi là do sư quyết định đó – và cuối cùng tôi đủ tự tin để nói: 'Chuyện là vậy, và tôi cảm nhận như thế này.'"

Những người con nuôi như Sue-Yen, Kim và Barton vẫn hy vọng nỗ lực của họ sẽ giúp mang lại câu trả lời cho những người mẹ đang tìm con, cũng như hàng ngàn người con nuôi gốc Việt trên toàn thế giới.

Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay 

Share