Bộ phim tài liệu ngắn “ - Đất lành chim đậu” của đạo diễn Najaha Lockwood không chỉ lật lại lịch sử đầy ám ảnh phía sau bức ảnh “Saigon Execution” nổi tiếng, mà còn đào sâu vào nỗi đau xuyên thế hệ của cộng đồng người Việt sau chiến tranh.
“Đây là một trong ba bức ảnh định nghĩa cuộc chiến,” Najaha nói trong buổi phỏng vấn trên chương trình phát thanh . “Một là bức ảnh hòa thượng tự thiêu (The Burning Monk), hai là bức ảnh Tết Mậu Thân của Eddie Adams, và ba là bức ảnh Napalm Girl của Nick Út.”
LISTEN TO

Khám phá sự thật sau bức ảnh 'Saigon Execution': Bộ phim tài liệu của đạo diễn gốc Việt Naja Pham Lockwood
SBS Vietnamese
11:41
'Đất lành chim đậu' khám phá những vết thương chưa lành của Chiến tranh Việt Nam qua lăng kính của một trong những bức ảnh đoạt giải Pulitzer mang tính biểu tượng nhất: Saigon Execution* – khoảnh khắc Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu một tù binh Việt Cộng giữa đường phố Sài Gòn năm 1968.
Bộ phim đi tìm những đứa con của những người có liên quan đến bức ảnh này, và qua góc nhìn của người Việt cũng như người Mỹ gốc Việt, dẫn dắt khán giả vào một hành trình cảm động, nơi khả năng chữa lành – dù mong manh – vẫn hiện hữu.

Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Eddie Adams ghi lại cảnh Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một tù binh Việt Cộng "Saigon Execution" được coi là một trong những hình ảnh có sức ảnh hưởng lớn nhất của Chiến tranh Việt Nam. Credit: AP
Câu chuyện được kể qua bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Tướng Loan hành quyết Đại úy Việt Cộng Nguyễn Văn Lém, người được cho là có liên quan đến cái chết của gia đình một sĩ quan phía Nam trước đó.
Lần đầu tiên, những người con của cả người hành quyết lẫn nạn nhân, bao gồm con gái của Tướng Loan, con trai của Đại úy Lém, và người con trong gia đình nạn nhân được cho là đã bị giết bởi Lém cùng lên tiếng trước ống kính.
Dù mang những cảm xúc, ký ức và quan điểm rất khác nhau về bức ảnh, họ đều có chung một điều: những vết thương sâu sắc mà chiến tranh để lại vẫn chưa bao giờ nguôi.
Ký ức tuổi thơ và động lực làm phim
Naja Pham Lockwood – lớn lên tại Boston sau khi đến Mỹ năm 7 tuổi kể rằng ký ức đầu tiên về bức ảnh đã ám ảnh cô nhiều năm.
“Tôi đã gặp ác mộng trong nhiều tuần sau khi nhìn thấy nó,” cô chia sẻ. “Nhưng cha tôi, một cựu luật sư từng làm cho USAID kể cho tôi một câu chuyện khác về tướng Loan. Ông nói đó là một con người nhiều chiều, không thể bị định nghĩa chỉ bởi một bức ảnh.”
Chính ký ức đó, cùng với sự im lặng kéo dài trong cộng đồng người Việt sau chiến tranh, đã thôi thúc cô thực hiện bộ phim này.
“Chúng ta, những người Việt chưa bao giờ được kể câu chuyện của chính mình,” cô nhấn mạnh. “Cha mẹ chúng ta sang đây với chấn thương chưa lành. Giờ là lúc để thế hệ của chúng ta cất tiếng nói.”

Nhà làm phim Naja Pham Lockwood Credit:
Việc tìm kiếm nhân vật và tư liệu cho phim không hề dễ dàng. “Nhiều người trong cộng đồng Việt không muốn kể lại quá khứ. Họ vẫn mang nỗi đau, thậm chí là cảm giác tội lỗi,” Naja cho biết. “Chúng tôi phải nói với họ rằng: ‘Bạn đang ở nơi an toàn.’”
Một trong những nhân vật trung tâm là ông Hoàn – người sống sót duy nhất sau vụ thảm sát gia đình do Việt Cộng gây ra ngay sau Tết Mậu Thân. Khi đó mới 9 tuổi, ông Hoàn tin rằng chính mình đã mang vận xui đến nhà vì phá lệ tục “xông đất”.
“Hôm sau, cha mẹ tôi bị giết, sáu đứa trẻ bị bắn, chỉ mình tôi sống,” ông kể lại trong phim.
Điều phi thường là cậu bé Hoàn năm xưa sau này trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đạt cấp Đô đốc trong Hải quân Hoa Kỳ.
Không chỉ là một bức ảnh
Naja Pham cho biết cô từng đặt tên phim là Portraits of a Photo, nhưng rồi đổi thành On Healing Land, Birds Perch – một câu tục ngữ Việt mang nghĩa “đất lành, chim đậu”.
“Chúng tôi nhận ra câu chuyện vượt xa một bức ảnh. Đó là câu chuyện của những đứa con sinh ra từ chiến tranh, và cách họ học cách sống sót, chữa lành.”
Phim dài khoảng 33 phút, và không có ý định kéo dài thêm. “Chúng tôi giữ độ dài này để khán giả dễ đón nhận và phản hồi.”

Cộng đồng người Việt rơi nước mắt
Trong buổi chiếu thử đầu tiên tại Salt Lake City, hơn 400 người tham dự, trong đó có hơn 100 người Việt.
“Họ ôm tôi, khóc suốt buổi. Họ nói: ‘Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy câu chuyện của chính mình được kể ra, với đầy đủ nỗi đau và sự phức tạp’,” Naja xúc động kể lại.
Bộ phim cũng thể hiện đậm nét văn hóa Việt – những bữa ăn ấm cúng, tách trà đầu năm, vị muối chấm rau củ – vừa là không gian quay phim, vừa là nơi kết nối, gợi lại ký ức và tạo cảm giác an toàn cho nhân vật.
Với người Việt, Tết là niềm vui, là Giáng sinh, là Năm mới và Lễ Tạ Ơn gộp lại. Nhưng trong năm 1968, Tết trở thành một sự phản bội, theo một cách nào đó, nỗi đau ấy vẫn tiếp diễn, trong chấn thương xuyên thế hệ.Đạo diễn Naja Lockwood
Hành trình chữa lành
Najaha từng tham gia sản xuất bộ phim tài liệu nổi tiếng Last Days in Vietnam của đạo diễn Rory Kennedy – phim được đề cử Oscar và phát sóng trên PBS. Chính trải nghiệm đó đã dẫn cô đến với On Healing Land, Birds Perch.
“Khi làm Last Days in Vietnam, tôi nhận ra có quá nhiều góc nhìn chưa được kể – đặc biệt là từ phía người Việt. Rory là người đầu tiên thúc đẩy tôi thực hiện bộ phim này,” cô nói.
Bằng cách kể lại câu chuyện từ góc nhìn người Việt, cả ở hải ngoại lẫn từ phía bên kia chiến tuyến, Naja Lockwood không chỉ làm sống lại một khoảnh khắc lịch sử, mà còn mở ra không gian để cộng đồng cùng nhau đối thoại, cảm thông và chữa lành.
————————
*Bức ảnh Saigon Execution không chỉ mang lại cho nhiếp ảnh gia Eddie Adams sự nghiệp lẫy lừng, mà còn là nguồn gốc của cả một đời day dứt. Các chuyên gia đạn đạo sau này xác nhận rằng bức ảnh đã bắt trọn khoảnh khắc viên đạn xuyên qua đầu nạn nhân, một khoảnh khắc khốc liệt, không thể nào quên.
Bức ảnh được đăng tải khắp các trang nhất trên toàn thế giới, trở thành biểu tượng của sự tàn khốc và hỗn loạn của Chiến tranh Việt Nam, và góp phần làm dấy lên làn sóng phản chiến mạnh mẽ tại Hoa Kỳ, nơi ngày càng nhiều người tin rằng đây là một cuộc chiến vô vọng.
READ MORE

SBS Việt ngữ