Sue Ann Khoo hiện là giám đốc của công ty luật Greenwoods and Herbert Smith Freehills ở Sydney.
Thế nhưng nhiều người đã không nhìn ra tố chất lãnh đạo ở cô, khi Khoo đang trong vai trò là một nhân viên mới vào nghề.
Cô gái gốc Malaysia này hiện là chuyên viên về thuế vụ của doanh nghiệp. Cô chia sẻ rằng nhiều người thường nói rằng cô thiếu đi ngoại hình của một nhà lãnh đạo.
“Họ nói tôi trông khá nhỏ nhắn, trẻ tuổi. Tôi là phụ nữ và trầm tính hơn so với các đồng nghiệp khác. Nhiều người nhận xét rằng tôi không tự tin vì tôi không thể làm việc ngang cơ với cấp trên của mình. Kết quả là tôi đã không được trao các cơ hội để thực hiện các giao dịch lớn hoặc được đề cử các vị trí lãnh đạo, hay tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý".
Khi cô nhận ra chuyện này, cô quyết định lên tiếng nhiều hơn trong các cuộc họp và tỏ ra quyết đoán hơn.
Cô hiện đang lãnh đạo bộ phận kinh doanh Châu Á của công ty luật.
Trong khi cô Khoo đã vượt qua một số khó khăn tại nơi làm việc, nhiều người Úc gốc Á khác vẫn bị đánh giá thấp.
Một cuộc khảo sát từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc đã phát hiện rằng người Úc gốc Á là nhóm dân tộc có khả năng bị phân biệt đối xử cao nhất.
82% người Úc gốc Á được khảo sát cho biết họ từng trải qua sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc hoặc với tư cách là người tiêu dùng, so với 81% những người gốc Trung Đông và 71% người Úc thổ dân.
Rất nhiều người Úc gốc Á Châu thường làm việc ở phía sau hậu trường, cắm đầu cắm cổ, không thu hút sự chú ý của người khác. Họ thực sự làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực để được được công nhận.
Cửa hàng hoặc tiệm ăn là nơi phổ biến nhất diễn ra tình trạng phân biệt đối xử, tiếp theo là nơi làm việc.
Nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc ông Jieh-Yung Lo nói rằng cuộc khảo sát là bằng chứng của cái gọi là hiện tượng “bamboo celling”, trong việc giới hạn tiềm năng của người Úc gốc Á.
“Cuộc khảo sát đã gửi một cảnh báo rõ ràng rằng nhưng nơi làm việc và các nhà lãnh đạo cấp cao cần phải có biện pháp với vấn đề cấp bách này, bởi vì người Úc gốc Á chiếm khoảng 12% dân số và con số này ngày một gia tăng. Trong khi đó, vấn đề này rõ ràng không có dấu hiệu chấm dứt”.
Người Úc gốc Á chiếm12% dân số, nhưng chỉ chiếm 3,1% các vị trí lãnh đạo cấp cao ở các công ty, trường đại học và các tổ chức cộng đồng.
Ông Lo nói rằng một nửa trong số những người từng bị sự phân biệt đối xử đã trở nên ít thẳng thắn và ngại đụng chạm hơn trong công việc.
Ông hy vọng cuộc khảo sát sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận về việc đưa ra một hạn ngạch cho các vị trí lãnh đạo để tạo sự đa dạng, thực hiện việc đào tạo và cố vấn tốt hơn, đồng thời khiến chúng ta suy nghĩ lại về các quan niệm lãnh đạo của Úc.
“Tôi tin rằng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo Úc nên thay đổi nhận thức về sự lãnh đạo, bởi vì lãnh đạo có nhiều hình thức khác nhau và chúng ta không nên xác định vai trò lãnh đạo theo tiêu chuẩn Úc hoặc phương Tây. Rất nhiều người Úc gốc Á Châu thường làm việc ở phía sau hậu trường, cắm đầu cắm cổ, không thu hút sự chú ý của người khác. Họ thực sự làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực để được được công nhận.”
Trong khi nhiều người Úc gốc Á đang vật lộn để được chú ý ở nơi làm việc, ông Lo nói rằng một số người Úc gốc Á lại bị chú ý vì những lý do sai lầm.
Ông đã trích dẫn dân biểu Liên đảng, bà Gladys Liu, người đang bị tẩy chay vì có mối liên hệ với các tổ chức tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc.
“Đối với một cộng đồng những người Úc gốc Á, những người dựa vào thực lực của mình để thành công, bà Gladys Liu thực sự chứng minh điều ngược lại. Chúng tôi cảm thấy rất khó khăn để thúc đẩy sự đa dạng lớn hơn tại nơi làm việc, khi chính các nhà lãnh đạo của chúng tôi, lại không chịu tiên phong”.