"Phương tiện truyền thông xã hội có vai trò lớn trong cuộc sống của những người Úc trẻ tuổi... Các công ty truyền thông xã hội này không quan tâm đến trẻ em Úc. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm."
Đó là phản ứng của Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton trước đề xuất của chính phủ liên bang về quy định mới nghĩa vụ coi sóc kỹ thuật số sẽ áp dụng cùng với quy định về hạn chế độ tuổi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
Ông cho biết chính phủ không thể trì hoãn việc đưa ra các quy định các hạn chế độ tuổi nữa và chắc chắn rằng không thể trông cậy vào các công ty truyền thông xã hội để làm điều đó.
Bộ trưởng Truyền thông Michelle Rowland cho biết kế hoạch là phải giảm các tác hại trực tuyến đến mức tối thiểu nhất có thể.
"Đã có những câu hỏi về cách công nghệ xác minh độ tuổi sẽ hoạt động và liệu biện pháp thực thi có thực sự "an toàn" đối với trẻ em hay không. Chính phủ không khẳng định rằng bất kỳ giải pháp nào từ phía ngành công nghiệp sẽ đạt hiệu quả 100%, hoặc rằng trẻ em sẽ không tìm cách lách luật. Thực tế là: một số trẻ sẽ tìm cách lách luật. Nhưng điều quan trọng là giá trị chuẩn mực của giới hạn độ tuổi này sẽ rất lớn, vì các bậc phụ huynh sẽ sử dụng quy định này làm cơ sở trong những cuộc thảo luận với con cái của họ ngay tại bàn ăn gia đình."
Nhưng một số người nêu lên mối quan ngại về luật này, lập luận rằng lệnh cấm sẽ không giải quyết được nguồn gốc của nội dung có hại.
Nghĩa vụ coi sóc kỹ thuật số là bước tiếp theo trong cuộc chiến của chính phủ với các công ty công nghệ, một trong những khuyến nghị chính được nêu trong một đánh giá theo luật định độc lập về Đạo luật An toàn Trực tuyến.
Lisa Given là Giáo sư Khoa học Thông tin tại Đại học R-M-I-T ở Melbourne nói với SBS rằng khi giới hạn độ tuổi trên phương tiện truyền thông xã hội không nhắm mục tiêu vào nội dung có hại, thì nghĩa vụ coi sóc kỹ thuật số sẽ là một giải pháp tiềm năng.
"Lệnh cấm không giải quyết được loại vấn đề nội dung tận gốc, thì như vậy 'nghĩa vụ coi sóc kỹ thuật số' sẽ làm điều đó. Về cơ bản, nó buộc các công ty công nghệ phải liên tục theo dõi các loại thông tin không phù hợp, gỡ bỏ thông tin đó và giải quyết việc những người phát tán chia sẻ thông tin đó. Lệnh cấm mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi không giải quyết được loại nội dung đó tại nguồn. Về cơ bản, lệnh cấm này nói rằng chúng tôi không muốn bất kỳ ai dưới độ tuổi này có thể truy cập loại nội dung đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằngvấn đề đặt ra là nếu luật nghĩa vụ coi sóc được ban hành và chúng ta có thể làm cho các nền tảng an toàn hơn cho mọi người, thì lệnh cấm mạng xã hội đối với trẻ em có còn cần thiết không?"
Michelle Rowland cho biết nghĩa vụ coi sóc kỹ thuật số sẽ đặt trách nhiệm pháp lý vào tay các công ty công nghệ trong việc bảo đảm an toàn trực tuyến cho người Úc.
"Luật của chúng tôi cũng sẽ bao gồm các động cơ tích cực như một phần của khuôn khổ miễn trừ để khuyến khích đổi mới an toàn và cũng cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ kiểu phương tiện truyền thông xã hội có tính chất giáo dục hoặc hỗ trợ sức khỏe cho những người trẻ tuổi. Các nền tảng truyền thông xã hội có thể chứng minh rằng họ đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra, mang lại lợi ích tích cực cho trẻ em và không sử dụng các tính năng có hại thì có thể nộp đơn xin cơ quan quản lý phê duyệt."
Nghĩa vụ coi sóc gồm các quy định pháp lý phải thực hiện mọi bước hợp lý để tránh gây hại cho người khác.
Ví dụ, chủ cửa hàng hoặc nhà hàng có nghĩa vụ chăm sóc khách hàng của mình và có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu ai đó bị thương do bị trợt chân trên sàn ướt.
Bác sĩ có nghĩa vụ chăm sóc bệnh nhân, giáo viên có nghĩa vụ chăm sóc học sinh và chủ lao động có nghĩa vụ chăm sóc nhân viên của mình.
Tuy nhiên, trong những trường hợp này, tác hại đang được đề cập thường là tác hại hữu hình, như thương tích hoặc thiệt hại về tài sản.
Nội dung có hại trực tuyến mơ hồ hơn nhiều, tác hại do nội dung trực tuyến gây ra có thể không được nhận ra cho đến khi tài liệu được sử dụng rất lâu.
Nhưng Bộ trưởng cho biết họ sẽ nhắm mục tiêu vào các hình thức gây hại trực tuyến cụ thể.
"Để bổ sung cho Nghĩa vụ coi sóc kỹ thuật số bao quát, Chính quyền Albanese sẽ ban hành luật về các loại tác hại lâu dài, mà chúng tôi đề xuất có thể bao gồm: Tác hại đối với người trẻ; Tác hại đối với sức khỏe tâm thần; chỉ dẫn và quảng bá các hoạt động có hại; cùng các nội dung, hành vi và hoạt động bất hợp pháp khác. Một thành phần thiết yếu để đáp ứng Nghĩa vụ coi sóc là tiến hành đánh giá rủi ro thường xuyên đối với các tác hại lâu dài."
Luật được đề xuất phù hợp với các phương pháp hiện có được áp dụng tại Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu.
Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU thiết lập cái được gọi là 'chế độ thông báo và hành động', yêu cầu các nền tảng phải hạn chế nội dung vi phạm các điều khoản dịch vụ của họ hoặc luật pháp của một quốc gia thành viên EU.
Nếu 'các nền tảng trực tuyến rất lớn' hoặc công cụ tìm kiếm không tuân thủ, họ có thể bị phạt tới 6 phần trăm doanh thu toàn cầu hàng năm của họ.
Trong khi chính phủ vẫn chưa công bố hình phạt nào sẽ áp dụng cho các công ty vi phạm nghĩa vụ coi sóc, Giáo sư Given cho biết luật pháp quy định rằng các khiếu nại không thể bị bỏ qua.
"Về cơ bản, luật này nói với các công ty công nghệ rằng các anh đang có vấn đề, đang có nội dung có khả năng gây hại, có thông tin sai lệch trực tuyến và chúng tôi cần các anh tìm giải pháp khắc phục. Mặt khác, cách luật này được ban hành ở Châu Âu và Vương quốc Anh, nó thực sự trao rất nhiều quyền lực vào tay người tiêu dùng để một cá nhân có thể khiếu nại về nội dung. Ví dụ, ở Châu Âu, mỗi quốc gia đều có điều phối viên dịch vụ kỹ thuật số riêng, nơi các khiếu nại được nộp và nếu không giải quyết ổn thỏa thì mọi người cũng có thể đưa sự việc ra tòa"
Trong khi Ủy ban Châu Âu vẫn chưa đưa ra bất kỳ khoản tiền phạt nào, họ đã mở các thủ tục tố tụng chính thức đối với nhiều nền tảng bao gồm TikTok và X.
Tại Vương quốc Anh, dự luật an toàn trực tuyến hứa hẹn sẽ biến Vương quốc Anh trở thành nơi an toàn nhất trên thế giới để vào mạng.
Nhưng thực tế cho thấy dự luật này khó khăn hơn dự kiến ban đầu.
Người ta đã nêu ra những lo ngại xung quanh khả năng luật này có thể có tác động tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, với sự vô hình của những gì cấu thành nên nội dung có hại.
Giáo sư Given cho biết mặc dù chắc chắn đây là điều cần phải chú ý, nhưng nó không phải là vấn đề lớn ở nước ngoài.
"Tôi nghĩ rằng đã có những người nêu ra những lo ngại như vậy, nhưng chúng tôi thực sự không có bất kỳ ví dụ rõ ràng nào về trường hợp này từ Châu Âu hoặc Vương quốc Anh tại thời điểm này. Tôi nghĩ theo thời gian chúng ta sẽ thấy liệu các công ty công nghệ có quyết định áp dụng một cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề này hay không. Có thể có những thách thức về thông tin đã bị gỡ xuống một cách không phù hợp cũng như nội dung cần phải bị gỡ xuống."