Các mạng xã hội bị chê trách đã để cho hình ảnh phản cảm được phát tán

Jacinda Ardern has address New Zealand parliament.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết Chính phủ sẽ có biện pháp với những công ty mạng nào vẫn còn lưu đoạn video của nghi phạm. Source: Getty

Sau khi cảnh thảm sát tại 2 đền Hồi giáo ở New Zealand được hung thủ truyền đi trực tiếp trên Facebook, đã có những lời kêu gọi thúc giục các công ty mạng xã hội cần phải kiểm soát những nội dung tương tự tốt hơn.


Luật sư theo đạo Hồi đang hành nghề ở Sydney, Ahmed Dib, không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy cảnh vụ thảm sát ở Christchurch được chia sẻ trên Facebook.

"Thật đau lòng khi hình dung tôi dẫn con đến một ngôi đền, một nơi thờ phượng đáng lý là an toàn, là nơi để đón nhận Thượng đế. Vậy mà không cần hình dung có người bị giết, mà chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ ngôi đền và nhiều người trong đó bị thảm sát. Không ai muốn nhìn thấy cảnh tượng đó trên mạng."

Đoạn phim khi hung thủ ra tay đã được hàng triệu người trên thế giới xem và chia sẻ trước khi Facebook gỡ xuống.

Nhiều nơi nay thúc giục các mạng xã hội phải cẩn thận hơn đừng để những nội dung có thể dễ dàng được phát tán.

Facebook cho biết ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát họ đã gỡ 1,5 triệu video xuống và đang làm việc để bảo đảm trong tương lai những nội dung tương tự được gỡ xuống càng sớm càng tốt.

YouTube và Twitter họ đang tìm cách để những video đã được chia sẻ không còn lưu truyền trên mang.

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Adern nói đây là một bài học cho tất cả các mạng xã hội.  

“Tôi sẽ kêu gọi các mạng xã hội hãy chứng tỏ trách nhiệm nhiều hơn trong việc chủ động trong các vụ như thế này, cũng như xử lý hậu quả của việc phát tán các thông điệp sau đó. Tôi nghĩ còn nhiều chuyện lắm cần phải làm.”

Các chuyên gia về mạng xã hội đồng ý. Các mạng xã hội đều sử dụng những công nghệ tối tân qua đó giúp họ nhanh chóng phát hiện và gỡ xuống những nội dung vi phạm nội quy hay bản quyền.

Người ta thắc mắc tại sao các mạng xã hội đã không làm được như vậy trong trường hợp này.

Tiến sĩ Dinesh Kanchana Thilakarathna, giảng dạy môn phân phối điện toán tại Đại học Sydney, nói rằng đây là việc cần thiết.

"Những hình thức khủng bố thế này càng làm cho công việc trong ngành của tôi thêm cấp bách làm sao nhanh chóng tìm ra phương pháp thích hợp để quản lý những nội dung không phù hợp được chia sẻ trên mạng, làm sao có được công nghệ để có thể tự động tìm xóa những nội dung như thế."

Tiến sĩ Emily van der Nagal, giảng dạy môn truyền thông tại Đại học Monash nghĩ rằng cho đến khi có giải pháp, cũng có nhiều cách khác để giảm thiểu hậu quả của việc phát tán các nội dung nguy hiểm, nhưng điều đáng ngạc nhiên là tại sao các mạng xã hội không chịu làm.

"Đóng các mạng xã hội, hay chỉ là ngăn chặn tạm thời chức năng truyền hình trực tiếp trên Facebook hay Twitter trong một thời gian ngắn tôi nghĩ là hành động có thể chấp nhận được. Thành thực mà nói tôi ngạc nhiên khi các mạng xã hội lại không lưu ý đến chuyện đó."

Tiến sĩ Emily van der Nagal nói rằng các mạng xã hội bắt buộc phải kiểm soát được những gì xuất hiện trên mạng của họ.

"Các mạng xã hội có vai trò ngày càng quan trọng trong việc điều hòa nội dung lẫn ấn hành. Vai trò của họ là quyết định cái gì được đưa lên mạng và cái gì được nằm lại trên đó, cái gì thì không."


Share