Các ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội đang khiến thế hệ Z cảm thấy bị cô lập

Young person holding a phone surrounded by houses and social media.

Smartphones, dating apps, social media are driving disconnection in the lives of Australia's Gen Z and Millennials, contrary to what you may think. Source: SBS

Một báo cáo mới kêu gọi hành động toàn quốc đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở Úc khi sự cô đơn, lạm dụng mạng xã hội và áp lực chi phí sinh hoạt tiếp tục tác động đến thế hệ Z và thế hệ Millennials của Úc.


LISTEN TO
Vietnamese Loneliness POD image

Các ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội đang khiến thế hệ Z cảm thấy bị cô lập

09:10
Cảnh báo: Bài viết này có chứa các thông tin về vấn đề tự tử/tự làm hại bản thân.

Jayden Delbridge đã mất cha mình vì tự tử khi mới 8 tuổi.

Đến năm 14 tuổi, anh đã trở thành người ủng hộ sức khỏe tâm thần.

Hiện nay, anh 20 tuổi, anh là người sáng lập UrVoice Australia, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất cho học sinh.

Anh Delbridge cho biết: "Cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần không bắt đầu ở bệnh viện. Nó bắt đầu ở quán cà phê; nó bắt đầu khi nói chuyện với bạn bè trong bối cảnh không chính thức".

Một báo cáo mới dựa trên hai cuộc thăm dò trực tuyến với gần 1.400 người tham gia ở nhiều nhóm tuổi khác nhau (thế hệ Z, thế hệ millennials, và những người từ 18 tuổi trở lên) của Tổ chức Sức khỏe Xã hội nêu bật sự cô đơn, cô lập xã hội và mất kết nối đang gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong giới trẻ Úc.

Kết nối xã hội ở Úc đang bị phá vỡ

Báo cáo nêu bật những lĩnh vực mà kết nối xã hội đang bị phá vỡ giữa thế hệ Z và thế hệ millennials của Úc.

Thế hệ Z thường được định nghĩa là những người trong độ tuổi từ 13 đến 28 (sinh từ năm 1997 đến năm 2012), với thế hệ Millennials trong độ tuổi từ 29 đến 44 (sinh từ năm 1981 đến năm 1996).

Tác động tiêu cực của điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội: 56 phần trăm người tham gia cho biết phương tiện truyền thông xã hội khiến họ cảm thấy đau khổ, mất tập trung và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của họ. Hầu hết những người tham gia (91 phần trăm) trong độ tuổi 18-39 tin rằng "phương tiện truyền thông xã hội ảnh hưởng xấu đến sức mạnh của các tương tác trong cuộc sống thực của họ".

Các ứng dụng hẹn hò trực tuyến dẫn đến sự cô đơn: 46 phần trăm chia sẻ rằng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến "làm tăng cảm giác cô đơn của họ".

Nhiều nơi làm việc không lành mạnh về mặt tinh thần: 67 phần trăm người được hỏi thuộc thế hệ Z và thế hệ Millennials ủng hộ tuần làm việc ngắn hơn để giảm sự cô đơn và cải thiện sức khỏe tinh thần của họ. "Bắt nạt tại nơi làm việc đang ở mức độ nghiêm trọng, với một phần ba phụ nữ báo cáo đã bị bắt nạt", báo cáo cho biết thêm.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần: Nó đã ngăn cản 86 phần trăm thế hệ Z và thế hệ Millennials theo đuổi ước mơ và hoài bão của họ.

Dữ liệu sức khỏe tâm thần của Úc

Nghiên cứu quốc gia về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc giai đoạn 2020-2022 do Nha Thống kê Úc (ABS) thực hiện đã khảo sát người dân Úc trong nhóm tuổi từ 16-85, tổng cộng là 19,8 triệu người.
Graphic displaying text almost 43 per cent of Australians aged 16-85 experienced mental illness at some time in their life. Only 17.4 per cent saw a health professional for their mental health.
Gần 43 phần trăm người Úc trong độ tuổi 16-85 đã từng mắc bệnh tâm thần vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Chỉ có 17,4 phần trăm gặp chuyên gia y tế để chăm sóc sức khỏe tâm thần. Source: SBS
Trong số này, 42,9 phần trăm hoặc 8,5 triệu người Úc đã từng mắc chứng rối loạn tâm thần vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Trong số 19,8 triệu người Úc này, chỉ có 17,4 phần trăm hoặc 3,4 triệu người tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia y tế.

Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra rằng cứ năm người Úc thì có một người từng trải qua rối loạn tâm thần kéo dài 12 tháng, trong đó 38,8 phần trăm số người trong độ tuổi 16-24 từng trải qua rối loạn tâm thần kéo dài 12 tháng.

Các tình trạng phổ biến nhất bao gồm lo âu, rối loạn cảm xúc (bao gồm cả trầm cảm) và lạm dụng chất gây nghiện.

Những người làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần ẩn danh

Giống như Delbridge, Tổ chức Sức khỏe Xã hội cũng tin rằng các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm lý không chỉ bắt đầu tại bệnh viện. Những người đang chịu đựng thường chia sẻ về chấn thương, căng thẳng và sự cô lập với những người không thuộc hệ thống sức khỏe tâm lý chính thức.

Báo cáo nêu rõ: "Những tương tác không chính thức, không được công nhận này là tuyến đầu thầm lặng của hệ thống sức khỏe tâm thần của chúng ta. Tuy nhiên, chính sách công hầu như không thừa nhận chúng".

Từ thợ làm tóc đến nhân viên khách sạn, huấn luyện viên thể dục và giáo viên chăm sóc trẻ em — tất cả đều là một phần của "lực lượng lao động ẩn" này. Khách hàng của họ thường tâm sự với họ "vì đó là những nơi họ thực sự đến".
Nhưng đối với một số người, như chủ tiệm làm đẹp, Nicole Serafin, điều này có thể gây ra thách thức.

"Chúng tôi được kể về mọi thứ, từ ngoại tình, đến lạm dụng ma túy và rượu, đến bạo hành thể xác và tinh thần từ bạn đời, gia đình và bạn bè, và bạn không thể làm gì được về điều đó", cô nói.

Cô ấy nói rằng trong khi các bác sĩ tâm lý được đào tạo có hệ thống hỗ trợ đồng hành: "thợ làm tóc không đủ chuyên môn để xử lý những gì chúng tôi tiếp nhận".

Tiến sĩ Pramudie Gunaratne là chủ tịch chi nhánh NSW của Trường Cao đẳng Tâm thần học Hoàng gia Úc & New Zealand.
NSW Doctors and medical practitioners  rally during a strike at Westmead Hospital.
Vào tháng 1, khoảng 200 bác sĩ tâm thần trong hệ thống y tế công cộng của NSW đã nộp đơn từ chức trong bối cảnh tranh chấp tiền lương đang diễn ra với chính quyền tiểu bang. Source: AAP / Dan Himbrechts
"Là bác sĩ tâm thần, chúng tôi được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân có vấn đề về tâm thần, nhưng sức khỏe tâm thần rộng hơn thế nhiều… Khi chúng tôi thấy mọi người ở khoa cấp cứu và phòng khám, họ cảm thấy choáng ngợp, đang ở thời điểm khủng hoảng", bà nói.

"Kết nối xã hội luôn cần thiết. Bất kể là phòng ngừa hay can thiệp sớm, việc có sự gắn kết mọi người lại với nhau là điều cần thiết."

Giải quyết sự cô đơn

Đây là lý do tại sao Glenys Reid thành lập quán Chatty Cafe đầu tiên tại Eclair Boulangerie, một tiệm bánh ngọt Pháp ở vùng ngoại ô Hampton của Melbourne vào năm 2019. Cô nhớ lại khi đến các quán cà phê và nhà hàng, cô thấy nhiều người ăn tối một mình.

Nói về sự cô đơn, cô cho biết: "Đó là một đại dịch vô hình và thầm lặng ở Úc mà chúng ta cần phải hành động".

"Cách duy nhất để thành công là phải do cộng đồng thực hiện."

Hơn năm năm sau, Chương trình Chatty Cafe đã mở rộng ra hơn 250 địa điểm chủ yếu trên khắp bờ biển phía đông của Úc, bao gồm các trung tâm cộng đồng, cửa hàng tiết kiệm, phòng trưng bày nghệ thuật và thậm chí cả câu lạc bộ chơi croquet và bowling, nơi khách hàng có thể trò chuyện với những người khác.

"Chúng tôi biết rằng cứ 10 người thì có 7 người nhận thức được vấn đề cô đơn đang diễn ra trên khắp nước Úc, chúng tôi muốn 7 người đó đóng vai trò và chủ động kết nối."

Theo báo cáo Kết nối xã hội tại Úc năm 2023, từ tổ chức Ending Loneliness Together, cứ bốn người Úc thì có một người cảm thấy cô đơn dai dẳng và cứ ba người thì có một người trải qua cảm giác cô đơn tại bất kỳ thời điểm nào.

Melanie Wilde, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ Sức khỏe Xã hội, đang kêu gọi thành lập một Ủy viên Kết nối xã hội trong chính phủ.
"Đây không phải là vấn đề bạn có thể giải quyết với 7.500 bác sĩ tâm thần và 30.000 bác sĩ tâm lý", bà nói.
Điều chúng ta cần là một chiến lược quốc gia tài trợ cho các địa điểm, con người và nền tảng giúp cộng đồng vững mạnh — từ quán rượu đến thư viện, câu lạc bộ thể thao đến quán cà phê, phòng tập thể dục đến các tổ chức nghệ thuật cơ sở.
Melanie Wilde, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ Sức khỏe Xã hội
Theo Viện Y tế và Phúc lợi Úc, tính đến năm 2023, có 4.300 bác sĩ tâm thần và 33.000 nhà tâm lý học tại Úc.

Bà Wilde hoan nghênh các khuyến nghị từ những cuộc điều tra này, nhưng tin rằng cần phải thiết lập một lập trường lâu dài hơn vượt ra ngoài "danh mục đầu tư theo chu kỳ".

'Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện'

Người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội Milly Rose Bannister, người có 137.000 người theo dõi trên Instagram, cũng là giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên ALLKND. Bannister tin rằng vấn đề này khó có thể giải quyết bằng các nguồn lực hiện có.
"Chúng ta có những cấu trúc đã tồn tại hàng thập niên, nhưng chúng đơn giản là không đáp ứng được những gì mà giới trẻ ngày nay cần cho sự phát triển toàn diện của họ, đặc biệt là sức khỏe tâm thần.

"Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện.", cô nói

Nếu quý vị đang tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần có thể liên hệ với Beyond Blue theo số 1300 22 4636. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập beyondblue.org.au. Embrace Multicultural Mental Health hỗ trợ những người có nền tảng văn hóa và ngôn ngữ đa dạng.

Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ 

Share