Ông William Poh, một di dân người Hoa từ Singapore đến Úc vào năm 1973.
Ông có một cửa tiệm bán đồ lưu niệm nằm trong khu Chinatown, đã từng một thời là nơi cực kỳ sầm uất. Cửa tiệm của ông vốn là nơi dừng chân nổi tiếng của các du khách, vẫn được chất đầy nhưng con gấu koala và kangaroo nhồi bông.
Thế nhưng từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, biên giới nước Úc phải đóng cửa vô thời hạn nhằm khống chế sự lây lan dịch bệnh, ông Poh cho biết việc kinh doanh của ông chưa bao giờ trở nên khốn đốn đến thế.
“Doanh thu của chúng tôi đã giảm gần 80%, thậm chí hơn. Qủa thực rất khó để chúng tôi tiếp tục có thể tồn tại ở Chinatown. Tôi đến Úc đã gần 50 năm rồi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự thế này từng xảy ra trước đây.”
Cách đó không xa, Junda Khoo, chủ một nhà hàng bán đồ ăn Malaysia, cho hay, chỉ mới vài tháng trước đây, nhà hàng ông đã từng đón 800 thực khách mỗi ngày. Nhưng giờ ông đã phải mượn tiền ngân hàng, phương án cuối cùng để có thể giữ cho nhà hàng tiếp tục mở cửa.
“Chúng tôi đã mất $250,000 trong 3 tháng qua. Sắp tới chúng tôi sẽ không thể có lãi vì phải bù vào khoản $250,000 đã bị mất. Có khi phải mất từ 6 tháng tới 1 năm mới có thể phục hồi.”
Khu phố Chinatown ở Sydney là khu phố Chinatown lớn nhất nước Úc, thu hút 2.6 triệu du khách mỗi năm.
Hồi tháng Hai, nước Úc bắt đầu đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Tiếp đó vào cuối tháng Ba đã đóng cửa biên giới với toàn bộ các quốc gia khác, và chỉ cho phép công dân và thường trú nhân Úc được phép trở về nước.
Nhưng việc thiếu du khách không chỉ là vấn đề duy nhất mà trung tâm văn hóa này phải đối mặt.
Ông Daigo Kani, một chủ nhà hàng, cho biết hầu hết nhân viên của ông phải trở về Nhật kể từ khi đại dịch COVID xuất hiện ở Úc.
“90% nhân viên của tôi đã trở về Nhật, vì hầu hết đều là nhân viên giữ visa lao động kết hợp kỳ nghỉ, một số là sinh viên làm bán thời gian.”
Chính phủ Úc hiện vẫn chưa thông báo thời gian chính thức mở cửa lại biên giới, nhưng theo ước tính mới nhất cho thấy ngành du lịch dù mở cửa lại vẫn chịu một số hạn chế ít nhất là tới cuối năm sau.
Chủ tịch Phòng Thương mại tại Haymarket, ông Simon Chan, cho biết có rất nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy họ đang bị tiến thoái lưỡng nan, không chắn chắn về tương lai cho đến khi ngành du lịch trở lại.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn đăng cầm cự được, nhưng chúng ta sẽ phải kiên nhẫn, vì thời gian này có lẽ chưa kết thúc sớm được.”
Và các chủ doanh nghiệp không phải là những người duy nhất đang phải gồng minh chống chọi qua cơn đại dịch.
Trong khi nhiều cửa hàng và nhà hàng bị buộc phải đóng cửa hoàn toàn, thì những chủ nhà cho thuê cũng đang đối mặt với tương lai bất định ngày càng gia tăng.
Bà Asther Lam, một di dân từ Hong Kong đến Sydney vào năm 1989 để du học, và giờ đang sở hữu một trung tâm ẩm thực trên đường Dixon ở Haymarket.
Bà nói doanh thu từ việc kinh doanh của bà đã bị rớt thảm hại
“Gần 70% chỗ ngồi bị bỏ trống, đây là thời gian vắng khách nhất trong suốt 29 năm qua. Tình hình rất tệ, nơi đây cứ như là thị trấn ma. Ngay cả nếu là tôi thì tôi cũng không muốn ở lại đây.”
Cộng đồng các chủ doanh nghiệp tại địa phương hiện đang hi vọng chính phủ sẽ can thiệp để cứu địa điểm du lịch này, để nơi đây vẫn còn có thể là một trung tâm văn hóa cho thế hệ tương lai.