Michael Theo – sống đúng với đam mê và bản thân
Michael Theo, nam diễn viên sống tại Sydney, không thích bị gán vào một khuôn mẫu cố định. Từ nhỏ, anh đã biết mình thuộc về sân khấu.
“Tôi luôn biết mình muốn trở thành diễn viên từ khi còn rất nhỏ, dưới 5 tuổi. Bởi vì tôi thích làm người khác cười, và tôi đam mê nghệ thuật này. Với tôi, nghệ thuật biểu diễn là một hình thức nghệ thuật thiêng liêng và nên được trân trọng như vậy. Hơn nữa, diễn xuất là một phần của con người tôi.”
Giấc mơ đó trở nên khó khăn hơn khi Michael được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder) từ năm 8 tuổi – trước khi được phân loại lại vào năm 2013, bao gồm cả hội chứng Asperger.
LISTEN TO

Chiến dịch mới nhằm nâng cao hiểu biết về chứng tự kỷ
SBS Vietnamese
07:01
Rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng ảnh hưởng đến cách bộ não học tập và xử lý thông tin cảm giác, như ánh sáng và âm thanh. Đây là tình trạng kéo dài suốt đời và ảnh hưởng khác nhau đến từng cá nhân, đặc biệt trong khả năng tương tác với người khác và với thế giới xung quanh. Điều này có thể tác động lớn đến cơ hội học tập và việc làm.
Với Michael, anh đã sớm quyết định sẽ sống theo cách của riêng mình.
“Tôi đã quyết định từ lâu là sẽ không chấp nhận câu trả lời ‘không’ cho những mục tiêu của mình nữa. Bởi vì tôi từng chấp nhận điều đó từ người khác, trong khi chính họ đâu có làm điều đó vì tôi. Vậy tại sao tôi phải làm vậy với họ?”
Bước ngoặt lớn đến vào năm 2019, khi Michael tham gia chương trình tài liệu Love on the Spectrum, theo chân những người trẻ mắc chứng tự kỷ trong hành trình tìm kiếm tình yêu. Dù không tìm được mối quan hệ lâu dài từ chương trình, Michael gặp được bạn đời hiện tại – Jessica. Cánh cửa nghệ thuật cũng rộng mở hơn với cơ hội làm podcast và viết sách thiếu nhi.
Người sống với tự kỷ phải nỗ lực gấp đôi để đạt được mục tiêu và điều mình mong muốn. Bởi vì vẫn còn nhiều người không sẵn sàng trao cho họ cơ hội.Michael Theo
Michael ví tiềm năng của người tự kỷ như một hạt giống cần được trao cơ hội để phát triển:
“Làm sao mà một hạt giống cây đào có thể trở thành cây nếu không được trao cơ hội để lớn lên? Hạt giống cần cơ hội để phát huy tiềm năng, thực hiện ước mơ, và trở thành bất cứ điều gì nó mong muốn.”
Từ nhận thức đến thấu hiểu – lắng nghe người tự kỷ
Michael Theo là một trong những người ủng hộ chiến dịch nâng cao hiểu biết về tự kỷ của tổ chức Aspect. Một khảo sát gần đây do YouGov thực hiện cho thấy 45% người Úc được hỏi thừa nhận hiểu biết hạn chế về tự kỷ, và khoảng 1/3 không biết nên nói gì khi ai đó tiết lộ họ là người tự kỷ.
Bà Jacqui Borland, Giám đốc điều hành của Aspect, cho biết:
“Chúng ta có hơn 1 trong 40 người được chẩn đoán mắc tự kỷ. Rõ ràng nhiều người Úc hiện có sự kết nối cá nhân với tự kỷ. Nhưng từ nhận thức đến hiểu biết là một bước chuyển quan trọng.”
Bà Borland cũng cảnh báo rằng tiềm năng của người tự kỷ chưa được phát huy đúng mức, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm:
“Người tự kỷ thất nghiệp hoặc làm việc không đúng khả năng nhiều hơn hẳn so với dân số chung, thậm chí nhiều hơn cả những người khuyết tật khác. Điều đó cho thấy có một nhóm lớn người tự kỷ có kỹ năng và muốn làm việc. Nếu chúng ta hiểu hơn và điều chỉnh môi trường làm việc, kể cả cách tuyển dụng, thì có thể giúp họ hòa nhập vào lực lượng lao động, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.”
Theo bà, những điều chỉnh tại nơi làm việc có thể đơn giản và mang lại lợi ích cho toàn bộ nhân viên, như cung cấp hướng dẫn bằng văn bản, không gian yên tĩnh để thư giãn, hoặc tai nghe chống ồn.
Quan trọng là phải linh hoạt, và lắng nghe chính người tự kỷ để hiểu điều gì hỗ trợ họ tốt nhất. Vì mỗi người tự kỷ đều khác nhau.Bà Jacqui Borland, Giám đốc điều hành của Aspect
Cô Ainslie Robinson, một người mẹ có hai con và hiện là nhân viên nghiên cứu tại Aspect, được chẩn đoán tự kỷ khi trưởng thành. Cô chia sẻ:
“Tôi lớn lên trong những năm 1980, khi chưa có nhiều thông tin về tự kỷ. Sau khi con trai tôi được chẩn đoán, tôi bắt đầu nhận ra những điểm tương đồng và đi tìm câu trả lời cho chính mình ở tuổi 33. Việc có được chẩn đoán cho phép tôi đối xử nhẹ nhàng và cảm thông hơn với bản thân.”
Cô Ainslie tin rằng cách tiếp cận tốt nhất là cởi mở và tìm hiểu con người một cách chân thành.
“Chỉ cần tò mò một chút, hỏi và lắng nghe, thay vì bối rối hay khó chịu. Sẽ rất tuyệt nếu một ngày nào đó khi tôi nói mình là người tự kỷ, người lạ có thể nói: ‘À, tôi có biết một chút về điều đó’.”
Michael đồng tình với cách tiếp cận này và nhấn mạnh rằng, đôi khi, một câu hỏi đơn giản cũng đủ tạo nên sự khác biệt.
“Nếu ai đó nói với bạn rằng họ là người tự kỷ, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là hỏi: ‘Tôi có thể làm gì để hỗ trợ bạn không? Trong trường hợp của tôi, tôi không cần điều gì đặc biệt, nhưng khi tiếng ồn quá nhiều, tôi chỉ cần một nơi yên tĩnh để nạp lại năng lượng. Giống như pin vậy, ai cũng cần sạc pin khi hết pin.”
Đọc thêm

Nuôi con tự kỷ, Mẹ là vĩ đại!
READ MORE

SBS Việt ngữ