Cơm áo gạo tiền: Lập kế hoạch tài sản thừa kế, chuyện không chỉ của người giàu

Senior couple looking sad and disappointed while using a laptop in a sunny park

Cùng với kế toán hoặc cố vấn tài chính, bạn nên tính toán trước các kịch bản thừa kế để giảm thiểu rủi ro thuế sau này cho người thân. Source: iStockphoto / Daniel Megias/Getty Images

“Có hai thứ trong đời mà chúng ta không thể tránh được – cái chết và thuế.” Nhưng sẽ ra sao nếu hai điều đó xảy ra cùng lúc, và người thân của bạn lại là người gánh hậu quả? Đây là tình huống mà nhiều gia đình người Việt tại Úc đã, đang hoặc sẽ đối mặt, đặc biệt khi cha mẹ qua đời mà không để lại di chúc hoặc lập kế hoạch tài sản rõ ràng.


Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, mời quý vị gặp các chuyên gia tài chính để có những lời khuyên phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Đôi dòng về khách mời

Ms. Nhuệ Hà Nguyễn, Giám đốc điều hành của công ty Advanced Partners, là chuyên gia tư vấn và đưa ra giải pháp về thuế, hoạch định cấu trúc sở hữu tài sản, bất động sản và sáp nhập doanh nghiệp. Chị cũng là một trong 10 ủy viên của Ủy ban Victoria Public Practice Committee, một ủy ban đại diện cho các công ty kế toán thuộc Hiệp hội CPA Australia tại Victoria.

“Có hai thứ trong đời mà chúng ta không thể tránh được – cái chết và thuế.”

Nhưng sẽ ra sao nếu hai điều đó xảy ra cùng lúc, và người thân của bạn lại là người gánh hậu quả?

Đây là tình huống mà nhiều gia đình người Việt tại Úc đã, đang hoặc sẽ đối mặt – đặc biệt khi cha mẹ qua đời mà không để lại di chúc hoặc kế hoạch phân chia tài sản rõ ràng.
LISTEN TO
Estate Planning image

Cơm áo gạo tiền: Lập kế hoạch tài sản thừa kế, chuyện không chỉ của người giàu

SBS Vietnamese

21:29
Dù chủ đề này có vẻ "nhạy cảm" hay thường cho rằng mang lại "xui xẻo", các chuyên gia cho rằng, đây là việc cần làm càng sớm càng tốt, bất kể bạn giàu hay không.

"Lập kế hoạch thừa kế không chỉ là chia tài sản sau khi mình mất, mà còn là cách để bảo vệ người thân, giảm thiểu xung đột, và hạn chế những mất mát tài chính không đáng có, nhất là về thuế," chị Nhuệ Hà chia sẻ.
A middle-aged woman sitting at desk with a computer looking at some paperwork with a serious expression on her face.
Mỗi khi có thay đổi lớn trong cuộc sống như kết hôn, ly hôn, sinh con, mua bán tài sản... bạn nên xem lại di chúc và kế hoạch tài sản của mình. Source: Getty / SDI Productions

Lập di chúc: bước đầu tiên nhưng quan trọng

Khi được hỏi đâu là việc cần làm đầu tiên trong quá trình này, chị Nhuệ Hà khẳng định: “Lập chúc thư là bước quan trọng nhất. Chúc thư thể hiện ý nguyện của bạn về việc ai sẽ nhận tài sản gì sau khi bạn qua đời.”

Thế nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tính pháp lý của di chúc. Ví dụ, nếu bạn đã lập di chúc trước khi kết hôn, thì văn bản đó sẽ tự động vô hiệu khi bạn cưới. Ngược lại, khi ly hôn, di chúc cũ vẫn còn hiệu lực – điều này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng nếu không được cập nhật kịp thời.

“Vì vậy, tôi luôn khuyên khách hàng xem lại di chúc ít nhất mỗi ba năm, hoặc khi có sự kiện lớn trong đời như kết hôn, ly hôn, sinh con, hay mua tài sản mới.”

Không chỉ để lại tài sản thừa kế: Hãy ủy quyền khi còn sống

Lập kế hoạch tài sản thừa kế không chỉ là chuyện "sau khi mất", mà còn bao gồm các công cụ giúp bạn được bảo vệ khi còn sống – chẳng hạn như:
  • Financial Power of Attorney: cho phép người bạn tin tưởng thay bạn quản lý tài chính nếu bạn mất năng lực hành vi.
  • Medical Power of Attorney: cho phép người thân quyết định về việc chữa trị trong trường hợp bạn bất tỉnh hoặc mất khả năng tự quyết định.
“Trong đại dịch COVID, rất nhiều người Việt bị kẹt ở nước ngoài không thể về Úc, tài khoản ngân hàng bị đóng băng, không thể ký giấy tờ, không thể giao dịch vì không có ai được ủy quyền hợp pháp. Đó là bài học mà chúng ta không nên quên.”
Nhue ha.jpg
Bà Nhuệ Hà, chuyên gia về thuế vụ tại Úc, giám đốc công ty Advanced Partners

Chỉ định người thụ hưởng – hành động nhỏ, kết quả lớn

Một trong những điểm dễ bị bỏ sót là việc chỉ định người thụ hưởng (beneficiaries) cho các tài sản như tài khoản hưu bổng (superannuation) hay bảo hiểm nhân thọ.

Nếu không điền đúng và rõ ràng, tài sản có thể bị "treo" trong quá trình phân chia theo luật, thậm chí không đến tay người bạn mong muốn.

Nhiều trường hợp khách hàng để trống hoặc ghi sai thông tin người thụ hưởng, dẫn đến việc con cái phải trả hàng chục ngàn đô tiền thuế không đáng có.

Quỹ tín thác: công cụ bảo vệ và tối ưu hóa thuế

Với những người có nhiều tài sản hoặc con cái còn nhỏ tuổi, chị Hà khuyên nên cân nhắc việc lập quỹ tín thác (trust). Có hai loại phổ biến:

Family Trust (Quỹ tín thác gia đình): Được lập khi bạn còn sống, giúp bạn phân chia lợi nhuận từ tài sản cho các thành viên gia đình một cách linh hoạt, giảm thuế hợp pháp.

Testamentary Trust (Quỹ tín thác từ di chúc): Được hình thành sau khi bạn qua đời, giúp người thừa kế – đặc biệt là con cái – được hưởng thuế suất ưu đãi thay vì phải đóng thuế cao vì nhận tài sản trực tiếp.

“Một ví dụ điển hình là khi con cái bạn sống ở nước ngoài, nếu nhận tài sản trực tiếp thì phải đóng thuế lãi vốn rất cao. Nhưng nếu nhận qua một quỹ tín thác, thì quỹ đó có thể bán tài sản với mức thuế thấp hơn rất nhiều,” chuyên gia thuế Nhuệ Hà giải thích.

Ngoài ra, quỹ tín thác còn hữu ích trong những tình huống gia đình phức tạp – như vợ chồng tái hôn, con riêng, người thừa kế chưa đủ trưởng thành, hoặc có vấn đề tài chính/cờ bạc.

Một yếu tố nữa mà nhiều người không để ý là vấn đề thuế. Dù Úc không đánh thuế thừa kế (inheritance tax), nhưng khi người qua đời để lại tài sản, người thừa kế có thể bị đánh thuế lãi vốn (capital gains tax) nếu sau này bán tài sản.
Ví dụ như bạn để lại một căn nhà đầu tư, con cái bán đi sau này có thể bị đánh thuế lãi vốn hàng trăm ngàn đô. Nhưng nếu tài sản đó nằm trong một cấu trúc pháp lý hợp lý như quỹ chúc thư, hoặc được chia theo kế hoạch đã tính toán thuế ngay từ đầu, thì có thể giảm thiểu rất nhiều khoản thuế phải trả.
Chuyên gia thuế Nhuệ Hà

Tránh xung đột – bảo vệ mối quan hệ gia đình

Một lý do quan trọng khiến nhiều người tìm đến chị Hà để lập kế hoạch thừa kế không phải vì họ có quá nhiều tiền, mà vì họ muốn tránh những mâu thuẫn sau khi mình ra đi.

“Không có gì buồn bằng việc cha mẹ mất rồi, con cái quay sang kiện tụng, tranh chấp lẫn nhau chỉ vì không có di chúc rõ ràng, hoặc không có sự chuẩn bị từ trước.”

Một kế hoạch tốt sẽ giúp làm rõ ai nhận gì, vì sao và có thể đi kèm những lời nhắn gửi, chia sẻ đầy tính nhân văn để giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn, thay vì đối đầu.

Ai nên lập kế hoạch tài sản thừa kế?

“Tất cả mọi người có tài sản – dù là căn nhà, tài khoản hưu bổng super, hay ít cổ phiếu – đều nên lập kế hoạch.”

Chị Nhuệ Hà – kế toán và giám đốc công ty Advanced Partner tại Sydney – cho biết phần lớn khách hàng người Việt khi được hỏi đều cho rằng mình không có nhiều tài sản nên không cần lập di chúc hay kế hoạch thừa kế.

“Rất nhiều người nói với tôi rằng: ‘Tôi chỉ có cái nhà thôi, đâu có gì nhiều.’ Nhưng họ không nhận ra rằng căn nhà đó có thể trị giá cả triệu đô, và khi người chủ mất, nếu không có di chúc hoặc cấu trúc pháp lý phù hợp, người thân sẽ gặp rắc rối rất lớn,” chị Hà chia sẻ.

Không có kế hoạch rõ ràng, tài sản của người đã khuất có thể bị đóng băng trong nhiều tháng – thậm chí vài năm – khi tòa án xử lý phân chia theo luật. Điều này vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí pháp lý, thuế má và đặc biệt gây căng thẳng tâm lý cho người thân còn sống.

Lập kế hoạch tài sản thừa kế không phải là việc chỉ dành cho người lớn tuổi hay giới siêu giàu. Đó là hành động thể hiện trách nhiệm với người thân, tình yêu thương với con cái, và sự chủ động trong quản lý cuộc sống, ngay cả khi mình không còn ở đó để nhìn thấy.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]
Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ 

Share