Cơm áo gạo tiền: Tháp tài sản và con đường quản lý tài chính, xây dựng sự thịnh vượng

NAAU7147 (1).jpg

Mortgage Broker Roland Quang Nguyen Credit: Roland Quang Nguyen

Thế nào là kim tự tháp đầu tư, tài sản mà bạn đang sở hữu thuộc tầng nào? Đầu tư vào đâu sẽ ít rủi ro và lợi nhuận ổn định? Hiểu được khái niệm tài chính được mô hình hóa này sẽ giúp bạn có được bức tranh rõ ràng hơn về các loại tài sản mà mình đang sở hữu, những rủi ro và khả năng sinh lợi của nó. Từ đó, bạn có thể đánh giá và đưa ra các quyết định về đầu tư cũng như quản lý tài chính.


Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, mời quý vị gặp các chuyên gia tài chính để có những lời khuyên phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Chuyên gia môi giới các khoản vay 'Mortgage Broker' Roland Quang Nguyen, giám đốc điều hành của ALZ Solution tại Melbourne có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, môi giới cho vay và bất động sản. Anh Roland Quang Nguyen chia sẻ một số nền tảng tư duy giúp anh xây dựng nền tảng tài tài chính cho cá nhân và gia đình của mình tại Úc.

Kim tư tháp đầu tư (Investment Pyramid)

Khái niệm này cực kỳ đơn giản dựa trên châm ngôn của giới đầu tư, rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn (high risks, high returns). Kim tự tháp này có 3 tầng:

Tầng đáy/base: hỗ trợ, rủi ro thấp, lợi nhuận thấp nhưng ổn định. Ví dụ: tiền hay tài khoản tiết kiệm dài hạn.

Tầng giữa/middle: rủi ro cao hơn, lợi nhuận hấp dẫn hơn nhưng vẫn mang tính ổn định về dài hạn. Ví dụ: broad market index fund (quỹ đầu tư chỉ số) với phương thức đầu tư thụ động; Bất Động Sản sẽ có rủi ro cao hơn khi bạn đi vay (rủi ro về lãi suất, rủi ro về dòng tiền), rủi ro về khả năng thanh khoản. Từng mã chứng khoán đơn (large cap – rủi ro thấp hơn hay small cap – rủi ro cao hơn) – nếu mua bằng tiền mặt không có rủi ro về dòng tiền và lãi suất.

Tầng đỉnh/summit: Rủi ro cao, thường nhắm vào mức độ tăng trưởng chứ không nhắm vào dòng tiền, tiêu biểu là sản phẩm tài chính phái sinh (derivatives: futures/options) hay là tài sản sưu tập (collectibles), rủi ro về khả năng thanh khoản, hoặc tiền điện tử crypto rất khó để xác lập giá trị thực (intrinsic value) của tài sản.

Ở đây chúng ta không bàn tới các loại chi phí cho việc đầu tư tài sản và chi phí cơ hội; bởi vì chúng ta chỉ tập trung nói về việc phân bổ tài sản, chi phí cơ hội là khi chúng ta nếu dùng tiền để đầu tư vào một tầng hay một loại hình tài sản thì sẽ không thể đầu tư vào nơi khác được.

Tháp tài sản

Với Tháp tài sản, việc diễn giải các tầng được cụ thể hóa theo mục tiêu đặt ra cho các loại hình tài sản, có 5 tầng như sau.
Thap tai san.jpg
Một mô hình Tháp tài sản căn bản Credit: PH Insurance
Tầng Mạo Hiểm: giống như chúng ta vừa diễn giải, rủi ro cao, lợi nhuận cao, đầu tư ngắn hạn.

Tầng Tăng Trưởng: tầng này thì các loại hình tài sản có thể được nuôi dài hạn hơn vì giá trị thật sự của nó có khả năng tăng trưởng/phát triển (growth stocks/chứng khoán tăng trưởng/bất động sản tăng trưởng).

Tầng Thu Nhập: tầng này tạo ra thu nhập ổn định về dòng tiền để phục vụ cho các nhu cầu tồn tại và phát triển của bản thân bạn và gia đình bạn (dividend stocks/chứng khoán dòng tiền/bất động sản dòng tiền).

Tầng Phòng Vệ: các tài sản không chịu sự chi phối quá lớn từ thị trường, thường mang đến giá trị sử dụng nhất định đối với chủ sở hữu (owner occupied homes/nhà để ở, family car/business car để phục vụ nhu cầu di chuyển hằng ngày cho gia đình và công việc, ở Việt Nam thì có vàng vật lý/vàng miếng, tiền mặt.

Tầng Vô Hình: các tài sản ở tầng vô hình thường được nhắc tới như kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ.

Tầng nào là quan trọng nhất hoặc có cơ hội tạo ra sự thịnh vượng?

Kim tự tháp tài sản của tôi (Roland Quang Nguyen) được phát triển dựa trên Tháp tài sản, nhưng sẽ có một số sự khác biệt dựa trên quan điểm về thu nhập (dòng tiền) cá nhân và khái niệm kinh doanh. Kim tự tháp tài sản này cũng có 5 tầng, trong đó thứ tự của tầng Thu Nhập và Phòng Vệ được đổi chỗ cho nhau, và trong tầng Thu nhập sẽ chia ra thành Thu nhập chủ động và Thu nhập thụ động. Và cuối cùng tầng Vô Hình được đổi tên thành tầng kho báu.
Buy a home
Căn nhà bạn đang ở và sở hữu nằm trong tài sản phòng hộ. Source: Pixabay
Lý do thay đổi thứ tự tầng Thu Nhập và tầng Phòng Vệ: Nếu như chúng ta không có tài sản, thì tài sản được tích lũy từ việc thu nhập trừ cho chi phí, số tiền dư ra được dùng để gửi tiết kiệm cho những ngày mưa. Như vậy việc bảo vệ ở đây chính là bảo vệ tài sản, bảo vệ nguồn thu nhập, và dựa trên việc chúng ta phải có chúng ta mới cần phải bảo vệ, chúng ta không thể bảo vệ thứ mà chúng ta không có.

Lý do chia tầng Thu Nhập thành Chủ động và Thụ động: Thu nhập chủ động là việc chúng ta có thể kiểm soát dựa trên nguồn lực tự thân (thời gian, kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức), và tỷ lệ tăng giá trị (lợi suất) lớn trên số tiền đầu tư. Ví dụ thu nhập lương cơ bản từ $45k lên thành $50k.

Thu nhập thụ động có lợi suất thấp (đầu tư vào bất động sản nhà ở có hiệu suất cho thuê -rental yield- vào khoảng 3.5-4.5%) và chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư. Nên khi chúng ta đưa ra các tiêu chí để phân bổ nguồn lực, chúng ta nên ưu tiên đầu tư vào nguồn thu nhập chủ động.

Chúng ta không cần phải xây tháp theo từng tầng, mà có thể mở rộng cùng lúc cả về chiều ngang và chiều dọc.

Lý do thay đổi tầng Vô Hình thành tầng Kho Báu: bởi vì đây là những thành tố giúp tạo nên nguồn tài sản vô tận cho chúng ta, nhưng thường bị bỏ quên, và chúng cực kì quý giá là:
· Thân: sức khỏe, thời gian (60 năm cuộc đời)
· Tâm: niềm tin, giá trị cốt lõi (sự trải nghiệm, sự thông thái)
· Trí: kiến thức, kinh nghiệm

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]

Share