Việc ăn ba bữa mỗi ngày đã trở nên phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở phương Tây. Nhưng thực ra đây là một hiện tượng khá mới trong lịch sử nhân loại.
Khởi nguồn từ bếp lửa
Thời tiền sử, con người sống du mục, di chuyển theo mùa và theo nguồn thực phẩm.
Bằng chứng khảo cổ học tại Nam Moravia, Cộng hòa Séc, cho thấy cách đây 30.000 năm, tổ tiên chúng ta đã dừng chân tại các điểm cố định để nấu nướng và cùng nhau chia sẻ thức ăn – dấu hiệu đầu tiên của bữa ăn cộng đồng.
Tại Israel, một địa điểm săn bắt hái lượm có niên đại 23.000 năm, được phát hiện bên bờ Biển Galilee, cho thấy con người vào thời đó đã sống trong các ngôi nhà nhỏ, sử dụng bếp lửa và có chế độ ăn rất phong phú với hơn 140 loại hạt, các loài chim, cá và thú.

Khu vực màu mỡ hình lưỡi liềm, bao phủ các thung lũng giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của các sông Tigris, Euphrates và Jordan. Source: Shutterstock / The Conversation
Với nguồn lương thực dư dả, con người bắt đầu định hình nhịp sống gắn với các bữa ăn đều đặn – thường là một bữa nhẹ vào buổi sáng và một bữa chính vào cuối ngày.
LISTEN TO

Ba bữa ăn mỗi ngày – Thói quen tưởng chừng hiển nhiên nhưng có lịch sử thú vị
SBS Vietnamese
04:02
Từ thói quen trở thành quy tắc
Trong xã hội Sparta cổ đại, bữa ăn chung được quy định thành luật. Các chiến binh cùng sống, cùng chiến đấu và cùng ăn tối trong những phòng ăn tập thể. Qua đó, họ truyền đạt kinh nghiệm, duy trì kỷ luật và thảo luận các vấn đề xã hội.
Triết gia Plato đã từng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của bữa ăn chung đối với đời sống công dân, xem việc bỏ bữa không lý do là vi phạm trật tự xã hội.
Sự đa dạng trong cách ăn uống của các nền văn hóa
Khác với người Sparta, người La Mã dùng bữa chính vào ban ngày và ăn nhẹ buổi tối.
Các bộ tộc ở Bắc Âu thường ăn hai bữa lớn mỗi ngày, do khí hậu lạnh hơn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Đối với người Viking, hai bữa ăn này được gọi là dagmal (sáng) và nattmal (tối).
Tại Úc, người Thổ dân thường ăn một bữa chính mỗi ngày, nấu bằng lò đất (kup murri) – một phương pháp phổ biến trong nhiều nền văn hóa bản địa ở Thái Bình Dương như hāngī (Māori), imu (Hawaii), lovo (Fiji) hay píib (Maya).
Một bữa ăn chính mỗi ngày thường được bổ sung bằng các món ăn vặt xuyên suốt cả ngày.

Vai trò thiết yếu của bữa ăn chung đã bắt đầu từ thời cổ đại. Source: Pexels/Askar Abayev
Việc ăn ba bữa có thể bắt nguồn từ Hải quân Hoàng gia Anh vào thế kỷ 16.
Trên tàu, các thủy thủ được phục vụ ba bữa theo giờ giấc cố định: bữa sáng đơn giản, bữa trưa là bữa chính và bữa tối nhẹ.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 18 đã củng cố nhịp sống này.
Trong những ngày làm việc kéo dài và theo lịch trình nghiêm ngặt, công nhân ăn sáng và tối tại nhà, còn bữa trưa được dùng cùng đồng nghiệp.
Ít thời gian nghỉ và không có điều kiện ăn vặt khiến ba bữa chính trở thành nhu cầu thiết yếu.
Sự linh hoạt của bữa ăn hiện đại
Ngày nay, thói quen ăn uống đang trở nên linh hoạt hơn. Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời gian và tần suất ăn uống của chúng ta – từ việc đi làm xa, đến việc sắp xếp giữa sở thích cá nhân và trách nhiệm xã hội.
Đại dịch COVID-19 cùng sự phát triển của dịch vụ giao đồ ăn đã thay đổi cách chúng ta ăn.
Các bữa như brunch (sáng – trưa), trà chiều, hay bữa phụ giữa buổi đang trở thành những hình thức kết nối xã hội mới qua ẩm thực.
Khi lịch trình cá nhân ngày càng bận rộn và đa dạng, thói quen ăn ba bữa mỗi ngày có thể không còn là chuẩn mực duy nhất – mà chỉ là một giai đoạn trong sự tiến hóa không ngừng của văn hóa ẩm thực của nhân loại.