Câu hỏi "Làm thế nào để chúng ta học cách sống chung với tác động của biến đổi khí hậu?" đã được đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP-13) vào năm 2007. Từ đó, cộng đồng quốc tế bắt đầu công nhận rằng việc thích ứng với biến đổi khí hậu quan trọng không kém việc giảm thiểu khí thải.
LISTEN TO

Hơn một thập kỷ trì hoãn: hành động ngay để thích ứng với biến đổi khí hậu
SBS Vietnamese
07:41
Theo Tiến sĩ Simon Bradshaw, thành viên của Hội đồng Khí hậu (Climate Council) và giám đốc tại Climate-KIC Australia, việc ứng phó với biến đổi khí hậu gồm hai nhiệm vụ chính. Ông giải thích:
“Thứ nhất và quan trọng nhất là chúng ta phải giảm lượng khí nhà kính càng nhanh càng tốt bằng cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch – than đá, dầu mỏ và khí gas – để chuyển sang năng lượng tái tạo. Đây là điều thiết yếu để hạn chế những thiệt hại trong tương lai. Việc thứ hai, chúng ta phải thực hiện đồng thời, là thích ứng và xây dựng khả năng chống chịu, học cách sống chung với các tác động đó.”
Năm 2008, Chính phủ Liên bang đã thành lập Cơ sở Nghiên cứu Thích ứng Biến đổi Khí hậu Quốc gia (NCCARF) để hỗ trợ chính sách thích ứng. Tuy nhiên, nhiều phát hiện quan trọng vẫn chưa được chuyển hóa thành hành động thực tế.
Báo cáo từ Đại học Monash chỉ ra rằng từ năm 2012 đến 2022, hành động thích ứng ở cấp địa phương vẫn còn thiếu, dù các cộng đồng dễ bị tổn thương rất sẵn sàng tham gia. Tiến sĩ Michael Spencer nhận định:
“Các cơ chế quản trị chưa được thiết lập, không có tài chính, không có phương tiện để thực hiện. Vậy nên, để hành động, chúng ta cần có năng lực, có hệ thống quản trị ở cấp địa phương, và phải có nguồn tài chính để hành động.”
Khó khăn trong việc phục hồi sau thiên tai
Một nghiên cứu từ Đại học New South Wales (UNSW) cũng cho thấy việc phục hồi sau thiên tai bị trì hoãn do thiếu chiến lược rõ ràng.
Một thực tế đã được chứng minh trên toàn thế giới là việc phục hồi sau khủng hoảng hiệu quả nhất khi được thực hiện ở cấp địa phương. Tuy nhiên, tại Úc và nhiều nơi khác, hệ thống hiện nay chủ yếu được điều hành theo kiểu mệnh lệnh từ trên xuống.Giáo sư David Sanderson - Đại học New South Wales (UNSW)
Ông cũng cho biết những giải pháp ngắn hạn là tốn kém và khiến cộng đồng dễ bị tổn thương không có cơ hội xây dựng khả năng chống chịu lâu dài.
"Phản ứng mang tính đối phó của các chính phủ sau thiên tai thường là nhanh chóng xây dựng nhà tạm, điều này xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các khu nhà tạm thường được xây dựng chậm, tốn kém và không có kế hoạch sử dụng lâu dài. Chúng tôi tin rằng nhà tạm chỉ nên được dùng như giải pháp cuối cùng, và nếu cần thiết phải xây dựng, thì cần có kế hoạch để tái sử dụng nó, biến nó thành tài sản có ích cho cộng đồng về sau."
Thiên tai cũng khiến chi phí sinh hoạt tăng cao, thể hiện rõ qua phí bảo hiểm, một trong những lĩnh vực tăng giá mạnh nhất trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần đây. Tiến sĩ Spencer cho biết:
"Thiên tai gây ra những tác động rất rõ ràng, và bạn có thể nhận thấy điều đó qua việc phí bảo hiểm của mình tăng lên. Trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý gần đây nhất, bảo hiểm là một trong những lĩnh vực có mức tăng giá cao nhất. Tuy nhiên, điều mà chúng ta ít chú ý hơn là những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Dù những tác động này diễn ra chậm, nhưng chúng tích tụ theo thời gian và có thể nghiêm trọng không kém, thậm chí còn hơn, so với các tác động trực tiếp mà thiên tai gây ra."
Một nghiên cứu vào năm 2023 của Hội đồng Khí hậu cho thấy 80% người Úc đã từng trải qua ít nhất một thảm họa kể từ năm 2019.
Một phần lý do, theo Tiến sĩ Bradshaw, là do nhà cửa vẫn đang được xây dựng tại các khu vực rủi ro cao.
"Có thể nói rằng các quy định về quy hoạch vẫn chưa bắt kịp với mức độ rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, dù đó là nguy cơ lũ lụt hay cháy rừng."
Chúng ta đã thấy một số tiến bộ, như việc điều chỉnh lại quy hoạch và hạn chế xây dựng ở các khu vực dễ bị ngập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu dân cư mới đang được xây dựng trên những vùng đất có nguy cơ lũ lụt cao, và rất nhiều ngôi nhà hiện tại đang nằm ở những nơi mà người dân chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong tương lai.Tiến sĩ Simon Bradshaw, thành viên của Climate Council và giám đốc tại Climate-KIC Australia
Giải pháp toàn diện và kế hoạch tương lai
Tiến sĩ Spencer kêu gọi cách tiếp cận toàn diện hơn, vượt qua ranh giới hành chính và chia cắt trách nhiệm. Ông đề xuất mô hình "quy hoạch theo khu vực":
"Tác động của biến đổi khí hậu không dừng lại ở ranh giới hành chính. Chúng vượt qua ranh giới giữa các địa phương, liên quan đến các cơ quan quản lý lưu vực sông, thậm chí cả các phòng thương mại. Thách thức đặt ra là làm sao vượt qua các rào cản giữa các cấp chính quyền và các tổ chức khác nhau. Ở Úc và nhiều nơi khác, chúng ta thường chia nhỏ trách nhiệm cho từng cơ quan. Nhưng việc thích ứng với biến đổi khí hậu cần được xem là một nhiệm vụ tổng thể và mang tính tích hợp. Việc đầu tiên cần làm là tập hợp tất cả các bên liên quan lại để cùng nhau giải quyết vấn đề."
Cuối cùng, Tiến sĩ Bradshaw nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe những người ở tuyến đầu.
"Tác động của biến đổi khí hậu không ảnh hưởng đến mọi người như nhau. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng. Vài năm trước, tại đảo Masig thuộc quần đảo Torres Strait, người dân nơi đây hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Họ đã phải tự mình sử dụng lốp xe cũ, ván gỗ, bất cứ thứ gì có thể, để chống xói mòn bờ biển, bảo vệ hòn đảo và mối liên kết sâu sắc của họ với vùng đất tổ tiên. Chúng ta cần thực sự lắng nghe và quan tâm đến những người đang ở tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu này."
Chính phủ Liên bang sẽ công bố Bản Đánh giá Rủi ro Khí hậu Quốc gia và Kế hoạch Thích ứng Quốc gia mới (National Climate Risk Assessment and National Adaptation Plan) sau cuộc bầu cử.
Các tài liệu này đáng lẽ đã phải được công bố vào tháng 12 năm 2024.
READ MORE

SBS Việt ngữ