Bầu cử 2025: Đối phó với thông tin sai lệch trên mạng xã hội

The WeChat app on Apples App Store (Getty)

The WeChat app on Apples App Store Source: Getty / Drew Angerer

Vào năm 2016, ứng dụng Trung Quốc WeChat đã thu hút sự chú ý của truyền thông Úc sau khi người ta phát hiện cử tri gốc Hoa ở Úc đang tương tác với cuộc bầu cử liên bang thông qua nền tảng này. Kể từ đó, đã có nhiều cuộc thảo luận liên tục về vấn đề thông tin sai lệch nhắm vào các cộng đồng đa văn hóa trên các mạng xã hội không sử dụng tiếng Anh, như WeChat.


Từ năm 2019, Tiến sĩ Fan Yang từ Đại học Melbourne đã nghiên cứu về thông tin sai lệch, không chính xác liên quan đến các kỳ bầu cử ở Úc trên nền tảng ứng dụng Trung Quốc WeChat.

Được sở hữu bởi tập đoàn công nghệ Tencent, WeChat là một ứng dụng “vạn năng” – nơi bạn không chỉ nhắn tin với bạn bè mà còn có thể chia sẻ bài viết, theo dõi tin tức và xem video ngắn.
LISTEN TO
vietnamese_Elex 2025 Multi Misinfo.mp3 image

Bầu cử 2025: Đối phó với thông tin sai lệch trên mạng xã hội

SBS Vietnamese

07:56
Nhưng đối với Tiến sĩ Fan Yang, người theo dõi nền tảng này trong kỳ bầu cử liên bang lần thứ ba liên tiếp, đây là nơi lan truyền thông tin sai lệch có chủ ý.
Chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để xử lý hoặc can thiệp vào tình trạng thông tin sai lệch và xuyên tạc đang lan truyền trong cộng đồng gốc Hoa nói tiếng Anh hay cộng đồng không nói tiếng Anh.
Tiến sĩ Fan Yang
Từ kỳ bầu cử liên bang 2016, đã có những lo ngại WeChat bị ngập tràn thông tin sai lệch về các đảng lớn, chính sách và thậm chí là cách bỏ phiếu.

Cũng đã có các báo cáo về thông tin xuyên tạc có chủ đích.

Theo điều tra dân số năm 2021, gần một phần năm người dân Úc nói một ngôn ngữ khác tiếng Anh tại nhà.

Nhiều người trong số đó sử dụng các nền tảng mạng xã hội không sử dụng tiếng Anh như WeChat.

Một báo cáo năm 2023 của Viện Lowy cho thấy hơn một nửa người gốc Hoa tại Úc trong độ tuổi 18–44 sử dụng WeChat hằng ngày.

Những năm gần đây, một ứng dụng mạng xã hội khác của Trung Quốc RedNote cũng ngày càng phổ biến, với hơn một nửa cộng đồng người Trung Quốc tại Úc sử dụng thường xuyên.

Tiến sĩ Yang cho biết dù số lượng ứng dụng xã hội không dùng tiếng Anh ngày càng tăng tại Úc, vẫn chưa có cách tiếp cận có hệ thống để điều chỉnh.

"Thông tin sai lệch và xuyên tạc trên mạng, lan truyền trong cộng đồng không nói tiếng Anh, hoặc trong các kênh kín, riêng tư, từ lâu đã bị các cơ quan quản lý của Úc và truyền thông quốc gia phớt lờ."

Ngay cả khi chính phủ liên bang đã xem xét việc điều chỉnh thông tin sai lệch, điều này vẫn chưa bao gồm các nền tảng không dùng tiếng Anh.

"Chúng tôi đã so sánh hai phiên bản của dự luật chống thông tin sai lệch trong năm 2023 và 2025, và nhận thấy rằng thông tin sai lệch bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh hoàn toàn không được đề cập, và dự luật cũng không nhắm tới các nền tảng mạng xã hội không phải của Mỹ hay các nền tảng ít phổ biến như WeChat, RedNote. Cuối cùng, dự luật đã bị chính phủ hủy bỏ vào tháng 11/2024."

Việc giảm thiểu ảnh hưởng của thông tin sai lệch khó đến mức nào?

Sau khi phân tích hàng ngàn bài viết chứa thông tin sai lệch, Tiến sĩ Yang cho biết chúng thường xoay quanh một số chủ đề quen thuộc.

"Rất nhiều câu chuyện sai lệch mà chúng tôi quan sát và thu thập được đều khá lặp lại, có nghĩa là nếu muốn xây dựng các chiến lược để 'chặn trước' các câu chuyện sai lệch, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nhưng đến giờ tôi vẫn chưa thấy có nhiều nguồn lực hay đầu tư vào việc phản bác hay ngăn chặn thông tin sai lệch."

Tiến sĩ Yang nói rằng nhiều thành viên cộng đồng thường dựa vào người thân để kiểm tra tính xác thực của thông tin trên mạng – thường là những thành viên trẻ hơn, rành công nghệ và thông thạo tiếng Anh.

Tuy nhiên, trước khi có thể phản bác thông tin sai lệch, mọi người cần hiểu cách hệ thống bầu cử vận hành, điều mà không phải ai ở Úc cũng nắm rõ.

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Chương trình giảng dạy, Đánh giá và Báo cáo Úc (Australian Curriculum, Assessment and Reporting Authority) cho thấy chỉ một phần tư học sinh lớp 10 hiểu rõ về kiến thức công dân, bao gồm các khái niệm như dân chủ, cách ban hành luật và vai trò của chính phủ.

Một nghiên cứu gần đây do Tiến sĩ Yang đồng tác giả cho thấy hơn một nửa người nhập cư gốc Hoa không hiểu cách hệ thống chính trị Úc vận hành, và gần một nửa người nhập cư gốc Nam Á cũng tương tự.
Đây là một lĩnh vực khó. Không chỉ các kênh ngôn ngữ khác mà tất cả các mạng xã hội đều đang phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua. Chúng tôi cũng bị giới hạn về nguồn lực, tiền bạc để quảng bá và khả năng duy trì hiện diện trên nhiều nền tảng.
Ekin-Smyth, Ủy ban bầu cử Úc AEC
Đó cũng là điều mà Suie Lo, một người di cư từ Hồng Kông và là người dẫn podcast, nhận thấy khi sản xuất chương trình podcast tiếng Quảng Đông dành cho trẻ em về chủ đề thông tin sai lệch.

Cô Lo đến Melbourne cách đây ba năm.

Sau khi theo dõi các cuộc thảo luận sôi nổi về thông tin sai lệch, cô cảm thấy cần thiết phải giúp trẻ em hiểu về việc kiểm chứng thông tin.

"Ngày nay, ai cũng biết rằng sau năm 2000, mọi đứa trẻ đều sinh ra trong thế giới Internet. Ngay cả với tư cách là phụ huynh, chúng ta cũng không thể kiểm soát hết mọi thông tin mà Internet mang đến cho con mình khi chúng lớn lên. Vì vậy, việc dạy các con biết cách đánh giá hoặc nhận biết đâu là thông tin không đáng tin cậy hay gây hiểu lầm là rất quan trọng."

Trước khi có thể truyền đạt nội dung cho các em nhỏ trong cộng đồng nói tiếng Quảng Đông, cô Lo phải tự mình học cách nhận diện tin giả.

"Câu chuyện của tôi chỉ là một ví dụ nhỏ để mang lại nhận thức cho phụ huynh và các em về thông tin sai lệch trên mạng. Nếu phụ huynh muốn thảo luận sâu hơn với con mình, họ cần có thêm kiến thức và khái niệm cụ thể.

Tôi biết chính phủ có lập một cơ quan về an toàn mạng eSafety và họ cũng cung cấp thông tin cũng như các lớp học cho giáo viên để hướng dẫn trẻ em về thế giới kỹ thuật số."

Ngoài văn phòng eSafety, Ủy ban Bầu cử Úc (AEC) cũng đang tổ chức các hội thảo giáo dục công dân trong cộng đồng đa văn hóa.

Người phát ngôn của AEC, ông Evan Ekin-Smyth, cho biết đây là một trọng tâm trong thời gian trước bầu cử.

"Chúng tôi có nhiều người hỗ trợ nói ngôn ngữ riêng, làm việc ở nhiều khu vực khác nhau – phần lớn là tại phía Tây Sydney, ở Victoria và vài nơi khác, với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chúng tôi làm theo nhu cầu của cộng đồng và dựa trên mong muốn của người dân địa phương muốn có thông tin này.

Thông thường, chúng tôi sẽ thuê một phòng tại hội đồng thành phố, mời các thành viên cộng đồng đến – có thể là 10, 15 hay 20 người cùng nhau thảo luận về hệ thống bỏ phiếu của Úc bằng ngôn ngữ của họ, kèm theo tài liệu và nguồn hỗ trợ."

Trong kỳ bầu cử liên bang trước, AEC đã hợp tác với một số kênh WeChat lớn để đăng tải bản dịch tiếng Trung của các tài liệu chính thức.

Vào tháng 2, AEC đã gặp gỡ đại diện WeChat để xây dựng một cơ chế xử lý thông tin sai lệch về bầu cử trên nền tảng này.

Tuy nhiên, ông Ekin-Smyth cho biết rất khó để bắt kịp tốc độ thay đổi chóng mặt của mạng xã hội.

Với kỳ bầu cử lần này, AEC gửi đi một thông điệp tới tất cả cử tri: hãy dừng lại và suy nghĩ về những gì bạn thấy trên mạng.

"Người dân cần tự đặt câu hỏi khi nhìn thấy thông tin trên mạng – liệu đó có phải là thông tin mới, có đáng tin hay không. Tôi khuyên mọi người nên kiểm tra từ nhiều nguồn khác nhau – đó là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình."

Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay 

Share