Đây là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm đối với bà Narges Andar – một người tị nạn đến từ Afghanistan – khi những chiếc bánh do bà làm đang được nhiều người đặt hàng để chuẩn bị cho lễ Eid.
"Việc chia sẻ được thể hiện qua món ăn, qua cách chúng ta bày tỏ tình yêu thương, sự trân trọng và gắn kết với nhau. Vì vậy, có một chiếc bánh và mọi người cùng thưởng thức trong dịp này là một điều phước lành tuyệt vời."
Bà Andar là người tự học làm bánh và dành rất nhiều thời gian để trang trí tỉ mỉ cho từng chiếc bánh.
Giữa bối cảnh giá thực phẩm tăng cao, bà cho biết việc mua nguyên liệu chất lượng là không hề rẻ.
"Tôi cố gắng giữ giá bán ở mức thấp vì tôi làm bánh tại nhà. Tôi làm vì tình yêu thương chứ không đặt nặng lợi nhuận kinh tế. Đây là đam mê và sở thích của tôi."
Bà Andar hiện sống cùng chồng và nuôi dạy hai con nhỏ tại Sydney
Dù những chiếc bánh của bà có vị ngọt, nhưng bà vẫn day dứt và đau lòng khi nghĩ về hoàn cảnh của các bé gái ở Afghanistan.
Kể từ khi Taliban cắt quyền học trung học của nữ sinh vào ba năm trước, UNICEF ước tính có khoảng 2,2 triệu bé gái bị ảnh hưởng, và đến năm 2030, sẽ có hơn 4 triệu bé gái chỉ được học hết tiểu học.
"Điều đó thật sự rất buồn. Thật sự đau lòng khi chứng kiến các bé gái phải bỏ học giữa chừng. Có lẽ các em sẽ không thể thực hiện được ước mơ của mình – chẳng hạn như trở thành bác sĩ hoặc luật sư. Tôi liên tục thấy những đoạn video quay cảnh các bé gái khóc lóc vì không thể tiếp tục việc học hoặc gặp khó khăn về tài chính. Những người phụ nữ mà không có đàn ông làm trụ cột thì làm sao họ có thể nuôi sống gia đình?"
Chính vì vậy, Bà Andar âm thầm ủng hộ việc học trực tuyến cho các bé gái ở quê hương mình.
"Có rất nhiều người tốt ngoài kia đang cố gắng giúp đỡ các em. Và dĩ nhiên, vợ chồng tôi cũng cố gắng làm những gì có thể để hỗ trợ, dù chỉ là việc học đơn giản như tiếng Anh."
Đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ khi bà Andar và gia đình phải trốn chạy khỏi chiến tranh ở Afghanistan, băng qua biên giới sang Pakistan bằng lừa thồ.
Nhưng những ký ức thời thơ ấu tại Kabul vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí bà.
"Bầu trời bừng sáng và tôi tưởng đó là pháo hoa, nhưng thật ra đó là chiến sự đang diễn ra. Những tiếng nổ lớn không phải là pháo hoa… đó là điều rất đáng sợ.
Tại Sydney, Tiến sĩ Parisa Glass – một học giả – cũng từng là người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột tại quê nhà.
"Tôi còn nhớ khi còn rất nhỏ ở Iran, nhà tôi bị bao vây bởi những người đàn ông hô vang rằng họ muốn giết cha tôi và những người Baháʼí trong cộng đồng. Cảm giác như cánh cổng địa ngục đã mở ra vậy."
Tại Đại học New South Wales, Tiến sĩ Glass đang điều hành một sáng kiến về công bằng và hòa nhập có tên là JEINA – tạo cơ hội cho những phụ nữ bị mất nơi cư trú.
JEINA là một từ trong tiếng Kurd, có nghĩa là "người mang lại sự sống".
"Sáng kiến này được thành lập vào năm 2022, sau làn sóng nổi dậy đòi quyền lợi cho phụ nữ tại Iran, khi Jina Mahsa Amini bị giam giữ và qua đời trong trại giam chỉ vì cách ăn mặc của cô ấy. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra thêm một lần nào nữa. Đây là hành trình đòi công bằng cho phụ nữ – dù họ ở bất cứ nơi đâu."
Theo số liệu của UNHCR, trên toàn thế giới hiện có gần 140 triệu người bị mất nhà cửa hoặc không có quốc tịch.
Tiến sĩ Glass đang nỗ lực cải thiện cuộc sống cho những người tị nạn đang tìm kiếm sự an toàn tại Úc.
"Di cư cưỡng bức xảy ra vì nhiều lý do – có thể là chiến tranh, vi phạm nhân quyền hoặc biến đổi khí hậu. Những người này phải đối mặt với rất nhiều rào cản để có thể tìm được việc làm, và tất nhiên là những vấn đề khác liên quan, như bạo lực gia đình hoặc sức khỏe tâm thần."
Sáng kiến JEINA đã giúp mở rộng cơ hội cho hàng trăm phụ nữ, và Tiến sĩ Glass hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong tương lai.
"Chúng tôi có một mạng lưới cố vấn rất lớn tại UNSW. Chúng tôi muốn những người phụ nữ này tận dụng điều đó, và chúng tôi muốn các doanh nghiệp hợp tác cùng chúng tôi để xây dựng một mạng lưới rộng lớn hơn nữa."
Khi tháng Ramadan kết thúc, bà Narges Andar hy vọng tất cả phụ nữ đều có thể tìm thấy lý do để ăn mừng và trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
"Hãy biết ơn và trân trọng những gì mình đang có, vì đó chính là ý nghĩa của việc nhịn ăn trong tháng Ramadan. Thế giới lúc này rất cần thêm tình yêu thương và lòng nhân ái."