Được làm người đã khó, mà sống sao với một thân tâm trong sạch thanh tịnh như một vị Phật thì lại càng khó hơn nữa. Thế nên Đức Phật ra đời thật là một điều kỳ diệu hy hữu cho tất cả chúng sinh.
Một lần nữa, trong mùa Lễ Phật Đản, chúng tôi xin kính mời quý thính giả lắng nghe những lời giảng giải, chia sẻ của Đại Đức Thích Kiên Trú, thầy trụ trì chùa Phật Đà tại số 36 Deodar St, Inala, Brisbane.
Hưng Việt: Dạ kính bạch thầy Thích Kiên Trú.
Thầy Kiên Trú: Dạ vâng, kính chào ông Trần Hưng Việt và cô Mỹ Dung. Nhân đây cũng xin chào tất cả đại chúng và quý Phật tử nghe đài.
Mỹ Dung: Con cũng xin chào thầy.
Hưng Việt: Kính thưa thầy nhân mùa lễ Phật Đản năm nay chùa Phật Đà đã hoàn thành viên mãn các buổi lễ hôm Chủ Nhật vừa rồi phải không ạ?
Thầy Kiên Trú: Dạ thưa đúng vậy thưa ông. Chủ Nhật vừa qua là ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch, chùa chúng tôi đã tổ chức Lễ Phật đản. Sở dĩ mình tổ chức Lễ Phật đản sớm, không như ngày 15 vì cũng có những cái lý do. Bởi sau Lễ Phật đản đây thì mình phải đi an cư ở dưới Melbourne một thời gian thành ra mình tổ chức sớm. Với lại ở đây cũng nhiều chùa thành ra mình luân phiên tổ chức. Tương đối là cũng rất thành công như quý ông, quý cô thấy chánh điện của mình được trang hoàng hoa trái rất là đẹp và trang nghiêm. Buổi lễ Tắm Phật và Lễ Phật Đản mình hướng dẫn thì đã thành công. Nhưng mà Chủ Nhật tới mình cũng vẫn sẽ có một buổi lễ Phật Đản để cho Phật Tử tới nữa.
Vì Lễ Phật Đản là việc vui mừng. Đản là vui mà. Phật lúc đó giáng sinh thành ra tất cả mọi người vui mừng. Trong dịp Lễ Phật Đản, truyền thống của Bắc truyền thì thường các chùa có Lễ Tắm Phật. Ngày Lễ Tắm Phật mình nghĩ là cũng đã trình bày và Phật tử cũng đã hiểu về Tắm Phật rồi. Phương diện tắm Phật thường Phật tử nhiều khi không có biết cứ lấy nước xối lia lịa, nhưng mà mình phải giải thích là xối hai gáo thôi. Hai gáo là bên vai phải bên vai trái. Khi nước bên vai phải của ngài chảy xuống thì mình phải tâm niệm rằng đây là gặp những việc phải, việc thuận duyên thì mình cũng không lấy đó làm tự đắc. Mình làm việc phải, mình thấy có việc phải thì mình phải làm. Khi những giọt nước ở trên thân Phật chảy thì mình phải nghĩ rằng Phật đâu cần tắm, ngài là thanh tịnh rồi mà, chính là tắm gội tấm thân của chúng ta – từ cái thân của mình, cái tâm của mình. Gáo nước thứ hai mình rót trên vai trái của Đức Bổn sư đản sanh thì mình phải nghĩ rằng là dù có gặp những nghịch duyên, những trái cảnh mình cũng không lấy đó làm sự sân si mà mình phải nghĩ đó là tâm bình lặng. Đó là ý nghĩa của hai gáo nước mà Phật tử tắm Phật. Nhưng cũng không phải là chỉ đến Lễ Phật Đản mình mới tắm Phật. Mỗi ngày mình đều tắm gội thân tâm của mình để cho nó được thanh tịnh và trong sạch.
Hưng Việt: Kính thưa thầy, thầy có đề cập tới việc chùa làm lễ Phật đản mùng 8 tháng 4, nhưng cũng có chùa làm Lễ Phật đản ngày rằm tháng 4. Thưa thầy có phải là vì có nhiều chùa ở một địa phương mình chia nhau làm để Phật tử chia nhau tới các chùa đầy đủ hay là có một nguyên do nào mà Phật tử thường không được thấu hiểu hay không ạ?
Thầy Kiên Trú: Dạ cám ơn ông về câu hỏi đó. Thực sự ra với truyền thống Bắc truyền, trước kia chúng ta tổ chức ngày lễ Phật đản vào mùng 8 tháng 4, ngày Phật thành đạo là ngày 15 tháng 12. Nhưng mà sau này khi mà Phật giáo ở trên thế giới họp lại, với những tài liệu và những sưu khảo về tài liệu của khảo cổ này kia thì tất cả đồng ý là Phật đản sanh vào ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch, có nghĩa là khoảng mùa trăng tròn tháng 4 âm lịch của chúng ta. Khoảng từ năm 1950 thống nhất như vậy và cũng năm 1950 có hai việc Liên hiệp quốc về lễ Phật đản, một là thống nhất gọi lễ Vesak hay là lễ Tam hợp, tức là ba ngày Phật Đản sanh, xuất gia và thành đạo. Ba cái gom lại thành một ngày gọi là Vesak. Đó là thống nhất nhất với tất cả các nước có Phật giáo.
Hưng Việt: Cám ơn thầy đã giải thích, bây giờ con hiểu rõ hơn về cái việc có hai ngày lễ Phật Đản như vầy.
Cuối cùng thì thầy còn có điều chi thầy muốn chia sẻ, truyền lại cho Phật tử ở khắp nơi hay không ạ?
Thầy Kiên Trú: Thực ra thì mình cũng đã lớn tuổi lắm rồi nhưng mà cái tâm nguyện của mình thì cũng rất nhiều. Chùa Phật Đà này khi mình đến, mình hỏi về những cái lịch sử của chùa không ai biết hết thì mình phát tâm mình sẽ viết lại một quyển lịch sử - nói lịch sử thì nó hơi to lớn, thôi tạm gọi là một quyển kỷ yếu của chùa Phật đà, nguyên ủy làm sao nó có cái chùa này. Thì công việc mình bắt đầu từ năm 2020. Nghĩ là năm 2021 là xong nhưng mà mình kẹt Covid rồi những Phật sự khác đó, thành ra bây giờ vẫn dở dang. Mình đã gởi thông báo đến tất cả các thiện tri thức quanh vùng Brisbane để xin bài viết về một kỷ niệm nào đó về cái chùa này. Thưa việc mình viết kỷ yếu này tức là mình ghi lại các sự kiện. Tại vì mình quan niệm bất cứ tổ chức nào dầu là trong chùa hay là này kia, nó cũng có nhiều ý kiến trái chiều thành ra cái quyển sách mình sẽ là không ghi nhận bất cứ một cái personal opinion nào hết. Chúng tôi chỉ cần sự kiện ngày tháng năm đó là được những việc gì việc gì và tên của những người đóng góp trong công việc này. Quý thầy đã đến đây trụ trì và đã đến đây giảng pháp này kia tôi sẽ cố gắng ghi lại hết. Dạ, với lại tất cả các hình ảnh. Thì mục đích thì cũng hơi tham tức là sau này quyển sách đó mình in ra sẽ là song ngữ một bên tiếng Anh, một bên tiếng Việt để con cháu mình nó biết một chút xíu.
Hưng Việt: Một quyển sách rất là quý
Thầy Kiên Trú: Mình cũng cố gắng…
Hưng Việt: Dạ con kính cám ơn thầy Kiên Trú đã dành thì giờ quý báu của thầy nhứt là thầy còn đang mệt mỏi sau Lễ Phật Đản vừa rồi. Xin kính chúc thầy được nhiều sức khỏe, thân tâm luôn an lạc.
Thầy Kiên Trú: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.Rất là cảm tạ sự đến đây để mình có dịp thưa chuyện về các hoạt động của chùa Phật đà. Hy vọng công việc được ông Hưng Việt và cô Mỹ Dung giúp đỡ cho mình trong việc hoàn tất cái cuốn kỷ yếu chùa. Mình cũng nhắc lại đây là cuốn kỷ yếu ghi lại tất cả những cái facts những sự kiện chứ không có ý kiến cá nhân. Thành ra, xin mọi người có nghe thì cứ hoan hỷ đóng góp cái sự hiểu biết của mình
Hưng Việt: Chúng tôi thiển nghĩ việc biên soạn quyển kỷ yếu về chùa Phật Đà, một trong những ngôi chùa đầu tiên của cộng đồng người Việt chúng ta ở Brisbane, là một Phật sự rất quan trọng để ghi lại sự hình thành và tiến trình của phong trào Phật giáo của người Việt chúng ta ở thành phố này.
Do đó kính mong quý Phật tử nói riêng và quý đồng hương ở Brisbane nói chung đóng góp tài liệu, công sức cũng như tài chánh để việc ra đời của quyển sách này được hoàn thành viên mãn. Chân thành đa tạ.
Mỹ Dung: Ngài Gandhi từng nói, “Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình trong sự phục vụ những người khác.” (nguyên văn: the best way to find yourself is to lose yourself in the service of others)
Thật đáng quý biết bao khi có nhiều Phật tử đã âm thầm đóng góp rất nhiều cho Phật sự. Sau đây, kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm của chúng tôi với anh Phạm Thanh Huy, một Phật tử và là một thiện nguyện viên đóng góp rất nhiều công sức cho chùa Phật Đà.Hưng Việt: Dạ trước hết xin chào anh Huy ạ.
Phạm Thanh Huy, một Phật tử và là một thiện nguyện viên đóng góp rất nhiều công sức cho chùa Phật Đà Source: Supplied
Thanh Huy: Dạ xin chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả SBS.
Mỹ Dung: Dạ chào anh Huy
Hưng Việt: Dạ trước hết xin anh Huy cho biết anh làm việc thiện nguyện ở chùa Phật Đà này được bao lâu rồi ạ?
Thanh Huy: Dạ,Huy nghĩ chắc cũng mười mấy năm rồi.
Hưng Việt: Cơ duyên nào mà anh bắt đầu phụng sự ở đây?
Thanh Huy: Dạ thì đi chùa rồi xin vô làm giúp mấy bác rồi sau này thì cứ những lễ lớn chùa gọi về phụ chùa.
Hưng Việt: Anh là trưởng ban lo về vấn đề nấu nướng vào những ngày lễ lớn hay là sao hả anh?
Thanh Huy: Ở đây chùa có cô Hối là cô bếp trưởng mà những lễ lớn thì phần ăn là khoảng từ 500 người hay hơn 1000 người trở lên thì mấy cô lo không xuể thì Huy về Huy phụ.
Hưng Việt: Thưa anh trong nhà bếp mỗi lần nấu ăn một buổi lễ lớn như vậy đó thì thường có khoảng bao nhiêu người phụ vô cả thảy thưa anh.
Thanh Huy: Dạ nếu nói đúng ra thì bây giờ thì chùa cũng có hai ba chục cô thường xuyên mỗi tuần đều là về chùa giúp tại vì mỗi tuần chùa đều có hoạt động. Những ngày lễ lớn Huy gọi mấy đứa em về phụ giúp làm với mấy cô.
Mỹ Dung: Dạ phải mấy em đó trong gia đình Phật tử không anh?
Thanh Huy: Dạ trong gia đình Phật tử thì cũng có những phụ huynh và cũng có những huynh trưởng về phụ giúp cho Chùa và những em ở ngoài. Mấy em đó là có cái tâm muốn làm thiện nguyện thì những cái lễ này các em rất là thích đi về chùa để làm. Tại vì làm cái này thì là làm với cái tâm. Chứ không phải là vì tiền hay vì tiếng tăm gì hết.
Hưng Việt: Thưa anh hồi nãy anh có đề cập tới mỗi buổi lễ lớn thì thường nấu cho 500 đến 1000 người, như vậy thì thông thường mỗi Chủ nhật thôi đó các chị với lại các em ở đây phải lo cho khoảng bao nhiêu phần ăn cả thảy?
Thanh Huy: Dạ bây giờ thì tại vì hai năm nay mùa Covid thì chùa minh không có hoạt động thì con số bây giờ nó không còn nữa. Thật sự bây giờ cũng không dám phô trương ra tại vì Covid. Còn bây giờ mỗi tuần chùa có cái sự mình gọi là buôn bán để kiếm tiền xoay sở cho chùa tại mình có tiền nước, tiện điện v.v… nhiều lắm. Ở tại đây giờ mình kiếm được tiền buôn bán để xoay sở, thí dụ mai sau mình có dự định là mình sẽ xây thêm một cái nhà cho mấy vị thầy, mấy vị sư về ở thì mình có tiền để cho mấy chú trong bạn trị sự xây. Mình xin thì rất là khó bây giờ xin ai? Thôi giờ mình lấy công sức của mình để mình làm kiếm tiền.
Hưng Việt: Anh Huy có ở trong Ban Trị sự hay là trong Hội Phật giáo ở đây không?
Thanh Huy: Dạ không. Huy không có tên tuổi gì, chừng nào có dịp gì thì mình về thì mình làm thôi.
Hưng Việt: Một thiện nguyện viên âm thầm nhưng mà rất tích cực.
Thanh Huy: Những khóa tu mà những thầy hay những hòa thượng ở nước ngoài về đó và cũng như những chú trong Ban Trị sự thì đối với Huy thấy đó là điều quan trọng cho một cái ngôi chùa để có Phật tử về tu học. Thì khi mà có mấy khóa tu đó thì mấy chú gọi Huy biết Huy về Huy nấu cho Phật tử.
Mỹ Dung: Anh Việt biết hông, đó là cả một sự hy sinh đó tại vì mỗi lần có những hòa thượng, những thầy mà về giảng bài thì thay vì những người ở trong bếp họ lên họ nghe mà họ hy sinh, họ phục vụ cho những Phật tử ở trên này.
Hưng Việt: Vậy đó
Thanh Huy: Dạ thì phần đông bây giờ thì các cô ở đàng sau nhà bếp hay là các chú cắt cây cắt cỏ thì mỗi một người cho một cái sức, thì giờ của họ làm. Mỗi người, tại vì trong cái Chùa này lớn quá, có nhiều chú cứ tối ngày cắt cỏ. Có người tỉa cây. Mỗi người đều quan trọng hết. Không phải là chỉ trong ban nhà bếp không.
Khi có những chuyện xi măng, hay là những gì không có người thì mấy chú gọi, thì Huy cũng sẵn sàng vô phụ giúp. Chứ không phải là mình nấu, cầm xẻng là mình cứ nấu thôi. Thì vô chùa thí dụ mình kêu đi rửa chén thi mình cũng đi rửa chén. Tại vì mình giúp chùa mà. Không phải làm một chuyện nào hết.
Hưng Việt: Anh Huy,nghề tay mặt của anh là làm gì hả anh Huy?
Thanh Huy: Dạ ngày xưa thì có làm ăn, rồi sau này thì đi làm hãng. Chừng nào chùa có dịp thì sắp xếp công việc hãng cũng rất là hoan hỷ, tại vì Huy nói là Huy đi giúp cho chùa.
Hưng Việt: Hãng Úc hay hãng Việt? Họ cũng tử tế ha.
Thanh Huy: Hãng Úc, mà hãng lớn lắm, tại vì mình nói là làm cho chùa đó là ok.
Hưng Việt: Dạ tốt qua ha.
Thanh Huy: Trong chùa này hên một cái là mình có 2 ban: một ban là bên gia đình phật tử Chánh Tâm. Và mình có thêm một cái ban bên võ đường Vovinam. Lúc nào chùa có lễ thì hai bên đó đều về phụ giúp cho chùa. Các anh, các chị rất là vui vẻ về giúp. Có lúc có người bận, thì người khác rảnh. Lúc nào ai cũng về đây. Cái sinh hoạt trong chùa này coi như là mình cũng hên, được nhiều sự trợ giúp lắm.
Hưng Việt: Không phải hên đâu mà tui nghĩ là sự tổ chức rất là khéo léo và hay đó của hội Phật giáo.
Thanh Huy: Huy nghĩ là cũng nhờ mấy chú Ban Trị sự, mấy chú hợp tác chung tất cả anh em. Cái chùa lớn như vầy và mọi chuyện rất là đẹp đẽ ở đây.
Hưng Việt: Cuối cùng là cảm ơn anh Huy rất là nhiều. Anh đang bận rộn mà dành thì giờ cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Thì xin ngỏ lời cảm phục cái tinh thần dấn thân và cống hiến cho phật sự như anh. Kính chúc anh và gia quyến được luôn luôn nhiều sức khỏe, bình an và thân tâm an lạc.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung