Dân đảo Torres với vụ kiện pháp lý đầu tiên trên toàn cầu chống lại Chính phủ Úc

Saibai  NAIDOC

Saibai Adası'nda yükselen deniz suyunu tutmayı hedefleyen deniz seddi. Source: SBS

Với chủ đề năm 2021 cho Tuần lễ NAIDOC là “đất nước hàn gắn”, Người dân đảo Torres Strait đang đấu tranh để cứu đất nước của họ trước tác động của biến đổi khí hậu.


Một nhóm cư dân đảo đã kiện lên Liên Hợp Quốc vì cho rằng Chính phủ Úc đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. 

Nhóm cư dân lo sợ cho sự tồn vong của nền văn hóa của họ và nói rằng các hòn đảo đang dần trở nên không cư ngụ được nữa. 

Yessie Mosby cho biết hòn đảo quê hương của ông đang biến mất với tốc độ đáng kinh ngạc. 

"Trong vòng bốn năm, chúng tôi đã thấy tám mét bị chìm xuống biển. Thật đáng sợ. Mỗi ngày đối với chúng tôi đều là sự sợ hãi. Mỗi ngày đều có cái gì đó bị lấy đi khỏi nơi này. 

Mosby là người Kulkalgal đến từ Masig - một hòn đảo nhỏ ở eo biển Torres, nơi mà biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề sống còn. 

Đứng trên một bãi cát rộng mênh mông, ông mô tả khung cảnh nhịp sống trước đây của làng quê:

Tất cả các ngôi làng đều nằm dọc bờ biển này. Và nhìn xuống phía đó bạn sẽ thấy toàn là những cây cọ. Không có bãi biển ở đây. Bãi biển nằm cách đường 50 mét. Tất cả những khu vực này đã từng có đường lớn. Mọi người thường ngồi trên cây hạnh đào lớn, vẽ bản đồ, kể chuyện. Họ đi bộ tản bộ quanh đây. Mọi người đều sống hạnh phúc. 

Khi vùng đất này có nguy cơ biến mất, thì một nền văn hóa hàng thiên niên kỷ cũng không còn tồn tại. 

Eo biển Torres, ngoài khơi cực bắc của Queensland, là nơi có một chuỗi các đảo thấp, 18 trong số đó là nơi sinh sống của những người thổ dân Úc có nền văn hóa gắn kết với đất liền. 

Hội đồng Khí hậu cho biết, mực nước ở eo biển Torres đang dâng lên với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Hiện tại, các hòn đảo đang trong tình trạng nguy hiểm. 

Herbert Warusam là thủ lĩnh bộ tộc Dhoeybaw trên đảo Saibai. Ông Warasum nói rằng nước mặn đang ngấm vào nguồn nước ngọt ở đây. 

Mỗi năm, nước mặn trong các đợt triều cường tràn vào. Tôi nghĩ trong khoảng 30 đến 40 năm nữa, chúng ta có thể thấy nước mặn sẽ nằm trong các giếng nước ngọt. 

Saibai, cách bờ biển Papua New Guinea 4 km, là nơi sinh sống của 500 người. Herbert Warusam lo ngại rằng hòn đảo này sắp không thể ở được nữa. 

Chúng tôi đang chứng kiến tác động hiện nay của biến đổi khí hậu. Quyết định dời đi sẽ thuộc về các con tôi, chúng gánh vác thế hệ của chúng. 

Đối với Yessie Mosby, mất đất là mất tất cả. 

Ông là một trong tám người dân Đảo Torres đang theo đuổi một vụ kiện pháp lý đầu tiên trên toàn cầu chống lại Chính phủ Úc, cho rằng việc không hành động về biến đổi khí hậu là vi phạm quyền bảo tồn văn hóa của họ.
“Tôi lo sợ cho sáu đứa con. Tôi không muốn chúng trở thành dân tị nạn trên chính đất nước của chúng. Tôi muốn chúng có cuộc sống tự do. Tôi muốn chúng sống theo cách mà cha mẹ ông bà của chúng tôi đã làm trong hàng trăm, hàng ngàn năm.”
Sophie Marjanac, một luật sư người Úc thuộc tổ chức từ thiện pháp lý môi trường ClientEarth, đang đại diện cho tám nguyên đơn. Bà cho biết phán quyết về vụ việc dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. 

Các khách hàng của chúng tôi hy vọng quyết định này sẽ xác nhận rằng quyền con người của họ đang bị vi phạm do Chính phủ Úc không hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu. Họ đang sống với tác động của biến đổi khí hậu hàng ngày. Và họ đang nhìn thấy những tác động đến quyền bảo tồn văn hóa, cuộc sống gia đình và ngôi nhà của họ. Chúng tôi hy vọng rằng quyết định này sẽ khẳng định biến đổi khí hậu là một vấn đề nhân quyền nghiêm trọng, không chỉ đối với eo biển Torres, mà đối với mọi người trên toàn thế giới. 

Chính phủ Morrison nói với SBS rằng họ "tự tin là các chính sách về biến đổi khí hậu của họ phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế", và họ đã "cam kết cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng" ở eo biển Torres. 

Điều đó bao gồm đầu tư 25 triệu đô la cho tường chắn sóng, tài trợ sẽ bắt đầu vào năm 2019 và tiếp tục đến năm 2023. 

Các chủ sở hữu truyền thống vẫn đang chờ đợi quá trình xây dựng bắt đầu. 

Tại Saibai, một bức tường chắn sóng trị giá 25 triệu đô la được thiết kế để bảo vệ hòn đảo khỏi ngập lụt đã hoàn thành vào năm 2017. Dài hơn 2 km, công trình do chính phủ Liên bang và tiểu bang Queensland đồng tài trợ. 

Người dân địa phương cho biết cho đến nay công trình đã hoạt động, nhưng họ tin rằng nó chỉ làm trì hoãn một điều không thể tránh khỏi. 

Dân đảo Torres đang thúc giục Chính phủ hành động mạnh mẽ hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Họ hy vọng phán quyết của Liên hợp quốc sẽ gây áp lực lên các chính phủ để cứu những ngôi nhà trên đảo của họ. 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share