Theo Tiến sĩ Kristy Goodwin tại North Manly, thời gian sử dụng màn hình điện tử của con người đã thay đổi đến chóng mặt trong những năm vừa qua (bao gồm màn hình TV, máy tính và điện thoại). Là một bà mẹ hai con, bà Goodwin cho rằng các bậc phụ huynh cần phải dành ít thời gian "sống ảo" để giao tiếp với con cái và khuyến khích trẻ em vận động nhiều hơn.
"Trẻ em trong quá khứ thường dành rất nhiều thời gian để chạy nhảy, vui chơi, thế nhưng giờ đây chúng cứ dán mắt vào màn ảnh. Chúng ta cần hành động để bảo vệ tuổi thơ cho trẻ em."
Lời khuyên của bà được dựa trên phúc trình y tế mới nhất của Northern Sydney PHN, cho thấy 1 trong 3 trẻ em từ 5-15 tuổi đang có một lối sống thụ động, và chỉ có 1 trong 5 trẻ em dành đủ thời gian để chơi thể thao.
Trang Healthy Kids của chính phủ tiểu bang New South Wales cũng cho biết, việc dành quá nhiều thời gian để xem TV hoặc chơi điện tử cũng đem lại một số ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, bao gồm: cong vẹo tư thế, giảm thị lực, đau cổ tay, mất ngủ, thiếu kỹ năng xã hội, và dễ béo phì.
Trang này khuyên mọi người nên sử dụng màn hình điện tử ít hơn 2 tiếng mỗi ngày, hoặc nếu phải làm việc thời gian dài thì nên chia thành những khoản nhỏ.
Tiến sĩ Goodwin nhấn mạnh: Trẻ thơ cần đáp ứng 7 nhu cầu cơ bản trong mỗi 24 giờ, bao gồm ngủ, chơi, nói chuyện, giao tiếp, dinh dưỡng, vận động và trí tuệ. Những nhu cầu này là vô cùng thiết yếu trong quá trình học hỏi và phát triển của con trẻ.
"Điều đầu tiên chúng ta được biết là, việc dành thời gian hòa mình với thiên nhiên sẽ giúp tăng khả năng tập trung của trẻ thơ. Chúng ta biết là thiên nhiên giúp hiệu chỉnh lại não bộ, tức là sau khi trẻ em dành một khoảng thời gian vui đùa trong môi trường tự nhiên, cơ thể và bộ não của chúng sẽ trở nên điều hòa hơn, từ đó dễ tập trung hơn.
"Vậy nên tôi có một mẹo nhỏ dành cho quý vị phụ huynh là, sau khi trẻ chơi game hoặc xem TV, hãy cho trẻ vui đùa với thiên nhiên trong khoảng 5-10 phút để cơ thể hồi phục."
Bà Goodwin ủng hộ chương trình Kinderling Kids Radio, theo đó khuyến nghị mỗi gia đình nên tắt các thiết bị điện tử ít nhất 1 tuần/ lần để dành thời gian cho việc đạp xe, đá bóng, nấu ăn hoặc theo đuổi một loại hình nghệ thuật nào đó.
"Sau khi trẻ chơi game hoặc xem TV, hãy cho trẻ vui đùa với thiên nhiên trong khoảng 5-10 phút để cơ thể hồi phục." Kristy Goodwin
Cùng lúc đó, ông Richard Louv, tác giả cuốn sách Last Child In The Woods: Saving Our Children from Nature Deficit Disorder, cho rằng ít cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên và môi trường bên ngoài có thể cản trở óc sáng tạo và sự phát triển những tố chất tuyệt vời.
Ông Louv giải thích rằng internet có thể là nguồn cung cấp các kiến thức bổ ích nhưng nghiên cứu cho biết, các trẻ em ngày nay thường rất thiếu các kiến thức và trải nghiệm thực tế. Nếu bạn có thể tạo điều kiện cho trẻ vui đùa trong những sân chơi tự nhiên - trẻ sẽ phát triển tốt hơn về mặt tinh thần.
Làm cách nào để khuyến khích trẻ vận động?
- Hãy để trẻ được chơi những trò xây dựng, như xây nhà, pháo đài, lâu đài… là cách tuyệt vời để trẻ thử nghiệm và học về tự nhiên cũng như khả năng của chính mình. Nếu chúng thực sự có khả năng, trẻ có thể làm được những điều khiến bạn ngạc nhiên như một ngôi nhà bằng gỗ…
- Khuyến khích trẻ chơi với bạn bè, đặc biệt với những trẻ có khả năng sáng tạo lớn. Một nghiên cứu của Thụy Điển chỉ ra rằng chơi trên sân bê tông, yếu tố về thể chất sẽ giúp trẻ thiết lập trật tự hay thứ hạng trong nhóm bạn, nhưng khi chơi trong môi trường gần gũi với thiên nhiên, những trẻ có óc sáng tạo sẽ trở thành những nhà lãnh đạo.
- Khuyến khích trẻ sử dụng tất cả các giác quan. Quan sát bằng mắt và sờ nắm bằng tay thường được dùng nhiều nhất nhưng nghe và ngửi là giác quan quan trọng giúp cảm nhận được thế giới xung quanh rõ nét hơn tất cả những trải nghiệm cảm nhận bằng tay. Trẻ có thể học rất nhiều khi ngồi trên cánh đồng cũng như khi trèo cây.